Bạn tôi

     Đã nhiều lần tôi cầm bút lên rồi lại bỏ xuống. Viết. Không viết. Viết. Không viết. Cứ thế làm hoài. Tôi muốn viết về ngày họp mặt bạn bè ở San Jose. Rồi lại thôi. Lòng tự nhủ:

“Nhiễu sự. Lắm chuyện. Bày đặt. Viết với lách.”

Nhưng một nửa kia của tôi thì bảo:

“Viết đi. Phải viết nhiều thì mới giỏi được chớ. Cũng giống như chơi tennis. Phải chơi nhiều mới hay.”

Nửa kia lại bảo:

“Nhưng viết giỏi để làm gì? Viết hay để làm gì?

“Thì không phải là anh thích viết sao? Thì cũng giống như anh thích chụp hình. Cũng là một thứ nghệ thuật thôi.”

     Ừ thì viết. Và thế là tôi viết. Tôi viết về cái ngày trùng phùng gặp lại sau ba mươi năm. Tất cả bắt đầu từ cái ngày mà tôi gặp lại Nguyễn Thanh Đức tức Đức “ruồi” vào năm 2001 tại Mile Square Park. Ðức có một cái nút ruồi trên mặt nên được bạn bè thân thương tặng cho biệt hiệu Ðức “ruồi “để phân biệt với những bạn tên Ðức khác. Lớp chúng tôi còn một người tên Ðức nữa mà tôi sẽ giới thiệu sau. Ngày đó là ngày họp mặt của liên trường Quảng Đà. Trường Nguyễn Hiền có tham dự với một số lượng không đáng kể. Tôi đã tham dự gần hết các cuộc họp mặt của các hội đoàn dính dáng đến Đà Nẵng để tìm kiếm lại bạn bè cũ. Nhưng chưa bao giờ tôi gặp được ai. Hôm đó tôi cũng lò dò ra Mile Square Park, chỗ họp mặt của liên trường Quảng Đà, với một hy vọng rất mong manh là có thể tìm thấy một người quen biết nào đó. Đang lơ ngơ, lớ ngớ, nhìn quanh để tìm người quen thì tôi bỗng phát hiện ra Đức “ruồi” trong đám đông đó. Thế là tôi nhào lại và la lớn:

“Aha. Đức. Nhớ tao không mày?

Đức nhìn tôi chưa kịp trả lời thì tôi đã vội vàng lên tiếng.

“Quốc nè. Phạm Đỗ Minh Quốc nè. Nhớ không?”

“Nhớ chứ. Nhớ chứ.”

Thế là tới tấp những câu hỏi được tuôn ra. Tôi hỏi thăm Đức về những người bạn khác. Ai còn? Ai mất? Ai ở đâu? Ai làm gì? Lớp chúng tôi, lần họp mặt đó chỉ có tôi và Đức. Tôi và Đức hàn huyên tâm sự. Đức ruồi rất tếu. Và Đức là chuyên viên đổi lời bài hát. Tôi vẫn còn nhớ đươc một bài.

“Có người con gái buông tóc thề

Trăng về e ấp chuyện vu quy.”

Đã được Đức đổi thành là:

“Có người con gái hay đái dầm

Đêm nào cũng đái đầy đi văng.”

     Tôi và Ðức sau đó trao đổi email, mà có email qua lại nhưng ít khi gặp nhau vì Ðức ở Texas còn tôi thì ở California. Hai năm sau, Đức gọi tôi rủ đi họp mặt trường Nguyễn Hiền ở nhà anh Tín ở California, thành phố Orange. Ðức nói với tôi nếu biết ai ở California mà là dân Nguyễn Hiền thì rủ đi luôn. Tôi nói ở đây tôi chỉ gặp Nguyễn văn Ðức, sau này chúng tôi gọi là Ðức “Cali”. Lần họp mặt này tôi gặp lại được Thanh Diệu, Thanh Hiền, Ngọc Hiền, Nguyệt Thường và Nguyễn văn Đức. Thế là lớp chúng tôi được 7 người lần này. Ðây là những bạn đã học chung với tôi hồi tôi học tiểu học ở trường Nguyễn Hiền. Người có trí nhớ siêu việt họa may mới nhớ hết nổi những bạn học tiểu học. Còn một con người khù khờ và lú lẫn như tôi thì chịu. Tôi cố căng cặp mắt ra nhìn từng người và cố hình dung lại khuôn mặt của bạn mình hồi chín, mười tuổi. Mắt đã đỏ kè vẫn chẳng nhớ ra ai là ai. Tên chẳng nhớ, mặt chẳng nhớ. Nhưng lại nói đúng tên cô giáo, tên thầy giáo. Lại nói đúng tên những bạn khác mà tôi nhớ thì chắc chắn là học chung rồi chứ còn gì nữa. Chuyện tôi gặp lại Ðức “Cali”, người bạn thời tiểu học, mới thật là hi hữu và đầy duyên kỳ ngộ. Ðức làm chủ một nhà hàng ở Bolsa tên là Hè Phố. Tôi cũng là khách thường xuyên của nhà hàng đó nhưng không ai nhận ra ai. Một hôm tôi tới ăn tại Hè Phố thì anh chủ quán buột miệng hỏi:

“Trông anh quen lắm.”

     Tôi nhìn anh ta và cố gắng nhớ xem mình đã gặp người này ở đâu. Sau một hồi sục sạo trong cái đống bầy nhầy của bộ nhớ, tôi đành chào thua. Chẳng biết anh chàng này là ai. Tôi bèn nói gỉa lả:

“Tôi chẳng nhớ anh là ai. Nhưng chắc cũng quen đâu đó thôi. Anh có ở trại tị nạn Phi Luật Tân không?

“Không, tôi ở Hồng Kông.”, anh ta trả lời.

“Thế anh có học ở UCI không?”, Tôi hỏi tiếp.

“Không.”

“Thế anh có chơi đá banh cho đội nào ở Bolsa này không?”

“Không.”

    Tôi đành chào thua, lắc đầu, ngồi xuống uống tiếp ly bia. Có lẽ không quen. Chắc anh này nhớ lộn ai đó thôi. Ðang ngồi nhâm nhi ly bia thì anh ta hỏi tôi.

“Ở Việt Nam anh ở đâu vậy?

“Ở Sài Gòn”, tôi trả lời.

“Thế ở Sài Gòn, anh học trường nào”, anh ta hỏi tiếp.

    Tôi trả lời anh ta rằng ở Sài Gòn tôi không học trường nào cả, vì tôi đã bỏ học lâu rồi. Qua đây tôi mới đi học lại. Nhưng hồi nhỏ thì học ở Ðà Nẵng.

“A, thì ra là dân Ðà Nẵng. Có thế chứ. Tôi nhìn anh thấy quen lắm, Có thể là quen ở Ðà Nẵng. Tôi cũng ở Ðà Nẵng.” Anh ta reo lên như thế.

     Tôi cũng mừng vì gặp người cùng quê liền vồn vã nhận người đồng hương. Sau một hồi hỏi thăm nhau, những câu hỏi được tuôn ra. Ở Ðà Nẵng ở đâu? Ðường gì? Năm nào? Chúng tôi vẫn chưa nhận ra nhau. Chỉ cho đến khi anh ta hỏi.

“Thế hồi xưa ở Ðà Nẵng học trường nào?”

“Hồi tiểu học thì học Nguyễn Hiền, lên lớp sáu thì đổi qua trường Phan Châu Trinh, sau năm 1975 thì đổi sang trường Phan Thanh Giản”, tôi trả lời.

“Ủa, học Nguyễn Hiền hả? Tôi cũng học Nguyễn Hiền.” Anh ta reo lên.

“Vậy hả.” Tôi cũng mừng rỡ trả lời.

“Thế lúc Việt cộng vào thì anh đang học lớp mấy?”, anh ta hỏi tiếp.

“Tôi đang học lóp 8.”

“Vậy là anh bằng tuổi, ngang lứa với tôi rồi. Vậy là hồi xưa có thể học chung lớp ở Nguyễn Hiền mà không biết”, anh ta hý hửng la lên.

Và cứ như là anh ta sắp sửa tìm ra thủ phạm của một vụ án. Anh ta liên tục hỏi.

“Học Nguyễn Hiền có biết Huỳnh Thái Hòa không?

“Biết.”

“Biết Nguyễn Xuân Diễn không?”

“Biết.”

“Biết Trần Kim Ðịa không?

“Biết.”

Tất cả tên những người mà anh ta nói ra, tôi đều biết cả. À thì ra anh ta học chung lớp với tôi hồi tiểu học. Ðể cho chắc chắn, tôi kiểm chứng thêm một lần nữa.

“Thế anh có biết Hà Văn Tấn không?”

“Biết chứ, hắn học chung lớp với tao mà. Tấn đánh bóng bàn phải không?”

     Thế thì đúng qúa rồi. Tôi không ngờ ba mươi năm sau, kể từ khi tôi rời khỏi Ðà Nẵng, tôi lại gặp người bạn của thời còn tiểu học. Thế là chuyện nổ ra như pháo. Anh ta cho tôi biết anh ta tên là Nguyễn Văn Ðức. Ðã biết tên rồi mà tôi cũng không tài nào nhớ ra. Cả khuôn mặt và cái tên đều hoàn toàn xa lạ với tôi. Tôi thú thật với anh ta là tôi hoàn toàn không nhớ và giới thiệu tên tôi là Quốc và móc từ trong bóp ra cái thẻ doanh nghiệp, trên đó có để tên tôi là Quốc Phạm.

“À tao nhớ ra rồi. Phạm Ðỗ Minh Quốc phải không? Có đúng không?

“Trời.”, tôi kêu lên.

     Thật là trí nhớ siêu việt. Nhớ cả tên họ và chữ lót. Ðó là câu chuyện gặp gỡ hi hữu mà tôi nói giữa tôi và Ðức “Cali”.

     Sau lần chúng tôi, tôi, Ngọc Hiền, Nguyệt Thường, Ðức “ruồi”, Ðức “Cali”, Thanh Hiền, Thanh Diệu gặp nhau ở nhà anh Tín thì chúng tôi có thư từ qua lại bằng điện thư. Người này biết được người kia đang ở đâu. Người kia lại chỉ chỗ người nọ. Cho nên dần dần chúng tôi tìm được khá đông một số bạn cũ ở Nguyễn Hiền như Thanh Vân. Thanh Vân cho biết Hà Văn Tấn đang ở Canada. Phải nói Thanh Vân là người có liên lạc với nhiều người nhất. Cũng chính nhờ Thanh Vân đã đưa tin tức về Võ Văn Tài. Rồi Tôn Nữ Thanh Thiên. Rồi Ðinh Anh Tuệ, Trương Ðình Nhân, Ngọc Lan, Phương Lan, Hoàng Oanh, Minh Phượng, Khánh Nga, Huỳnh Thái Hòa, Quỳnh Anh, Tuấn, Kim Anh, Nguyễn Thị Ngọc, Thắng, Nguyễn Khoa Lương Mỹ. Có người tôi nhớ. Có người tôi quên. Tất cả chúng tôi thư từ, điện thoại qua lại “búa xua”, nhưng không ai gặp ai được. Vì người thì ở Canada. Kẻ thì ở California. Người kia thì ở Texas. Người khác lại ở Florida. Có người lại ở Germany, Australia. Chỉ nói chuyện qua phone, qua điện thư. Rồi hình dung. Rồi mường tượng. Rồi không biết ai đó đã xướng lên là nên tổ chức một cuộc họp mặt để nhìn lại dung nhan của những người bạn cũ ba mươi năm về trước. “Xem dung nhan ấy bây giờ ra sao?” Sau một hồi bàn bạc qua điện thư, chúng tôi thống nhất là sẽ gặp nhau vào ngày Memorial Day của năm 2005 tại nhà Ngọc Lan ở San Jose. Sau những ngày, những tháng chờ đợi. Cuối cùng rồi ngày đó cũng đến. Tôi cùng với Nguyễn Văn Ðức và Huỳnh Thái Hòa đã hẹn nhau đi chung xe từ Nam Cali phóng xe lên Bắc Cali. Bích Liên từ Chicago bay qua. Minh Phượng, Thanh Vân, Kiều Lan từ Florida bay đi. Hà Văn Tấn từ Canada bay tới. Tất cả mọi người “tung cánh chim tìm về nhà Lan”. Ôi thôi, khỏi nói thì các bạn cũng đã biết. Chuyện nổ ra như pháo. Lời qua tiếng lại râm ran. Mi mi, tao tao. Mi còn nhớ tao không? Sao mi còn trẻ mà đẹp ri? Ðố mi biết thằng ni là thằng mô? Mi còn nhớ thằng X… không? Mi còn nhớ thằng Z không? Hồi xưa hắn mê tao lắm đó mi. Bia bọt mở “bốp bốp”. Cụng ly liên tục. Riêng tôi nhờ tiểu sử là thợ chụp hình ở sở thú Sài Gòn cho nên được Phương Lan giao cho nhiệm vụ chụp hình. Máy hình chớp liên tục, nhưng cũng không quên hỏi thăm người này, người kia. Chúng tôi nói chuyện, ăn uống, cười đùa, giỡn hớt cho tới gần sáng. Hôm sau lại tụ tập ăn uống, nói chuyện, chụp hình, cũng cho đến gần sáng. Sáng hôm sau tất cả lên đường ra phi trường “tung cánh chim tìm về nhà mình”. Tất cả diễn ra thật chớp nhoáng. Ba mươi năm cách biệt. Hai ngày hội ngộ. Xong. Chấm hết. Cuộc sống ở đây thật là vội vã. Có muốn níu kéo cũng không được. Những người bạn tôi lại trở về cuộc sống của họ. Tôi lại trở về cuộc sống của tôi. Có những điều tôi vẫn chưa nói hết. Có những câu chuyện vẫn còn đang dở dang. Có nhiều bạn tôi vẫn chưa biết đang làm gì? Ba mươi năm vừa qua như thế nào? Rời khỏi Ðà Nẵng năm nào? Có thật nhiều câu hỏi tôi định bụng sẽ hỏi bạn tôi khi gặp nhưng rồi lại không hỏi được. Tôi đã định bụng sẽ hỏi thăm từng bạn về chuyện đời của ba mươi năm xa cách, nhưng lại không có thời giờ làm chuyện đó. Thôi thì mong rằng sẽ có ngày gặp lại.

     Nếu có ai hỏi tôi nhớ gì nhất trong ngày hội ngộ. Có lẽ điều tôi nhớ nhất là chuyện “năm anh em trên một chiếc xe hơi” mà chỉ có tôi, Phương Lan, Ðức Cali, Hòa mập và Khánh Nga biết mà thôi. Chuyện là thế này. Năm người chúng tôi đã đi chung xe từ Bắc Cali về Nam Cali. Nhờ mấy tiếng đồng hồ dong ruỗi trên đường mà chúng tôi hiểu nhau hơn và cảm thấy gắn bó nhau hơn những bạn khác. Vì chúng tôi có nhiều thời gian hơn để hàn gắn ba mươi năm cách biệt. Hòa mập đã làm cho tôi cười nghiêng ngã trên suốt chuyến đi từ San Jose về lại Orange County.

     Buồn cười thật. Cuộc họp bạn đã qua lâu lắm rồi mà tôi vẫn còn loay hoay ngồi viết những dòng suy nghĩ của mình. Sâu thẳm trong trái tim tôi, tôi cảm nhận được sự khác biệt giữa xưa và nay. Có cái gì không như ngày xưa, khi chúng tôi còn mài quần trên ghế tiểu học. Chúng tôi biết nhau khi chúng tôi 9 hoặc 10 tuổi. Chúng tôi gặp lại nhau khi chúng tôi đã 45 hoặc 46 tuổi. Tôi vẫn mong muốn tôi và các bạn tôi mãi mãi là những đứa trẻ của “ngày xưa còn bé”.

Phạm Ðỗ Minh Quốc

Viết xong ngày 08/11/2006 tại Tiểu Sài Gòn.

Tái bút: Tôi đã bắt đầu viết bài này chỉ vài ngày sau buổi họp mặt mà cho tới bây giờ mới viết xong!!!


Main Dans La Main – NH LP

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *