Ba mươi năm sau (1975 – 2005)

     Vi, cô em họ xa, và Thảo đón tôi ở phi trường San Francisco, không đến nỗi lúng túng lắm vì tôi và Vi mới gặp nhau ở Sàigon cách đây mấy năm, bụng thì đói meo vì phải dậy từ tờ mờ sáng và chẳng được ăn cái gì ra hồn trên máy bay mặc dù là trên chuyến bay xuyên qua nước Mỹ, có lẽ lúc đó mặt tôi nhìn không lấy gì là tươi tắn hay vui vẻ cho lắm. Thế là Vi đem tôi vào China Town để ăn cơm Tàu, cái thành phố gì mà đi kiếm 1 chỗ đậu xe muốn đỏ con mắt mà mắt tôi thì đã đỏ sẵn và rồi lòng vòng dốc đứng dốc thẳng đến khi vào được tiệm ăn thì tôi biến thành “Tí Quạu” trong truyện xì trum. Ăn no nê một bụng cơm tàu, cho đáng công bay đến San Francisco nhưng không say sưa vì tôi còn phải giữ sức để có thể trụ được thêm mấy ngày nữa cho đến khi về đến nhà bố mẹ tôi ở miền Nam Cali, thú thật là lúc đó tôi không nghĩ rằng đi họp mặt bạn bè lại hao tốn sức khỏe tới mức như vậy.

     Ra khỏi tiệm ăn, tôi nói Vi phải kiếm cho tôi 1 tiệm tạp hóa để mua dây thung và tăm, tôi nghĩ có lẽ tôi chưa từng thấy mắt ai trố ra và tròn xoe như Vi nên tôi phải giải thích với Vi rằng 2 thứ đó dùng cho 1 trò chơi từ 1 cô bạn cực kỳ dễ thương của tôi tên là Bích Liên và tôi đã hứa sẽ mua 2 thứ đó để 2 đứa tôi có thể bày trò trong buổi họp mặt tối nay ở nhà Ngọc Lan. Lòng vòng trong phố China Town San Francisco cứ như là đang ở giữa quận 5 Chợ Lớn, rồi cũng tìm ra được 1 tiệm tạp hóa bán thượng vàng hạ cám, Vi nói là mấy bà bán hàng ở đây chỉ nói tiếng Tàu nên tôi phải tự mình đi tìm những thứ mà tôi cần. May sao do tôi và Vi nói chuyện bằng tiếng Việt nên có 1 bà bán hàng đã mau mắn chạy ra tay bắt mặt mừng “mua gì, mua gì mấy cô!” … Trời ơi! Giá mà đi đâu cũng được xả rác thoải mái ngoài đường như trong San Francisco China Town và gặp được đồng hương như vậy thì chắc chẳng cần về Việt Nam làm gì. Tôi cảm thấy rất thú vị sau khi chắc chắn đã có 1 bịch tăm và 1 bịch thung trong túi, tôi nghĩ không chơi trò này mà đem dây thung bện lại thì cũng có thể chơi nhảy dây, chỉ không biết là các bạn tôi bây giờ có nhảy nổi nữa hay không?

     Sau đó Vi & Thảo đưa tôi đi thăm 1 vòng San Francisco, cái cầu dây văng nổi tiếng nhất của nước Mỹ thú thật cũng không hấp dẫn lắm với tôi, chắc có lẽ vì cứ phải lái xe lòng vòng tìm chỗ đậu xe nên làm tôi không hứng thú cho lắm nhưng tôi lại rất thích cái phố Châu Âu, có lẽ vì tôi cảm thấy gần gũi với tâm trạng của 1 người Việt tha hương. Thế là hết buổi chiều, 3 chúng tôi quay về San Jose, tôi được Vi cho đi qua cái cầu 2 tầng nối liền San Francisco & San Jose, lòng tự nhủ vậy là còn 1 cái cầu dài mà tôi đã nhìn thấy lúc ngồi trên máy bay, tôi sẽ hỏi Hoàng Oanh vì Oanh là cư dân ở San Francisco. Về đến nhà Vi ở San Jose, thú thật là tôi cũng chẳng biết là nhà Vi ở cái chỗ mô nữa, chỉ biết là ở San Jose, tôi được tắm 1 cái và thay quần áo để chuẩn bị cho buổi họp mặt tối nay, tuy nhiên điều sung sướng nhất là tôi được mặc jean vì bản tính tôi vốn không thích quần là áo lượt, điều này làm tôi ăn mất ngon và không có hứng thú chọc thiên hạ chửi.

     Trong âm nhạc thì tôi có nghe “10 năm tình cũ”, rồi “2 năm tình lận đận”, cái gì nữa nhỉ? Trí nhớ tôi bây giờ tồi tệ quá nhưng mà 30 năm mới gặp lại thì tôi chưa nghe có bản nhạc nào. Cho nên đến lúc Vi in cái bản đồ chỉ đường tới nhà Ngọc Lan ra thì tôi bắt đầu cảm thấy bối rối, tôi nhẩm đếm thì có đến mấy chục mạng sẽ đến buổi họp mặt tối nay, tên nghe thì nhớ nhưng mặt mũi thì làm sao nhớ được vì không gặp nhau tử thưở còn thơ, ngoại trừ Bích Liên & Thanh Vân là tôi đã có gặp lại ở Virginia, còn lại là chỉ qua email và điện thoại. Vi chở tôi đến nhà Ngọc Lan, nhà có cánh cổng chận lại bên ngoài, tôi nhớ là N.Lan có cho cái số gì đó mà khổ nỗi chẳng biết tôi đã nhét ở chỗ nào mà cũng chẳng biết là Vi có chở tôi đến đúng nơi tôi cần đến hay không nữa, tôi nói Vi ngồi trên xe đợi, tôi gọi cho N.Lan, nếu không đúng thì còn có Vi chứ đứng giữa đồi núi San Jose thế này thì chắc chỉ có nước gọi cảnh sát tới giúp.

     “Phương Lan đó hả? Mi tới rồi hả? Đang đứng ngoài cổng? Ui cha! số má chi, cứ men bên cạnh mà vô, quẹo phải đi lên con dốc, thấy cái nhà mô đang sửa phía trước là nhà tao, cứ đi ra phía sau, bọn nó tới đông lắm rồi” … tới đông lắm rồi là gồm những đứa nào mới được chứ? Tôi cũng có hơi hồi hộp 1 chút nhưng nghĩ lại thì kinh nghiệm gặp lại bạn thưở còn thơ mà theo Tùng Nguyên “bạn từ thời tắm mưa chung” cũng có đôi ba lần mà lần nào cũng để lại đầy ấn tượng. Gặp lại nhau, có đứa tóc đã bạc quá nửa đầu mà cứ như thời gian chẳng bao giờ trôi qua, cứ như chưa hề có chia ly, chúng tôi ngồi bên nhau như những đứa trẻ lớp 8 ngày nào, đùa giỡn, nghịch phá, trêu chọc nhau quên cả thời gian. Nghĩ cũng thấy lạ nhưng không thắc mắc vì ngày mai đây mỗi đứa lại một phương trời, ngày gặp lại quả là không biết chắc được.

Một hôm bước chân về giữa chợ

Chợt thấy vui như trẻ thơ

Đời ta có khi là đốm lửa

Một hôm nhóm trong vườn khuya …

Vườn khuya đoá hoa nào mới nở

Đời ta có ai vừa qua…

     “Thằng nớ, con ni, mô, tê, răng rứa …” nói cứ loạn xị cả lên, chẳng phân biệt được đâu là Huế rệ hay Quảng nôm đặt sệt, tôi là người gốc Bắc lấy chồng cũng gốc Bắc, cha mẹ ông bà cô dì chú bác trong nhà đều nói cái thứ tiếng nghe như chim hót trên cành, các bạn đến nhà, tôi hiện nguyên hình hài ở Đà Nẵng năm xưa, rổn rảng cái thứ tiếng nghe cứ như cãi nhau, nói cười hô hố quên luôn trách nhiệm làm vợ & làm mẹ của mình, con tôi nói “mấy cô chú nói tiếng Việt mà con không hiểu”, chúng tôi gặp nhau như thế đó! “Mi nhớ ra đứa mô không? Hà Văn Tấn nè, đây là Trương Đình Nhân, còn đây là …” Trời ạ! Đám con gái thì tôi còn nhớ chứ đám con trai thì chịu không thể nhớ ra được ai, nếu có chỉ là mang máng mài mại, thế nhưng chỉ sau vài câu xã giao thông thường thì cứ coi như quen biết nhau từ kiếp trước. “Quốc hả? Camera đâu đưa cho Phương Lan nhanh lên, bấm nút ni hả, cứ như rứa mà chụp, đúng không?, tôi gặp lại Quốc sau 30 năm như vậy đó! “Hoàng Oanh, Kiều Lan 2 đứa mi đứng chung vô cho tao chụp, cười lên”, cả lớp chụp chung, rồi con trai rồi con gái chụp riêng. “Tay mi có sạch không mà bốc lên ăn rứa hả Thắng, tao đang ăn mi không ngó thấy hả?” … “Hả? Mi nói cái chi? cái chi mà bút hạt nhân” … “Ủa! chứ nguyên tử không phải hạt nhân hay sao bà kia” … “Cái con ni, mi cứ canh tao, tao không chụp hình nữa nghe chưa!” … “Dép tao mới để đây, đứa mô dấu của tao rồi?” … “Hồi nớ đi học mi ưng đứa mô mi nói tao nghe! Răng? Con nớ không có ở đây? Mi ưng Thường hay Ái Nhơn? 2 đứa nớ không có ở đây” … “Nói ba láp! Tao mà ưng thắng nớ!” … đúng là không có thông dịch viên “Việt-Việt” thì bọn nhỏ như con tôi không tài nào hiểu được. Mạnh ai nấy nói, mạnh ai nấy cười, cười nghiêng cười ngửa, cười như chưa bao giờ được cười.

Trò chơi chuyền dây thung

      “Chừ ăn uống no say rồi, chơi chứ hả?” … “Con trai đứng sang 1 bên, con gái đứng sang 1 bên, trai lẻ, gái chẵn … rồi đếm số đi” … các bạn tôi nào có biết tôi & Bích Liên định bày trò gì, 1 đi với 2, 3 đi với 4, mỗi cặp được phát 2 cây tăm và 1 cọng thung. Có ai có thể tưởng tượng 1 cô gái ngậm cây tăm, trên cây tăm có 1 cọng thung mà phải truyền cọng thung qua cây tăm của tên con trai cũng đang ngậm trên miệng phía bên kia mà không cười lăn ra thì quả là 1 kỳ công, vậy mà có cặp làm được. Chỉ có Quốc chụp được hình, còn tôi thì ngồi trên sàn nhà ôm bụng cười lăn cười lộn. Ngày nào cũng được cười như vậy chắc tôi sẽ trông trẻ lắm!

      Cho đến khi ngồi được lên xe để quay về San Francisco với Hoàng Oanh, Minh Phượng & Khánh Nga thì đã 2g sáng, 5g sáng giờ Virginia, có nghĩa là tôi đã vui chơi suốt 24 tiếng đồng hồ không nghỉ ngơi, tôi nghĩ mình tài thật! Rồi ba con bạn ngồi gần tôi năm cuối cùng ở Nguyễn Hiền bắt đầu xỉ vả & mắng nhiếc tôi cái tội bỏ bê chúng nó, của đáng tội nào tôi có bỏ bê bạn bè, thú thật lúc đó tôi có nghe chúng nói gì đâu, mắt cứ xụp xuống và có lẽ lâu lắm rồi tôi mới ngủ gục. Mãi sau này, khi nhận được cái DVD, công trình âm thầm của tôi và Quốc làm để giữ lại kỷ niệm 30 năm hội ngộ, chúng mới biết đã trách lầm tôi. Tôi chỉ cười nghe 3 con tía lia y như hồi đi học, nào ai biết tóc đứa nào cũng bạc muối tiêu hết rồi, nói là tay bồng tay bế thì chẳng đúng chút nào vì có đứa chắc đã được lên chức bà ngoại bà nội gì đó rồi.

      Mỗi khi có ai hỏi tôi ngày xưa học trường nào, một câu hỏi rất đỗi xã giao, tôi luôn luôn hãnh diện trả lời “học ở Trung Tâm Giáo Dục Nguyễn Hiền, Đà Nẵng” mặc dù tôi chỉ học ở đó đến lớp 8, nói cho đúng là đến 30/4/1975 thì chúng tôi tan hàng cố gắng, kẻ ở người đi lưu lạc bốn phương trời. Có lẽ cái tên của ông Nguyễn Hiền nghe không kiêu hùng như Trần Hưng Đạo, Phan Chu Trinh hay nổi tiếng như Trưng Vương, Gia Long nhưng tại sao không phải là trường tiểu học, trung học mà lại à “Trung Tâm Giáo Dục” nghe có vẻ như trung tâm dạy nghề hoặc trung tâm cai nghiện hay cải huấn gì gì đó nhưng đó lại là cái đặc biệt của trường tôi. Bố tôi là nhà văn, ông trưởng thành từ cái nôi Tự Lực Văn Đoàn của chú bác ông với tinh thần dân tộc rất cao, cho nên tôi vẫn không hiểu tại sao ông cho tôi vào học Lycee Pascal, có lẽ vì ông mê mấy cô đầm Pháp hay vì ông muốn nhìn tôi lớn lên đọc truyện Francois Sagan và hát “La plus belle pour aller dancer” thay vì hát “Yêu ai yêu cả một đời” và đọc “rồi trong đám xuân xanh ấy có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi” của Dung Saigon – Võ Hà Anh. Khỗ nỗi cái duyên của tôi với Lycee Pascal vỏn vẹn chỉ có 1 năm học mẫu giáo và những gì tôi có thể nhớ được về ngôi trường này là năm đó tôi được chọn vào đội múa lớp, tôi chỉ nhớ đó là 1 bài múa của 1 bầy thiên thần, tôi vẫn thắc mắc là tại sao 1 con bé đen như Marốc mà tôi lại có thể lọt vào mắt cô đầm mắt xanh lơ, có lẽ cô muốn có 1 thiên thần nâu góp mặt. Một lần trong buổi tập, chẳng hiểu vì tôi quên hay đang mơ mộng, tôi không nghĩ ở tuổi đó tôi đã biết mộng mơ, tôi đã đi sai hàng và thế là tôi đã bị ăn 1 cái tát tai nẩy lửa của cô đầm Pháp xinh như mộng. May cho cô ta vì cô ta là cô giáo Pháp chứ nếu là cô giáo Mỹ thì có thể bị truy tố ra tòa vì tội bạo hành với học sinh. Tôi không biết vì lý do gì mà rồi sau đó bầy thiên thần chúng tôi được chuyển qua học Trung Tâm Giáo Dục Nguyễn Hiền (TTGDNH), giấc mơ cho con gái làm cô đầm của bố tôi đã tan theo mây khói, tuy vậy tôi vẫn phải học tiếng Pháp từ lớp 2 mà được học với người bản xứ, điều này có lẽ an ủi ông phần nào.

      Tôi không biết các bạn tôi thế nào, riêng tôi thì những giờ học tiếng Pháp với mấy ông tây & bà đầm là những cơn ác mộng kéo dài triền miên suốt những năm tiểu học. Cứ mỗi tuần bầy thiên thần chúng tôi xếp hàng đi học thính thị, tôi tuy rằng không ăn thêm cái tát tai nào nữa nhưng nhìn thấy mấy ông thầy giáo tây đánh các bạn khi không trả lời được câu hỏi, đêm về tôi gặp ác mộng. Những gì tôi có thể nhớ được từ những buổi học thính thị này là “Bonjour Alice” (xin chào Alice). Nhưng bù lại chúng tôi được học trong ngôi trường đẹp nhất thànhh phố Đà Nẵng thời đó, tôi chưa thấy trường nào có nhiều cây xanh bóng mát và rộng như trường tôi, rộng đến độ bầy thiên thần có thể đi lạc trong trường. Bọn con gái chúng tôi không bao giờ phải dành nhau chỗ chơi nhảy dây vào giờ ra chơi, nếu muốn 1 muốn mơ mộng đi thơ thẩn trong trường thì có lẽ phải đi bộ cả tiếng đồng hồ, nếu có cúp cua thì chẳng có ai tìm ra mình được.

      Bầy thiên thần chúng tôi lớn lên cùng nhau trong cái nôi Nguyễn Hiền như thế đấy! Sỉ số học sinh toàn trường dường như không thay đổi là bao nhiêu từ ngày thành lập cho đến khi bị đóng cửa. Hình như lớp 8 chúng tôi, xin nhấn mạnh là lớp 8 của năm 1975, có số học sinh đông nhất trường vì chúng tôi có đến 3 lớp 8, còn các cấp lớp khác chỉ có 2 và 2 lớp lớn nhất trường là 11 và 12 chỉ vỏn vẹn có 1 lớp. Khi bắt đầu vào lớp 6, chúng tôi được mặc áo dài trắng đi học nhưng không bắt buộc như các trường khác, hình như chúng tôi không mặn mòi gì lắm cho việc mặc áo dài ngoại trừ các bạn bắt đầu biết mơ mộng, chúng tôi vẫn cứ mặc áo đầm đi học, thậm chí áo đầm nhưng mặc quần short thay cho váy lót để tha hồ nhảy dây hay ngồi bệt xuống đất thoải mái chơi banh thẻ, ô quan, sạn… tôi không biết bây giờ gọi trò chơi sạn này là gì nhưng ngày đó tôi luôn luôn phục lăn các bạn của tôi vì tài khéo léo của đôi tay, tôi không bao giờ có thể thảy 1 viên sỏi lên rồi thu lấy 5 viên sỏi khác dưới đất mà không được phép đụng vào các viên sỏi chung quanh, tôi gọi là cứ ngồi trố mắt nhìn các bạn chơi vì chơi dở như tôi thì chẳng ai thèm rủ tôi vào chung nhóm cả!

Tôi nhớ năm lớp 6, tôi là 1 con bé dốt toán, dốt gọi là “dốt đặc cán mai”, tôi chỉ sợ có mỗi giờ làm bài tập vì chắc chắn rằng tôi sẽ lãnh con số “1” thay vì “0” vì thầy không nỡ, có lẽ vì tôi lúc nào cũng mơ mộng đến mùa hè với những ngày tháng lang thang ngoài biển Tiên Sa. Thế là tôi đi học thêm lớp kèm toán của thầy Lưu cũng là thầy dạy toán năm lớp 6 của tôi, hình như suốt năm lớp 6 học thêm thầy, khả năng toán học của tôi cũng chẳng tiến bộ là mấy, có lẽ được điểm 3-5 là tối đa, thế nhưng mặc dù qua lớp 7 và 8 tôi học toán với thầy khác, tôi vẫn 1 tuần 2 buổi đi học thêm toán thầy Lưu, lúc đó chỉ còn vỏn vẹn tôi và Hương Ngưng. Tôi không bao giờ quên ơn thầy Lưu, sự kiên trì của thầy đối với tôi đã mang lại 1 kết quả có lẽ thầy chưa được biết, đến năm lớp 8 tôi là 1 học sinh khá toán và suốt những năm lưu lạc sau đó tôi luôn luôn là 1 học sinh giỏi toán. Vì chỉ có 2 đứa học thêm ở nhà thầy nên thầy dồn thêm vào học sinh trong giờ của lớp 8, tôi nhớ anh Diệp Thế Hào lớp 10 cùng học chung giờ với chúng tôi và tôi cũng hay hỏi anh khi tôi bí mà không dám hỏi thầy. Sau đó, tôi gần như mất liên lạc với trường lớp sau 1975, đến khi tôi biết tin tức của anh Hào là khi anh mất, tôi đã tự trách mình là tại sao đã không hỏi thăm các anh chị lớp lớn sớm hơn. 30 năm quả là 1 thời gian mà tất cả mọi thứ đều có thể thay đổi hay mất đi, cho nên chúng ta phải sống và hưởng thụ cái hiện tại sao cho xứng đáng.

      Phương Lan (Lớp 8)

Ba mươi bảy năm sau (2012 – Little Saigon CA)

Hãy đợi đấy! …

**************************

L’Amitie – NH

One thought on “Ba mươi năm sau (1975 – 2005)”

Leave a Reply to Quoc Pham Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *