Boston, cuối mùa Thu

     

  “Cuối thu, nắng buổi chiều chỉ còn đủ sức phản chiếu sắc đỏ vàng lá cây chớ không đủ ấm để làm bớt đi cái se lạnh giữa mùa thu phong. Trên con dốc đổ xuôi về cuối phố lá đã rụng ngập cả lối đi, lá nhuộm rực vàng cái màu không gian chừng hư ảo. Trong lúc này, cảnh vật như vậy thì có ai tránh khỏi rạo rực lòng mà không tự thưởng cho mình một khoảnh khắc riêng tĩnh lặng. Ai mà không muốn bước chân ra khỏi nhà làm một việc gì đó cho có vẻ hơi lãng mạn, hơi cải lương một chút để thỏa mãn nhu cầu cảm xúc. Đi mua một bao thuốc lá, đi tìm một ly cà phê nóng hay chỉ là dạo bước cho bớt tù túng cũng là cái cớ để giấu đi cảm giác một mình mông lung về quá khứ. Một quá khứ mù khơi như nay ta giơ đôi bàn tay tự ngắm những đường chỉ mờ mờ không rõ nét thanh xuân. Những đường chỉ bàn tay trông như những con đường ngoằn ngoèo giữa lòng thành phố. Cái thành phố nơi có những hàng cây cổ thụ phủ bóng bao giờ cũng sẵn lòng chào tiễn lúc ta ra đi hay chờ đón lúc ta trở về. Nơi có những con đường mang tên Quang trung, Độc Lập, Gia Long… xuôi chung về một mái trường. Và có cả con đường quen thuộc ta từng lang thang theo dấu chân người tưởng tượng được một lần chạm vào bàn tay đêm về mơ thoảng cả mùi hương.
Mùa Thu trở lại dễ làm ta nhớ da diết những năm tháng học trò nơi quê nhà. Ta nhớ cả những điều nhỏ nhặt nhất mà nghĩ lại còn thấy buồn cười. Nhớ bờ tường rào kẽm gai TTGD Nguyễn Hiền, nơi nhiều hôm mình cùng lũ bạn trèo qua để trốn học, nhớ cái quán nhỏ bán chè giờ ra chơi, rồi một góc lớp học bọn mình hay tụ tập bàn chuyện phá phách hoang đàng… Còn nữa chớ, nhớ đôi mắt ướt, mái tóc dài của ai kia đeo đuổi mình cả một thời tập làm người lớn. Tiếc nuối, ta cuối xuống nhặt từng mảnh vỡ ký ức như nhặt những chiếc lá vàng vừa rụng dưới chân mình. Nâng niu muốn giữ hoài trong tay.”

      Boston cuối tháng 11 thời tiết bỗng dưng khô ráo, khu vườn nhà không còn ẩm ướt bởi đợt mưa của tuần trước. Tôi loay hoay dọn dẹp lá cây đã rơi ngập khắp nơi, sợ khi tuyết đổ xuống sẽ ủ lá suốt mùa đông làm chúng ẩm mục. Sau vài giờ vất vả, khu vườn nay đã tạm tươm tất, sạch sẽ. Tôi giơ tay quơ vội những chiếc lá còn sót lại khi nắng chiều sắp tắt bên kia sườn đồi. Trong ánh sáng le lói còn sót lại trong ngày, những chiếc bao giấy lớn đã đầy ấp lá cây, chúng được sắp ngay ngắn để chờ xe rác của thành phố đến mang đi. Tôi thấy thật thoải mái khi nghĩ đến công việc đã hoàn thành. Tự thưởng cho mình điếu thuốc lá chăng? Không, tôi đã bỏ thuốc vài năm rồi. Café thì không sẵn có ở đây, thôi thì chỉ biết ngắm nhìn cảnh vườn nhà. Những cành cây chơ vơ trơ trụi, những chiếc lá cuối cùng đang rơi xuống đất. Thượng đế bao giờ cũng công bằng khi tạo ra muôn loài. Cảnh vật ở những vùng như Bắc Mỹ này tựa như được tạo hóa ưu đãi hơn để bù lại những ngày dài lạnh giá. Nơi càng lạnh thì bốn mùa càng rõ rệt, những sắc màu khi mùa thay đổi càng rực rỡ đẹp hơn. Tôi có đọc đâu đó câu chuyện cổ tích thật thú vị về lá cây tự đổi màu khi sắp sang Đông. Tương truyền rằng, những nàng tiên có một thời sống ở trần gian, ban đêm từ các vì sao trên trời đã lén lút bay về sơn đỏ, vàng những chiếc lá. Sớm mai thức dậy, ta thấy chỉ qua một đêm mà lá cây đang có màu xanh bỗng dưng chuyển sang vàng, nâu hoặc đỏ. Các nàng tiên đã tô màu cuối Thu cho lá như để diễn tả nổi niềm nhớ nhung chốn nay. Đó chỉ là chuyện cổ tích, còn theo khoa học thì trong lá cây có ba hóa chất là Chlorophyll (Diệp lục tố), Carotinoids, Anthocyanin, mỗi chất tuần tự có màu xanh, vàng và đỏ. Chất Chlorophyll mang màu xanh có công dụng để tích lũy năng lượng cho cây trong quá trình quang hợp. Nhưng khi nhiệt độ ngoài trời bắt đầu lạnh và ngày ngắn lại hơn đêm thì chất này không còn được sinh ra nữa, còn lại chất Carotinoids nên lá có màu vàng. Riêng màu đỏ, giả thiết cho rằng nó được tạo nên cho những tàng cây yếu đuối. Vào cuối Thu, màu đỏ trong Anthocyanin sẽ kích thích cho quá trình quang hợp nhanh hơn, tích lũy được nhiều năng lượng hơn để chúng có thể sống sót qua mùa Đông. Bởi vậy, nhiều khi có cùng một giống cây, được trồng cùng một nơi mà khi lá đổi màu lại có hai màu khác hẳn nhau. Trong khu vườn nhà tôi có hai cây Phong khá to cạnh nhau mà theo chủ nhà cũ thì chúng được trồng cùng một lúc. Thật lạ là khi cuối Thu, một cây thì lá có màu vàng, cây kia nằm phía thấp hơn thì lá đổi màu sang đỏ sẩm. Thời gian để lá trên cành rụng hết cũng khác nhau hẳn, cây màu đỏ thì chỉ trong thấp thoáng vài ngày có gió là đã trơ trụi. Riêng cây có lá vàng thì dai dẳn lắm, đến khi vào hẳn mùa đông lá mới rụng hết được. Cũng khổ lắm vì mình chỉ mong sao cho lá trong vườn đều rụng cùng một lúc cho dể và đở tốn thời gian dọn dẹp hơn. Ông già hàng xóm cạnh nhà tôi, năm nào vào mùa này cũng than phiền vì lá cây bên tôi sao mà cứ dai dẵn bay sang chẳng bao giờ dứt. Nhiều khi tôi cũng muốn kêu thợ đến đốn đi cho rồi nhưng nghĩ đến cây còn lại đứng chơ vơ một mình, lại ngần ngừ, tiếc nuối sợ cây cỏ cũng hữu tình sẽ cô đơn lắm. Tôi chợt nghĩ đến những cặp vợ chồng già, đến cuối đời khi không còn con cái chung quanh chỉ còn biết nương tựa vào nhau hằng ngày. Tôi đã thấy nhiều người đã đi theo người kia trong thời gian rất ngắn vì vợ hoặc chồng mình đã không còn nữa. Cây cỏ cũng có linh hồn của nó, cũng cô đơn khi trơ trọi một mình. Tôi tin chắc rằng, cây Phong có lá màu đỏ, yếu ớt trong vườn nhà sẽ không sao sống nổi khi mất đi cây Phong mạnh khỏe kế bên.

      Mỗi lần nhìn thấy khu rừng Phong đang đổi màu là tôi lại hay lẩn thẩn nghĩ về những cảnh được tả trong truyện kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung. Thời còn đi học ở quê nhà tôi mê đọc truyện kiếm hiệp lắm. Bao nhiêu tiền của cha mẹ cho để xài vặt tôi đều tạm gửi ở cái quán cho thuê truyện gần nhà trên đường Ông ích Khiêm, Đà nẵng. Đến bây giờ tôi vẫn còn hình dung được và kể cả ngửi được mùi của những trang sách được in bằng giấy rẻ tiền, ngã màu vàng úa, có mùi ẩm mốc vì đã qua tay nhiều người đọc. Sau khi vào Saigon cũng vậy, hằng ngày tôi vẫn đắm chìm trong thế giới Kim dung chớ có chịu khó học hành gì đâu. Lúc đó nhà nước cũng cấm máy loại sách này nên hiếm có tiệm nào dám tàng trữ để cho mướn lắm. Bởi vậy, vài ngày một lần, tôi phải đạp xe xa cả chục cây số để kiếm truyện về đọc, luyện thêm cho đủ công lực đợi ngày xuống núi mà. Sau này có viết này viết nọ cho đở buồn thì nội dung trong bài viết đều phảng phất màu sắc của văn chương Kim Dung. Đọc sách loại nào thì ảnh hưởng loại đó, cuộc đời tôi sau này ba chìm bảy nổi cũng vì nổi máu anh hùng kiểu như mấy nhân vật trong các pho truyện kiếm hiệp tàu mà thôi. Trong các mẫu người hùng của Kim Dung có lẻ tôi cũng như nhiều người đều mê nhân vật Kiều Phong trong Thiên Long Bát Bộ. Chàng này vừa có võ công cao cường, tính cách anh hùng, lại còn rất lãng mạn trong tình yêu nữa. Đại khái Kiều phong là người Khất Đan nhưng được người Hán nuôi từ nhỏ nên cứ ngỡ mình là người Hán. Nhưng khi lớn lên, nổi tiếng trong giới giang hồ thì vô cùng buồn bả thất vọng vì khám phá ra lai lịch thật của mình. Chàng như đứng giữa hai lằn đạn vì người Khất đan và Hán lúc đó là hai dân tộc thù địch. Trong cơn buồn phiền vô độ vì bị người Hán khinh bỉ cộng thêm đã lỡ tay giết chết người yêu là nàng A Châu, Kiều Phong đã bỏ đi, rời xa chốn giang hồ. Chàng đi về bên kia Nhạn môn quan, sống cuộc đời mai danh ẩn tích. Kim Dung đã tả cảnh sống của Kiều Phong lúc đó thật lãng mạn và kiêu hùng, tựa như con sư tử đơn độc giữa rừng già. Tôi mê nhất là đoạn tả khi Kiều Phong một mình đứng giữa khu rừng Phong đã ngã màu vàng đỏ chiếu rực một trời. Chàng nhìn lá bay trong gió mà nghĩ về cuộc đời mình, nhớ không nguôi nàng A Châu một thời yêu dấu. Hồi đó có bao giờ ta thấy được khung cảnh như vậy ở Việt nam đâu. Cây Phong như trong truyện còn chưa thấy huống gì được chiêm ngưỡng cả một rừng Phong đang thay màu lá. Nhưng tưởng tượng mơ mộng mà, nhiều khi tẩu hỏa nhập ma cứ ngỡ mình là chàng kiếm sĩ vì thù nhà nợ nước đang băng mình trong một chiều cuối Thu se lạnh…. Hơn 30 năm nay, sống toàn nơi xứ lạnh thì tôi đã thấy được lá Phong của Kim dung rồi. Không những vậy, hằng ngày tôi còn bi bao vây bởi cả một rừng Phong. Trên đường đi làm cũng thấy Phong, về nhà vườn trước, vườn sau đều hiển hiện những tàng cây với lá có dáng hơi tròn, dài ở phần cuối, nhọn và góc cạnh. Tôi có thua gì chàng Kiều Phong ở bên kia Nhạn môn quan đâu, cũng hiên ngang băng mình đi về trong cánh rừng Phong. Không những vậy tôi còn oai hùng hơn chàng này vì chiến mã Toyota của tôi còn nhanh hơn nhiều so với vó ngựa của Kiều Phong. Chỉ tiếc một điều, khi đứng giữa rừng Phong như hôm nay tôi lại không có bảo kiếm dắt bên mình để đề phòng kẻ gian tà cũng như cung tên để săn bắn thú dữ. Tôi chỉ trang bị cho mình chiếc cào cán dài để cào lá và đôi tay để hốt chúng cho vào những chiếc bao giấy. Cảnh tượng giữa rừng Phong như vậy thì đâu có oai hùng được. Nhưng đôi khi tôi tự an ủi mình, đâu biết được khi xưa Kiều Phong cũng có ngày phải cắm cuối hốt lá mùa Thu, chớ không lẻ mang cung tên săn bắn hoài thì ai quét dọn nhà cửa, vườn tược đây. Phải vậy không các bạn.

      Hôm kia là ngày lễ Tạ ơn, định viết vài dòng kể lể cũng như để tặng sinh nhật cho người bạn nhưng bận bịu quá đành khất lại đến tận hôm nay. Thanksgiving, nói là ngày nghĩ lễ chớ đâu phải là nghĩ ngơi được. Suốt từ sáng đến trua, vợ kêu con réo để chuẩn bị cho bữa tiệc gia đình. Cuối ngày bạn bè cũng đâu có tha cho những chầu nhậu nhẹt tán chuyện trên trời dưới đất. Không biết cách đây hơn 300 năm khi người Pilgrims bắt đầu nghĩ lễ Tạ ơn, cánh đàn ông có mệt mỏi vì bị sai vặt đủ chuyện như hôm nay không. Nhớ hồi mới qua Mỹ, thời gian đầu ráng bỏ công vào lại đại học, khi gặp mấy lớp về lịch sử nước Mỹ thì sợ phát khiếp. Trên lớp, English yếu đâu có nghe nổi lời giảng của thầy giáo đâu. Khi về nhà, mấy bài lịch sử về sự thành lập của Hiệp chủng quốc Hoa kỳ mà phải học thuộc lòng như hồi còn tiểu học. Nhưng nhờ vậy mà cũng qua thoát mấy lớp khó nuốt này. Theo sử liệu,người Pilgrims vì tự do văn hóa,tư tưởng đã vượt Đại tây dương đến vùng Plymouth, Massachusetts tìm đất sống mới. Trải qua một năm với muôn vàn khó khăn bởi bệnh tật, thiên nhiên khắc nghiệt nên hơn nữa số người đã qua đời. Những người sống sót, sau khi thành công trong mùa gặt hái đầu tiên đã tổ chức lễ hội Tạ ơn để bày tỏ lòng biết ơn với Thượng đế và tưởng nhớ đến quê hương mình. Kể từ đó, hằng năm người Mỹ thường hội họp gia đình vào ngày lễ này, họp nhau lại ăn một bửa cơm trưa rất lớn. Thông thường, thức ăn trong tiệc được phỏng theo khi xưa phải bao gồm gà tây nướng và bánh mứt trái cây, rau quả. Hơn 300 năm, không biết bao nhiêu chú gà tây đã sinh ra từ những nông trại và được giải thoát trong lò nướng của dân Mỹ. Bao triệu người khắp nơi trên thế giới, vì nhiều lý do khác nhau đã đến và chọn nơi này làm quê hương mới. Bao nhiêu người đã lìa xa quê hương, rồi nằm xuống trong những nghĩa trang xanh mướt màu cỏ để con cháu có cơ hội được sinh ra và lớn lên trên vùng đất tự do, trù phú này. Nước Mỹ là một quốc gia mới thành lập nhưng nó trở thành hùng mạnh như ngày nay cũng là nhờ cái tinh thần biết Tạ ơn những hy sinh của tiền nhân suốt chiều dài 300 năm lịch sử.

      Người Việt mình là một trong những dân tộc cuối cùng đến lập nghiệp ở xứ này nhưng nguyên nhân lại rất giống với người di dân Pilgrims đầu tiên, ra đi vì muốn tìm tự do. Hầu hết, chúng ta đến với quốc gia này trong một tình cảnh rất bi đát, không vốn liếng người thân cộng thêm cơn khủng hoảng tinh thần sau những khổ đau, chết chóc trên đường vượt thoát. Nhưng với sự giúp đỡ của những người dân bản xứ cộng với tinh thần cầu tiến, tương trợ nhau nên ngày nay phần lớn đã hòa nhập được với cuộc sống bên này. Mỗi năm đến ngày lễ Tạ ơn, chúng ta không khỏi bồi hồi xúc động khi nhớ đến ân tình của những người bảo trợ, những hội đoàn thiện nguyện hay tôn giáo đã cho ta nương tựa trong những ngày đầu tha hương bỡ ngỡ nơi xứ người.

      Chiều cuối Thu, nhìn lá vàng bay ngoài đường mà lẩn thẩn nghĩ đến ý nghĩa của ngày lễ Tạ ơn. Suốt đời mình có biết bao nhiêu điều phải ghi nhớ trong lòng để tạ ơn. Ngoài trời đất sinh ra còn có ông bà, cha mẹ, ân nhân, vợ con nhà nữa chớ. Ân tình thì nhiều lắm khi ta ở tuổi quá 50 này. Có những ân tình có thể trả được như với ân nhân đã giúp đỡ mình. Có những ân tình mà lòng trả ơn được thể hiện qua cách sống của mình trong xã hội như với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Nhưng có một thứ ân tình chẳng ai là người cho hay kẻ nhận, chỉ là sự san sẽ qua lại để ai cũng thấy đời đẹp hơn thôi. Tôi có những người bạn tận thời lâu lắm, nhưng sao nay gặp lại nhau vẫn thấy mình gần gũi như ngày xưa. Hôm nay, tôi muốn giành chút suy nghĩ riêng để gởi đến những người bạn của một thời Nguyễn hiền cũ. Thời gian gần mười năm, từ tiểu học rồi vài năm đầu trung học, chúng ta có biết bao kỷ niệm đáng nhớ. Đôi khi chợt nuối tiếc, nếu không vì hoàn cảnh đất nước mà đứt đoạn thì chúng ta còn có thêm vài năm cuối thời trung học, biết đâu sẽ có thêm nhiều điều đẹp hơn nữa. Nay cách xa, người thành phố này kẻ thành phố khác, người định cư ở quốc gia này, người quốc gia nọ nhưng khi nhớ đến nhau ai mà không khỏi bồi hồi. Có khi nào ta nghe nhạc mà xúc động bằng khi nghe chính những người bạn hát tặng mình không. Hơn 30 năm, bỗng dưng từ nơi xa lắc xa lơ nào đó bỗng nhiên ta nghe vọng lại giọng vàng của bạn bè từ thời mới lớn. Cảm động vô cùng. Hôm nay ngồi đây, tận vùng Đông bắc Hoa kỳ mà nghe “ Người ngỡ đã đi xa, nhưng người bỗng hiện về…Ôi áo xưa lồng lộng đã xô dạt trời chiều”. Vâng, chiếc áo dài lồng lộng thuở xưa hiện về cũng đủ xô dạt những nổi buồn phiền, mệt mỏi trong chiều hôm.


Tính Nhớ – HH

      Rồi những “Em tan trường về đường mưa nho nhỏ, Anh theo Ngọ về tóc dài tà áo vờn bay” để rồi một ngày “Hôm nay tình cờ đi lại đường xưa…” mà nghe lòng ngậm ngùi như muốn khóc.


Ngày Xưa Hoàng Thị – NH
 

Còn nữa, ở tận xứ Canada lạnh lẽo, có những buổi chiều anh bạn tôi nhìn trời Thu mà tự hỏi mình “ Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em” mà lòng như vẫn còn thấy rạo rực để ước ao ”Cho mình còn thương nhớ nhau”.


Bây Giờ Tháng Mấy – LP
 

Cái gì thiếu thốn, đứt gãy giữa chừng mới thấy đáng quí. Chúng ta không gặp nhau được cho hết những năm thời trung hoc. Nhưng nay ước mơ được gởi gấm trong từng lời nhạc sẽ là điều kỳ diệu để vun đắp cho tình bạn đẹp thêm. Hãy cùng lắng nghe bạn mình hát mà Tạ ơn đời, ơn người đã cho ta những năm tháng tuyệt vời.

Mùa lễ Tạ ơn_2011
Trương Hữu Hiền

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *