Đi Thu Về Xuân

        Chuyến qua Úc năm nay tôi có hai mục đích chính: thăm ba mạ, gia đình anh Thắng và hội ngộ với các bạn Nguyễn Hiền lớp 9 sống bên đó. Ở Melbourne được hơn một tuần, tuy ngày nào cũng bận bịu đi thăm họ hàng hay đi coi danh lam thắng cảnh quanh thành phố nhưng lòng tôi vẫn cứ bồn chồn trông ngóng ngày bay qua Adelaide để gặp được Điệp, Đức, Đạt và Ái. Bốn người bạn của tuổi nhỏ, của thuở ngây ngô, của quá khứ đầy ấp những kỷ niệm đẹp mà tôi ao ước được ôn lại, được sống lại dù chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi.

      Rồi thì ngày họp mặt cũng đã đến. Năm giờ sáng thứ 7 tôi đã nhanh nhẹn ra khỏi giường, quên hẳn cái tật mê nướng thường lệ. Tôi bay qua từ Melbourne, Đức từ Brisbane, Đạt và Ái từ Sydney. Điệp là O thổ địa của Adelaide, hẹn hò gặp nhau ở phi trường rồi cùng về nhà Điệp một lúc. Tôi không làm sao diển tả được cái cảm giác hồi hộp, khấp khởi, nôn nóng khi bước ra khỏi máy bay. Thật là ngạc nhiên và thích thú khi thấy không những Điệp mà cả Đức đang cười toe toét, chờ bên ngoài. Ba đứa ôm nhau mừng rỡ, cảm xúc ngập lòng như ngày đầu tựu trường sau ba tháng hè xa bạn. Có đến hơn một tiếng chờ Đạt Ái đến, Điệp Đức và tôi vừa nhâm nhi cà phê trà sữa vừa thăm hỏi gia đình của nhau. Điệp cứ nóng nảy coi chừng đồng hồ, lo lắng là Đạt Ái đi ngang mà không thấy. Bạn Điệp của tôi đúng là cô giáo, không muốn quên màn điểm danh học trò!
Đạt Ái vừa ra khỏi máy bay là đã bị Điệp Hân Đức chào ôm mừng rỡ. Nắng ấm của cuối mùa xuân thật đẹp khi chúng tôi tíu tít đón taxi về nhà Điệp, chỉ cách phi trường chừng 15 phút. Trong khi anh Nhân chồng Điệp và Đức Đạt Ái nhậu bia sò nướng thì Điệp, Thảo Miên con gái Điệp và tôi loay hoay sắp dọn lẩu đồ biển ra ăn trưa. Sương và vợ chồng anh Lý chị Phương cũng ghé chung vui. Chuyện trò thăm hỏi cười nói quanh bàn ăn trong căn bếp ấm cúng của Điệp. Buổi chiều thay vì đi ăn nhà hàng VN như Điệp dự tính, chúng tôi kéo nhau đi chợ để Đức được trổ tài làm bếp. Chúng tôi chia nhau tìm các gia vị cần thiết cho các món ăn Đức muốn nấu. Nhìn các bạn lăn xăn trong chợ, tôi xúc động nhớ lại những dịp đi cấm trại thời còn học Nguyễn Hiền. Chúng tôi cũng kéo nhau đi chợ mua sắm hoặc xin cha mẹ gạo mì mắm muối có sẳn từ nhà để dùng cho màn thi nấu ăn ở trại hè.

      Chợ xong, ba ông bạn tôi nhanh nhảu làm cocktail thật ngon để nhâm nhi khi nghe anh Nhân hát karaoke. Giọng thật ấm, anh hát toàn những bài tình ca rất là truyền cảm. Nhạc sống vang nhà, dưới bếp thì Đức nhuyển tay cắt nấm. Ai náy trầm trồ khen, thú vị như những lần được coi đầu bếp Nhật biểu diễn xào nấu trước mặt. Thật không ngờ Đức lại biết nấu ăn nghề và ngon như vậy. Món steak và mushroom sauce của Đức thật quá tuyệt vời. Món pumpkin soup thì Đức khéo léo dùng thickened cream vẽ smiley faces nổi trên mặt, làm Thảo Miên thích thú xin được giành làm cho cả nhà.
Không hiểu sao chúng tôi chẳng hề bở ngở với nhau dù đây là lần đầu tiên gặp lại sau gần 40 năm xa cách. Đêm đó chúng tôi thức tới hơn 2 giờ sáng, nhắc và kể cho nhau nghe những mẫu chuyện thời Nguyễn Hiền để cười đến chảy nước mắt, những giọt lệ vui. Tôi nhớ đã đọc đâu đó là nước mắt vui và nước mắt buồn thực sự khác nhau khi phân tích dưới kính hiển vi. Vậy thì hai chữ “buồn cười” chắc là từ đây mà ra. Cười nhưng nước mắt chảy dài như đang buồn.

      Đức thú tội là lúc nhỏ hay theo NPTrung bắn ná với đạn làm bằng giấy qua Kim Oanh ngay đoạn hở eo của áo dài. Tôi chia sẻ nỗi đau khổ lúc mới chập chững đổi qua Nguyễn Hiền học chương trình Việt, lớp nhì với cô Ngọc Nga. Tôi vẫn còn nhớ như in một hôm bị cô kêu lên bảng, trừng mắt hỏi sao tôi không biết đánh vần tên cha mình. Lúc đó tôi chỉ muốn được độn thổ, vừa sợ cô vừa dị với cả lớp. Tại sao tên của ba tôi không đơn giản là Tư là Năm, là Hùng là Dũng … mà lại là Huỳnh. Chao ơi, con nít nào biết đánh vần chữ khó như vậy chứ! Ai náy la Đức quậy ác với phe kẹp tóc, tội nghiệp tai nạn đánh vần của tôi nhưng câu chuyện được nhớ lâu nhất trong đêm hàn huyên tâm sự này là chuyện của Đạt và TP. Đạt vẫn còn nhớ rõ một tối Đạt đến nhà thăm TP. Hai người ngồi rủ rỉ chuyện trò ở bật thềm, cạnh nhiều chậu hoa kiểng ở sân trước mặt nhà. Ngày hôm sau ba của TP quở bằng giọng Huế đặc “đứa mô ngứt hết lá cây đây rồi!” Cũng chỉ vì muốn “quấn quýt vân vê tà áo” nhưng vì hồi hộp quá mà Đạt đã ngắt lá thay vì vân vê tà áo nàng. Câu chuyện hết sức dễ thương và cảm động nhưng làm chúng tội bật cười đến chảy nước mắt. Riêng tôi xúc động nhiều hơn vì lúc đó thỉnh thoảng được nhờ làm con chim xanh đưa thư qua về cho Đạt và TP. Đạt thật là đào hoa, còn có cả TĐ (O hay chải tóc “nghéo” qua một bên) viết thư đem tới tận nhà nhưng Đạt hụt đọc vì không có nhà hôm đó. Chỉ được nghe ba Đạt kể lại là “đứa nào viết thơ cũng hay ghê!”

          Sáng hôm sau chủ nhật, chúng tôi kéo nhau ra biển uống cà phê. Rất tiếc trời đổi gió lạnh quá nên không ngắm biển lâu được. Chúng tôi ghé ăn phở rồi về nhà uống cà phê trước khi anh Nhân đưa Đạt Ái ra phi trường về lại Sydney. Đức cũng có bạn đến đón hội họp chỗ khác rồi bay về lại Brisbane. Chỉ còn lại tôi và Điệp, rù rì tâm sự mấy tiếng liền. Tối lại chúng tôi ghé nhà chị Dung, chị chồng của Sương, ăn tối. Sáng thứ 2 tôi và Điệp lại được thêm dịp rù rì tiếp khi thong thả ăn sáng với nhau. Tôi cho Điệp nghe nhiều bài hát của lớp. Điệp thích thú vì toàn những bài hát hay, lại do bạn mình hát cho nghe thì còn chi bằng. Điệp theo tôi và Sương ra phi trường, nhứt định đòi ở lại tán dóc đến khi chúng tôi lên máy bay. Chia tay làm hai O buồn xo, hết líu lo như ngày hôm qua khi còn có mấy ông bạn chung quanh. Đây là lần thứ hai tôi lặn lội đi thăm Điệp. Năm 79 tôi đã đi xe lửa rồi đáp xe đò ra tận Huế để gặp Điệp và Phượng. Lúc đó hai bạn đang học đại học sư phạm năm thứ nhì. Đầu năm 80 tôi vượt biên và từ đó thất lạc nhau. Nhưng may thay quả đất thật tròn, đi đâu rồi cũng về lại cội. Giờ tôi được trùng phùng với Điệp Đức Đạt Ái, tình bạn cũ thành mới thành thân thành thương chỉ trong nháy mắt.

      Tôi còn được ghé thăm cả cô Nhung và chú Trác chồng cô ở Melbourne. Tuy lúc nhỏ không được học lớp của cô nhưng cô trò vẫn thật vui mừng cảm xúc khi ôm nhau. Đặc biệt hơn nữa là tôi đã được ngắm và nghe tiểu sử của những bức tranh sơn dầu tuyệt đẹp do chính tay chú Trác vẽ. Những bức tranh nổi tiếng, đã nhiều lần được triển lãm ở Melbourne.

      Vì Mỹ và Úc là hai lục địa khác nhau tôi phải vượt bao trùng dương, băng bao núi đèo, qua bao cửa ải mới đến được. Tổng cộng là 20 giờ tôi phải bị gò bó ngồi trên máy bay. Úc thuộc Nam Bán Cầu nên khí hậu ngược lại với các nước ở Bắc Bán Cầu. Tôi rời Chicago đầu tháng 11, gần cuối thu nhưng lại được hưởng hai tuần tuyệt đẹp của cuối mùa xuân bên Úc, nơi thường được gọi là Down Under, xứ Thòi Lòi, hay gọi mộc mạc hơn là Miệt Dưới. Đi Thu Về Xuân là đó. Tôi rời Melbourne sáng thứ năm, sau 18 tiếng bay về lại tới Chicago vẫn còn chiều thứ năm, thú vị ghê chưa! Thời gian quay ngược lại được là đó. Cám ơn 3D Điệp-Đức-Đạt làm chuyến họp mặt nhỏ có thêm chiều sâu. Cám ơn Ái giúp tình bạn Nguyễn Hiền thêm thân thương. Tôi tìm thăm bạn cũ như tìm về miền ký ức nhưng lại mang về được bao nhiêu kỷ niệm mới để làm vốn cho tuổi già cận kề, còn gì quý báu hơn phải không các bạn. Hẹn gặp lại nhau nữa nghe, ở Úc hay Mỹ hay ngay cả bên quê nhà Đà Nẵng lại càng quý hơn.

Ngọc Hân

***Hình ảnh chuyến đi Australia của Ngọc Hân (Link)

 


Anh Cho Em Mùa Xuân – NHan LP

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *