Ngày Xưa Tôn Nữ

“Phía sau em, anh bắt gặp mùa Thu
Những sợi tóc, nhuộm nắng chiều vàng óng!” (VTP)
……………………

     Rồi sao nữa? Sau khi ngắm mái tóc đẹp phía sau một nàng Tây, nàng Mỹ nào đó trong cái chiều hôm nắng chói ấy, rồi anh bạn tôi sẽ làm gì nhỉ? Chẳng lẻ ngưng ngang xương ngó lơ đi chổ khác, hay đi thẳng một mạch qua cô nàng một cách vội vả thờ ơ. Tôi không nghĩ vậy đâu. Thế nào rồi anh bạn tôi cũng làm bộ chậm chậm theo sau, soi mói dỏi đôi mắt xuống xa hơn chút, rồi một chút nữa dưới mái tóc ánh vàng mà tưởng tượng này nọ. Bây giờ thì thái độ anh sẽ trở nên rón rén, lén lút. Ánh mắt anh trông như thiếu minh bạch mà nếu ai chợt bắt gặp sẽ làm anh bối rối, ngượng ngùng. Bình thuờng thì anh bình thản, tự tin lắm chớ đâu có vậy. Nhưng chao ôi, dáng dấp cô gái đẹp quá, gợi tình quá làm anh mơ mộng theo để lòng không khỏi hứng thú tản mạn tren mái tóc vàng óng của nàng. Vậy là bổng nhiên tâm xuất thành ý để anh làm vội nên mấy câu thơ tình tựa tựa như ở trên. Vậy là mùa Thu chợt về, không cần hẹn hò ở một ngày cuối tháng chín trong anh bạn tôi. Thu về một cách ngon ơ, ngọt lịm qua hình ảnh của cô gái da trắng tóc vàng sợi nhỏ dáng đong đưa, dù chưa có mây bàng bạc và lá vẫn chưa đủ úa vàng để rụng rơi.

     Còn bạn, theo bạn nghĩ thì mùa Thu bắt đầu từ hôm nào trong năm nay? Nếu căn cứ theo tờ lịch lớn đặt trên bàn làm việc trước mặt tôi thì ngày 23 tháng 9 vừa rồi là lúc Hè chấm hết và Thu chớm tới. Ngày mà người Mỹ gọi là Autumnal equinox hay thu phân, điểm bắt đầu của mùa thu tại Bắc bán cầu. Thời điểm mà mặt trời xuất hiện ở gần xích đạo nhất và dần dần đi xuống hướng nam. Thời tiết sẽ lạnh dần để chuyển qua mùa Đông giá rét… Tuy nhiên, tôi e rằng bạn sẽ không đồng ý với cách chọn thời điểm một cách cố định chán ngắt như vậy lắm. Bạn sẽ cho rằng, thời tiết giờ này vẫn còn ấm áp để lá vẫn còn xanh trên những tàng cây, vẫn còn dư dịp để ta thong dong với quần short áo mỏng lang thang chốn phố phường. Có lẻ theo ý bạn, cứ Thu đến thì phải là lúc lá vàng rơi lả chả, Thu sang phải đem theo chút gió heo may se lạnh, Thu về phải tô màu không gian sao cho thêm lảng mạn chiếc áo len lá mạ đỏm dáng. Buồn cười, tôi lại còn có ông bạn rất ư là thực tế khi cứ phán rằng, hằng năm khi sắp qua tháng 9, khi bệnh hen của ông ấy rục rịch kéo đến để đêm về khó thở, húng hắn ho là chắc hẳn đã vào Thu rồi. Cũng rất chí lý phải không bạn? Chính xác quá đi khi mùa Thu về thuờng mang theo cơn gió lạnh đổi mùa. Nói nôm na là trở trời, rất khó chịu cho những ai có lá phổi không lấy gì mạnh mẻ cho lắm.

     Còn tôi….Tháng 9 sắp trôi qua, một chiều cuối tuần ngồi khơi khơi nhìn ra vườn, tư lự. Chợt giựt mình khi nghe lộp độp, lốp kốp rơi trên mái. Tiếng động của những trái Chesnut, mình thuờng gọi là trái hay “hạt Dẻ”, rơi xuống ngói. À, vậy là không lầm lẩn vào đâu được, nàng Thu (mùa Thu chớ không phải Minh Thu đâu nghe :), không còn ở ngoài ngõ nữa mà vào tận vườn nhà rồi. Như mọi năm, cứ đến mùa này thì đàn sóc trong rừng vội vả túa ra, chúng bay nhảy từ cành này sang cành khác trên tàng cây Chesnut xum xuê trước sân. Chúng tranh nhau ăn những trái Dẻ tuy vỏ vẫn còn xanh nhưng ruột đã chín tới. Thỉnh thoảng có vài trái dù chưa kịp bóc vỏ đã vội rơi xuống mái nhà tạo nên cái âm thanh chói tai làm giựt mình. Vậy là còn gì nữa, một khi trái Dẻ chín tới là báo hiệu cho ta biết mùa hè chấm hết, thu đã về thật đấy thôi.

     Bấy giờ, những sóc cha, sóc mẹ, sóc con thi nhau kiếm ăn no nê. Rồi khi đến cuối mùa Thu, chúng sẽ tha thêm về hang sâu trong rừng, dự trử lương thực cho mùa Đông giá rét tới. Tuy tôi cũng mệt lắm vì đôi ba ngày phải vất vả hốt dọn vài thùng vỏ cho ngày đổ rác. Nhưng, lòng lại thấy vui vui khi nhìn cảnh đàn sóc kêu chíu chít bay nhảy trên cây. Chúng vừa tranh ăn những trái Dẻ chín mọng ruột vừa tung tăng rượt đuổi nhau. Chúng đang tận huởng những ngày giờ đẹp, hạnh phúc nhất trong năm, kiểu như con người vui huởng ngày thu hoạch vụ lương thực cuối mùa. Khung cảnh sao yên bình quá. Chúng vô tư, không màng đến cả trốn tránh dù có bóng dáng con người ở thật gần. Những con sóc bé nhỏ và tự do.

     Tôi nghĩ vui, nếu như chỉ số đo hạnh phúc ở một nơi chốn được đo bằng cả đời sống của loài sóc thì nơi đây sẽ được cộng thêm vài điểm “extra” nữa. Chợt nhớ những lần về thăm Việt nam, sao tôi hiếm hoi được thấy bóng dáng một con chim sẻ hay bồ câu bay lượn trên bầu trời. Ngày còn nhỏ tôi vẫn thuờng thấy chúng chung quanh nhà, quanh phố mà. Chúng sợ hãi điều chi? Chợt lại nghĩ đến lời phát biểu của một bà thứ trưởng hay bộ trưởng nói về quê nhà. Bà ta cho rằng chỉ số hạnh phúc của người dân Việt cao ở vị trí nhất nhì so với tầm thế giới. Thôi rồi, chắc là chỉ số hạnh phúc ở quê nhà tôi chỉ đếm bằng hạnh phúc của con người mà bỏ quên đi lòai chim, loài sóc. Chúng không cần được mưu cầu tự do, hạnh phúc chăng? Hay con người ở Việt nam đã lấy hết phần hạnh phúc của chúng. Một thứ hạnh phúc trong tự do hiếm hoi mà người ta cần phải giành dựt mới có cho riêng mình…

………………………

     … Chủ nhật, 27 tháng 9. Mới thấy giữa tháng đây vậy mà loay hoay với việc sở, việc nhà chừng vài hôm, ngẩn lại đã đến cuối tháng. Trời đã hơi lạnh, lá phong trong vườn nhà tôi bắt đầu ngả vàng. Ngày từ từ ngắn dần, thời tiết từ từ lạnh thêm. Mùa Thu đang từ tốn đến. Nó nhẹ nhàng thôi, nhìn trước nhìn sau rón rén hiển hiện mà chẳng cần ai hay. Rồi lá sẽ rơi trên thảm cỏ sân nhà, con đường băng qua xóm tôi sẽ vắng vẻ hơn. Cô tịnh.

     “Thu năm nay, tôi lại đi trên con đường vắng này, nghe từng chiếc lá rơi trên bờ cỏ. Những cây liễu xanh đứng buồn như những nàng cung nữ đời xưa, và trong vườn nhà ai thấp thoáng hoa phù dung buổi sáng nở trắng như một tâm hồn còn trẻ . Nắng ở đây vẫn là nắng ngày xưa, và linh hồn tôi vẫn là linh hồn năm trước. Đường này hiu hắt, tôi đem lòng về để gặp mùa thu thương nhớ cũ, và may cũng thấy thu về để nước hồ xanh. Chân ai đi xa vắng đằng kia hay đó chỉ là gió thoảng mong manh, và gió nào vương vấn hồn tôi hay đó chỉ là dư thanh của một ngày xưa cũ?” (Đinh Hùng).

     Đoản văn ngắn mượt mà trên được trích trong tùy bút Cảm Thu của Đinh Hùng. Tôi chỉ còn nhớ một đoạn ấy dù ngày xưa đã từng thuộc cả bài. Đâu khoảng thời tiểu học ở TTGD Nguyễn Hiền Đà nẵng, thầy phụ trách lớp tôi, thầy Nguyễn công Nhân, đã dạy cho đám học trò nhỏ tụi tôi bài văn ấy. Thầy bắt học thuộc lòng cho kỳ thi lục cá nguyệt trong năm. Phải nói rằng qua vài áng văn thơ đầy chất lảng mạn trữ tình như Cảm Thu, thầy đã phả một chút hồn văn chương sớm trong tâm hồn còn non nớt của tụi tôi. Để mai sau thứ chử nghĩa bóng bảy đầy xúc cảm ấy, biết đâu sẽ là điểm tựa nâng đở cho đời sống tinh thần mình đẹp hơn.

     Tôi vẫn còn nhớ lời giảng thật lôi cuốn của thầy về tùy bút Cảm Thu. Mùa Thu với gió thoảng mong manh, màu nắng vàng củ kỷ đẹp buồn bả, lảng mạn trong suốt, mượt mà trong từng từ, từng câu diển đạt. Ta nghe cả trong đó tiếng gió, tiếng mây gọi về của một mùa Thu ướt đẩm quá khứ. Đâu đây có tiếng thở dài của những nàng cung nữ thời xưa. Nàng cung nữ đứng buồn trong khung cảnh Thu về với bao niềm u uẩn. Cái buồn không chỉ là đơn thuần là buồn vì nhớ nhà, nhớ quê mà là nổi niềm của thân phận con người trước mênh mông đất trời. Cái cô đơn khi trực diện định mệnh, cái thân phận của cô gái nhỏ bé với dòng đời, với không gian và thời giạn vô tận. Và theo lời thầy tôi, chính hoàn cảnh sống đó đã tạo nên tâm hồn nhạy cảm với thiên nhiên, dể xúc động theo từng chiếc lá rơi, từng cơn gió thoảng.

     Và chắc chắn rằng, trong hoàn cảnh đó những nàng cung nữ đã mềm lòng mà trải, mà viết nên những áng văn thơ tuyệt vời. Đi xa hơn thì cảnh vật đó, xúc cảm đó, tài năng đó đã giải thích cho ta vì sao nơi đất Thần kinh cổ kính ấy sau này sinh ra bao nhà văn, nhà thơ nữ nổi tiếng. Những cô gái Huế nói chung và riêng rẻ hơn là những nàng Tôn nữ. Tâm hồn họ là hiển hiện của tâm trạng của cung nữ thời xưa, hay họ là những Tôn nữ của ngày xưa.

     Điều suy diển đó cũng khá chính xác khi ta gặp nhiều Tôn Nữ có tiếng tăm trong văn đàn xứ Việt. Những Tôn Nữ Hỷ Khương, Tôn Nữ Thu Hồng, Tôn nữ Thu Thủy … Còn nghiệm trong đám bạn bè thì chỉ riêng cái lớp học nhỏ bé ngày xưa của tôi cũng đã có hai nàng Tôn Nữ, cả hai đều giỏi văn thơ. Hình như thơ văn nữ giới đã dành sẳn một góc riêng cho các Tôn Nữ vẫy vùng. Họ chắc hẳn đã có sẵn trong tâm hồn cái chất văn, hồn thơ qua kí ức cung nữ…

     Nhắc đến hai Tôn nữ cùng chung lớp làm tôi chợt lẩn thẩn nhớ lại kỷ niệm khó quên, hơi buồn cười với nàng Tôn Nữ TT. Cô bạn này chỉ học với tôi trong thời gian tiểu học, rồi theo gia đình dọn đến thành phố khác. Học chung có mấy năm thời còn tí tẹo mà tôi vẫn còn nhớ như in cái cô bé hơi mủm mĩm, da ngăm ngăm, miệng cười má lúm đồng tiền có duyên. TT chắc không tin rằng, qua bao nhiêu năm tôi vẫn có thể nhớ đến cô rõ đến như vậy. Nhưng trước hết phải nói, tôi là thằng hay nhớ dai và chỉ nhớ kỷ những điều vặt vảnh. Nhất là những gì gợi óc tò mò thì cứ hằn sâu mãi trong trí mình. Chuyện về cô bạn TT này có liên hệ vui vui đến tính nghịch ngợm của một người bạn khác. Ông bạn tôi tên Tuấn, lúc nhỏ thuộc loại học giỏi nhưng phá phách thi khỏi chê. Có dịp tôi sẽ viết thêm về chuyện bên lề giờ học của Tuấn.

     Đâu khoảng năm học lớp ba, lớp tư gì đó thì tôi, Tuấn và TT ngồi chung một lớp. Còn nhỏ nên đến giờ ra chơi thì trai gái đều chơi chung những trò chơi như tạt lon, đuổi bắt… Không biết Tuấn ưa gì cô Tôn nữ này mà cứ hay lẻo đẻo theo chọc phá, thỉnh thoảng cứ sấn tới chực giở áo đầm lên xem rồi bỏ chạy. Còn nhỏ nhưng trí tò mò nam nữ đã có rồi nên tôi cứ chạy theo Tuấn để cố mà xem rồi phá lên cười. Chuyện chỉ vậy mà nó ám ảnh, theo đuổi tôi đến tận bây giờ.

     Câu chuyện vui của ngày thơ ấu. Thời có ngôi trường Tây rộng lớn, những lớp học dài từng dãy bằng sắt màu xanh. Giờ ra chơi, đám học trò nhỏ và những con chuồn chuồn bay đi, đậu lại trên hàng rào cây dâm bụt. Có cô bạn Tôn Nữ chạy xa lẩn tránh Tuấn, vẻ mặt cô bé thẹn thùng đỏ hồng dưới nắng chiều mùa Thu. Sao chừng ấy năm, vậy mà tôi vẫn còn nhớ cả. Tôi vẫn nghe văng vẳng tiếng chim kêu bên hành lang cửa lớp. Nghe cả đâu đấy trong khu rừng cây sâu thẳm. Nơi những bức tường thành bằng gạch dày, bám phủ rêu phong…

     Năm 2009, tình cờ gặp lại Tôn nữ trong hội ngộ Liên trường Quảng đà ở San Jose. Cô bạn làm gì nhớ tôi nổi, riêng tôi khi được nhắc tên TT thì cái kỷ niệm vui, vặt vảnh đó hiện về ngay ngắn trong trí mình. Mặt mủi TT có thể tôi quên chớ cái dáng mủm mĩm, má lúm và trò chơi phá bậy của Tuấn thì tôi chẳng quên đâu. Nhiều lần tôi muốn nói với TT chuyện nhớ dai ấy, mà rồi cứ ngần ngại sợ TT cho tôi vô duyên, nhớ chi hoài chuyện giở đầm giở váy thời tiểu học xa lơ xa lắt. Gần 50 chục năm rồi, điều nhỏ nhặt như vậy mà tôi không quên thì thoạt nghe khó tin, nhưng là điều thật. Không biết Tuấn hay TT còn nhớ không? Nhưng thế nào khi nghe tôi kể chuyện cũ, hai bạn sẽ cười mà cho tôi là thằng nhớ vặt, nhớ dai. Không buông được.

     Thu đến, chỉ muốn viết lẩn thẩn vài suy nghĩ chuyện thay đổi của đất trời. Vậy mà lan man đến tận chuyện nghịch ngợm của anh bạn tôi đâu thời tiểu học. Tôi nghĩ sau hằng nữa thế kỷ, chuyện gặp lại người mà nhớ ngay tường tận vậy là điều hiếm hoi giữa dòng đời ngược xuôi, xuôi ngược với biết bao điều cần dáng nhớ hơn. Chợt nghĩ thêm, mà chắc gì nếu không có câu chuyện nghịch của anh bạn Tuấn thì tôi sẽ không còn nhớ đến TT. Biết đâu, trong cái tháng ngày học chung trường, chung lớp ấy sẽ đem bóng dáng TT vào trí nhớ tôi bằng một điều kì diệu, vui vui khác. Để rồi gần 50 năm sau tôi vẫn nhận ra cô bạn mình khi thoạt nhắc đến tên ở lần đầu gặp lại.

     Bài viết gần đây tôi đã lấy tựa là Ngày xưa Hoàng Thị, câu chuyện của anh bạn M tôi nhớ hòai nhớ mãi về một tà áo trắng thuớt tha, nhỏ nhoi làm xao động đường về tan học. Bài viết này tôi viết nhiều về mùa Thu, chỉ một đoạn cuối ngắn ngủi đề cập đến cô bạn Tôn Nữ TT thời ngây thơ, ngơ ngáo. Nhưng sao tôi vẫn muốn đặt cái tựa bài sao cho thơ mộng, lảng mạn một chút, “Ngày xưa Tôn nữ”. Tôn nữ ngày đó còn quá nhỏ, chưa đủ lớn để mặc áo dài trắng khi tan trường, chưa hề biết làm dáng kiểu thục nữ tiểu thư. Nhưng đâu phải vậy là làm mình bớt xao động khi nhớ đến. Chiếc áo đầm trắng, nụ cười xinh biết nói và câu chuyện vui trên sân trường giờ vẫn theo tôi hoài hủy. Nó như những vệt nắng đầu mùa Thu lơ lửng huyển hoặc trên sân. Vệt nắng cứ chập chờn gợi trí tò mò để ta muốn đưa tay nắm bắt lấy mà săm soi. Chẳng biết có điều gì kỳ bí trong sâu thẳm của ký ức, mà những điều nhỏ nhặt ấy vẫn đeo đuổi ta làm không sao quên nổi? Chuyện thật vớ vẩn, Ngày Xưa Tôn Nữ.

     THH


Thu Sầu – TT NH

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *