Soi Bóng

Cứ mỗi năm ngày 30 tháng Tư đến lòng tôi lại chạnh, mắt lại cay, tiếng thở dài lại thậm thượt. Năm nay 40 năm ngày mất miền Nam tức là 35 năm gia đình tôi bị xẻ làm đôi. Năm 1980 là lúc ba anh em tôi lần lượt nối đuôi nhau vượt biển. Tôi tháng một, anh Thắng tháng năm, và em Sương tháng chín. Tôi lao đao ở trại tỵ nạn Thái Lan hơn bốn tháng, nơi ngày nắng cháy da đêm nằm giường tre nhớ nhà. Anh Thắng long đong trại Mã Lai rồi định cư ở Úc cùng thời gian tôi định cư ở Mỹ vì anh em mất tin tức của nhau. May sao Sương suôn sẻ qua được đảo Singapore rồi nhanh chóng đoàn tụ với tôi. Nhưng kể từ đó ba anh em tôi bắt đầu phải sống một cảnh hai quê. Mỹ và Úc xa nhau vạn dặm, hai thái cực, hai biển trời, trăm nỗi nhớ, ngàn niềm thương, nghìn giọt lệ.

Vì bận bịu với gia đình và công việc, ba anh em tôi chỉ mới gặp được nhau vỏn vẹn bảy lần trong 35 năm dài. Năm chuyến đầu đại gia đình đoàn tụ ở Mỹ, hai chuyến sau ở Úc. Chuyến gần đây nhất là tháng 11 năm ngoái. Chỉ có hai chị em tôi, không kéo theo cả đoàn trường phu tử như năm 2010. Nhờ vậy chúng tôi có nhiều thời gian gần gũi, hàn huyên tâm sự với anh Thắng và các anh chị họ sống bên đó hơn. Đặc biệt là được anh Nguyên, người ham chuộng nhiếp ảnh, đưa đi chụp hình quanh thành phố và các công viên vườn hoa nổi tiếng của Melbourne. Có cả hàng trăm tấm hình để tôi săm soi coi ngắm mỗi khi nhớ Úc nhưng chỉ một tấm thật sự làm tôi cảm xúc nhất. Đó là tấm ba anh em tôi choàng vai nhau nhìn xuống mặt hồ nước ở Fitzroy Gardens.

.

Tôi đã in tấm hình này thành bức tranh nhỏ, chưng bên cạnh giường ngủ. Mỗi sáng thức giấc, tấm hình luôn chào tôi đầu ngày, luôn làm tôi vui buồn lẫn lộn. Vui vì chúng tôi vẫn còn thương quí nhau. Buồn vì chúng tôi phải sống quá xa nhau. Tấm hình còn gợi lại quá khứ nữa. Quá khứ thăm thẳm xa, đã hơn năm mươi năm rồi còn gì, hơn nửa đời người. Không hiểu sao tôi cảm tưởng như vẫn còn có thể nếm được hương vị tuổi thơ trên đầu lưỡi, vẫn còn có thể với tay hái được dĩ vãng về gọn trong lòng bàn tay.

Tôi đưa tấm hình này và tấm hình đen trắng cũ chụp ba anh em tôi lúc nhỏ cho cậu con trai út coi. Quân đề nghị ngay là sẽ ghép hai hình lại với nhau. Kết quả tôi được thêm một tấm hình mới mà cũ, giúp tôi diễn tả được cảm xúc mà tôi không đủ chữ nghĩa, không đủ khiếu viết lách để làm. Thật đúng như câu nói “Một bức tranh hơn ngàn lời nói”. Nó làm tôi muốn bước lùi lại một bước, suy ngẫm ý nghĩa của đời người. Ba anh em soi gương đáy nước, thấy lại tuổi thơ, sống thật với hiện tại, và trông ngóng tương lai đây mà. So với bao người bị vùi thân đáy biển trên đường tìm tự do thì gia đình tôi đã quá may mắn. Tuy biết vậy nhưng bao đêm tôi vẫn từng khắc khoải. Nếu không mất Saigon thì tuổi trẻ trong sáng của anh em tôi đâu phải bị cắt ngắn phũ phàng. Anh em tôi cũng như hàng triệu người Việt khác đâu phải sống tha hương viễn xứ, đâu phải trông về quê mẹ ruột đau chín chiều!

Tháng Tư 2015
Ngọc Hân

4 thoughts on “Soi Bóng”

  1. Hôm nay rảnh rỗi đọc lại mấy bài trên NH, thấy bài này thương quá Hân ơi!
    Thương ơi là thương. Quân mình lúc nào cũng có óc sáng tạo nên hắn học ngành đạo diễn là đúng rồi hỉ.
    Thương chúc ba mạ và gđ anh Thắng vui khỏe bên Úc và hai gđ bên Mỹ cũng rứa hỉ.
    Mẹ Vịnh

    1. Bài viết cũ xào lại mà lại được Vịnh đọc tới, mừng ghê! Cảm ơn Vịnh đã chịu khó “soi bóng” chung với ba anh em Hân. Chúc sức khỏe bình an để còn gặp nhau sớm Vịnh há.

  2. Cám ơn chị Hân đã chia xẻ tác phẩm rất nghệ thuật và đầy ý nghĩa của Quân.
    Mối dây liên lạc giữa 3 anh chị em vẫn bền chặt dù qua thử thách của thời gian và không gian. Khuôn mặt của sự gắn bó đó luôn tươi đẹp, không 1 nếp nhăn như gương mặt trẻ thơ . Nếu phải đặt 1 từ dưới bức hình đó, em sẽ dùng :
    ” In- temporel”
    Temporel par le lien des 2 photos
    Intemporel par le lien fraternel.

    1. Cảm ơn Châu đã ghé đọc và chia sẻ những cảm nghĩ sâu sắc cho một cảm xúc cũ của chị. Tình cảm thật thì vượt thời gian, nguyên vẹn và trong sáng như tuổi thơ, làm sao không quí cho được phải không Châu.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *