Tháng Tư, ngang qua sông Charles.

Charles River_Boston

     Đầu tháng Tư trời đã bớt lạnh. Thời tiết buổi sáng đủ làm ta không còn ngần ngại khi giơ tay hé mở cánh cửa sổ phòng để hưởng chút ánh sáng, chút không khí trong lành. Ngoài vườn, tiếng chim ríu rít hót vang, từng vạt nắng ấm đan trên những cành cây vẫn còn trụi lá. Những chồi hoa Tulip đã bắt đầu vượt đất, nở nụ mang đủ sắc màu rực rỡ. Cảnh vật như mời gọi, thôi thúc ta trải lòng ra mà tận hưởng niềm vui của mùa Xuân đang trở lại. Mọi năm, giờ này tuyết vẫn còn trắng xóa và đang tan dần theo nhiệt độ tăng lên mỗi ngày. Nhưng năm nay, khí hậu mùa Đông ấm hẳn hơn nên giữa tháng Ba mà hầu như tuyết đã tan cả. Thời tiết ấm áp, khu nhà tôi cũng rộn ràng hẳn lên. Hàng xóm đã bắt đầu loay hoay sửa sang lại vườn, họ bón lại gốc cây, di dời vài chậu hoa, dựng lại cái hàng rào hơi xiêu vẹo…

     Có những cụ già suốt cả mùa Đông co ro trong nhà chẳng bao giờ thấy bóng, hôm nay bỗng dưng xuất hiện, chào hỏi tay bắt mặt mừng như vừa mới đi xa một thời gian nay trở về xóm cũ. Họ, vẫn với dáng điệu già nua, co ro trong tấm áo dày chống lạnh nhưng niềm tin Phục sinh đã làm rạng rỡ trên từng khuông mặt. Tất cả, thiên nhiên và con người như đang hòa hợp tạo nên niềm vui đón chào mùa Xuân: chào những ngày đầu của tháng Tư tuyệt vời. Nhìn ra vườn, bên ly café sáng ấm khói, tôi chợt thoáng nhớ đến một câu thơ thật hay của Xuân Diệu khi diễn tả về nét đẹp của những ngày đầu Xuân nơi quê nhà. “Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần”. Ngày Xuân giữa tháng Giêng ở Việt nam thì đã quá đẹp rồi nhưng ý của nhà thơ còn so sánh cái trinh nguyên, trong sáng của người con gái mới lớn đẹp như những ngày đầu tiên của chu kỳ đất trời. Xuân thì của người con gái tựa như những ngày nắng tháng Giêng, chàng trai nào thoáng gặp một lần mà không đem lòng về tương tư thương nhớ. Nhưng đó là ở Việt nam kia, còn nơi tôi ở thì làm gì có tháng Giêng ngon lành như vậy. Tháng Giêng là thời gian khắc nghiệt nhất giữa mùa đông. Mỗi khi ra khỏi nhà, thân thể ta phải che phủ từng lớp áo dày cộm, mặt mày thì đâu thấy gì ngoài mủ nỉ, khăn quàng quấn quanh. Khí trời lạnh đến nổi, mới mở miệng để nói thì hơi nóng tỏa ra đã muốn đóng thành băng rồi thì cặp môi nào mà ngon lành cho được. Nhưng bù lại, bắt đầu vào Xuân, tháng Tư nơi thành phố tôi ở rực rỡ và lãng mạn vô cùng để ta có thể sửa lại câu thơ của Xuân Diệu thành “Tháng Tư ngon như một cặp môi gần”. Tháng Tư nơi đây thơm tho, mượt mà như trái cây trên cành mới vừa đỏ chín. Chỉ thoáng hình dung qua mà đã thấy lòng rạo rực quá đổi. Nhưng thôi, ở tuổi này thì dể gì mà ta tìm gặp được cặp môi nào ngon như tháng Tư hay tháng Giêng nơi quê nhà đây. Biết như vậy, nên chỉ để mà tưởng tượng, để mà tiếc nhớ về một cặp môi gần nào đó thời xa xưa thôi nhé.

     Sáng chủ nhật Phục sinh. Tan lễ, tôi lái xe đưa nhà tôi đi loanh quanh ngắm cảnh thành phố ban mai. Ngang qua khu phố chính, những chuyến xe buýt đầu ngày đã bắt đầu lăn bánh trên đường. Vài quán cà phê đã mở cửa, lác đác khách ghé lại. Họ chọn cho mình chiếc bàn con bên ngoài hàng hiên quán. Boston, sớm mai đẹp và cổ kính như những thành phố bên kia trời Âu vào đầu thế kỷ trước, đường phố vắng lặng, thưa thớt xe cộ. Bên kia khu công viên, thấp thoáng ngôi nhà thờ bằng đá trang nghiêm, những tòa nhà gạch màu đỏ đang còn phủ mờ bởi sương mai. Chạy dọc theo đường Storrow Drive bên này, nhìn sang bên kia sông Charles là thành phố Cambridge, nơi có trường MIT va Harvard nổi tiếng. Trên sông, những chiếc thuyền buồm màu trắng vẫn còn nằm yên dọc theo bờ, chúng đợi khi nắng lên sẽ ra giữa dòng lướt sóng. Cảnh vật đẹp như một bức tranh khiến tâm hồn mình cũng dập dìu, bồng bềnh theo. Tôi vừa nhìn sang nhà tôi vừa nhẩm hát khẽ câu nhạc mình ưa thích “Ta thấy trong mắt em ngày mưa vẫn còn đó… Ta thấy trong cánh tay mùa Thu mang xót xa…” (Quỳnh Lan). Sáng nay tự dưng thấy bà nhà tôi sao xinh quá, tôi nắm lấy tay nàng bóp nhẹ, cử chỉ mà từ lâu lắm rồi tôi đã bỏ quên. Hình như mùa Xuân làm mình như trẻ lại và bồng bột hơn. Hình như mùa Xuân cũng làm mình mơ mộng, nhớ nhung nhiều hơn thì phải.

     Bên kia sông Charles, bóng của khu ký túc xá sinh viên ngã dài theo phố, những chiếc xe đạp thong dong qua lại trên đường. Trong cái mờ mờ ảo ảo ấy, tôi chợt như thấp thoáng thấy bóng dáng những tháng năm qua của đời mình. Nhớ đến thời tuổi thơ nơi quê nhà, hai mươi năm nơi xứ Phù tang, rồi mười năm nơi đây khi cuộc đời sắp ngã về phía bên kia triền đồi. Nghĩ lẫn thẫn, dường như mình có duyên hay là tôi đã phải lòng với những thành phố có dòng sông ngang qua. Ba khoảng đời thì tôi đã chọn ba dòng sông. Có dòng sông đẹp và hơi sang nữa như sông Charles trước mặt. Mười năm qua lại, ngắm nhìn thôi đã thấy lòng thanh thản. Có dòng sông nhỏ chạy giữa lòng thành phố Đông Kinh. Sông chạy dọc theo công viên, mùa Xuân chợt nhớ về những ngày lễ hội dưới gốc Anh đào trắng hồng trinh khiết. Có những đêm theo du thuyền trên sông, những chiếc thuyền với dãy đèn lồng lộng lẩy như một thời cổ tích có rượu Sake và nàng Geisha kiều diễm. Ngược về xa hơn nữa, có dòng sông đơn sơ, mộc mạc băng ngang thành phố Đà Nẵng thời niên thiếu. Dòng sông của những mùa hè có gió mát yên ả, của mùa Đông mưa bão cuốn trôi từng đám lục bình. Bao lần, tôi đã đứng nhìn ra giữa dòng sông mà trí tưởng tượng bay đến một thế giới thật xa đầy thênh thang, huyển hoặc. Tôi đang thêu dệt đời mình bằng nhưng câu chuyện thần thoại cổ tích. Với tôi, dòng sông Hàn đẹp và thân thương quá đổi để khi đi xa thì lòng lại nhớ nhung muốn quay về. Bao năm tha hương, dù đã sống cạnh hai dòng sông tuyệt đẹp, dù đã từng đứng bên bờ của dòng sông Seine lấp lánh đèn màu sang trọng hay dòng Potomac DC với bóng cây rũ hai bờ thơ mộng. Nhưng cũng như khoảnh khắc này, khi ngắm nhìn dòng sông nào đi nữa tôi vẫn cảm thấy mình như còn đang đứng bên bờ sông Hàn ngày cũ, lắng tai nghe tiếng lịch xịch của chiếc phà sắp ghé bến mà lòng rộn rả niềm mơ ước đi xa.

Sông Hàn_Đà Nẵng

     Sông Hàn băng ngang thành phố rồi chảy ra cửa biển xa lắm, nơi mà tôi chưa bao giờ có dịp nhìn thấy. Trong cái trí trẻ con của tôi, dòng sông thật ngắn ngủi như tuổi đời mình thuở ấy. Nó chỉ chạy dài từ trường Sao Mai, Cổ Viện Chàm cho đến khoảng Thuơng cảng Đà Nẵng. Đường Bạch Đằng chạy dọc theo sông đối với tôi cũng vậy, chỉ dài ngần ấy, chỉ vài phút đạp xe đi qua nhưng sao ngày xưa tôi thấy dài quá đổi. Nó như đọan đường không có đích đến, mang tôi đi hòai về nơi chốn đầy ước mơ, mộng mị. Sông Hàn. Bên này là Quận Nhất, đường Bạch Đằng với dãy khách sạn, nhà hàng sang trọng. Những ghế đá công viên đặt dọc theo bờ, những tàng cây đầy bóng mát để nghĩ chân. Bên kia sông là Quận Ba với khu nhà vẫn còn lụp xụp, cái chợ nhỏ lúc nào cũng tấp nập người buôn bán. Vào những năm đầu thập niên 70, khi tôi bắt đầu lớn thì đường Bạch Đằng đã tập nập xe cộ, người qua lại. Đường một chiều, tôi đạp xe đi học, ngang qua bến phà, ngang qua nhà hàng nổi, đến dãy khách sạn, tòa thị chính, sân tennis, rồi quẹo trái ở đoạn tòa án là đến trường tôi. TTGD Nguyễn Hiền rộng lớn và um tùm như một cánh rừng. Bên kia dãy tường rào bằng gạch, tôi như thấy lại được những tàng cây cổ thụ lâu đời với dây leo rủ xuống, âm u. Những dãy lớp học có kiến trúc từ thời Pháp còn sót lại, rêu phong, nằm rải rác trong khung viên. Đằng xa, bên phải là sân vân động dành cho giờ thể dục với sân bóng và chiếc cầu leo thang dây cao vời vợi. Băng qua chiếc cầu nhỏ, đi vào xa hơn là dãy tường thành bằng gạch, phía trong có ngôi nhà thờ cũ kỷ, rải rác những chiếc ghế dài bằng đá phủ đầy lá rụng. Đã hơn 30 năm qua, tôi vẫn còn thấy rõ bóng mình hằng ngày đạp xe đến trường. Toi ngồi trong lớp, nhìn qua cửa sổ, tiếng chim hót vọng lại trên đồi. Tôi nheo mắt nhìn ra ngoài sân, ánh sáng làm nhòa đi bóng dáng của bạn bè đang tụ tập chơi đùa. Đằng xa, chiếc cổng trường thật cao đang khép hờ trong giờ học. Tôi hồi hộp, len lén ngoái nhìn chiếc áo dài màu trắng của ai ngang qua cửa lớp, lặng lẽ ngồi vào dãy đầu bàn, di di len những ngón tay trên tóc. Tất cả như đoạn phim quay chậm, lung linh, rời rạc trôi qua trong trí nhớ mình.

     Năm 1975, cũng tháng Tư mùa Xuân như hôm nay, trường tôi không còn nữa. Đất nước, thành phố thay đổi theo một hướng khác, đỏ hơn và con người thì nghi kị nhau nhiều hơn. Bạn bè cũ dần dần bỏ đi xa vì không chịu nổi áp lực của cuộc sống mới, chúng tôi tan tác mỗi người một nơi. Tôi buồn ghê gớm. Tôi bắt đầu biết hút thuốc lá, biết nhâm nhi ly café đen để trốn chạy thực tại mà mình chán ghét. Có những ngày đi ngang qua trường cũ, nhìn vào trong vắng lặng mà ước ao thấy lại được cái không khí vui nhộn của giờ học, giờ chơi bên bạn bè ngày trước. Tôi đi lang thang vô định trên những con đường thành phố. Chiều bất chợt có cơn giông đầu mùa kéo về, những giọt nước mưa ập vào mặt sao làm cay mắt mình. Bên kia đường, ngôi nhà nhỏ trong khu vườn có giàn hoa giấy vẫn còn mở cửa. Nhưng, ánh đèn trong ấy không còn sáng như mọi khi, gia đình bạn tôi không còn ở đó nữa. Rồi tôi cũng bỏ Đà Nẵng mà đi. Chiều cuối cùng tôi lên chiếc phà quen thuộc để qua bên kia bờ thành phố, về hướng biển. Gấp gáp, tôi chẳng có dịp từ giả người thân, bạn bè. Nổi lo sợ làm đầu óc mình hoang mang, đâu nghĩ đến phải nhìn lại ngôi trường thân yêu, nhìn lại thành phố quê nhà lần cuối. Lần này không còn là mơ mộng nữa, tiếng lịch xịch của chuyến phà sông Hàn đã đưa tôi đi quá xa, qua cả một đại dương…

     Chiều Chủ nhật Phục sinh, tôi đưa nhà tôi qua khu thương xá. Bao giờ cũng vậy, vào đây nàng như cá gặp nước, lục lọi từ gian hàng này đến gian hàng khác. Shopping vẫn là cái thú vui muôn đời của các bà, nhất là những lúc có on-sale cuối mùa như hôm nay. Nhà tôi thường hay nói, sao đàn ông các anh lúc nào cũng hay ngậm nhấm quá khứ, tiếc thương dĩ vãng chi cho mệt vậy. Đàn bà của nàng sống thực tế hơn, cả tuần mệt mỏi với công việc chổ làm, rồi việc nhà. Cuối tuần xả stress bằng cách đi dạo trong shopping là khỏe khoắn và yêu đời nhất. Công nhận các bà dể hòa nhập, thích ứng khi hoàn cảnh thay đổi hơn đàn ông chúng tôi nhiều. Hơn 30 năm nay vẫn vậy, khi có một khoảng trống rảnh rang nào như hôm nay là cái đầu của mình tự dưng feedbakh về quá khứ. Lẩn thẩn, nhẩm ôn lại những kỷ niệm lúc còn ở Việt nam. Thỉnh thoảng, tối ngủ còn nằm mơ những chuyện hồi còn nhỏ xíu với bạn bè, xóm cũ, trường xưa. Rồi lại chuyện vượt biên đường bộ, đường biển sau ngày tháng tư 75 nữa chứ. Nói cho vui là tụi tôi sống theo kiểu nữa chân trong nữa chân ngoài ở chốn tạm dung này. Sống theo kiểu part-time, bán thời gian. Ngày bên này, lâu lâu tối mộng rong chơi về bên kia. Đâu có bao giờ yên trí rằng mình chọn mãi kiếp đời ở đây.

     Mùa Hè năm ấy, tôi về thăm lại quê nhà nhân ngày giỗ mẹ. Ra đi khi tuổi mới đôi mươi, về thì đã quá năm mươi. Đến Việt nam, ở lại Saigon thăm gia đình người chị vài hôm, tôi nôn nóng về lại Đà nẵng. Saigon cũng có nhiều kỷ niệm của những năm cuối trước khi rời Việt nam, nhưng thú thật nó đông đúc và rộng lớn quá. Nó cũng như bao thành phố lớn khác, thường ta muốn ghé đến vui chơi, tìm cơ hội nhiều hơn là mong trở lại vì quyến luyến. Vả lại, Sàigon ngày nay ồn ào quá, người không quen dể mệt mỏi, ngọt ngạc mà trốn chạy mất. Rời Sàigòn khói bụi mù trời, tôi đáp chuyến bay sáng về Đà nẵng. Trưa, đặt chân xuống phi trường mà lòng quá nôn nao. Tôi cũng không biết mình vui hay buồn. Cảm giác lao chao như người bệnh lâu ngày mới khỏe lại, mong muốn được thấy cảnh vật bên ngoài. Tôi bước chân ra phi trường, chói mắt vì nắng. Người em họ đón tôi, đưa về khách sạn. Sau khi check-in, anh chở tôi vòng vòng thăm thành phố. Không như trong trí nhớ của mình về một Đà nẵng yên tịnh ngày xưa. Tôi thất vọng vô cùng. Thành phố hôm nay cũng chẳng khác gì Sàigòn. Cũng nhà cửa chen chúc, đường phố đã đông người lại thêm tiếng còi xe lúc nào cũng inh ỏi mọi lúc mọi nơi. Tôi mệt mỏi. Tôi cảm thấy nghẹt thở. Dù biết thành phố nào cũng cần phải xây dựng để phát triển. Nhưng sự phát triển này hổ lốn quá. Nó tựa như một người lâu ngày bị đói, cố ăn một bữa cho thỏa thê đầy bụng khi có dịp. Nó căng cứng, bội thực những nhà cửa xe cộ. Tôi có cảm giác như bị nhốt trong căn phòng nhỏ mà âm thanh của giàn máy hát vặn to hết cỡ. Cố tìm cho mình một khoảng xanh của công viên, cây lá để kịp thở nhưng chẳng thấy đâu. Tôi choáng váng với thành phố quê tôi hôm nay. Đà nẵng của đổi mới dù to lớn, sầm uất hơn xưa, nhưng sao tôi vẫn tiếc cho dáng vẻ thanh bình ngày xưa của nó.

     Buổi chiều, thời tiết tương đối dịu bớt. Từ khách sạn trên đường Thống Nhất cũ tôi thả bộ về hướng sông Hàn. Con đường này lúc xưa rất yên tỉnh, cây cối hai bên tỏa dày bóng mát. Bây giờ thì khác hẳn, nó là một trong những con đường buôn bán sầm uất nhất của thành phố. Tôi đi hướng về sân vận động, băng qua chổ lúc xưa là Cầu vồng. Cái dốc thật cao, phía dưới có đường rày xe lửa nay không còn. Tôi có thể đi bộ băng qua phía bên kia “dốc” mà không thấy mệt như ngày trước nữa. Dốc Cầu vồng này đã để lại không biết bao nhiêu kỷ niệm cho người dân đã từng sống ở Đà nẵng. Tôi nhớ lúc đó, mấy chàng thanh niên, chiều nào có mưa lớn hay đứng phía dốc bên đường Khải Định, ngóng xem các nàng áo dài trắng tan học về. Nghịch ngợm nhưng thú vị lắm. Nhà tôi ở gần đó, những ngày hè tôi hay rủ mấy thằng bạn, đạp xe lên dốc, xong hè nhau thả xuống thật nhanh mà không cần đến thắng (xe đâu có thắng mà dùng). Nghĩ lại cũng dại thật, tìm cảm giác mạnh đâu không thấy, lỡ đụng xe nhà binh ở cuối dốc thì tàn đời. Cũng may lúc xưa xe qua lại còn vắng vẻ, chớ như Đà Nẵng lúc này thì chắc chết và… chết chắc rồi. Cũng ở cái dốc Cầu Vồng này, có một dạo, bất kể trời mưa hay trời nắng, chiều nào tôi cũng làm theo câu “Em tan trường về, anh theo Ngọ về…” suốt cả mấy tháng trời. Những tưởng làm nàng cảm động, ai ngờ… Ngày thấy nàng đi với thằng khác, tôi tưởng trời đất sụp đổ. Cả tháng trời chẳng bước chân ra khỏi nhà. Tôi ốm vì tương tư. Nay thì tôi quên chuyện cũ đó rồi nhưng vẫn còn nhớ đến nàng vô cùng. Tôi đi đến đoạn ngã tư Thống nhất và Độc lập, thật mừng khi thấy tiệm nước mía Viễn đông ngày xưa vẫn còn đàng kia. Cả một buổi chiều lang thang, cái quán nước mía này là hình ảnh quen thuộc còn sót lại mà tôi tìm thấy. Dù nó đổi thay nhiều, khang trang hơn trước. Và tiệm còn bán thêm thức ăn sẵn như bánh mì, bánh chưng. Tôi hớn hở mua cho mình ly nước mía thật to, thêm ổ bánh mì thơm giòn cho ấm lòng. Theo thói quen ngày xưa, tôi đi về hướng bờ sông. Đường Bạch Đằng vẫn còn đẹp như những gì nó đã sẵn có, nghiêng mình ngắm dòng sông Hàn ngang qua thành phố. Trên lề đường, vẫn còn những cặp tình nhân, dừng xe, ngồi bên nhau ngắm cảnh chiều. Con đường này bao giờ cũng là hình ảnh đep, biểu tượng khó quên của thành phố Đà nẵng. Tôi chợt tiếc nuối khi không còn thấy bóng chiếc phà đưa khách qua lại hai bờ. Trước mặt tôi, sáng lung linh chiếc cầu treo bắt ngang sông. Tôi định đi qua phía bên kia cầu nhưng đến giữa chừng thì lại đổi ý, quay ngược về.

     Tôi đi về hướng trường tôi, vẫn ngang qua nhà hàng nổi, tòa thị chính cũ. Trời tối hẳn, hàng đèn hai bên đường như không đủ sáng để thấy cảnh vật rỏ hơn. Tất cả không còn gì, đã biến mất. Tôi còn nhớ ngay góc Quang Trung, Độc lập là ngôi nhà của người bạn cùng lớp thì nay đã trở thành một building lớn. Bên phải, TTGD Nguyễn Hiền chỉ còn là khu đất đang xây cất dở, bề bộn, chung quanh treo những tấm hình quảng cáo lòe lọet. Tôi thử tìm lại một chút gì hình ảnh cũ của trường tôi, nhưng không thể nào hình dung nổi dù chỉ là cái hàng rào phía ngoài quen thuộc. Băng ngang đường Quang Trung, hàng quán, nhà cửa chen nhau san sác. Hai bên lề đường không còn hàng cây xà cừ như ngày trước. Con đường này lúc xưa rất vắng vẻ, ban đêm thỉnh thoảng mới có bóng xe chạy ngang qua. Tôi vội vả đi nhanh hơn, như vẫn còn nguyên vẹn cái cảm giác sợ hãi mỗi lần ngang qua đây về đêm ngày còn bé. Trở về khách sạn, trái giờ giấc nên mất ngủ cả đêm. Trằn trọc cho đến 4 giờ sáng tôi đã thay đồ bước ra đường. Đà nẵng giờ này vắng lặng, hàng quán còn im lìm đóng cửa. Tôi chợt khám phá ra chỉ lúc này mình mới tìm lại hình ảnh của thành phố xưa kia. Tôi đi ngang qua xóm nhà cũ, đường Ông ích Khiêm không còn rộng lớn như trong trí nhớ mình, nó nhỏ hẹp quá dù mới sáng sớm, xe cộ thưa thớt. Nhìn qua bên kia đường, tôi nhận ra ngay căn nhà cũ của gia đình mình dù đã thay đổi nhiều. Nó được xây cho cao hơn, cánh cổng sắt màu xám lúc xưa nay được thay bằng cửa kính. Tôi đứng nhìn một đổi, cố tìm thêm vài nét gì thân quen còn sót lại. Tôi thử đoán, hàng xóm của gia đình mình bây giờ ai còn ở lại, ai đã rời đi. Tôi đi về hướng chợ Cồn. Bên đường, có quán café nhỏ đã mở cửa, tạt vào kêu một ly đen nóng. Quen thuộc như mọi lần, như chẳng còn khoảng cách 30 năm.

     Hôm nay tôi có hẹn với người bạn cùng lớp ăn tối. Bình chẳng khác gì xưa kia, vẫn dáng cao to, ăn nói bạc mạng nhưng rất chí tình với bạn bè. Chúng tôi vừa ăn vừa ôn lại biết bao nhiêu chuyện cũ, từ hồi tiểu học, sang trung học, rồi sau ngày tháng Tư, 1975. Trí nhớ bạn tôi tốt lắm, anh vẫn còn nhớ đến cả những ngày đầu tiên cùng học chung khi trường tôi vẫn còn mang tên Tây Blaise Pascal. Trường toi có ông Manguy dáng to đùng, tụi tôi thấy bóng đã khiếp sợ. Trường có những dãy lớp học bằng sắt màu xanh xám. Bà Đầm Tây có nước da thật trắng dạy cho chúng tôi những câu tiếng Pháp đầu tiên. Sang năm lên thêm một lớp, tôi vẫn còn nhớ cô giáo người Việt, luôn mặc áo dài nghiêm trang, cô có nốt ruồi trên má. Cách đây 3 năm, tôi tình cờ gặp lại cô trong ngày Hội ngộ Liên trường Quảng đà. Sau hơn 40 năm, cô đã lớn tuổi, không còn nhớ hết học trò của mình. Nhưng làm sao tui tôi quên được cô giáo của những ngày đầu cắp sách đến trường của mình. Cô giáo cũ tôi mừng và cảm động lắm. Anh Bình còn nhớ cả thời gian khi trường tôi đổi tên thành TTGD Nguyễn Hiền. Chương trình học được đổi sang song ngữ nên chúng tôi được dạy bởi những thầy cô người Việt lẫn người Pháp. Gần mười năm dưới ngôi trường này, bao kỷ niệm của tuổi học trò. Chúng tôi ôn lại những lúc tham gia văn nghệ, báo chí, tranh tài thể thao giữa các lớp. Rồi những lần cắm trại cuối năm do trường tổ chức. Bao chuyện vui mà nay nhắc lại còn cười ra nước mắt. Tôi hỏi thăm Bình về những người bạn còn lại ở Đà nẵng. Bình chuyên làm quản lý cho những nhà hàng lớn tại Đà nẵng nên anh hay gặp lại bạn bè cũ. Anh chợt nhắc đến anh Đức, bạn bè hay gọi là Đức mập học cùng lớp với hai đứa. Đức có dáng phục phịch, tính tình thì hay nói nhưng hơi ngây thơ. Lúc xưa thấy vui vui nên tôi hay chọc phá anh ấy. Bình nói với tôi rằng Đức mập bây giờ thích nhậu lắm. Khi hơi xỉn thì anh vẫn ngây thơ như xưa vậy, nhất là đối với những em chân dài, chân ngắn. Tôi cười khi tưởng tượng lại dáng chạy của anh trong những lần đá banh của lớp. Trời mùa hè, đã 7 giờ tối mà vẫn còn sáng. Tôi thấy rõ cái gác chuông nhà thờ con gà với cột thu lôi nhọn đàng kia. Xa thật xa, bóng núi Phước Tường vẫn còn in trên bầu trời. Trên ấy, đầu năm 75, tụi tôi ngồi chụm nhau nói chuyện vui. Dưới kia, thành phố Đà nẵng vẫn còn rực sáng ánh đèn, vài ánh hỏa châu bên hướng phi trường. Chúng tôi đâu biết rằng, đó là lần cắm trại đẹp nhất, lần họp mặt cuối cùng của trường, của lớp. Chúng tôi sẽ đi xa mỗi người mỗi ngã.

     Hôm nay giả từ Đà nẵng. Chiều tôi phải bay vào Sàigòn để về lại Mỹ. Buổi sáng, giành thời giờ về quê thăm ba tôi và viếng mộ mẹ tôi lần nữa. Gần mười năm nay, từ ngày mẹ tôi mất và chôn cất ở đây, ba tôi buồn nên về Việt nam sống già nơi quê cũ. Ba tôi nay tuổi đã quá cao, hầu như chỉ còn nằm một chổ nhờ mấy người cháu họ chăm sóc. Tuy vậy, người vẫn còn minh mẫn lắm, chẳng quên điều gì dù đã xảy ra khá lâu. Khi từ giả ba tôi, tôi hứa sẽ thỉnh thoảng đưa gia đình về thăm người. Buổi chiều, trên đường đến phi trường, tôi định nhìn lại nhà cũ khi xe ngang qua. Nhưng con đường đến phi trường bây giờ đã đổi hướng khác, đường lớn hơn và cũng gần hơn trước. Xe chạy qua những khu phố lạ. Trời đổ mưa, tôi nhìn qua cửa sổ, sương mưa làm nhập nhòe cảnh vật bên ngoài.

     Thời tiết mùa Hè thay đổi bất thuờng, chợt mưa chợt nắng. Trời tạnh hẳn, tôi ngồi trong phòng chờ của phi trường nhìn ra thấy rõ cuối đường phi đạo. Phi trường thành phố bây giờ lớn hơn thời kỳ chiến tranh nhiều. Không khí cũng vắng lặng, bình yên hơn. Những chiếc Boeing, Airbus sang trọng nằm rải rác thay cho máy bay chiến đấu ngày trước. Lác đác vài bóng áo dài xanh của tiếp viên hàng không đang đi lại. Đến giờ vào máy bay, tôi thật cảm thấy thoải mái khi được ngồi vào chiếc ghế cạnh cửa sổ. Máy bay sắp sửa cất cánh, tôi lơ đảng nghe người tiếp viên phi hành hướng dẫn những thao tác cần thiết khi khẩn cấp. Máy bay rời khỏi mặt đất, càng lên cao càng nhìn được toàn cảnh thành phố phía dưới. Rồi Đà nẵng nhỏ dần đi. Lúc này, khi không còn thấy chiều cao của những tòa nhà đang thi nhau mọc khắp thành phố. Không còn ngao ngán khi đi ngang qua những con đường trơ trụi bóng cây, mờ mịt bụi. Tôi chợt bắt gặp lại cái hình ảnh của thành phố thân yêu mình ngày trước. Nó không rộng lớn mà trơ trẻn, vô duyên như hôm nay. Nó tuy nhỏ bé nhưng ấm áp cho những người hằng ngày đi về dưới ấy. Tôi nhìn thấy dòng sông Hàn duyên dáng chảy ngang qua thành phố. Tôi nhìn thấy được cả trường cũ có ngôi nhà thờ mái nhọn, những tàng cây bao phủ. Tôi nhìn thấy thầy cô, bạn bè và cả hình bóng thời niên thiếu của mình nữa. Máy bay lên cao hơn, xa xa thấp thoáng vài dòng sông khác. Trong ấy, có cả dòng sông băng qua ngôi làng nhỏ, nơi ba tôi đã về sông cuối đời bên cạnh mộ mẹ tôi. Như uớc vọng của người. Còn tôi, không biết bao giờ có ngày trở lại hay tôi chẳng còn muốn quay về. Tôi chợt nhớ đến câu chuyện trong vở kịch mà ngày mới vào Blaise Pascal mình được xem. Cậu Bé Tí Hon (Le Petit Poucet). Truyện có đôi vợ chồng nghèo, gặp nạn đói nên mang con bỏ vào rừng. Đứa bé nhất lén mang theo túi sỏi, khi vào rừng rải dọc đường làm dấu. Khi cha mẹ bỏ trốn, cậu bé Tí Hon dẫn anh em lần theo dấu sỏi về nhà. Đúng lúc đó, cha me cậu đã tìm được thức ăn và đang đau buồn vì đã lở bỏ con mình vào rừng. Gia đình cậu lại chan hòa hạnh phúc. Tôi đi xa, cũng mang theo những viên sỏi kỷ niệm làm dấu để sau này lần về chốn cũ. Nhưng tôi không may mắn như cậu bé tí hon, tôi không còn tìm được dấu vết của đường về. Kẻ ác đã nhẫn tâm lấy mất những viên sỏi ký ức của mình. Tôi chơ vơ lạc lối ngày tìm đường trở lại, chẳng còn thấy lại gì. Phía dưới, sông Hàn chỉ còn là một vệt cong màu trắng. Tự dưng tôi thấy mắt mình cay đi, mờ ướt. Tôi quay vội vào vách, tránh ánh nhìn tò mò của người hành khách kế bên. Nhắm mắt, sao tôi ước ao được khóc òa không che dấu như những lần giận hờn, buồn tủi ngày còn bé quá.
Trương Hữu Hiền


LK Đồng Xanh & Dona Dona – LP

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *