Họp Mặt Ở Kemah


     Tôi có một tật là không thể nào viết lại ngay được những gì quá vui hay quá buồn vừa xảy ra cho chính mình. Phải thời gian thật lâu, vài tuần hay đôi khi cả vài tháng vài năm sau mới cầm bút được mà ghi lại những gì đã qua. Nổi buồn thì đã đành vì gợi nhớ đến làm gì cho thêm xót, chỉ mong ngày tháng trôi thật nhanh để chúng phai dần, để đến khi mình chợt nhớ mà đặt bút ghi lại thì chúng đã lờ mờ thành sẹo, chúng chẳng còn làm mình đau buồn buốt nhói nhiều như xưa nữa. Còn niềm vui thì sao mình cũng chẳng viết nổi ra ngay? Chẳng lẻ cũng phải đợi đến khi chúng trở thành mờ mờ ảo ảo, cái quên cái nhớ rồi mới ghi lại được? Không, tôi tin chắc rằng ai trong chúng ta cũng muốn nhớ hoài và nhớ kỹ những niềm vui lớn có được trong đời mình. Nhưng, những khi vui quá thì lòng ta như choáng ngợp cảm xúc, ta chỉ muốn yên lặng để mà nghe lòng mình tràn ngập niềm hạnh phúc bao vây. Niềm vui quá lớn ví như cơn mưa rào ập đến sau những ngày hạn, ta chỉ muốn trầm mình tỉnh lặng không cục cựa gì cả, mặc cho những giọt nước từ trời tuôn xuống đập vào mặt, va vào má vào môi mát lạnh. Sau những ngày vui của dịp họp mặt bạn bè thời TTGD Nguyễn Hiền tại Houston cũng vậy tôi có ý định viết về những kỷ niệm đáng nhớ trong ngày hội ngộ để chia sẻ với bạn bè gần xa. Nhưng chẳng thể nào làm ngay được. Có một cái gì đó làm mình lười suy nghĩ vô cùng, đầu óc trống rổng, cứng đơ, mặc cho nó thả rông trong bồi hồi, xúc cảm với hình ảnh bạn bè lao xao, chập chờn. Ngay cả khi còn ngồi trên máy bay về lại Boston tôi đã muốn ghi lại vài dòng, rồi những đêm trầm ngâm muốn gõ vội trên bàn phiếm, nhưng chỉ loay hoay rồi lại hẹn hôm sau, rồi hôm sau nữa. Phải chăng, niềm vui gặp lại bạn bè làm mình choáng ngợp nên chẳng thể nào suy nghĩ được gì mà dàn trải nó ra. Nhiều đêm, ngồi hằng giờ nhìn màn hình của chiếc computer, tôi chỉ làm một việc duy nhất là xem tới xem lui những tấm hình của ngày họp mặt vừa nhận được qua emails. Tôi chợt nghiệm ra rằng, khi muốn viết điều gì đó mang nhiều cảm xúc, dù là niềm vui hay nỗi buồn, mình cũng cần phải có một khoảng lặng vừa đủ dài để lắng đọng hơn, tựa như ta cần phải đi một khoảng đường vừa đủ xa để có thể ngoái nhìn lại được toàn cảnh vật vừa bỏ lại sau lưng.
     Sau hơn 2 tuần về lại Boston, đầu óc tôi bây giờ mới bớt lớ ngớ, lan man. Mà nói như kiểu cho vui của cô bạn Thủy Tiên là tôi mới hơi “hoàn hồn” lại sau mấy ngày say nắng, say người nơi vùng biển Kemah, vùng trời Houston. Hôm nay, dù muốn dù không tôi cũng phải cố ngồi trước cái computer viết đôi dòng cho bạn bè như đã hứa. Muốn viết cho hết ý, cho tường tận những chi tiết qua 4 ngày họp mặt dưới đó thì thú thật có quá nhiều điều để kể cho các bạn nghe. Nếu ngồi lại với nhau mà kể thì cũng phải cả tháng mới hết được, huống gì chỉ là kể lể qua bài viết ngắn ngủi này. Bắt đầu từ đêm đầu tiên tìm chổ ngủ lăn lóc ở Kemah, đêm thứ Sáu cả trường ngồi với nhau quây quần ăn uống, ca karaoke, kể chuyện tiếu lâm. Rồi thứ Bảy, đêm Houston by Night quậy tới bến và cuối cùng là đêm Chù nhật Hội ngộ Liên trường Quảng đà trước khi chia tay. Biết bao niềm vui, điều làm xúc động giữa bạn bè tham dự ngày hội ngộ đã có với nhau. Thôi thì cứ nhớ đâu viết đó, cảm xúc bắt gặp khi nào thì viết ra cho thỏa lòng mình lúc ấy. Vậy bắt đầu từ đâu nhỉ? Có lẻ cho tôi đi vội và đi ngược để kể cho các bạn nghe về cảm nghĩ của mình trong sáng thứ Hai ngày về.
     Sau đêm Chủ nhật không ngủ để chia tay với bạn bè cùng lớp, sáng hôm sau tôi về lại nhà cô em gái, chỉ kịp tắm rửa là phải thu xếp hành lý để ra phi trường cho kịp chuyến bay chiều về lại Boston. Mệt mỏi nhưng đầu óc thì tỉnh ráo, ngồi đợi lên máy bay, tôi loay hoay gởi tin nhắn cho vài người bạn để giả từ. Vừa cất hành lý xong, ngồi xuống ghế hành khách là tôi thả hồn bay ngay, không biết trời trăng gì nữa. Vậy mà khi chuyến bay từ phi trường IAH đi Boston vừa cất cánh tôi đã choàng tỉnh dậy. Cơn mệt mỏi vì thiếu ngủ của 4 ngày đêm ở Houston chỉ làm mình thiếp đi trong chốc lát. Rồi dường như trong vô thức đã lay mình dậy để tôi có dịp thầm thì ngõ lời chia tay với bạn bè, với những kỷ niệm quí giá vừa có được. Đầu óc tôi lúc này như vẫn còn quyến luyến, hồn vẫn như đang lang thang trôi theo bạn bè nơi thành phố đầy ánh nắng ngày, đầy ánh đèn đêm dưới ấy. Nhìn qua khung cửa sổ, buổi trưa Houston vẫn nắng chói chan, thành phố đang nhỏ dần trong tầm mắt tôi. Thấp thoáng xa xa là bờ biển trải dài, lượn cong theo giải đất sáng vàng rực nắng. Tôi đã đến và đi khỏi thành phố này biết bao lần, đến thì rộn ràng niềm vui gặp gỡ, nhưng khi ra đi cũng không lấy gì làm bịn rịn vì biết sẽ có ngày trở lại khi người thân vẫn còn nơi đây. Nhưng lần này, sao lại mang cảm giác xôn xao nằng nặng, chưa rời xa, phi cơ vừa cất cánh bay, vừa rời nơi đây khoảnh khắc mà đã chùng lòng tiếc nhớ. Tiếc những ngày hội ngộ với bạn bè nơi đây. Làm sao không tiếc nuối được vì sau này khi co dip trở lại nơi này, cũng từng con đường sầm uất nơi khu Bellaire, từng xa lộ thêng thang đi về biển Kemah nhưng bạn bè đâu còn đợi chờ, đón đưa, vui đùa. Bạn bè mỗi người một nơi, chúng tôi mỗi ngày một lớn tuổi đời thì mỗi lần gặp đông đủ, thân tình như hôm nay đâu phải có lại được dể dàng.
     Làm sao quên được hai ngày đêm sống với bạn bè tai ngôi nhà gần bờ biển Kemah. Nó gợi cho chúng tôi nhớ đến những lần cắm trại cuối năm của trường mình. Những đêm thức vui đùa với bạn bè chờ sáng ngày xưa. Nhớ mãi đêm đầu tiên, cả đám lò dò bằng cái GPS chỉ đường đi để đến địa điểm hẹn, đến nơi vẫn không dám mở cửa vào vì đêm tối không thể nào thấy rõ số nhà được. Cứ tưởng tượng khi cả đám bạn tôi đùng đùng kéo lộn vào nhà lạ nào đó, họ tưởng ăn cướp mà xách súng nhả đạn thì khốn thay. Ai cũng biết ở đây là vùng cao bồi Texas, mạng người lúc nào cũng treo lơ lững trên đầu súng nên lo sợ khiếp lắm. Điện thoại để liên lạc vài ba lần cho chủ nhân, khi xác định chắc chắn đúng địa chỉ rồi mới dám lò mò mở cửa vào nhà. Tuy cả bọn mệt mỏi vì hành trình để đến đây, người đi đến bằng máy bay, người phải lái xe cả 5,6 tiếng nhưng lúc này thì không thể nào dấu được niềm vui gặp mặt. Vài người bạn của tôi, như Ngọc Hân, Lê Phát, Thanh Hà, Thiên Hương, Trung… mới gặp nhau năm ngoái tai California vẫn tay bắt mặt mừng như hằng xa nhau lâu lắm. Huống gì có anh bạn Tăng Mộng Hùng, lần gặp nhau trước hình như chỉ thêm 10 năm là hết nữa thế kỷ. Xa nhau lâu như vậy, những tưởng phải lạ lẩm, bở ngỡ khi gặp nhau nhưng cái thân quen thời còn đi học vẫn tự dưng lại tìm đến. Hầu như khoảng cách gần 40 năm không còn giữa những người bạn cũ. Tất cả vẫn gần gũi như đoạn đường vạn dặm sáng nay, từ khắp nơi ở Mỹ, ở Canada đang thu ngắn dần, tụ về nơi vùng biển trời Kemah này.
     Đám bạn đến đêm nay vào khoảng hơn 10 người, chia nhau ở hai căn nhà kế bên mà lớp tôi mượn được. Dĩ nhiên là nam, nữ ở hai nhà khác nhau như hồi xưa phân chia rõ ràng chổ ngồi cách xa nhau trong lớp vậy. “Nam nữ cọ cọ sướng than” khi ở nhà mình thôi, còn ở đây là trở về thời niên thiếu, trở về những đêm cắm trại trong sân trường thì không được đâu. Đêm cũng khá khuya, đã no bụng sau khi ăn ở Houston, chúng tôi vừa loay hoay thu xếp chổ ngủ, vừa đùa giỡn như sáo chuyện trên trời dưới biển. Tội nghiệp cô Lập, cô giáo cũ của trường tôi, con chim đầu đàn trong bất kz dịp hội ngộ Liên trường Quảng đà nào, chỉ muốn nghĩ ngơi sau hành trình dài từ Dallas qua đây, vậy mà phải bật cười từng cơn không yên thân được. Đêm hôm thứ năm đó, ai cũng muốn cố ngủ cho dài giấc vì lo mấy ngày họp mặt sau sẽ khó có thời gian nghĩ ngơi được. Nhưng tôi tin chắc rằng, ai cũng chỉ chớp mắt 1, 2 tiếng là cùng, còn thì nhắm mắt để đó mà đầu óc lan man theo cái vui, cái rộn ràng vừa gặp gỡ nhau.
     Riêng tôi với Lê Phát, với Tăng mộng Hùng thì nói chuyện đùa giỡn khá khuya. Có chút chuyện vui ở đêm này mà tôi muốn kể cho các bạn nghe để cười theo. Khoảng hơn 12 giờ khuya, ba thằng tôi tự nhiên thèm bia chi lạ. Nói chuyện cuộc đời trôi nổi hơn 30 năm mà thiếu cái chất hơi đăng đắng, cay cay đó thì làm sao mà thú vị, mà bồi hồi được. Hùng lấy xe chở tôi và Phát ra ngoài đường chính để tìm bia. Đi gần nữa tiếng mới thấy cây xăng bên đường, mừng quá nên tấp vào định mua vai chai ngay. Vậy mà thằng chủ tiệm tạp hóa trong cây xăng cứ lắc đầu không chịu bán. Lúc đầu tôi nghĩ rằng thằng này thấy 3 ông Á châu, không đoán được tuổi tụi tôi, tưởng còn vị thành niên nên không bán. Tôi định lấy cái bắng lái xe ra chứng minh cho nó xem thì Phát nói hình như nó nói quán đã quá giờ bán bia rượu dù vẫn còn mở cửa. Nói vài câu năn nỉ mà thấy không xong, ba thằng đành lên xe về nhà, ngậm ngùi pha cà phê uống đở thay bia mà nói dốc chuyện đời nhau. Vậy mà sáng hôm sau, tình cờ mở tủ lạnh ra, tụi tôi mới bật ngữa là chủ nhà đã chu đáo xếp cả đống bia trong đó rồi. Không những vậy, phía ngoài, cạnh đó cũng có sẵn nữa két nữa. Ba thằng vừa cười vừa tự chửi thề mình sao thiếu may mắn, chẳng chịu nhìn trước nhìn sau.
     Khoảng gần 3 giờ sáng, Hùng hơi mệt vì bận bịu cả ngày, vừa lo cho công việc làm của mình, vừa chạy lên xuống phi trường đón bạn bè từ xa đến. Chiều tối anh bạn tôi còn phải làm tài xế đưa mọi người từ Houston về Kemah. Lúc này Hùng chịu không thấu nên lăn quây ngủ trước. Còn tôi với Lê Phát thì làm đêm không ngủ. Hai thằng tôi, tuy nhìn bề ngoài tính tình hơi trái ngược. Người nói ít, kẻ hay nói nhưng hể mà gặp mặt nhau thì rất hợp tính, tha hố giành giựt nhau kể chuyện này chuyện nọ không ngớt. Vẫn là những câu chuyện thời còn đi học chung với nhau ở Đà nẵng. Những lúc phá phách nên bị mấy ông tây bà đầm đánh đòn không nương tay đến phát khóc. Những giờ ra chơi, thơ ngây không phân biệt trai gái tung tăng chạy nhảy nô đùa. Nhớ mãi những cái bánh croissant thơm ngon dòn tan khi bỏ vào miệng, vị ngọt thanh của chai coca cola mua ở cái quán sân trường vẫn còn đọng lại trong ký ức đến tận bây giờ. Vẫn còn ám ảnh cái cảm giác hoảng sợ khi bị mấy ông thầy Tây to đùng bắt sắp hàng để khám móng tay có cắt ngắn cho sạch sẽ hay không. Trong khi đợi đến phiên mình vì sợ hãi quá nên đưa ngón tay vào miệng, run run tự cắn móng tay mình đến rướm cả máu. Ôi, những chuyện lặt vặt thời đi học trường tây ngày xưa sao tụi tôi không sao quên nổi dù đã gần nữa thế kỷ qua. Gần sáng, câu chuyện lan man qua thời hoang đàng sau ngày mất nước, rồi chuyện trôi nổi thời vượt biên sống chết 50/50. Có những chuyện Phát và tôi đã chiếu đi chiếu lại nhiều lần ở mấy kz gặp trước, vậy mà khi lôi ra chiếu lại sao vẫn thấy bồi hồi, thương bạn, thương mình, thương tuổi trẻ trôi nổi của thời tụi mình quá. Khi nhắc đến mấy chuyện gần đây, về nhóm Hát cho nhau nghe online của tụi tôi, đến chuyện hát nhạc sến thì hai thằng cười muốn nhảy tưng, rớt xuống ghế sofa, cười đến đau bụng vẫn không nhịn được. Sao từng tuổi này mà hai thằng vẫn đùa vui như ngày còn con nít, vẫn xem nhau như ngày cắp sách đến TTGD Nguyễn Hiền vậy, chẳng khác gì cả. Tôi với Phát cùng học chung lớp suốt từ tiểu học lên trung học, nên không thân cũng phải thân, không quí nhau cũng phải quí, huống gì bây giờ gặp lại nơi đây, bạn bè còn lại năm bảy đứa. Đêm thứ Năm bên biển Kemah, đêm yên lặng chợt nghe chập chờn tiếng sóng của dòng sông Hàn, biển Mỹ Khê rầm rì vọng lại. Đêm đầy sao lấp lánh trên bầu trời Kemah mà tưởng chừng những vì sao thuở nhỏ, đêm cắm trại trong sân trường, đêm đốt lửa nối vòng tay bạn bè cuối cùng trên núi Phước tường ngày ấy. Đêm vẫn còn nhớ như in hình ảnh bạn bè quây quần trên núi cao nhìn xuống ánh đèn lấp lánh của thành phố Đà nẵng xa xa mà ươm về những giấc mơ thật đẹp của mình. Những giấc mơ như từng trái pha lê chưa kịp chín đã vở tan thật nhanh trong cơn hổn loạn của chiến tranh, trong địa ngục tù đày, trong chết chóc trên đường vượt biên, vượt biển. Đêm Kemah, hai thằng bạn ngày xưa bây giờ tóc đã ngã hai màu nhưng vẫn cùng nhau nhìn những vì sao lấp lánh nơi xa mà mơ ước. Nhưng hôm nay thì niềm mơ không như ngày xưa, thuở ước ao tuổi trẻ muốn đội núi vá trời. Tụi tôi chỉ còn ước ao nhỏ bé là tất cả bạn bè được một lần cùng nhau trở lai bầu trời đêm lấp lánh vì sao nơi khung trời cũ.
     Đêm không ngủ, chợp mắt được một lát thì mặt trời đã lên chiếu sáng vào mặt. Hai thằng tôi dậy lục đục pha thêm cà phê cho bạn bè dậy có mà uống. Chợt thấy đói bụng, tôi hâm lại nồi bún bò huế còn sót lại hôm qua. Nồi nước lèo sền sệt, nóng hổi, vừa thổi vừa chấm thêm ổ bánh mì mua hôm qua, sao mà ngon không thể tả, đậm đà chẳng bao giờ quên nổi. Tôi, Phát, Hùng đi ra sau nhà để xem cảnh vật mà hôm qua vì đến quá trể, trời tối nên không nhìn thấy được gì. Khu nhà này phần lớn được chủ nhân dùng để thỉnh thoảng về đây nghĩ ngơi hay cho khách các nơi thuê ở vài bữa, vui chơi cùng gia đình. Cảnh vật sau nhà thật tuyệt vời, cây cối giống như thuộc vùng nhiệt đới, chẳng khác nào ở Việt nam quê mình. Cạnh ngay sau nhà là dòng sông nhỏ chảy thông ra biển. Dọc theo hai bờ là những cây dừa nước được trồng để che bóng mát. Trên sông, rải rác những chiếc thuyền máy được neo đậu. Theo lời ông bạn Trần phước Hà của chúng tôi, người đã từng ở đây vài ngày, thì dòng sông sau nhà có rất nhiều cá mà khi nhìn xuống sẽ thấy chúng bơi từng đoàn như đi diễn hành vậy. Người ở đây chỉ việc vác cần câu ngồi chơi một buổi là có cả xô cá, lớn nhỏ đầy đủ cho một bữa picnic, nướng ăn mệt nghĩ. Nghe vậy, Tăng mộng Hùng đem theo cả chục cần câu cho bon tôi tha hồ mà quăng mồi, vừa tán dốc vừa đợi đem cá lên bỏ vào lò nướng đặt sẳn ở trên. Sự thực thì ông Hà cũng nói hơi quá, chắc cho vui miệng thôi chớ có thấy cá diễn hành gì đâu, thỉnh thoảng ba thằng tôi mới móc lên được vài con cá be bé bằng nữa bàn tay. Vừa lười vùa thấy đâu có cá bao nhiêu nên tụi tôi đành đem thả xuống lại, giải thoát cho chúng. Lát sau, mấy o lớp tôi cũng đã dậy, trang điểm tưom tất, kỷ càng đi ra sau bờ sông xem câu cá. Không hiểu sao, khi Thiên Hương, Ngọc Hân, rồi Thanh Hà, Trung ra thì tôm cá đâu lặn mất tiêu, không thấy tăm hơi cho tụi tôi xách lên để làm le với mấy nàng. Đúng là cá cũng biết chơi khăm người cho bỏ ghét tật hay lam oai khi thấy phái đẹp của cánh đàn ông. Tăng Mộng Hùng thấy cá lúc này mãi không cắn câu nên nói giởn chơi rằng, nếu xô mấy cô công chúa của lớp tôi xuống sông thì cá mới sợ mà trồi lên ngay bây giờ. Đã vậy có con cá nóc nhỏ cứ bám theo Lê Phát hoài, mỗi lần câu lên thả xuống, rồi cũng nó dính vào lưỡi câu cả chục lần nữa. Còn tôi, trước đó cũng câu được vài con kha khá, đến lúc này lại giựt nhằm con cá chắc mới chui từ bụng mẹ ra hay sao mà cảm giác thì cần câu có giựt giựt mà soi mắt nhìn mãi mới thấy được nó. Con cá bé đến nổi dưới ánh nắng mặt trời ban mai nó chỉ thoáng lấp lánh như một vệt sáng màu trắng bạc. Nó dường như đã mệt sau khi cố vùng vẩy thoát nên bây giờ chỉ động đậy nhe khi tôi sờ đến. Ngoc Hân lại chơi khăm, lấy iphone chụp hình rồi thỉnh thoảng đưa cho bạn bè xem chế diễu cho tài câu cá của tôi. Ôi! Thân to xác lớn mà câu chỉ được con cá tí tẹo. Thôi, xem như cả đời thấy đàn bà, con gái đẹp là sợ khiếp đến teo người như con cá. Tôi loay hoay một lát mới gỡ được con cá tội nghiệp để thả nó trở về với sông. Con cá bé nhỏ bằng ngón tay út lao đi thật nhanh trong dòng nước, tôi mơ hồ thấy niềm vui được sống sót, được tự do của nó trong buổi sáng trong veo màu nắng hôm nay. Tôi mơ hồ thấy nó đang nhập với đàn cá dưới sông, cá mẹ, cá anh, cá em và cả những con cá bạn bè bơi lội “diễn hành” thỏa thích. Chúng đang vui như trẩy hội ngày hợp đàn có khác gì hôm nay tôi và bạn bè gặp gỡ nơi đây sau khoảng đời bao năm xa cách. Nơi đây, bên dòng sông Kemah êm đềm chúng tôi tìm thấy được bạn bè thời thơ ấu ngây thơ của mình. Không khí cạnh dòng sông buổi sáng trong xanh làm ta đang quên những đè nặng áp lực cũa đời sống hằng ngày, để ta được cười như ngày còn nhỏ vẫn cười nức nẻ nơi sân trường cũ. Chúng tôi vui như những con cá bé nhỏ vừa được tự do nhập đàn. Những con cá hạnh phúc đang diễn hành nơi sông Kemah.
     Theo như chương trình đã định trước, trưa thứ Sáu cả bọn kéo nhau đến khu Bellaire để ăn trưa và bàn chuyện văn nghệ cho đêm thứ Bảy. Chiều về lại Kemah, chúng tôi có một đêm ngồi lại với nhau vừa ăn tối, vừa tâm tình thật đầm ấm. Sau đó là hát Karaoke, kể chuyện tiếu lâm, đùa giỡn cho đến tận khuya. Tối hôm đó, ngoài những người bạn đã gặp ở những lần đi dự Hội ngộ Liên trường Quảng Đà trước, năm nay chúng tôi còn vui thêm khi gặp lại anh Hồ Viết Quang. Quang đi họp mặt lần này là lần đầu vì chỉ mới bắt được liên lạc với tụi tôi cách đây vài tháng. Chúng tôi không thể nào quên tình cảm của anh đối với bạn bè TTGD Nguyễn Hiền ngày trước. Ngay khi được tin bạn cũ, vợ chồng anh bạn tôi đã không ngại đướng xá xa xôi, đi thăm nhiều người các nơi và hôm nay đã đến tham dự lần họp mặt này. Tối hôm thứ Sáu, không khí gặp gỡ vui nhộn lại càng thắm thiết thân tình hơn với những lời tâm sự tình cảm của vợ chồng Quang. Đối với bạn cùng lớp thì quí nhau là đương nhiên rồi. Nhưng đối với Trang, vợ Quang, thì tất cả ai cũng phải quí mến bởi cái tình cảm chân chất, cởi mở đáng yêu đã dành cho bạn bè của chồng mình. Đêm thứ Sáu quây quần với nhau bên những món ăn đậm chất Quảng nam quê hương, bên những tiếng hát nồng nàn của bạn bè sẽ là đêm đáng nhớ mà chắc mãi mãi chúng tôi không thể nào quên được. Chương trình họp mặt năm nay thật phong phú và bận rộn đến nổi không có thời giờ ngủ. Nhưng chúng tôi vì quá vui nên chẳng ai thấy mệt mỏi. Hầu như qua mấy ngày đêm thì ai ngủ nhiều lắm cũng chỉ được vài ba tiếng. Tuổi hơi già như bỏ lại sau lưng, niềm vui gặp gỡ làm tôi và đám bạn cũ như trẻ lại, để cứ lửng lựng mà cười nói, ca hát, cứ lửng lựng mà rong chơi quên cả nghĩ trưa, ngủ chiều trong suốt kz họp mặt.

………………..

           Thời gian qua thật nhanh, mới hôm nào hớn hở đi dự Hội ngộ Liên trường Quảng đà để gặp bạn mà hôm nay lại xách hành lý trên đường về nhà. Đầu óc cứ miên man khi nhớ lại mấy ngày vui vừa qua, tôi quên cả khoảng đường dài 4 tiếng bay về lại Boston. Nhìn ra ngoài cửa sổ, những đám mây trắng đục dường như vẫn đứng yên, chúng chỉ xao động nhẹ mặc cho chiếc máy bay chở tôi lao thật nhanh trên đường về. Tôi có cảm tưởng thời gian vẫn đứng yên, vẫn còn là ngày còn bé rụt rè theo cha mẹ đến trường ngày khai giảng năm học mới, vẫn còn là ngày thứ Năm đầu tiên tôi gặp lại bạn bè bên bờ Kemah thơ mộng. Nhắm mắt, tôi chập chờn trong trạng thái nữa tỉnh nữa thức. Máy bay chợt hơi tròng trành khi chuẩn bị đáp xuống phi trường Logan làm tôi giật mình. Lòng chợt buồn buồn, cứ như vẫn còn tiếc nuối, vẫn muốn khoảng đường bay về được dài hơn để mình sống thêm thời gian nữa với bạn bè. Tôi muốn ôn lại tất cả câu chuyện gặp gỡ bạn bè ngay bây giờ đây. Để lở mai, sẽ quên đi mất những lần cùng nhau làm dáng chụp hình trên bờ biển Kemah, bữa ăn chung trên phố Bellaire, hay là dịp vui nhộn, quậy phá không quên được trong hai đêm thứ Bảy, Chủ Nhật ở Houston by Night, Ocean Palace. Phía dưới, thành phố Boston vừa chập choạng tối, đèn đường đã được thắp lên dù ánh sáng ngày vẫn còn chưa ngã hẳn sang màu sẩm. Mỗi lần đi đâu xa về, nhìn ánh đèn của thành phố nhỏ bé, cổ kính từ xa tự nhiên lòng tôi lại thấy êm đềm, bình yên chi lạ. Đi đâu xa vài ngày thì lại nhớ nhà, nhớ cái khoảng bình yên nơi căn phòng nhìn ra góc vườn phía sau. Nhưng sao, nay khi vừa trở về được vài hôm thì lại lẩn thẩn đứng ngồi không yên nhớ bạn, nhớ bè, muốn thời gian qua mau để được gặp lại lần hẹn tới. Cứ cái vòng lẩn quẩn như vậy, biết đâu là đường đi, biết đâu sẽ là nơi về. Thấy dáng điệu bồn chồn của tôi mấy hôm nay, nhà tôi cứ trách khéo là sao đi về cả mấy tuần rồi mà vẫn còn ngơ ngơ, ngẩn ngẩn đến buồn cười.
     Bài viết cũng đã hơi dài, tôi định dừng nơi đây nhưng rồi tình cờ đọc lại emails của anh bạn cũ Vương Bình thì đổi ý muốn viết thêm vài dòng nữa. Bình là bạn học cũ của tụi tôi, người nổi tiếng là phổi bò, ăn to nói lớn, nghĩ sao thì nói vậy. Hồi xưa tôi đã thích tính tình của Bình nhưng nay lại phục hơn khi đọc nội dung một email mà bạn tôi gởi cho cả lớp. Trong email này, tự dưng Vương Bình thố lộ là khi còn học ở TTGD Nguyễn Hiền thì thích chị T. lắm, mặc dù chị này học trên tụi tôi đến cả vài lớp. Bạn tôi mê chi T. đến nổi sau này khi thấy cô nào có gương mặt hay vóc dáng giống chị ấy là tự dưng đem lòng thương ngay. Kể cũng lạ thật, hồi đó mấy ông con trai cùng lứa tôi thì hay đem lòng tương tư đến mấy cô nhỏ tuổi hơn, cùng lắm là thập thò đến mấy nàng cùng lớp chớ đâu dám nghĩ đến mấy chị lớn hơn. Vậy mà Bình đem lòng thương mến, hằng ngày cứ ngắm mãi chi T. qua lại trong trường mà ao ước về một mối tình, dù là tình chị em. Thật đáng phục cho ông bạn tôi, tình cảm mình ra sao thì nói ra vậy.
     Nghĩ đến câu chuyện tình hơi ngược ngạo của Bình làm tôi phân vân mãi, tự dưng cũng muốn thố lộ chút tình cảm riêng tư của mình trong bài viết này. Dù sao cũng gần 40 năm rồi. Nghĩ cho cùng thì chút rung động, chút xao lòng vì một người con gái trong tâm hồn cậu con trai mới lớn tuổi 14, 15 cũng chỉ là sư trưởng thành tâm sinh lý bình thường mà thôi. Đâu có gì để mình xem quan trọng quá mà dấu kín bấy lâu nay. Những hồi hộp, xao xao lòng khi chợt nhìn thấy cô bạn cùng lớp trong chiếc áo dài trắng nhẹ nhàng bước vào lớp. Những vụng về, ngơ ngáo khi gặp mặt được nói vài câu bâng quơ. Tất cả chỉ là những rung động khi nét duy mỹ của một cậu thiếu niên dần hình thành. Rồi cậu ta chợt tình cờ được ngắm nhìn một bức tranh đẹp, cô gái có gương mặt thon thon ưa nhìn, mái tóc dài bỏ ngỏ sau lưng thì đem lòng thuơng mến. Điều đó thì đâu có gì phải mắc cở mà lúc nào mình cũng dấu diếm khi có ai hỏi đến về tình cảm của mình thuở ấy. Cho đến bây giờ tôi vẫn cứ ngần ngại không bao giờ muốn đề cập đến mối tình lén lén nhìn đầu đời. Vẫn e dè như ngày xưa nên trốn tránh, ít dám nhắc đến cô bạn mình trong những bài viết.
     Rồi ông trời rong rủi thế nào không biết, sau gần 40 năm tôi lại gặp được cô bạn cùng lớp mình trong một lần họp mặt trường cũ. Dĩ nhiên là tôi hồi hộp lắm, nàng cũng thay đổi nhiều mà nếu không được xem hình trước qua trang website của trường thì chắc tôi cũng không tài nào đoán ra nổi. Nhưng rồi thoáng nhìn nụ cười dể mến, mặt lại có vẻ nghiêm nghiêm khi trò chuyện thì tôi hình dung lại được hình ảnh ngày xưa của nàng ngay. Bao năm vẫn vậy, cái dáng đi chậm chậm, hơi nghiêng nghiêng thì làm sao tôi quên được. Nó vẫn còn làm tôi lao xao, rung động ngập lòng như ngày còn học chung một lớp. Buổi sáng trên bờ biển Kemah, trong ánh nắng vàng ửng ban mai, nhìn nàng mặc chiếc áo trắng xinh xắn khi làm dáng chụp hình kỷ niệm với cả lớp, tôi lại liên tưởng đến những ngày còn hoc chung. Trong sân chơi trường cũ, nàng hôm nay như vẫn còn vui đùa bên bạn bè, dáng nhỏ nhắn dể thương trong chiếc áo đầm hay mềm mại, trinh nguyên trong chiếc áo dài màu trắng. Gió vẫn làm bay tóc nàng, gió vẫn làm bay vạt áo nàng. Tôi mềm lòng rung động tựa như khi mềm lòng vì chợt thoáng nghe lại đôi dòng nhạc Trịnh buồn buồn, lãng mạn “Ôi áo xưa lồng lộng đã xô dạt trời chiều”. Áo xưa đã xô dat trời chiều Đà nẵng thì nay vẫn vậy, vẫn xô dạt trời chiều biển Kemah, dù khoảng cách gần 40 năm. “Những bước chân mềm mại vẫn lại đi vào đời người”, dù cuộc đời có nhọc nhằn, cằn cổi đi qua bao năm tháng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *