Hạnh

     Tháng Năm, Saigon buổi chiều thường hay mưa. Có khi là những cơn mưa rắc rây nhè nhẹ, hạt chỉ thoáng long lanh trong nắng, không đủ ướt hẳn mặt đường. Nhưng có khi là những cơn mưa giông mù trời, phủ mờ lối đi, mưa rơi trút mặt . Buổi trưa trời đang nắng hửng, nhưng xế chiều là tối sầm lại, rồi mưa. Mưa xuống, có nghĩa là phố phường sũng nước, vài khoảng đường ngập lội, người người dừng chân tấp vào những mái hiên ven đường. Mưa xuống, sinh hoạt Saigon chợt dừng lại trong chốc lát, yên tĩnh hơn, trầm lắng hơn, âm thanh mưa rơi rào rạt xuống mặt đường, trên mái nhà. Mưa xuống còn làm cho khoảng cách dường như xa hơn, những con đường dài hơn, gian nan hơn cho những lần hẹn hò. Mưa xuống, làm biết bao người đã từng lỗi hẹn. Có những người đang gần nhau bỗng chốc hóa xa. Nhưng cũng có những cuộc hạnh ngộ bất ngờ, làm hai người gần nhau hơn đến nhờ những cơn mưa. Mưa Saigon.

     Dạo ấy, Saigon bỗng nhiên tang thương. Khắp nơi, bầu không khí vừa ngột ngạt vừa u buồn bao phủ lên từng gia đình, góc phố. Những cửa hàng lớn, nhỏ trong thành phố hầu như đóng cửa im ỉm, ngoài đường xe cộ qua lại thưa thớt. Đợt đánh tư sản, rồi tiếp theo là đổi tiền của chính quyền Cộng sản làm cả miền Nam thoi thóp thở trong cơn sốt vở da. Saigon cũng vậy, đời sống nơi đây như tạm bợ qua ngày, như buông xuôi úp mặt. Saigon hôm nay không còn dáng vẻ sống động nhưng duyên dáng một thời đã có. Chán chường hiện lên từng khuôn mặt, đâu đâu cũng chỉ còn những thầm thì, to nhỏ bàn chuyện đi chui, bán bải. Giữa cơn mưa, Saigon cũng không làm sao dịu nổi cơn nóng hâm hấp, nó như rả rời, như chẳng còn đủ sức để đón nhận từng hạt mưa rơi xuống nữa. Nơi đây. Tôi và vài người bạn buồn bã, sống buông trôi, không còn thiết tha với giảng đường, sách vở. Khi không còn niềm tin, không còn thấy lý tưởng của cuộc sống, không còn tin vào những điều đạo đức trong xã hội thì nhà trường, sách vở đâu còn ý nghĩa gì. Chúng tôi cũng như hầu hết sinh viên miền Nam thời đó, đến trường như để tìm một nơi che thân, núp bóng hơn là để tìm kiếm kiến thức cho mình. Đến trường để có dịp tụ tập bạn bè thầm thì nhau bàn chuyện ra đi.

     Nhưng định mệnh thường đến với chúng ta vào những thời điểm bất ngờ nhất, không mong đợi nhất. Và, cái gì trên đời này đều có duyên cớ của nó dù chỉ là thoáng qua của một lần gặp gỡ. Mọi chuyện trong toan tính ra đi của tôi dường như đắn đo hơn khi một ngày tình cờ gặp lại Hạnh. Buổi chiều tháng năm, rời khỏi ký túc xá sinh viên tôi định ghé thăm nhà người dì đã lâu không gặp. Chạy xe trong một Saigon đang hâm hấp nóng. Giữa đường thì cơn giông, sấm sét ập đến. Không làm sao thấy được lối đi trước mặt, tôi tấp xe vào trú mưa ở hàng hiên của một căn nhà bên đường. Lát sau, trời tạnh, tôi vội vả đạp máy chiếc xe Honda lại thì chỉ nghe vài tiếng lịch xịch rồi tắt ngấm. Loay hoay mãi, chiếc xe vẫn không chịu nổ máy. Tôi đứng thở dốc, bực mình khi nghĩ rằng nguyên nhân chắc là lúc sáng đổ xăng ở dọc đường Minh Mạng đây. Lúc đó ở Việt Nam làm gì có cây xăng chính thức đâu. Chỉ là mấy chổ bán xăng di động dọc theo lề đường với dấu hiệu dể nhận ra là cái vỏ chai nước ngọt để trên cái ghế con. Để kiếm lời nhiều, xăng một lít họ đã pha thêm gần nửa dầu hôi rồi, chạy một lát, đọng chất dơ thì làm sao xe không chết máy được. Tôi loay hoay đạp thêm mấy lần nữa cầu may rồi nhìn quanh xem có chỗ nào sửa xe gần đây không. Bất chợt tôi bắt gặp cặp mắt to lay láy của một cô gái, đang nhìn mình chằm chặp như đang chế diểu vậy. Tôi bực bội, định tâm nói móc vài câu cho hả giận thì nhìn kỹ cô nàng có vẻ quen quá, hình như tôi đã gặp đâu đó nhiều lần rồi. Cố gắng lục lọi trí nhớ của mình, cuối cùng tôi cũng nhớ ra. Thôi đúng rồi, cô gái đang nhìn tôi là Hạnh, cô bạn cùng lớp với Phượng, em họ tôi ngày xưa ở Huế đây.

     Những năm trước 1975, mùa hè nào tôi cũng ra thăm gia đình chú tôi và ở lại đây một vài tuần. Có khi tôi đã dành trọn cả mùa hè ở đây, một phần vì thích cái không khí yên tỉnh của thành phố này, một phần vì cô em họ tôi nài nỉ mãi. Phượng muốn có tôi trong mùa hè đề thỉnh thoảng làm tài xế chở cô nàng đi chơi đây đó. Thời gian này, tôi nhớ Phượng có cô bạn hay đến nhà chơi hầu như mỗi cuối tuần. Hạnh có dáng người nhỏ nhắn, ít nói, trông hơi nghiêm khi chuyện trò. Nàng có giọng nói nhẹ nhàng như bao cô gái xứ Huế khác, nhưng khi nghe kỷ thì thấy giọng nàng còn mang chút gì hơi Bắc kỳ trong đó. Qua Phượng tôi được biết thêm Hạnh tuy sinh trưởng ở đây nhưng ba thì gốc Bắc. Riêng mẹ nàng thì có gốc gác pha trộn giữa Huế và Đà nẵng. Khi hơi thân, tôi hay đùa rằng nàng có giọng nói rất là ba rọi, nghe một lần thì khó quên được. Hạnh đùa vui nói rằng bạn bè trong lớp thì lại trêu nàng có giọng nói chè ba màu. Mỗi lần như vậy, Hạnh lại làm mặt giận để bạn mình phải dỗ dành rồi dẫn đi ăn chè ba màu thật. Những lúc Hạnh đến thăm Phượng, thỉnh thoảng tôi cũng góp vào câu chuyện của hai cô bạn, đa số là chuyện về học hành và bạn bè cùng lớp. Thời gian ở nhà chú tôi càng lâu, tôi và Hạnh càng gần gủi, thân mật hơn nên cô em họ tôi hay nửa đùa nửa thật trêu chọc nàng. Những lúc đó, Hạnh trông có vẻ e thẹn nhưng cũng chẳng tỏ vẻ gì phản đối cả. Còn tôi tuy cũng mến Hạnh lắm nhưng tính tình cù lần quá nên chẳng biết nói gì để tình cảm đi xa hơn. Cuối mùa hè, về lại Đà nẵng tôi hay nhớ đến Hạnh, hay mơ mộng, tưởng tưởng về một mối tình lãng mạn giữa tôi và nàng. Khoảng cách xa xôi, càng khó gặp gỡ giữa hai người ở hai thành phố càng làm cho những thêu dệt của tôi thêm đậm đà, thú vị. Tôi thường xuyên viết thư cho Phượng để có cớ thăm hỏi về Hạnh. Cô em họ tôi sốt sắng trả lời thư và lúc nào cũng không quên kèm theo lời nhắn gởi thăm tôi của Hạnh. Phượng lúc đó như con chim bồ câu đưa thư để cho tôi và Hạnh giữ gìn liên lạc. Tình cảm lúc đó giữa tôi và Hạnh chỉ có vậy, nhẹ nhàng, thoang thoảng mát như làn gió êm ả mùa hè nơi vườn nhà Phượng. Tôi chưa một lần dám tỏ tình với nàng, Hạnh chưa một lần dám đưa tay cho tôi nắm lấy nhưng những vụng về, bối rối khi gặp mặt đã thay cho lời nói yêu thương. Mùa hè mới vừa hết, tôi đã ngóng đợi, mong mõi một mùa hè khác nữa. Tôi trông thời gian qua thật mau để có dịp gặp lại nàng. Nhưng rồi biến cố tháng 4 năm 1975 đến, việc đi lại giữa hai thành phố không còn dể dàng như trước nên tôi ít có dịp ghé thăm gia đình chú tôi như xưa. Rồi những thay đổi của đời sống trong chế độ mới làm ai cũng lo lắng, thẫn thờ, tình cảm của tôi dành cho Hạnh cũng chỉ còn là đôi lần chợt nhớ đến. Vài năm sau, trong thư Phượng cho biết gia đình Hạnh không còn ở thành phố này nữa. Nhớ đến những kỷ niệm êm đềm đã có một thời với Hạnh, tôi thấy buồn khi chẳng biết bao giờ gặp lại nàng. Trong ký ức tôi về Hạnh mãi là hình ảnh của cô nữ sinh hiền thục, dáng mỏng manh trong chiếc áo dài màu trắng. Huế đã cho tôi những ngày Hè tuyệt vời thì Hạnh đã cho tôi những bồi hồi, rung động khi vừa lớn, bắt đầu biết yêu thương.

     Chiều nay tình cờ gặp lại nàng nơi đây quả thật bất ngờ. Tôi hơi bối rối, ngây người chưa biết định nói gì thì Hạnh đã lên tiếng chào hỏi trước. Nàng nói đã nhận ra ngay khi thấy tôi đang loay hoay đạp máy xe. Hạnh cười khẻ trách là tôi chẳng còn nhận ra nàng. Tôi giả vờ chống chế rằng tại mình chăm chú sửa chiếc xe honda nên đâu còn chú ý gì bên ngòai. Rồi để xóa bớt bầu không khí ngượng ngùng, tôi hỏi thăm Hạnh về nơi ở của gia đình nàng lúc này. Hạnh cho biết nhà nàng ở gần đây thôi, chỉ cách một khoảng đường ngắn. Hạnh cho biết thêm, nàng đang học năm cuối và chuẩn bị để thi tốt nghiệp trung hoc và đại học. Trời mùa hè thật nóng, tôi đưa tay quẹt vội những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán. Tôi thoáng nhớ lại những mùa hè nơi nhà Phượng, nơi thành phố có giòng sông Hương lượn lờ trôi, với bao lăng tẩm đền đài. Chiều nay bỗng dưng gặp lại Hạnh nơi đây, tôi xúc động vô cùng. Tôi nhắc Hạnh về những ngày nàng hay đến chơi với em gái tôi. Hạnh lúc ấy còn thật bé, trông hiền nhưng dáng điệu hơi nghiêm trang, khó gần gũi. Hạnh thoáng xúc động, nhìn tôi nàng nói lâu quá không có dịp về thăm Huế, nàng nhớ thành phố này, nhớ bạn bè cũ thuở xưa vô cùng. Tôi ngắm nhìn Hạnh, phải nói nàng lúc này thay đổi hẳn ra, đã là một thiếu nữ thật xinh xắn chớ không còn là cô bé nhỏ nhắn, nhìn ngây thơ như ngày trước nữa. Thấy tôi cứ nhìn chằm chặp mãi làm Hạnh hơi mắc cở, nàng cười và cắc cớ hỏi sao nhìn nàng kỹ quá vậy. Tôi không ngần ngại, hơi bông đùa khi nói ra ý nghĩ của mình về nàng lúc này. Hạnh hơi đỏ mặt, nàng lúng túng nói gì đó không rõ rồi mời tôi vào nhà nàng ở gần đây. Tôi dắt xe đi bên cạnh nàng, lao xao như người mộng mị. Lúc xưa gặp nàng ở quê nhà, mặc dù nhiều khi cũng thấy thích lắm. Hạnh trông ngồ ngộ làm sao, nhưng tim tôi đâu có đập loạn xạ như lúc này. Tôi thay đổi, Hạnh thay đổi, hay khung cảnh gặp gỡ đổi thay dể làm mình xúc động hơn. Tôi nhìn sang nàng, vài hạt nước còn sót lại của cơn mưa, đọng trên tóc, phản chiếu long lanh ánh mặt trời. Gương mặt Hạnh nhìn nghiêng, dịu dàng, thánh thiện như tượng Đức Mẹ mà tôi hay ngắm khi ngang qua ngôi nhà thờ trong xóm. Lòng tôi chợt rộn ràng niềm vui, bỗng chốc quên đi những muộn phiền hiện có. Tôi muốn cám ơn cơn mưa chiều Saigon tháng Năm, cám ơn thêm chiếc xe honda thổ tả của người anh rể đã cho mượn vô vàng. Hạnh chỉ cho tôi dựng xe cạnh chiếc xích đu đặt ngay bên hông nhà, dưới giàn hoa giấy đang nở rộ. Nàng vừa mở cửa nhà vừa cho tôi biết ba mẹ hôm nay đi vắng, còn cô em thì chắc đi học chưa về. Hạnh mời tôi ngồi nơi gian phòng khách rồi nói đợi nàng lấy nước uống để tôi bớt khát sau khi đã vật vã với chiếc xe. Tôi nhìn trộm theo dáng nàng khi Hạnh vội vã đi nhanh ra sau bếp. Ngồi yên một lát, tôi lại tò mò nhìn ngắm tủ sách khá to, đặt ngay phía sau bộ bàn ghế đan bằng mây màu trắng. Trong tủ sách có nhiều tác phẩm được dịch từ các tác giả nước ngoài, được sắp xếp ngay ngắn phía trên. Phía dưới là vài cuốn tiểu thuyết của Quỳnh Dao, Mai Thảo rồi Dung Saigon-Võ hà Anh… Chắc là Hạnh đã dành nhiều thời gian để đọc sách của những tác giả này. Hạnh mang hai ly nước chanh lên đặt ngay ngắn trên bàn và mời tôi dùng.

     Ngồi nói chuyện với Hạnh khá lâu, đủ chuyện trên trời dưới biển. Chuyện nổi trôi của hai gia đình, của chính tôi và Hạnh sau ngày miền Nam thay đổi chính quyền. Nhìn gương mặt Hạnh, tôi biết nàng xúc động lắm. Đôi khi Hạnh yên lặng, ngồi tựa lưng trên chiếc ghế sofa màu đỏ sậm, hai tay đan vào nhau, thỉnh thoảng nhẹ nhàng khẻ hất mái tóc qua một bên. Hạnh thở dài, mắt nàng không dấu được niềm tiếc nuối cho những lúc học hành, vui chơi với bạn bè ngày ấy. Trông nàng lúc này không còn có vẻ gì nhí nhảnh, ngổ nghịch như lúc gặp nhau ở ngoài đường nữa. Tôi chợt bắt gặp lại hình ảnh Hạnh của những ngày mùa hè nơi thành phố cũ. Nơi ấy, trong căn nhà của chú tôi: có Hạnh, có Phượng, có tôi và có cả một thời niên thiếu đầy ắp ước mơ, mộng mị.

     Nắng buổi chiều ngoài sân hắt vào, lung linh chới với, tôi thấy Hạnh đang theo chân Phượng, khép nép dắt xe vào cổng nhà. Nàng tay ôm chiếc cặp da màu đen, vân vê vạt áo dài. Khi tôi nhìn nàng, Hạnh khẻ gật đầu chào hơi thẹn thùng. Tôi nhìn ra ngoài đường, nắng chiều đã bớt chói chan. Sực nhớ là gia đình dì tôi đang đợi ghé thăm.Tôi vội vả đứng lên từ giã Hạnh và không quên hẹn sẽ trở lại thăm nàng. Hạnh chợt có vẻ lo lắng, nàng nói không biết chiếc xe của tôi có chịu nổ máy lại không. Tôi đùa với nàng rằng bây giờ có dắt xe đi bộ hàng giờ tôi vẫn đủ sức vì quá vui khi gặp lại nàng hôm nay. Hạnh cười trêu tôi lúc này chẳng còn hiền như xưa, đã biết nịnh đầm ra phết. Cả hai bước ra cổng. Hạnh cám ơn tôi rồi nhẹ nhàng khép lại cổng nhà, quay vội vào trong. Tôi vẫn đứng đó tần ngần chưa muốn về, hình như cái dáng thon thả của Hạnh đã làm tim tôi lại đập trật nhịp như ngày xưa. Tôi dắt xe ra khỏi nhà Hạnh, đi được một đoạn định ngoái đầu nhìn lại xem nàng có còn trông theo không. Nhưng rồi ngần ngại bỏ ý định đó, tôi không muốn làm chính mình thất vọng. Đoạn đường dắt xe đi bộ về nhà dì tôi thật xa nhưng tôi cứ trông cho dài thêm nữa. Để tôi có dịp nghĩ ngợi thêm về Hạnh, về những tháng năm thời trung hoc, mỗi mùa hè được gặp nàng ở Huế. Lúc này tôi chỉ muốn ngồi đâu đó một mình, để nhớ về Hạnh, vui với nổi vui gặp gỡ nàng chiều nay.

     Để giữ lời hứa với Hạnh, tôi thỉnh thoảng đến thăm nàng. Nói là giữ lời hứa cho có vẻ oai thôi chớ tôi trông đợi những ngày cuối tuần đến mau để có dịp gặp Hạnh lắm. Gia đình Hạnh cũng dần quen với sự có mặt của tôi, ba mẹ Hạnh đôi lúc giữ tôi lại để dùng cơm tối. Lúc đó đời sống sinh viên nội trú trong ký túc xá đói meo, ngày hai bữa chỉ có bo bo hoặc bột mì Liên xô là chính. Ăn loại thực phẩm này quá nhiều thì thân thể mình lúc nào cũng bần thần, hâm hấp nóng như người đang trong cơn sốt vậy. Nhưng biết làm sao hơn, tới bữa có chất gì đó bỏ vào bao tử cho đầy, bớt trống rổng là quí lắm rồi trong thời kỳ quá độ này. Bởi vậy, thỉnh thoảng được một bữa cơm gia đình có cá thịt như vậy thì hả hê lắm. Có một lần ghé thăm Hạnh mà tôi chắc không bao giờ quên được. Hôm đó là ngày mồng năm tháng năm âm lịch mà ta thường hay gọi là tết đoan ngọ. Mặc dù không hẹn trước nhưng tôi lại may mắn tình cờ đến thăm và được ba mẹ nàng giữ lại để dùng bữa với gia đình. Bao nhiêu năm rồi mà tôi vẫn còn nhớ bữa ăn thịnh soạn mà từ lâu rồi tôi không có được. Dọn lên bàn ngoài xôi chè còn có món gà luộc mà tôi mới nhìn thôi đã thèm chảy nước miếng. Phải nói mẹ nàng nấu ăn rất khéo nên món nào tôi cũng thấy quá ngon và chiếu cố tận tình, không thèm khách sáo gì cả. Riêng món gà luộc, tuy có cảm giác không được mềm cho lắm nhưng tôi chẳng để ý gì. Đang đói lâu ngày lại là sức trai mới lớn, răng cỏ còn mạnh khỏe tôi nhai ngấu nghiến, lát sau làm sạch cả dĩa xôi gà của mình. Chợt nhìn lại gia đình nàng có gì hơi khan khác, ba mẹ, anh và em gái nàng như cố làm ra vẻ tự nhiên nhưng hơi bối rối khi nhai món thịt gà luộc. Nhưng rồi vô tình tôi cũng chẳng thắc mắc gì thêm . Bữa ăn xong, tôi nán lại nói chuyện với ba Hạnh một lát rồi từ giã ra về. Hạnh tiễn tôi ra tận cổng nhà với đôi mắt như rướm khóc. Hạnh hỏi tôi thấy gà luộc có dai quá không. Tôi vô tình nói chỉ hơi dai thôi nhưng tôi thì thấy ngon lắm. Hạnh nói con gà luộc đó do nàng nấu đến cả buổi, nhưng vì nhóm lửa bằng củi than nên hoay hoay hoài mà con gà vẫn trơ gan, thịt vẫn dai nhách. Nàng buồn lắm khi thấy ba mẹ không bằng lòng, cô em nàng thì cười chế nhạo cho tài nấu nướng của nàng. Tôi cố an ủi Hạnh và lý giải cùn rằng chắc tại con gà đó già rồi thì thịt phải dai thôi, luộc cách mấy thì nó vẫn vậy, chớ đâu phải tại Hạnh. Mặc tôi nói gì nàng vẫn buồn xo, mắt đỏ hoe. Sau này xa Hạnh, mỗi khi có dịp ăn món xôi với gà luộc thì tôi không thể không nhớ đến nàng và bữa tiệc mồng năm hôm ấy.

     Thời gian trôi qua, càng ngày gia đình nàng càng làm tôi cảm động, riêng Hạnh, nhìn cử chỉ của nàng, tôi biết Hạnh có những điều muốn nói với tôi. Khoảng thời gian ấy, tôi lơ là với những đề nghị ra đi của bạn bè, không còn hăng hái như trước nữa. Bạn bè hối thúc, trách móc nhưng tôi chỉ ẩm ờ cho qua chuyện. Tâm trí tôi lúc này nhìn đâu cũng thấy Hạnh, thấy đôi mắt biết nói của nàng. Tôi dự định sẽ nói cho Hạnh biết về tình cảm của tôi đối với nàng khi có dịp thuận tiện. Nhưng rồi tôi cứ lần lừa mãi và tự hỏi lòng mình có nên nói cho Hạnh biết tình cảm của tôi đối với nàng không. Nhìn Hạnh hàng ngày chú tâm vào việc học, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học cũng như thi đại học. Tôi áy náy, tôi thương nàng, thương tôi vô cùng. Tôi lúc này lang bang, thỉnh thỏang mới ghé vào trường, còn thời gian phần lớn là ngồi quán cà phê với bạn bè. Tình hình chiến tranh với Campuchia rồi Trung cộng lúc đó mới nổ ra, viễn cảnh phải giã từ trường lớp để ra chiến trường là điều không thể tránh khỏi. Gia đình hối thúc tôi tính chuyện vượt biên. Tôi buồn thấy tương lai mình mờ mịt. Thấy tình yêu đối với Hạnh mong manh, vụn vỡ dần. Ngày mai có hẹn với người tổ chức chuyến đi để sắp xếp về miền Trung, tôi vội vã đến thăm nàng. Đưa Hạnh đến quán nước quen thuộc ở Hồ Con Rùa, cũng là một chiều mưa như ngày đầu tôi gặp lại nàng. Tôi không dám nói thật với Hạnh, giả vờ đùa vui với nàng thật nhiều. Nhưng Hạnh như linh cảm những gì sắp đến, nhìn mưa bay ngoài quán, nàng trông buồn lắm. Nàng không nói huyên thuyên như mọi khi, cứ xoay xoay hoài cái ống hút quanh miệng của ly nước mía, nước đá dần tan cả. Tôi muốn nắm lấy tay nàng, nói yêu nàng vô cùng. Nhưng rồi tôi vẫn ngồi yên, giả vờ bông đùa, thì thầm vài câu chuyện vui cho nàng cười như mọi khi. Mưa một lúc một to hơn, tạt những hạt bụi mưa vào trong quán, se lạnh. Tôi bảo Hạnh nép vào gần hơn để tránh cho nàng khỏi ướt. Tóc Hạnh thoang thoảng mùi hoa ngâu, ngan ngát hương của tuổi đời vừa lớn. Tôi thở ra những vòng tròn cuối cùng của điếu thuốc, làn khói quyện không giữ được lâu như mọi khi, gió làm chúng tan biến thật nhanh. Ngoài kia, vài cặp tình nhân vội vã dìu nhau băng nhanh qua đường, dưới mưa, dưới những chiếc dù đầy màu sắc. Hạnh yên lặng, tôi cũng chẳng biết nói gì, chúng tôi bảo nhau ra về khi mưa vừa chớm tạnh. Mưa Saigon vẫn làm cho hai người gần nhau, rồi lại xa nhau.

     Tôi về Đà Nẵng. Sau những ngày dài trốn tránh, đợi chờ và những chuyến đi không thành, trở về trong chán chường tuyệt vọng. Cuối cùng tôi cũng may mắn được theo một chiếc tàu đánh cá nhỏ ra khơi. Rồi biết bao gian nan, hãi hùng trên biển. Thuyền chết máy, đói khát, bão tố như nhận chìm chiếc tàu nhỏ bé và sinh mạng mọi người. Sau một tháng lênh đênh, cuối cùng chúng tôi được một chiếc tàu đánh cá của Nhật cứu và đưa về trại tị nạn của đất nước này. Đặt chân lên bờ sau những ngày dài đói khát, chúng tôi mới biết mình đã được sống thêm một khoảng đời nữa. Biến cố trong đời này như một vết hằn khiến tôi thay đổi rất nhiều, tôi yêu quí cuộc đời còn lại của mình. Mỗi sáng thức dậy, tôi biết mình vẫn còn sống và muốn nói lời biết ơn xứ sở này vô vàng. Tuy nhiên với cuộc đời mới hôm nay, tôi đâu phải như một đứa bé lúc mới chào đời, trí nhớ là tờ giấy trắng. Hơn 20 năm sống nơi quê nhà, bao kỷ niệm trong khoảng đời đã có thì làm sao mình quên được. Nó như một ký ức thiết tha, một thuờng trực chẳng rời trong giấc ngủ, trong sinh họat hàng ngày. Nhắm mắt là thấy cảnh cũ, người xưa. Mở mắt là thấy thực tế của nổi buồn chẳng biết bao giờ về lại thăm quê hương. Tháng năm trôi qua, cuộc đời dù lớ ngớ, dỡ dang cũng cuốn mình theo. Vài ba mối tình màu Hoa Đào lặng lẻ đến rồi đi. Đôi lúc cũng buồn nhưng chẳng lấy gì làm tiếc nuối như ngày nào, năm xưa. Rồi tình cờ gặp nhà tôi, cũng gốc Huế dáng gầy, cũng hiền hòa thướt tha như cô nàng Hạnh thuở nào. Lần này tôi làm sao chậm chạp, đến nỗi cù lần không dám ngõ lời với nàng như xưa được. Cuộc đời dạy tôi “Trâu chậm uống nước đục”, nên tôi liều lĩnh và có phần lì lợm hơn ngày trước nhiều. Cuối cùng Chúa cũng thấu lòng mà ban ơn phước cho tôi là kẻ ngoại đạo. Nhiều khi tôi nói cho vui với nhà tôi rằng, chắc kiếp trước tôi mắc nợ với người gốc Huế hay sao mà lúc nào cũng vướng lấy mấy nàng ở đây. Ngày trước và tận bây giờ, tôi vẫn chỉ thấy rung động khi gặp những cô gái của thành phố thơ mộng, cổ kính này. Nhà tôi thuờng nhăn mặt và nói rằng, “Chẳng còn mắc lừa về những lời ngon ngọt của anh như ngày mới gặp đâu, sống chung bao nhiêu năm thì biết quá rồi”. Tôi cười giả lả, nói hàng hai rằng “Trong đời sống vợ chồng thì ai cũng đã là nợ của nhau rồi, dù không muốn”.

     Thấm thoát đã hơn 30 năm, thời gian đủ dài để ta không còn làm sao nhớ hết những gì đã có trong một chuyện tình, dù là của chính mình. Nổi nhớ đến Hạnh rồi cũng chẳng còn như ngày đầu xa cách. Cuộc sống đầy bận rộn thì tình cảm con người đâu thể phung phí tràn lan được, đôi khi cần phải “tiết kiệm” nó cho gia đình nhiều hơn. Tôi không nói là đã quên hẳn Hạnh và kỷ niệm đã có với nàng. Đôi khi cũng chợt nhớ đến chứ, nhất là trong những chiều mưa mùa hè hiếm hoi nơi đây. Hình ảnh Hạnh chợt hiện về, chợt “phôi pha”. Rồi một ngày, tôi nhận được mấy dòng email từ Hạnh. Tôi bồi hồi, xúc động đến nổi cả buổi không tập trung làm gì được cả. Hạnh cho biết nàng tình cờ thấy email và hình của tôi trên trang web trường cũ. Hạnh cho biết nàng đã sang sống tại Cali, Hoa kỳ hơn 20 năm rồi. Thỉnh thoảng nàng có về Việt nam, ghé lại Huế và thăm Phượng em tôi. Hạnh viết thêm nếu có dịp sang Cali thì nhớ ghé thăm nàng. Cuối email, Hạnh nhắn cho vợ chồng nàng gởi lời chúc sức khỏe đến tôi và gia đình. Tất cả chỉ có vậy cho khoảng thời gian dài hơn 30 năm. Chỉ vài dòng ngắn ngủi như một lời thăm hỏi bình thường của người bạn cũ lâu ngày tình cờ gặp lại. Không có những lời nhớ thương, buồn tủi vu vơ như tôi từng đã nghĩ đến. Đôi khi mình hay thi vị hóa một câu chuyện, cảm động hóa một cuộc tình sao cho nó lãng mạn để thỏa mãn cảm xúc của chính mình. Tôi mong nhớ về Hạnh một thời hay tôi tiếc nhớ lại hình ảnh, thời tuổi trẻ đẹp đẽ của chính mình. Hạnh hôm nay đã có gia đình, trong lời thăm hỏi có kèm theo bóng dáng của cả chồng nàng. Hạnh không còn là cô bé ngây thơ ngày xưa của tôi nữa. Hôm nay, Hạnh bình thản quá nên làm tôi hụt hẩn. Tôi chợt cảm thấy hơi buồn. Nhưng rồi thấy nhẹ lòng hơn khi xoá được nổi áy náy của mình bao năm nay đã dành cho một người tưởng như còn ở lại. Chiều sắp tan sở, tôi nhìn ra ngoài trời đang dần tối, mùa hè sắp sửa đi qua để thu đến. Nắng giao mùa vẫn còn đọng lại trên những tàng cây, trắng lung linh. Hè năm cũ như vẫn lẩn khuất đâu đây để tôi còn nguyên vẹn cảm xúc nôn nao khi được tin về Hạnh. Thôi thì dù ít hay nhiều, ta vẫn còn nhớ đến nhau là đủ để ấm lòng như một lời nhạc thật đẹp của Trịnh công Sơn “Áo xưa dù nhàu, cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau”. Bao mùa hè đã vội vã bỏ ta đi nhưng Hạ thì vẫn mãi là màu Trắng. Tình tôi đối với nàng vẫn mãi đầy dù Hạnh chẳng còn bé để khóc vì một điều cỏn con như lần nấu hoài con gà cúng mồng năm không chín.

Hữu Hiền


Hạ Trắng – Lệ Thu

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *