Memorial Day nhớ đến Boston Bombings

   

     Mùa Đông năm nay sao kéo dài lê thê. Hay nói cho đúng hơn là mùa Xuân năm nay sao chậm đến. Tháng Năm qua hơn cả chục ngày mà thời tiết vẫn còn sụt sùi. Được vài ngày ấm lên một tí rồi lại trở lạnh. Buổi sáng ra khỏi nhà nhìn cái thermometer trong xe, nhiệt độ bên ngoài vẫn không nhích nổi qua con số 50F. Mùa Xuân như uể ỏi, buồn buồn, không như mọi năm giờ này đã ấm vang, hoa cỏ đã tươi màu khoe sắc. Xuân như không muốn trở mình thức giấc, như không nở reo vui trước nổi đau buồn cua người dân Boston sau ngày marathon đẩm máu 04/15/2013. Boston bombings, hai tiếng nổ chỉ cách nhau một khoảng đường, gần vạch cuối cùng của cuộc thi marathon quốc tế, trên phố Boylston đã giết chết 3 người, trong đó có bé trai 8 tuổi và làm bị thuơng trên 200 người. Hôm nay, hơn một tháng sau ngày tang thuơng ấy, dù thủ phạm đã bị trừng phạt, dù không khí nơi xảy ra khủng bố đã dần trở lại bình thuờng nhưng những vòng hoa vẫn hằng ngày được trang trọng đặt thêm hai bên vệ đường. Người người đi ngang qua đây đều không khỏi dõi mắt chùng lòng tưởng niệm đến những nạn nhân vô tội.

   Tội ác nào cũng là tội ác dù cho có nhân danh một niềm tin, một lý tưởng nào đó để giết người. Với một người bình thuờng thì khi tự tay mình đi giết người khác là nổi ám ảnh mà họ sẽ không bao giờ quên nổi. Kể cả những người lính hai bên trong một cuộc chiến, vì nhân danh lẻ phải, vì sự sống của chính mình để bắn giết người khác. Nhưng khi cuộc chiến đã tàn, khi trở về với đời sống bình thuờng thì nổi ám ảnh phải bắn giết lẫn nhau vẫn còn đọng trong ký ức dù họ cố quên. Lương tâm con người của họ không làm sao rủ bỏ hết những áy náy, hối hận xưa. Huống hồ gì khi đan tâm đặt bom nổ để giết chết những người vô tội, những người mà mình chẳng biết họ là ai. Dù biện minh bằng lý lẻ nào đi nữa, dù để đạt được mục đích gì đi nữa thì mỗi một cá thể con người là chính họ chớ không phải là một thành phần trong tập thể cần phải loại bỏ ra khỏi đời sống này. Hãy đừng nhân danh mọi người mà giết một người.

    Thời gian gần đây đã có biết bao sự kiện khủng bố giết chết nhiều nạn nhân vô tội. Từ những cuộc đánh bom tự sát đẩm máu ở Iraq, Afghanistan xa xăm đến vụ máy bay đâm vào hai tòa nhà World Trade Center ở New York City ngày 9/11/2001. Nhưng hôm nay, lần đầu tiên thấy cảnh chết chóc trong ngày Boston marathon thì thực sự làm tôi bàng hoàng, ghê tởm cho trò khủng bố bạo tàn. Cảnh tượng này làm tôi nhớ về những ngày còn cuộc chiến Việt nam. Ký ức về chết chóc ở tuổi thơ vẫn hằn in trong đời mình sau này. Những năm tôi mới lớn, khi cuộc chiến Việt nam đang ở giai đoạn khốc liệt nhất. Ngoài những trận đánh ở vùng quê hay núi non nơi xa, người dân miền Nam vẫn không khỏi lo sợ vì bom đạn pháo kích vào thành phố hay vì những tiếng nổ khủng bố khắp nơi mà thiệt hại còn hơn cả Boston bombings. Có một câu chuyện thương tâm mà tôi chẳng bao giờ quên được. Lúc đó trong xóm, tôi có nhiều bạn cùng trang lứa để chơi đùa hằng ngày. Nhưng người bạn gần gũi, thân thiết nhất là anh Q. kế bên nhà. Anh lớn hơn tôi vài tuổi và hay bày nhiều trò vui nên tôi lúc nào cũng muốn gần gũi anh ấy. Tôi vẫn còn nhớ anh ấy có chiếc xe Yamaha nên lâu lâu lại chở tôi đi chơi đây đó làm mình thích thú lắm. Bởi vậy, sau này anh mất đi vì một tai nạn thương tâm đã làm tôi nhớ tiếc mãi. Tôi nhớ buổi chiều hôm đó, khi trời cũng sắp tối, anh ta đang nói chuyện với tôi trước nhà thì có cô em họ bên kia đường nhờ anh ấy chở đi chơi. Anh bạn tôi lấy xe để cho cô em đi. Định mệnh như sắp đặt sẵn vậy. Chỉ vài phút sau, rời nhà được hơn vài chục mét thì có một kẻ đã ném lựu đạn vào quán nước đang đông đúc người bên đường. Không hiểu sao, sau tiếng nổ mảnh đạn lại tìm đến với anh ấy, chiếc xe ngã xuống, cô em họ thì không sao nhưng anh ta được đưa vào nhà thương thì mất ngay sau đó. Tin anh Q. mất làm cả xóm của tôi bàng hoàng, thương tiếc. Nhà nhà ở xóm tôi tụ tập đến nhà anh ấy để hỏi thăm, chia sẻ, phụ giúp người thân anh ấy trong lúc hoang man, đau đớn. Tang thương bao trùm cả xóm trong đêm ấy, mọi người như đang trải qua cơn ác mộng. Cả tối hôm đó, nghe tiếng gào khóc của gia đình anh ấy, thấy cảnh tượng mẹ anh ta tay ôm chiếc mền ngủ, thất thỉu, đau đớn đến không khóc nổi lang thang cả đêm ngoài phố mà mình cũng chết lặng theo. Đám tang anh ấy qua đi nhưng còn kéo dài theo nổi buồn của tôi đến cả vài năm mới nguôi ngoi, tôi đã mất đi một người bạn thân, một người anh mà mình hằng quí mến. Nó như một vết sẹo hằn, chẳng bao giờ lành nổi dù đã qua bao năm tháng. Nó làm tôi bở ngỡ, sửng sờ đến cái mong manh, dể tan vỡ của một đời người. Biết đâu là điểm tình cờ của con người khi đi qua lằn ranh nhanh chóng của cái chết. Theo tôi nghĩ, sự sống của con người dù quá mỏng manh nhưng trong trẻo, tuyệt đẹp, nó như chiếc bình pha lê dể vở. Sẽ là tội ác cho những ai, vì nhân danh điều gì đó để đập vỡ, tàn phá chiếc bình pha lê ấy.

    Tôi vẫn hằng nhớ đến những năm tháng tuổi thơ nơi quê nhà. Phải chi đất nước mình lúc ấy thanh bình, không đạn bom thì tuổi trẻ của tụi tôi đẹp đẻ biết bao. Tôi tiếc nuối đến những mùa hè đã chẳng bao giờ được đi ra khỏi thành phố để dạo chơi. Tôi mơ mộng về những buổi cắm trại thú vị giữa rừng núi hay chốn đồng quê hoang dã mà chẳng bao giờ mình có đựoc. Chiến tranh, đạn bom gớm ghiếc chỉ chừa cho bọn tôi những khoảnh đất nhỏ bé để vui đùa trong thành phố. Nhưng rồi mảnh đất nhỏ bé ấy cũng bị giành dựt với những tiếng nổ pháo kích hằng đêm, khiến cả gia đình phải vội vã, tỉnh giấc tìm nơi trú ẩn. Với những tiếng nổ ban ngày để tuổi trẻ tôi không dám mon men đến những nơi tụ tập đông người. Tôi chỉ còn tìm thấy được những trò vui của thời bình trong những trang sách được kể lại bởi những thế hệ đi trước. Tôi say mê đọc những điều tưởng chừng như đơn giản nhưng không tưởng lúc ấy, những lần du ngoạn ngoài trời cùng bạn bè, những chuyến xe xuyên Việt, đi nghĩ hè cùng gia đình nơi bải biển, núi đồi. Tuổi trẻ của tôi chỉ còn biết trải mơ mộng trên những trang sách mà ước muốn.

     Mùa lễ Memorial Day (lễ chiến sĩ trận vong của Hoa kỳ) năm nay tự dưng trời trở lạnh. Thời tiết được dự báo là sẽ mang sắc thái của mùa đông nhiều hơn là mùa xuân tại nhiều vùng của Đông Bắc Hoa Kỳ. Như mọi năm, nghĩa trang chung quanh thành phố Boston đã được dọn dẹp sạch sẽ, từng chiếc lá cờ Hiệp chủng quốc Hoa kỳ được cắm trước những nấm mộ để tưởng nhớ đến những công dân đã nằm xuống cho đất nước này. Từng đoàn du khách vẫn đến tham quan những di tích lịch sử hay trường đại học danh tiếng Harvard, MIT, BC, BU….nơi đây. Từng đoàn người vẫn đến đây sờ vào tấm bia bằng đá mà tưởng niệm đến những nạn nhân Do Thái bị giết trong âm mưu diệt chủng Holocaust ở Thế chiến thứ hai. Nhưng năm nay, nhiều năm sau hay cả trăm năm sau nữa, mọi người chắc sẽ không quên đến nghiêng mình, đặt một cành hoa ở khoảng đừơng Boylston ngắn ngủi này để tưởng nhớ nạn nhân của Boston bombings. Những con người dù không phải là chiến binh hy sinh để bảo vệ đất nước này, nhưng họ nằm xuống để báo cho chúng ta biết rằng, tội ác vẫn còn đầy dãy trên thế gian này. Hiếm họa từ kẻ ác vẫn luôn rình rập gieo đau thương đến cho loài người.

     Thay đổi nào xảy ra, dù nhỏ bé để ta chóng quên hay lớn lao để ta không bao giờ quên nổi rồi vẫn trôi qua như đời sống không ngừng nghĩ vậy. Đời sống nơi đây rồi cũng sẽ bình thản trôi đều như dòng nước sông Charles. Dù có đau buồn, Boston hôm nay rồi cũng phải dần dần hồi sinh. Hôm qua đã là hôm qua và ta còn ngày mai trước mặt. Từng dãy phố nơi khủng bố đặt bom đã mở cửa trở lại, khẩu hiệu ” Boston Strong” được treo khắp nơi để biểu hiện cho quyết tâm của người dân nơi đây. Boston vẫn vươn dậy đứng vững dù trong bất cứ hoàn cảnh đau buồn nào. Tất cả rồi sẽ qua, thành phố cũ kỷ nhất nước Mỹ rồi cũng sẽ chầm chậm, đủng đỉnh, lịch lãm trôi theo năm tháng như hơn 300 năm qua vẫn là biểu tượng văn hóa cho một nước Mỹ thời mới khai phá, mở mang. Boston hôm nay vẫn nghiêng mình, soi bóng bên dòng sông Charles, êm đềm như chưa hề có tang thương, chết chóc trên phố Boyston hôm qua vì khủng bố. Như chưa hề có tang thương, chết chóc năm kia ở đồi Bunker Hill trong cuộc chiến tranh giành độc lập cho quê huơng mình. Máu của người dân Boston hôm nay đã đổ như đã từng đổ trong lịch sử, nhưng trái tim của người dân Boston vẫn luôn còn đập với đầy ắp lòng yêu thuơng con người, yêu thương cuộc sống. Xa xa, trên khu phố Dorchester, nơi tập trung đông đúc người Việt và cũng là nơi cậu bé nạn nhân đã mất từng sống với gia đình mình. Trong ngôi nhà thờ khuất sau bóng cũa những tàng cây, cha xứ cùng với giáo dân mình vẫn không quên dâng lời cầu nguyện trong thánh lễ, cho cậu bé bình an đi về cõi Vĩnh hằng, cho gia đình cậu bé được ơn trên nâng đở để đủ nghị lực vượt qua tang thuơng đã bất ngờ ập đến với mình. Chẳng biết rồi cậu bé có được bình an, thanh thản ra đi như lời cầu nguyện của mọi người gởi đến hay không nhỉ? Nhưng tôi tin chắc một điều rằng, cậu bé sẽ được về nước thiên đàng nếu nơi này có thật. Không lên thiên đàng sao được khi cậu mất đi mà hình ảnh đựơc chụp lại cách đó vài phút vẫn còn in nét mặt của một thiên thần với ánh mắt ngây thơ, nụ cười rạng rỡ. Cậu bé đang nhoài mình ra ngòai hàng rào cản để mong nhìn thấy cha mình về đến đích trong cuộc thi marathon. Và, chỉ trong một sát na nhỏ bé của thời gian, cậu bé đã tình cờ hay là được chọn lựa để bước qua một nơi chốn khác. Cậu bỏ lại đời sống này, nơi có ngôi nhà nhỏ với tình thuơng yêu của gia đình, có ngôi trường với đầy ấp tiếng cười của bạn bè. Cậu bé ra đi.

     Cuối cùng rồi bằng cách này hay cách khác, nhanh hay chậm, ai cũng sẽ về đến chốn mà mình đã bắt đầu cho hành trình đời người. Cát bụi rồi sẽ về cát bụi. Đời người có đó rồi lại không có đó. Nó vô thường như câu chuyện về thiền và đời sống mà tôi muốn kể cho các bạn nghe. Câu chuyện của “Núi và sông”:

_Bà nói với cháu “Trước khi ta biết về thiền, núi là núi và sông là sông. Khi ta biết về thiền, núi không còn là núi và sông không còn là sông. Nhưng khi ta đã hiểu thiền thì núi là núi và sông là sông.”

“Bà ơi!” Thằng bé nói.

“Gì vậy cháu”. Bà hỏi lại .

“Sông ở ngay đây và hôm nay là ngày nóng. Cháu có thể xuống sông bơi được không?”. Thằng bé hỏi.

“Dĩ nhiên là được”. Bà cười, “cháu nhảy xuống sông ngay đi!”

Hiểu Có tức là Không, hiểu Không tức là Có.

     Dù “có” hay “không” thì vật chất này, cuộc sống này đã là tuyệt tác của trời đất ban ra cho chúng ta. Hãy trân quí cuộc đời này, đừng phá bỏ nó. Hãy hòa mình tận huởng cuộc đời này như đang tận huởng mùi thơm của trái quít ngọt ngào mà ta đang từ tốn bỏ vào miệng trong một ngày nóng bức mùa hè. “Đời sống tựa như trái quít vậy, khi ta cầm nó trên tay, bóc vỏ ra, đưa vào miệng để thấy từng múi quít có đầy đủ nắng, mưa, sương, gió, bàn tay người gieo hạt, bón phân trong đó” (TT). Hãy bỏ quên những phiền muộn mà trầm mình tắm mát trong dòng sông đời đang chảy êm đềm.

Trương Hữu Hiền

Memorial Day 2013.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *