Tôi Đưa Em Sang Sông


Mỗi lần nghe bài hát Tôi Đưa Em Sang Sông thì tự động trong trí tôi lại hiện lên hình ảnh chiếc phà sông Hàn trước ngày Đà nẵng có những cây cầu bắt ngang qua. Hồi đó chỉ cách nhau một con sông nhỏ thôi mà hình dung giữa quận nhất và quận ba là hai vùng đất cách xa nhau lắm. Không phải khoảng cách địa lý mà chính là khoảng cách tâm lý làm chúng ta tưởng vậy. Bên này và bên kia. Quận nhất và quận ba. Phân chia rõ ràng trong tâm trí mình. Bởi vậy mới có câu nói đùa mà mỗi lần nghe vừa thấy vui lại vừa thấy áy náy xúc phạm. “Con gái quận ba bằng bà già quận nhất”. Lối so sánh ác ý như mặc định nhan sắc của những cô gái bên này khác hẳn với bờ bên kia. Và, dù biết chỉ là những lời nói đùa nhưng mình cũng phải ngờ ngợ mà tin vậy.
Nhưng sau 75, có dịp đi chơi xa hơn là chỉ lòng vòng trong trung tâm thành phố, tôi mới khám phá ra rằng quận ba và cả quận nhì nhiều nơi có những cô gái rất xinh xắn. Nhất là ở những xóm đạo, khi đa phần người dân các nơi khác di cư đến. Từ miền Bắc đến năm 54, hay sau này từ ngoài Quảng trị di cư đến vì biến cố mùa hè đỏ lửa 1972. Vậy là từ đó trong trí mình đã bớt đi phần nào cái định kiến “cô gái-bà già” có từ bao năm. Thỉnh thoảng tôi còn háo hức theo mấy ông bạn đạp xe lang thang qua tút quận ba “hóng mát” 🙂 .Bây giờ thì chắc quận ba cũng đã là phố xá lộng lẫy như phía bờ tây rồi. Câu nói đùa “Con gái quận ba bằng bà già quận nhất” chắc không còn ai thật sự nhắc đến, ngoại trừ mấy ông bạn tuổi cở tôi, thỉnh thoảng gặp nhau hay đùa như để tìm lại niềm vui một thời “trẻ trâu” (chử dùng thời thượng bây giờ) 🙂


ST: Nhật Ngân & Y Vũ
Hữu Hiền

Tôi đưa em sang sông, chiều xưa mưa rơi âm thầm
Để thấm ướt chiếc áo xanh, và đẫm ướt mái tóc em
Nếu xưa trời không mưa, đường vắng đâu cần tôi đưa
Chẳng lẻ chung một lối về mà nở quay mặt bước đi

Tôi đưa em sang sông, bàn tay nâng niu ân cần
Sợ bến đất lấm gót chân, sợ bến gió buốt trái tim
Nếu tôi đừng đưa em, thì chắc đôi mình không quen
Đừng bước chung một lối mòn, có đâu chiều nay tôi buồn

Rồi thời gian lặng lẽ trôi,
Đời tôi là chiến binh đi khắp phương trời
Mà đời em là cánh hoa,
Đẹp muôn ngàn ý thơ, như ngóng trông chờ

Hôm nao em sang ngang, bằng xe hoa thay con thuyền ?
Giờ phút cuối đến tiễn em, nhìn xác pháo vướng gót chân
Gót chân ngày xa xưa sợ lấm trong bùn khi mưa..
Nàng đã thay một lối về, quên cả người trong gió mưa

3 Comments

  1. Hihi hồi đó danh từ “bên sông” dành cho những gia đình không được khá giả (nhà cửa bên sông rẻ hơn nhiều), đen đúa (vì phải đi đò qua sông), còn có cả ổ của VC nằm vùng (Đoá Hồng Gai – hồi ký cuả Nguyễn Thanh Nga). Bây giờ thời thế đã đổi khác, “bên sông” toàn là những resort đắt tiền. Cám ơn Hiền cho nghe một sáng tác rất hay của nhạc sĩ Nhật Ngân, là người của Quảng Nam, giải khuây vào ngày giữa tuần bận rộn 🙏

  2. Hay lắm anh Hiền ơi , nhưng sợ lấm khi bùn trong mưa ?

    • Hihi. Lỗi kỷ thuật Đôn. Không hiểu sao người làm ra cái clip karaoke này rải chử như vậy. Mình thì theo quán tính cứ vô tình hát theo. Đến khi đăng bài hát kèm theo lời thì mới biết là sai nguyên bản của tác giả. Nhưng lỡ rồi, lười hát lại quá. Vả lại, nghĩ tới nghĩ lui “Sợ lấm khi bùn trong mưa…” cũng có lý của câu chử. Không có cô gái nào lại đem nguyên gót chân mình dẩm trong bùn khi mưa cả. Chỉ có gót chân bị bẩn khi những giọt bùn bắn lên trong mưa. Hihi. Cải như vậy cho đúng chất quảng, nhưng phải xin lỗi tác giả vì hát sai lời 😃
      Bài này hình như cũng bị lùm xùm qua lại vì cả Nhật Ngân và Y Vũ đều nhận mình là tác giả của nó. Nhất là ông Y Vũ nêu ra những chứng cứ tác quyền sau khi nhạc sĩ Nhật Ngân mất. Nhưng theo cảm nhận của mình, phần nhạc thì không rõ chứ lời thì có lẽ của Nhật Ngân. Chỉ có những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ đất quảng mới có thể tài tình đưa những ngôn từ bình thường hằng ngày vô tác phẩm của mình mà vẫn làm xao động người đọc, người nghe. “Gót chân ngày xa xưa sợ lấm trong bùn khi mưa..”. Gót chân lấm bùn, thì chỉ có người dân đất quảng mới có lối nói bình dị mà tượng hình như vậy. Vài hàng suy nghĩ. Cầu cho hương hồn nhạc sĩ Nhật Ngân thong dong yên nghỉ nơi vĩnh hằng.
      Hiền

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *