Vĩnh Biệt Omar Sharif ( Doctor Zhivago)

     Omar Sharif, tài tử huyền thoại đóng vai Doctor Zhivago trong phim mang cùng tên nhân vật chính vừa vĩnh biệt chúng ta. Ông ra đi ở tuổi 83 sau một lần lên cơn đau tim và sau thời gian dài mang bệnh Alzheimer. Ngẫm về chiều dài của đời người thì trải qua chừng ấy năm tháng cũng đã là thọ lắm rồi. Tuổi thọ của ông hơn nhiều so với nhân vật nam đã làm nên tên tuổi ông. Nhân vật Zhivago trong phim mất đi khi còn khá trẻ, cũng vì một cơn đau tim đến bất ngờ. Khi đang ngồi trên chuyến xe buýt băng ngang thành phố Moscow, Zhivago thoáng thấy dáng Lara (Julie Christie), người tình một thuở của mình đang đi trên lề đường. Ông xuống xe, cố gắng vừa chạy theo vừa kêu tên nàng và bất ngờ ngã gục giữa phố. Hai nhân vật, một ngoài đời thật, một trong phim ảnh, cả hai đều là thần tượng, đều là huyền thoại cho một thời tuổi trẻ. Cả hai như một ngẩu nhiên, cùng ngả xuống vì xúc động sau khi trải qua một cơn nhồi máu tim chết người. Cái chết xảy ra quá mau, chớp mắt là đã một đi không trở lại rồi. Chết đột quị vì bịnh tim là một cái chết gọn gàng nhất, cái chết mà nhiều người cho rằng ra đi một cách êm thắm. Chẳng đau đớn lâu, chẳng phiền luy ai nhiều, ra đi sau cái nhăn mặt nhíu mày, thu gọn thoáng cuộc đời qua khóe mắt lóe sáng. Nếu cuộc đời được nghĩ đến theo chiều tích cực thì như vậy là đẹp rồi, đẹp qua hình tượng cuối cùng của Lara trong mắt Zhivago. Trong phim, giữa ánh nắng nhạt chiều Moscow có người đàn bà lặng lẻ bước mau bên kia đường. Lara của thuở xuân nồng tóc rối, nàng vẫn còn đó đôi mắt Bạch dương màu xanh biếc, đôi mắt mang cả trời thăm thẳm của tình yêu, của ký ức. Đâu đây ta như còn nghe vọng lại tiếng kêu “Lara, Lara” trong cõi miên viễn thẳm sâu hồn Zhivago.

     Rồi hôm qua đây, tài tử Omar Sherrif mất vì lên cơn tim, ông ra đi sau một thời gian dài chống chọi với căn binh Alzheimer. Người bị chứng bệnh này thì đâu còn nhớ gì nhiều, quên trước quên sau để rồi dần dần sống như sống trong khoảng trống không, ký ức như đã được tẩy trắng xóa trở về thời của đứa bé mới vào đời. Nhưng biết đâu được, ở khoảnh khắc cuối cùng, trong trí của Omar Sharif không bất chợt sáng lóe lên một hình tượng đẹp như nàng Lara của Doctor Zhivago. Một nàng Lara hoang dã, kiêu sa nhưng cũng đầy thách thức trên màn bạc để ông đem theo cho riêng mình về miên viễn. Đâu là nhân vật thật và đâu là nhân vật ảo khi họ có cùng một đôi mắt. Mắt của con người phản ảnh phần lớn đời sống của chính họ. Mắt của Omar Sharif là mắt của Doctor Zhivago, đẹp, hiền từ và thu hút một cách lãng mạn. Đôi mắt thoáng nhìn thôi đã thấy trong đó chứa đựng tình yêu người, yêu đời, yêu tha nhân. Thứ tình yêu lãng mạn ta được thấy trong lời văn, lời thơ của tiểu thuyết mang tên “Doctor Zhivago”, tác phẩm được viết bởi Nobelist Boris Pasternak.

      Đã một thời, câu chuyện tình của Zhivago và Lara bằng tiểu thuyết, bằng phim ảnh đã có ảnh huởng không ít đến lối sống, nếp suy nghĩ của vài thế hệ người miền Nam. Nói về tác động của một tác phẩm nghệ thuật vào một xã hội ta hay xét đến hai mặt tốt và xấu hay cả tốt và xấu lẫn lộn. Mặc nhiên xã hội trở nên đẹp hơn hay ngược lại xấu hơn chỉ vì một cuốn phim hay, một cuốn sách lôi cuốn lan tỏa trong số đông người thưởng ngoạn nó. Thời của Việt nam trước 75, dù ảnh huởng bởi chiến tranh khốc liệt nhưng ta cũng không phủ nhận rằng xã hội còn ảnh hưởng bởi những hình tượng nghệ thuật được mang vào từ những nền văn hóa phương Tây. Giữa thập niên 60, kéo dài đến cả những năm sau khi miền Nam mất vì áp lực quân sự từ miền Bắc, tiểu thuyết Doctor Zhivago và tiếp theo là cuốn phim cùng tên là một trong những tác phẩm nghệ thuật đã chi phối tính đặc trưng của xã hội miền Nam tự do. Lật qua một trang sử, một câu chuyện của chiến tranh, của cách mạng và của tình yêu ở xứ Bạch Nga xa lắc đầy tuyết giá. Đọc câu chuyện đời, chuyện tình của Zhivago (Omar Sharif), của Lara (Julie Christie ) làm ta liên tưởng đến những câu chuyện đời tương tự của bao người yêu nhau trong chiến tranh ở quê huơng mình.

      Sài gòn sau 75 dù bị nghiêm cấm vì qui cho là những sản phẩm đồi trụy, nhưng trong thế giới ngầm của chử nghĩa, nhiều sách báo cũ vẫn còn được lưu hành. Chúng được sang tay từ bạn bè hay từ những cửa hàng cho thuê sách chui. Và rồi, những trang sách đầy giá trị của nhân bản, của tình yêu, tình người vẫn được bao người trẻ lén đọc đi đọc lại, đọc ngấu nghiến như chưa từng được đọc, đọc dưới mái tôn, đọc trên căn gác xếp hâm hấp nóng của một Sài gòn đang cháy. Họ đọc cho quên đi những giọt mồ hôi nhớt nhác âm ỉ chảy từ thân thể, đọc để mong cơn mưa chiều mát dịu, để mong tự do ngày trở lại. Sài gòn cuối những năm 70. Đường Trương minh Giảng băng qua Phan Thanh Giản dài hun hút, tôi gò mình đạp xe giữa trưa hè, mục đích chỉ để đến cái quán cho thuê sách nằm trong ngõ cụt cũng sâu hút không lối ra. Tôi chọn cho mình vài cuốn sách, nhét thật kỷ dưới đáy ba lô. Trên đường về như mọi lần tôi lại ghé ngang nhà thăm H. Cả hai việc, mướn sách, thăm H đều làm tôi xôn xao, tôi háo hức. Sách thắp cho tôi ước vọng bằng kiến thức để giải tỏa thất vọng chất ngất của đời sống hiện tại. Còn H cho tôi gì đây? H cho tôi thứ tình vừa ngọt ngào vừa mát rượi, H cho tôi đêm về nằm mơ mộng cứ cho mình là Zhivago, còn H sẽ là nàng Lara diễm tuyệt. Tình yêu. Dù ở đâu, dù trong hoàn cảnh nào cũng chỉ có “một thời để yêu và một thời để chết”. Hãy sống sao cho trọn vẹn như Zhivago, như Lara đã từng sống.

      Cái chết bất ngờ của Omar Sharif làm tôi liên tưởng đến Doctor Zhivago và mối tình ông ta dành cho Lara. Làm tôi lan man nhớ lại một thời lật từng trang sách của Boris Pasternak qua bản dịch Việt ngữ, đọc đi đọc lại từng câu mà cốt chuyện cũng chỉ hiểu lờ mờ. Nhưng sau này khi có dịp xem cuốn phim mang cùng tên, tài của đạo diễn cộng tài diễn xuất của Omar Sharif làm sáng tỏ câu chuyện trong Doctor Zhivago hơn. Tôi mê nhân vật Zhivago chừng nào thì cũng mê Omar Sharif chừng đó.

      Hãy ngủ yên ngài Omar Sharif huyền thoại một thời và mãi mãi nhé. Biết đâu, căn bệnh Alzheimer đến vào cuối đời ông là niềm vui hơn là điều tai họa. Tám mươi ba mùa tuyết trắng đã đi qua cuộc đời ông, bao phiền muộn đã lãng quên là điều may mắn, là hạnh phúc. Cầu nguyện cho linh hồn của Omar Sharif thanh thản ra về cõi Vĩnh hằng, quên hết thôi, chỉ mang theo những sợi tóc bay, những bước chân mềm mại của Lara trong một chiều thu còn đầy nắng ấm.

 

Somewhere My Love (Lara’s Theme)

Somewhere, my love,
There will be songs to sing
Although the snow
Covers the hope of spring.

Somewhere a hill
Blossoms in green and gold
And there are dreams
All that your heart can hold.

Someday we’ll meet again, my love.
Someday whenever the spring breaks through.

You’ll come to me
Out of the long ago,
Warm as the wind,
Soft as the kiss of snow.

Till then, my sweet,
Think of me now and then.
God, speed my love
‘Til you are mine again.

            Hien Truong

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *