Thư Tháng Tư Cho Bạn

     Bạn thân,

     Có những thành phố mà mặc nhiên ấn tượng về chúng cứ mãi nằm sâu đâu đó trong ký ức. Để những con đường, những hàng cây, góc phố chỉ chờ một chỉ dấu nào đó ngang qua là khơi lại tức thì khoảng thời gian, không gian hiện hữu. Thành phố ấy có thể là nơi mình được sinh ra và lớn lên. Ta từng có ở đó những tháng ngày vô tư rong chơi khắp chốn. Có những người bạn cùng ngồi chung một dãy bàn, một lớp học, có ngôi trường giữa hai hàng cây lá xanh biếc. Hay có thể là thành phố đã từng ghi dấu một mối tình khó quên mà ta nhìn đâu đâu cũng là kỷ niệm, chiếc ghế đá công viên thường ngồi, quán cà phê quen thuộc hay ghé, những nụ hôn vội vàng còn đây xao xuyến. Tất cả những thành phố ấy thì thân thương có lẽ phải được tính bằng chiều dài khoảng thời gian sát cánh bên nhau. Và điều chắc chắn rằng ta sẽ không nguôi tha thiết nhớ một khi phải rời xa.

      Nhưng cũng có những thành phố ta không cần phải đong đếm bằng quỹ thời gian hao đi bao nhiêu để đo được giá trị đối với mình. Chúng dù chỉ cần được ghé qua một lần, ngụ lại một thời gian ngắn thôi cũng đủ làm ta không sao quên nổi. Có thể chỉ là một tình cờ ruôn rủi để thành phố ấy gắn liền với ta, và nó bỗng dưng trở thành chứng nhân cho một đoạn đời quan trọng làm thay đổi cả nếp nghĩ suy của mình mai sau…

    …Tháng tư năm nay lại về, nắng ấm vừa vặn ngập tràn thành phố tôi đang cư ngụ, Boston bên bờ sông Charles mùa này đẹp tuyệt vời. Nhưng tôi sẽ không kể gì thêm về thành phố này nữa như mọi lần. Tháng tư tôi chỉ muốn ghi lại vài dòng hồi tưởng về một thành phố khác, nó ở thật xa nơi đây. Nó cũng đang ngập tràn ánh nắng, cũng đang nở rộ mùa hoa đầy màu sắc. Cái thành phố thật nhỏ bé, vài con đường đi loanh quanh đã về lại ngay chốn cũ để ta chỉ có thể gọi là một thị trấn cho đúng nghĩa hơn. Motobu nơi có khu trại dành cho người tị nạn. Thị trấn giữa đàng, nơi từng cưu mang một nhóm người Việt vượt biển may mắn đến được bến bờ tự do. Nếu bạn tò mò tìm trên bản đồ Google sẽ thấy, Motobu nằm ỏ phía bắc quận Okinawa. Quận này nằm trong quần đảo Okinawa cực nam Nhật bản, nơi có vài căn cứ quân sự lớn của Hoa kỳ. Okinawa còn là địa điểm hấp dẫn cho du khách tìm đến khi nó có những bải biển dọc theo bờ tuyệt đẹp và những cánh rừng hoa Anh đào thơ mộng nở rộ trắng hồng đầu tháng ba.

     Okinawa ở một ngày đầy nắng ấm tháng tư, tôi tha hương. Tôi với tấm thân trần trụi, vận độc nhất một chiếc quần đùi, chân không giày dép ngơ ngác bước lên đất Nhật. Làm sao quên được cái mùi thơm lừng từ hộp cơm “bento”, cái vị ngọt mát lạnh từ lon coca đầu tiên, thêm đôi dép lê và tấm áo nữa, tất cả là tấm lòng của người dân xứ sở ân nhân trao cho. Chúng tôi, nhóm gồm 25 người tị nạn được vớt giữa bão tố biển khơi, sống sót như có một phép lạ nhiệm mầu. Giờ đây, những người cùng lén lút rời khỏi đất nước đêm nào, đang bước sang một ngả rẻ khác của đời mình. Có thể bước đầu sẽ rất cơ cực khi phải gầy dựng lại đời mình trên đất nước xa lạ, biết bao khó khăn đang chờ đón. Nhưng dù sao tự do vẫn là điều quí nhất chúng tôi cần tìm kiếm khi bỏ nước ra đi và nay đã có được…

     Ai đã từng vượt biên, vượt biển để có những ngày sống ở trại tị nạn trong thập niên 70, 80 mới thấu hiểu được tâm trạng của những thuyền nhân, bộ nhân. Mỗi một con người, mỗi một gia đình là một câu chuyện đời mà dù may mắn hay bất hạnh đều đẩm đầy nước mắt.

     Nơi tôi tạm trú, trại Motobu chỉ là một trại tị nạn nhỏ chứa chưa đến 200 người, vậy mà những câu chuyện khủng khiếp trên hành trình vượt biên thì đâu thiếu. Đất Nhật quá xa Việt nam để những con thuyền nhỏ bé đến thẳng được nơi đây. Phần lớn chúng tôi chỉ sống sót là nhờ được tàu lớn vớt khi lênh đênh giữa đại dương. Chuyến hải hành nào xem là may mắn thì vài ngày, tuần lễ đã được cứu. Nhưng có những chiếc thuyền gỗ mong manh trôi hằng tháng trời không lương thực, nước uống. Khi được lên tàu lớn, họ chỉ còn là những bộ xương nhúc nhích. Và còn biết bao thân xác đã phải tẩm liệm trong lòng biển khơi trước ánh mắt đau đớn, bất lực của người thân.

Đêm chôn dầu vượt biển

      Sống nơi đây hơn 2 năm, có những đêm mất ngủ tôi hay nhìn ra khoảng sân vắng sau trại. Thỉnh thoảng giữa bóng tối thoáng thấy những bóng người, nghe đâu chừng như có tiếng thở dài nhớ quê, nhớ nhà, nghe trong ấy vẳng lại tiếng rấm rức khóc thương cho không may của người thân mà thân xác đã nằm vĩnh viễn trong sóng biển muôn trùng. Có những ngày được đi làm thêm ngoài trại. Giờ nghỉ trưa nằm nhớ nhà quây quắt, thoáng nghe tiếng thở dài não nuột của người đàn ông bên cạnh. Anh, một cựu trung úy hải quân Việt nam Cộng hòa, người có hai đứa con gái nhỏ đã chết vì kiệt sức ngoài biển. Mất hai đứa con gái yêu quí vợ chồng anh sống như hai chiếc bóng lạc hồn. Nằm bên cạnh, tôi cứ nhớ mãi giọng anh nho nhỏ tâm sự:

_ Nhớ hai đứa nhỏ quá! Mình hối hận vô cùng khi quyết định dẫn hai đứa ra đi, nhưng số mệnh nó vậy, biết sao…

Lời anh thêm như cắn rứt chính mình:

_Phải chi mình bình tỉnh hơn, cho hai đứa nhỏ uống nước tiểu thì chúng đở mất nước. Biết đâu chúng sống thêm cho đến lúc được cứu. Buồn thật! Mình là một sĩ quan hải quân, từng điều khiển tàu mà lại quên điều sơ đẳng như vậy.

     Thật đau xót khi nghe lời ai oán tự trách mình của một người cha nhìn hai đứa con đang chìm dần trong mê sảng. Anh đã tự tay mình đưa xác chúng xuống biển. Anh chết điếng cỏi lòng. Cả đời mình, tôi chưa thấy hình ảnh nào chứa đựng sâu thẳm bi thương như đôi mắt anh ngày ấy. Ánh mắt không mang một nổi buồn bình thường, nổi buồn còn có điểm tựa để bám víu, nó là sự tan vở, sụp đổ hoàn toàn của lý trí, của tâm linh. Những lời chia sẻ lúc này còn ý nghĩa gì! Tôi lặng người, quay sang hướng khác để trốn những giọt nước mắt của người đàn ông bên cạnh hay của chính mình.

     Tại trại tị nạn Motobu-Okinawa có một câu chuyện vượt biên thương tâm mà nghe kể lại ai cũng rùng mình. Cả chiếc ghe hơn 200 người đã chết hầu hết. Một trong những người hiếm hoi sống sót là anh D, bạn thân ở kế phòng tôi. Anh đi cùng cha và người anh trong chuyến vượt biển đó. Điều kỳ lạ là cả gia đình bạn tôi đều may mắn sống cả.

     Chuyến ghe xuất phát từ bờ biển gần Nha Trang. Sau mấy ngày lêng đênh thì mọi người mừng rỡ khi thấy ánh đèn từ một hòn đảo phía trước. Theo suy đoán của thời gian và hải bàn, có lẻ đã đến vùng biển đảo thuộc Philippines. Ban đêm, người tài công chuẩn bị cho ghe tấp vào đảo. Nhưng không may, gần đến bờ thì ghe bị mắc cạn không tiến hay lùi được nữa. Giữa biển tối đen, mọi người đang nhốn nháo thì bỗng từ trong đảo từng loạt đạn AK bắn thẳng vào ghe. Biết là gặp phải một trong những đảo Trường sa của bộ đội Việt, mọi người đang cố tìm chổ núp và đưa ghe ra lại biển thì từng quả đạn B40 rót đến. Chiếc ghe trúng đạn súng cối bể nát trong tiếng la hét khẩn cầu Trời-Chúa-Phật cứu nạn. Từng mảnh của chiếc ghe nổi bồng bềnh. Xác chết ngập cả một khoảng biển. Thịt da nào chịu nổi những tràng đạn tiểu liên, đạn súng cối dồn dập tìm đến.

     Trong cơn hổn loạn, ba cha con bạn tôi và vài người đàn ông khác hô nhau cùng lao xuống biển. Sóng đánh dồn dập, may thay có cái can dầu trống trôi lơ lửng, cha con cố bám vào và bơi ra xa bờ. Lát sau cả ba hầu như kiệt sức và thả trôi theo dòng nước. Khi hy vọng sống quá mong manh thì bỗng đâu họ thấy một chiếc ghe trôi gần đó. Như được thêm sức mạnh, cả ba và thêm môt người đàn ông nữa cố bơi đến và được giúp leo lên. Thì ra đây là cũng một chiếc ghe của người vượt biên, đã bị bắn từ trong đảo Trường sa và trôi dạt ra xa. Được biết họ ra đi từ Gò công. Trên ghe cũng có vài người chết và bị thương. May mắn là máy ghe vẫn còn nổ và không mắc cạn nên họ cố chạy lại ra biển.

     Chiếc ghe chạy thoát khỏi hòn đảo tử thần một thời gian thì hết dầu chết máy, trôi lênh đênh không phương huớng. Người bị thương lần lượt chết và xác họ phải thả xuống biển. Chiếc ghe trôi hằng tháng trời, đói thì câu cá mực lên ăn, nhờ trời lâu lâu có cơn mưa đổ cho họ nước uống. Những ngày trôi nổi giữa biển, thỉnh thoảng có vài chiếc tàu lớn đi ngang qua nhưng vì một lý do nào đó tất cả đều làm ngơ. May mắn thay, cuối cùng rồi cũng có chiếc tàu buôn của Nhật động lòng mà cứu vớt và đưa họ đến đảo Okinawa.

     Câu chuyện cả ba cha con anh bạn D. đều sống sót trong chuyện ghe định mệnh là một điều hy hữu làm ai nghe cũng sửng sót. Gia đình bạn tôi quá may mắn, niềm tin, ơn phước nào đã ban cho tất cả. Chuyện lạ lùng này vẫn chưa dừng lại ở đó. Lên đến trại tị nạn một thời gian thì có thêm chuyến ghe vượt biên được tàu Pháp vớt và đưa đến cùng trại. Trong chuyến ghe đó có cả vợ con và hai người em của anh K, một trong bốn người sống sót trong chuyến đi từ Nha Trang. Giữa thế giới bao la, giữa đại dương trùng trùng thì phải có sự sắp xếp linh thiêng nào họ mới có cơ hội đoàn tụ như trong câu chuyện kể. Không có lời giải thích nào bằng niềm tin, có một đấng cứu rổi, soi sáng và sắp đặt tất cả cho định mệnh của chúng ta.

     Tháng tư về, tôi vẫn không sao quên được những ngày ở đảo Okinawa. Tháng tư làm nhớ đến ánh mắt của người cha cứ ám ảnh nhìn đâu cũng thấy hình ảnh hai đứa con mình dần tan biến trong sóng biển. Tháng tư còn làm tôi nhớ đến ba cha con người bạn và chi tiết chuyến vượt biển năm nào của họ. Hai năm cùng sống chung và những chiều lang thang trong khu công viên hải dương Expo 75 gần trại tị nạn. Ngồi nhìn biển trời, kể lại câu chuyện cũ. Lon bia trên tay, mắt bạn tôi vẫn còn ngập chìm ánh dại hãi hùng của một lần chạm tới nổi chết tan thịt nát da. Bia đắng dể say, nhưng cũng dể làm nhớ đến một niềm đau đã muốn chôn kín……

     Lúc gần đây, tin tức thời sự hay nói đến sự xâm lấn của Trung cộng vào chủ quyền quốc gia của nước mình. Được nhắc nhiều nhất có lẻ là sự kiện Hoàng sa và Trường sa, hai quần đảo của Việt nam đã bị họ ngang nhiên chiếm đóng. Nhiều người lính của Việt nam Cộng hòa ngày trước và chính quyền hiện tại đã hy sinh khi bảo vệ vùng biển đảo tổ quốc. Vì đất nước mà hy sinh như những anh hùng tử sĩ ở Hoàng sa, Trường sa thì chúng ta phải có lòng biết ơn ghi tạc. Nhưng trong tôi sao vẫn cứ trăn trở hoài chuyện bắn giết ở chuyến vượt biển từ Nha trang cập bải Trường sa năm nọ.

     Làm sao quên được chuyện kể về những viên đạn tiểu liên AK, cối B40 nhắm bắn xối xả vào những nạn nhân mà cũng chính là đồng bào mình. Tôi không hiểu thù hằn nào để họ đan tâm bấm cò súng nhắm vào nhóm người tay không, những đàn bà con nít đang la gào hổn loạn. Người bộ đội tay không vũ khí bị Trung cộng tàn sát ở Gạc ma (Trường sa), chúng ta nghe mà thương xót, thù hận quân xâm lược. Nhưng, còn hận thù nào dành cho những bộ đội từ Trường sa đã bắn giết người vượt biên lở cập vào đảo. Xót xa nào cho những thân người đang cố ngoi lên giữa sóng biển, bóng đêm, hoảng hốt kêu gào “Đừng bắn chúng tôi, người Việt nam đây, Việt nam đây!”.

     Bạn thân,

     Tháng tư thời tiết đã đủ ấm để tôi và bạn bè quanh đây hay rủ nhau tụ tập cuối tuần. Uống vài chai bia, kể về những câu chuyện đời đã qua. Một lần có anh bạn nữa đùa nữa thật cứ cho rằng tính tôi không thể nào làm chính trị được. Tôi dể ngả lòng vì một điều tình cảm đâu đâu, tôi khó giận và căm thù một điều gì thật lâu. Thì vậy, thời gian đã trôi qua hơn 40 năm, xương thịt của người chết ở bờ biển Trường Sa năm nọ còn gì đâu. Khói thuốc súng đã tan chẳng còn mùi dấu vết. Hận thù nào rồi cũng tự bào mòn mà phai theo năm tháng. Nhưng trăn trở trong tôi thì chắc chắn vẫn còn đây. Điều gì thực sự đã làm mũi súng của những người bộ đội ở Trường sa hướng về tàn sát chính đồng bào họ???. Biết bao giờ mới sáng tỏ… Giữa tháng tư, từng tờ lịch đang lần lượt rơi mang theo nắng ấm mùa xuân, nhưng sao tôi vẫn thấy lạnh như còn mùa đông quanh quẩn. Phải chăng đây là những cơn gió lạnh từ oan khiên biển đông thổi về! Xin dâng một nén hương lòng để tưởng nhớ đến những người Việt nam đã bỏ mình trên đường đi tìm tự do.

     THH


Giọt Nước Mắt Cho Quê Hương – NH

Giọt nước mắt thương con, con ngủ me mừng
Giọt nước mắt thương sông, ấp ủ rêu rong
Giọt nước mắt thương đất, đất cằn cỗi bao năm
Giọt nước mắt thương dân, dân mình phận long đong

Giọt nước mắt thương mây, mây ngủ trên ngàn
Giọt nước mắt thương cây, cây ngả trên non
Giọt nước mắt thương anh, khô giòng máu châu thân
Giọt nước mắt quê hương, ôi còn chảy miên man.

Ôi! giòng nước mắt chảy hoài
Giòng nước mắt đời đời
Giọt nước mắt thương ai

Ôi giòng nước mắt trong tim
Chảy lai láng vào hồn
Nửa đêm gọi đến mình

Giọt nước mắt thương chim, chim bỏ xa rừng
Giọt nước mắt thương đêm, đêm đẩy xe tang
Giọt nước mắt thương em, trên vận nước điêu linh
Giọt nước mắt không tên, xin để lại quê hương

2 thoughts on “Thư Tháng Tư Cho Bạn”

  1. “Nhưng dù sao tự do vẫn là điều quí nhất chúng tôi cần tìm kiếm khi bỏ nước ra đi và nay đã có được”

    Nhiều người trong chúng ta đã trả một giá quá đắt cho hai chữ Tự Do. Đa số những người đến được bến bờ tự do đều biết được là mình đã thoát chết trong gan tay kẻ tóc. Sơn chưa bao giờ nghe ai nói là “chuyến đi của tôi suớng lắm”. Cho nên tự do là vô cùng quý giá.

    Tuy nhiên có một số trong chúng ta, qua thời gian, họ lại quên đi cái giá họ đã trả. Họ quên đi rằng nếu người thuyền trưởng đó không quyết định dừng lại vớt họ lên thì có lẽ họ đã làm mồi cho cá mấy mươi năm về trước. Dần dần họ take tự do for granted. Tự do không có free! Chúng ta cần bão vệ nó. Chúng ta cần bão vệ nó cho chúng ta, cho người thân chúng ta, và cho bạn bè chúng ta còn sót lại ở VN.

    Không có nghĩa là chúng ta phải directly cầm súng chiến đấu. Chúng ta đã qua cái tuổi đó rồi. Nhưng chúng ta có thể indirectly ủng hộ những người tranh đấu cho tự do bằng donations hay bằng tấm phiếu bầu cử. Help them to help us, quý vị. Hy vọng những chuyện thương tâm vượt biễn sẽ không xảy ra nữa trong tương lại.

    Nhân đây Sơn cũng xin cầu nguyện cho anh Lý Tống, người học chung cùng lớp Văn Hoá Mỹ với Sơn tại Galang II.

  2. Đã từng đọc bài này của Hiền viết rồi, nhưng đọc lại vẫn còn xúc động về những câu chuyện vượt biên đau lòng. Tháng tư năm nào cũng vậy, dành cả tháng để tưởng niệm đến tháng tư đen … biết bao giờ mới nguôi ngoai 🙁

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *