Nghe Nhạc Mùa Thu

Vẫn biết ta giờ không trẻ nữa
Sao thương ai ở mãi cung hằng
(Khúc mùa Thu)


Khúc Mùa Thu

     Có những lời nhạc, nếu được đọc lên một cách bình thuờng thì chẳng gây cho ta nhiều cảm xúc. Nhưng nếu được một nhạc sĩ tài hoa nào đó đặt vào trong cung bậc trầm bổng cua nốt nhạc thì lại khác hẳn. Nó tạo cho người nghe có cảm giác lớn hơn, mạnh hơn hẳn sự chuyên chở bình thường của chữ nghĩa. Âm nhạc khi đó nằm ở vế trên rất xa sự diễn đạt ngôn từ bình thường. Âm nhạc có thể biến hóa cảm xúc, làm mức độ cảm nhận nó tăng lên khi ở trong một hoàn cảnh đặc biệt nào đó. Bởi vậy có những bài thơ, dĩ nhiên nguyên bản từ thơ thôi đã hay rồi, nhưng khi được phổ nhạc thì bài thơ mới thoát xác được chính nó, bản nhạc đã nâng bài thơ lên một cung bậc cao hơn, đưa nó đi xa hơn những gì trước đó bài thơ đã có. Bởi vậy, khi đọc hai câu thơ trên của Hồng Thanh Quang thì ta đâu thấy gì lạ, đâu thấy gì gợi cảm xúc đâu. Nhưng khi trở thành đoạn nhạc mở đầu cho Khúc mùa Thu của Phú Quang thì nghe tuyệt vời, sâu lắng làm sao. Dù nghe lần đầu hay nhiều lần sau tôi vẫn cảm thấy có một cái gì rờn rợn, thấy cô đơn miên man, buồn buồn lắng đọng. Mặc dù thực sự lúc đó mình đâu có buồn, đâu cô đơn dữ vậy. Âm nhạc lúc đó đưa mình đi xa hơn cái tâm trạng đang có, đó là nét tuyệt vời của nó khi chuyển tải lời thơ. Thử tưởng tượng, buổi tối trời lành lạnh Thu như mấy hôm nay, lái xe về sau một ngày làm việc bận bịu ở sở làm. Ban đêm, đường trên xa lộ vắng tanh để ta không chú tâm vào tay lái lắm, vặn âm thanh lớn thêm để nghe cho trọn vẹn, cho thấm hơn những ca từ của Khúc mùa Thu thì có thú vị nào bằng. Cái thú vị cua chia xa, mất mác trong một cuộc tình đã trở thành quá khứ. Những lúc đó, thú thật là dù ngoài vợ nhà nay không dám thương ai nhiều nữa, cũng chẳng nhớ da diết đến ai thì cũng ráng tìm một bóng hồng nào mình vừa gặp, hay một cô bé nào mình thuơng hồi nhỏ mà tưởng tượng đến, mà buồn thiu vì chao ôi mình nay đã già rồi. Xem như mình đang thất tình cho nó xúc cảm tràn đầy hơn, để cảm giác âm nhạc của Phú Quang thấm đượm mượt mà hơn. Ta đang say mê, no nê cảm giác cô đơn được chuyển tài trong lời nhạc. Lúc này thì, cố nhân nào cho mình mượn đở hình bóng để nhớ đến chắc cũng không nỡ lòng nào mà từ chối, buồn bực phải không? Theo tôi nghĩ, sáng tác nhạc hay văn thơ cũng vậy, đôi khi tác giả cần phải có tính tham lam một chút để đi quá trớn hơn những gì mình chứng kiến, những gì mình cảm nhận thì mới gây được nhiều cảm xúc cho người thưởng thức. Cảm xúc là một món quà tuyệt vời của Thượng đế ban cho con người, làm cho chúng ta thấy thú vị, thăng hoa hơn trong đời sống thường ngày thông qua bàn tay, khối óc sáng tạo của những người nghệ sĩ. Đã từ rất lâu, trước cả khi ra sống ở nước ngoài, tôi hay dị ứng với những nhạc phẩm được sáng tác từ miền Bắc ngoại trừ những nhạc phẩm của thời tiến chiến. Điều đó cũng dể hiểu thôi vì nhạc từ miền Bắc hay miền Nam Việt nam sau 1975 chỉ dùng để tuyên truyền cho chính sách của nhà nước mang tính Xã hội chủ nghĩa. Mà đã là nhạc có tính định hướng thì làm sao hay được khi nó quá ít hay không được sáng tạc bằng cảm xúc thật. Bởi vậy một thời gian dài tôi chỉ ưa thích nghe nhạc được sáng tác từ miền Nam trước 75. Nhưng nghe hoài rồi cũng chán vì cứ xào đi xào lại chừng đó bản, còn nhạc được sáng tạc từ hải ngoại thì vài bản tạm cho là hay chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Tình cờ một vài năm gần đây, khi đời sống trong nước được cởi mở hơn. Bên cạnh đó, nhờ sự giao lưu qua internet ngày càng phổ biến, tôi cũng dần tìm thấy thích thú hơn khi nghe nhạc từ trong nước, đặc biệt là nhạc của Phú Quang.

     Tôi thích nghe nhiều nhạc phẩm của Phạm Duy, Trinh công Sơn, Ngô Thụy Miên, Từ công Phụng….Ho đều có những bản nhạc có thể goi là bất tử theo thời gian. Những bản nhạc mà khi nghe không những cho ta quá nhiều cảm xúc mà còn đặt nên chính cho “thương hiệu” của người nhạc sĩ ấy. Tôi cũng thích nghe những bản nhạc được phổ từ thơ của Pham Duy, Ngô Thụy Miên… Những bản nhạc làm cho chúng ta biết đến những Nguyên Sa, Phạm Thiên Thư, Vũ Hữu Định…ngày nào. Thời gian gần đây tôi lại chuộng nghe thêm những bản nhạc phổ từ thơ của Phú Quang như Đâu phải bởi mùa Thu, Dạ khúc, Khúc mùa THu…Nhạc như thơ của Phú Quang không mang nhiều tính cao siêu triết lý như Trinh công Sơn, hay chuyên chở những câu chuyện tình yêu như Phạm Duy mà nó đem cho ta luôn có cảm giác cô đơn lắng đọng tận sâu xa của tâm hồn, nó chuyên chở, làm tăng thêm nổi buồn đang có của chúng ta. Nhạc Phú Quang khi nghe ta cảm thấy gần gủi hơn với chính ta, với tình yêu của ta. Thú thật là sau khi nghe nhạc Phú Quang, tôi đã xóa bớt cái ác cảm về âm nhạc trong nước hơn. Tôi nghĩ rằng cảm xúc của con người là có thật và không thay đổi dù trong bất cứ hoàn cảnh đè nén nào. Có thể có một lúc nào đó nó không được cho phép để con người biểu lộ nhưng nó là bất biến, nó vẫn còn nằm ẩn sâu đâu đó trong con người nghệ sĩ. Nó sẽ được thăng hoa hơn một khi được thực sự giải tỏa ra khỏi bức tường gò bó của tư duy. Để rồi người nghệ sĩ lại bắt đầu làm nên những sáng tác tuyệt vời như của những Văn Cao, Đoàn Chuẩn Từ Linh, Nguyễn văn Thương, Đặng thế Phong…đã để lại cho chúng ta tận hôm nay.

     Nói về cái thú nghe nhạc thì mỗi người thích mỗi loại, có sang có sến, có hùng tráng có bi lụy. Chúng ta cũng không nên phân biệt tầng lớp nghe nhạc mà chê loại nhạc này hay khen ngợi loại nhạc khác. Âm nhạc có giá trị khi đem đến cho con người cảm xúc cao nhất khi thưởng thức nó. Bởi vậy tùy theo hoàn cảnh, tuổi tác mà mỗi khoàng đời chúng ta tự chọn cho mình dòng nhạc ưa thích. Lúc nhỏ thì mình thích thú khi nghe nhạc thiếu nhi nói về ông Trăng, thằng Cuội, chị Hằng hay những bài hát trong các trò chơi. Lớn lên một chút thì say đắm nhạc của tuổi mới lớn, mơ mộng vẩn vơ. Lớn thêm nữa thì thích nghe nhạc tình, tình yêu đôi lứa, tình yêu mẹ cha, tình yêu thiên nhiên, tôn giáo, rồi nhạc về thân phận con người. Âm nhạc đôi khi là một phương thức để giải tỏa bớt những cảm xúc thái quá dâng trào ở một thời điểm riêng rẻ. Nó làm cho tình cảm ta nhứt thời trở nên quân bình hơn. Bởi vậy, khi chúng ta bị bế tắc trong cuộc sống ở một thời điểm nào đó thì ta sẽ tìm đến âm nhạc như là một điểm tựa để làm vơi bớt những buồn chán, muộn phiền hiện có. Khoảng thời gian tôi dành cho thú nghe nhạc và mê nó nhất là thời gian sau 1975, khi miền Nam vừa thay đổi chế độ. Lúc đó hầu hết nhạc miền Nam được sáng tác trước đây bị qui vào loại nhạc vàng, phản động làm trì trệ sự tiến hóa của xã hội nên bị cấm đoán phổ biến. Và cái gì bị cấm nhưng có giá trị thì càng cho ta yêu quí mà tự tìm đến với nó. Lúc đó, ở nhà cất giấu được vài băng cassette cũ thì chiều tối, tôi hay lén mở nghe để tìm lại chút gì còn sót lại của ngày tháng trước. Nghe nhạc lúc đó không những để thưởng thức tính nghệ thuật của nó mà đã trở thành một niềm vổ về, an ủi những mất mác đang trải qua. Chúng tôi chọn lựa đến với nó như một phương cách sống, tách rời với những quan hệ phức tạp ngoài xã hội mà tuổi vừa lớn của mình chưa đủ sức hòa nhập, bon chen. Đến với nó tựa như để mình nói lên cái không bằng lòng hiện tại, cái nổi buồn hờn chế độ đang có.

     Tôi còn nhớ lúc đó mấy ông trẻ tuổi như tôi buồn ghê lắm, buồn thật chớ không phải làm bộ buồn cho mấy cô bồ thương hơn đâu. Buồn chán vì cuộc đời ngã rẻ sang một đời sống khác lảng nhách, đời sống không thú vị gì ngoài ba chuyện họp hành chính trị, đoàn hội ở trường, ở khu phố mình đang sống. Xã hội như khô cứng đi, như giả tạo với nhau đi, xã hội mà mới đây thằng bạn mình thân thương như vậy mà tự dưng trở thành ông cờ đỏ lạ quắc, mở miệng cứ nói về nếp sống văn minh, con người mới. Xã hội trở nên trân tráo như diễn ra trong một vở tuồng sân khấu nên mình không chịu được, mình chỉ muốn đóng một vai thật lòng, vai có cảm xuc thật mà không được. Mình biết sẽ bị đào thải, sẽ bị đứng ra ngoài lề nay mai vì không thể nào a dua theo những qui tắc trong xã hội mới. Tụi mình phản kháng lại những điều đó nên chỉ muốn chui rúc sống với cái xã hội năm bảy đứa, sống trong âm nhạc, trong khói thuốc trong quán cà phê.

     Khoảng thời gian đó tôi cũng dần biết cái thú hút thuốc, thú ngồi quán uống cà phê, nghe nhạc hàng quán ở Đà nẵng. Loại Nhạc bị gọi là nhạc vàng của miền Nam trước đây bị kiểm soát gắt gao. Những quán cà phê có kèm theo nhạc thường chỉ được mở nhạc cách mạng đỏ hoặc những bản nhạc hòa tấu vô thưởng vô phạt. Tôi nhớ, ở Đà nẵng lúc đó, ngoài những quán cà phê cóc, được mở dọc theo mấy phố chính, sầm uất. Ngoài ra, ở những con đường yên tịnh hơn thì có những quán cà phê có nhạc, không khí đầm ấm, sang trọng hơn như Paloma, Lộng Ngọc, Thiên Nga….Trong đó, tôi thường hay đến ngồi tán dốc với bạn bè ở Lộng ngọc nhất. Quán này có những điểm mà tôi ưa thích như nhạc rất hay, hợp gu với mình. Khung cảnh quán được bố trí thơ mộng, chổ ngồi thân mật và anh chủ quán thì lúc nào cũng tỏ ra thân tình với mọi người. Cộng thêm những ưu điểm này của Lộng ngọc là quán này có cô gái ngồi làm casier tuyệt đẹp. Tôi còn nhớ cô nàng tên là Dung, trạc hơn tôi vài ba tuổi. Cô Dung có khuông mặt hơi buồn nhưng dể thương đến hút hồn. Nụ cười của Dung thì khỏi nói rồi, nó làm cho người đối diện thấy dể chịu thân tình mà mến mộ ngay cô nàng khi mới gặp lần đầu. Tôi vẫn nhớ Dung lúc nào cũng mặc chiếc áo dài màu đen, không biết nàng thích như vậy hay do hoàn cảnh thiếu thốn, trông nàng đẹp nhưng buồn bả quá. Tiếng nhạc dập dìu nhè nhẹ, dưới ánh đèn vàng vàng nơi quầy tính tiền, Dung ngồi sau, nàng đẹp liêu trai lạ lùng. Thật tình mà nói, nhìn nàng ở khoảnh khắc đó thôi thì chàng nào mà không có chút thương thương mến yêu, sao không khỏi xao lòng mà ngày ngày đến mài quần trên những chiếc ghế nơi đây. Bạn bè của tôi nhiều ông ngoài giờ đến lớp, hay nhiều khi khỏi cần biết giờ giấc cứ hay đến tụ năm tụ bảy nơi đây. Tôi nhớ không lầm thì lúc đó hay gặp Thanh, Võ anh Tuấn (đã mất), Lê Phát, Vương Bình…ở đây đều đều. Lúc đó, cô nàng Dung được nhiều người theo đuổi lắm, toàn là những ông mà tụi tôi phải gọi bằng anh, kể cả vài giáo sư đang dạy tụi tôi nữa. Nhưng chẳng hiểu sao, Dung lại có cảm tình với ông bạn thân Vương Bình của tôi, mặc dù chàng ta chỉ có chiếc xe đạp quèn để hằng ngày đến đón nàng về. Sau này, vài chục năm gặp lại, tôi có hỏi Bình về Dung Lộng ngọc. Bạn tôi nói nàng được ai đó đưa đi vượt biên mất tiêu mà chẳng một lời từ giả, làm Bình buồn điêu đứng một thời gian. Chẳng biết Dung bây giờ ở đâu, dù sao nàng cũng là một phần làm nên bức tranh sống của mấy thằng trai trẻ buồn phiền đời sống của tụi tôi thời đó. Cho đến bây giờ, mỗi lần có dịp về Đà nẵng, tôi cũng cố tìm dịp để đi ngang qua khúc đường cũ có quán Lộng ngọc đó. Ngang qua lại mà tưởng tượng đến cô Dung với chiếc áo dài đen quyến rũ năm nào.

     Đời sống không còn dể dãi, vui tươi như ngày trứoc nên tìm được một khoảng trống thông thoáng hơn là tôi quí lắm. Có những khoảnh khắc hiếm hoi quí giá đáng nhớ sẽ làm mình quí mãi. Tôi còn nhớ có một đêm đang ngồi với vài người ban tại quán Lộng Ngoc. Tối đó như thường lệ vẫn là cô Dung của ông bạn Bình tôi ngồi sau quầy tính tiền, khung cảnh lãng mạn với những bản nhạc hoa tấu nhè nhẹ. Đột nhiên không biết cố ý hay chỉ là sơ sót một bản nhạc có lời cất lên, tôi cũng không biết bản nhạc tên gì chỉ biết giọng cô Khánh ly(?) cất lên một câu, chỉ vài chữ thôi mà tôi nhớ mãi đến tận bây giờ “Em đứng đợi anh dưới mưa….”. Chỉ một dạo khúc đầu cho bản nhạc trử tình rồi chủ quán lật đật tắt ngay mà làm không khí của quán như trầm xuống hơn, thân tình, đồng cảm hơn giữa những người khách, giữa chủ quán, giữa những người chạy bàn và giũa cô caisier Dung nữa. Không khí im lặng như ngậm ngùi tiếc cho khoảng đời miền Nam tự do vừa mất. Khúc nhạc dạo ấy, ca từ ấy của bản nhạc đã theo tôi suốt khoảng đời còn lại. Nhớ về phút giây ngắn ngủi ấy tôi cũng xúc động đâu thua gì nhớ lại cố nhân ở mối tình đầu ngu ngơ một thuở. Sự xúc động khi nghe một lời nhạc thật đẹp, một bản nhạc thật hay sẽ được tăng lên khi có người cùng ngồi nghe đồng cảm. Điều đó cũng giống như khi mình đăng một bản nhạc ưa thích nào lên diễn đàn internet mà có những người bạn chia sẻ ngay rằng bản nhạc hay quá. Còn cảm giác thích thú nào bằng.

     Vậy mà đã gần 40 năm rồi, nghe khoảng thời gian có 2 con số thấy đơn giản mà lại phát sợ cho tuổi đời còn lại của mình. Nay quán Lộng Ngọc xem như là dĩ vãng mù mờ rồi. Cách đây mấy năm tôi có về lại Đà nẵng. Dù cố tìm lại nhưng vẫn không nhận được ngay đâu là con đường, góc phố cũ chứ làm sao thấy lại được cái quán cà phê nhỏ đầy kỷ niệm của khoảng đời mới lớn. Bây giờ thỉnh thoảng tôi cũng gặp lại được vài người bạn cũ thời đó, nhưng cũng có vài người đã đi xa quá. Tuấn mới ra đi năm ngoái để lại nhiều thương xót cho bạn bè. Người chủ quán Lộng Ngọc cũ thì đã chẳng còn dạng tăm hơi, nghe nói đã chôn vùi đâu đó giữa biển khơi trùng trùng mang theo cả cái tên Lộng Ngọc một thời quá dể thương.

     Hôm nay, mùa Thu lại về, lá cây vàng vỏ rơi như lời hẹn từ trăm năm trước sẽ trở về chốn cội nguồn của chính mình. Như một qui trình đến, đi, trở về của thiên nhiên tạo vật. Những chiếc lá rơi cũng đâu khác gì một lời hẹn của những người yêu nhau. Lời hẹn dù nay buồn thảm đến hóa đá nhưng ta vẫn muốn mang theo mãi suốt cuộc đời.

     Ngay cả nếu âm thầm em hóa đá Bầu trời lặng yên cũng đã vỡ rơi Mênh mông quá khoảng trống này ai lấp Khi thanh âm cũng bất lực như lời (Khúc mùa Thu)

     Lời nào còn đẹp hơn ca từ ở bài thơ này. Ai nở không xúc động dù con tim có chai đá theo tháng năm của cuộc đời mình. Phải không những người đã từng yêu hay đang yêu nhau? Phải không Hạnh của một khoảng đời đầy ắp kỷ niệm ở Huế, ở Sài gòn và bây giờ với lời thầm thì vẫn nhớ tôi làm ít nhiều ray rức? Âm nhạc nói chung và những tình khúc nói riêng làm những người yêu nhau gần nhau hơn. Còn gì đẹp hơn, khi xa nhau mà chia sẻ lòng mình qua những tình khúc gởi cho nhau nghe. Những lời ca, những nốt nhạc được mượn để nói những nhớ thuơng không tiện nói ra. Âm nhạc làm khoảng cách giũa con người gần nhau hơn. Âm nhạc không có khoảng cách giữa người Nam kẻ Bắc, không làm cho khác nhau dù giữa người Cộng sản và không Cộng sản. Nếu có chia ra thành nhạc đỏ hay nhạc vàng đều chỉ là trong một đoạn đời ngắn ngủi mà thôi. Rồi nó cũng sẽ trở thành tên gọi chung là âm nhạc khi chỉ dùng để diển tả cảm xúc của con người. Cám ơn những giai điệu nồng nàn, những ca từ sâu lắng của nhạc sĩ Phú Quang làm cho người nghe tận huởng được những giây phút rung động ngập lòng. Nghe nhạc Phú Quang làm tôi nghĩ đến nhạc Trịnh công Sơn, nhạc Phạm trọng Cầu, đến thơ của Hoàng phủ ngọc Tường và những giai thoại không hay về những nhạc, thi sĩ này. Con người quả thật phức tạp nên cảm xúc cũng phức tạp vô cùng. Và đã là cảm xúc thì dể bị chi phối bởi ngoại cảnh nhất là khi ở trong môi trường tập thể, chúng ta dể bị cuốn hút theo dòng cảm xúc của tập thể đó. Nhưng chỉ khi mình đối diện riêng mình thì cảm xúc được trải dài trong văn thơ nhạc mới là của riêng mình, mới là bản sắc thật. Chúng mới có giá trị để làm nên những tác phẩm nghệ thuật hay đẹp để lại cho đời sau. Ta hãy nghe thêm bài Dạ khúc của Phú Quang được phổ từ thơ Hoàng phủ ngọc Tường để thấy lòng con người dể vị tha, dể quên những hận thù như thế nào khi thuởng thức một bản nhạc quá hay. Chúng ta tôn trọng rung động của mình nên cũng tôn trọng những giây phút rung động của người nghệ sĩ, dù họ là ai.


Dạ Khúc

Có chiều nào như chiều xưa,

anh về trên cát nóng

Ðường dài vành môi khát bỏng

em đến dịu dàng như cơn mưa

Có chiều nào như chiều qua,

mang cả tình yêu đến

em nói lời thề dâng hiến

cho anh trọn một đời người

Chiều nào người bỏ vui chơi

Cho tôi chiếc hôn nồng cháy

Nỗi đau bắt đầu từ đây

Ngọt ngào như trái nho tươi.

Chiều nào như là chiều nay

Căn phòng anh bóng tối tràn đầy

Âm thầm một lối đi về

Hoa tàn một mình nào em có hay?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *