Nắng Xuân

     

     Thường thì những ngày cận tết âm lịch ở thành phố này thời tiết lạnh lắm, bầu trời mây xám đục, tuyết phủ dày lên cảnh vật. Nhưng năm nay sao lạ, tuyết chỉ rơi đúng một lần khá lớn trước Giáng sinh, rồi tuần sau tan hẳn vì đợt nắng ấm trái mùa bất ngờ ập đến. Có hôm Boston trời trong vắt như đang vào xuân, đứng ở hiên nhà tôi có thể nhìn soi suốt cả hai đầu con đường Hawthorne khá dài phía trước. Cuối đường bên này, xa xa là khoảng đồi cây mọc giăng kín và phía cuối bên kia là ngôi trường tiểu học Beebe với những bức tường óng sáng màu gạch đỏ. Thời tiết đặc biệt này dường như chỉ lạnh hơn, khung cảnh thành phố chỉ vắng vẻ hơn những ngày cận tết nơi quê nhà tí thôi… Sao ta nghe như gần gủi quá đổi! Cảnh xuân về bên kia ấy dường như chỉ cách đây khoảng ngắn, chia ngăn bởi một bức tường mà ta chỉ cần tìm cách hé mở cánh cửa mong manh hoài niệm là sẽ vượt qua để đến với nó. Chiều cuối năm, tận nơi miền đông bắc xứ Cờ hoa, tôi đang ở phía bên này của cánh cửa, bên này của bức tường và trầm mình lắng nghe vài khúc xuân ca mà bồi hồi như thấy nắng thơm lừng mùi cuối năm bay trên từng nốt nhạc. Tôi vừa mở cánh cửa để đi về phía khác bức tường ngăn cách quá khứ và hiện tại, bên này và bên kia. Cánh cửa âm nhạc vừa mở toang đem theo hình ảnh mùa xuân đang chớm về nơi quê nhà xa mịt, nghìn trùng đã bỏ lại. Tôi đang lắng nghe Ly rượu mừng, Xuân ca, Mùa xuân đầu tiên, Xuân này con không về, Nắng xuân… khi những vạt nắng hiếm hoi của một chiều cuối năm đất khách còn lảng vảng trên đầu.

Người hỡi ! Hãy quay nhìn coi
Người có thấy nắng Xuân đang cười ?
Ta hãy yêu nhau trong đời
Kiếp nhân sinh ôi không dài

     Mùa xuân thì nơi đâu cũng đẹp, cỏ cây xanh mướt, muôn hoa tô sắc màu lên vạn vật. Nắng dù mỗi nơi mang theo độ ấm áp khác nhau nhưng vẫn là đang trở mình bỏ lại cái giá rét mùa đông khắc nghiệt. Nhưng mỗi độ tháng tư, mùa xuân về ở những thành phố vùng Bắc Mỹ như Boston này chẳng thể nào so sánh được với mùa nắng ấm về nơi quê nhà tôi. Mùa xuân đến ở Việt nam còn đồng nghĩa với bắt đầu sang một năm mới. Nghe đến chử tết đến thì lòng ta đã xôn xao, tết về đem theo nắng hanh vàng, đem theo tiệc tất niên, những bộ áo quần mới, rồi những phong bì lì xì, những trò chơi đen đỏ… Mới đầu tháng chạp lòng mình đã nôn nao, rộn rả. Cảm giác phơi phới trong nắng ngày cuối năm chỉ có khi xuân về nơi quê nhà chớ không thể nào có nơi ở tha phương nào khác. Ôi nhớ làm sao cái khung cảnh xôn xao của Đà nẵng tôi những ngày cuối năm thuở đó…

      Nhớ mùa xuân, ngày tết quê nhà là nhớ thứ nắng hanh vàng những ngày tháng chạp. Rồi nhớ thêm cái giờ phút thiêng liêng giao thừa đón năm mới, thời điểm mà tất cả người thân trong gia đình đã gắng về kịp để sum họp cho dù ở cách xa đến mấy. Hai mươi năm sinh ra và lớn lên, những ngày còn ở Đà nẵng dĩ nhiên tôi đều đón giao thừa với ba mẹ, anh chị em mình. Mấy năm cuối cùng ở Việt nam, dù đường sá khó khăn, dù bầm dập bám theo xe đò hay xe lửa, từ Sài gòn tôi đều cố về đến nhà cho kịp trước 30 tết. Vậy đó mà có một năm bất đắc dĩ tôi phải xa nhà vào ngày đầu năm mới. Tôi còn nhớ đó là năm thứ hai của mình thời đại học. Một kỷ niệm đến nhớ đời.

     Cuối năm 78, từ Sài gòn tôi theo xe đò để về Đà nẵng. Khoảng thời gian đó, mua được một tấm vé chính thức, không qua chợ đen để chẻm chệ ngồi trên chuyến xe xuyên nam bắc ngày giáp tết là một điều muôn vàn khó khăn. Mua vé cần phải có giấy giới thiệu nghỉ phép của cơ quan, nghỉ lễ của trường là điều trước hết. Rồi cả một hai ngày trước phải xếp hàng chen lấn mới có được tấm vé trên tay. Nếu không mua được theo giá chính thức, chỉ còn nước bỏ số tiền gấp vài lần để có tấm vé chợ đen. Xui xẻo mua nhằm tấm vé mà hai ba người cùng một số ghế thì chỉ có nước khóc ròng thôi. Lần này tôi may mắn mua chính thức được tấm vé Sài gòn – Đà nẵng, dù phải trải qua bao nhiêu chờ đợi, rồi đến chen lấn bầm dập cả người.

     Sáng sớm tôi bắt xe ôm ra bến xe Miền Đông, hình như lúc đó nằm trên một đoạn của đường Lý thái Tổ. Đang tìm xe của mình đi thì gặp mấy bà bạn quen biết với mẹ tôi. Những người này buôn hàng chuyến xa liên tỉnh. Có một bà năn nỉ tôi cho đổi chuyến xe vì muốn đi chung với bạn mình. Nể tình quen biết với gia đình và cũng chẳng thấy mất mác gì nên tôi đồng ý đổi chuyến xe khác vói bà ấy. Tình cờ làm sao, khi lên xe tôi gặp anh Hòa, một người bà con. Anh Hòa cũng là anh ruột của Bình, bạn học cùng lớp tôi từ nhỏ ở TTGD Nguyễn Hiền Đà nẵng.

     Chuyến xe khởi hành lúc sáng sớm ngày 27 trước tết. Hai anh em xin đổi số ghế để ngồi kế nhau, yên tâm chuyện trò và chuẩn bị cho khoảng thời gian một ngày một đêm nếu xe chạy suông sẻ. Nhưng thật xui xẻo, xe mới chạy chưa được một buổi, đến khoảng xứ đạo Hố nai thì nghe tiếng cọc cạch rồi dừng hẳn lại. Tiếng máy vẫn nổ nhưng xe thì hết nhúc nhích, nằm trơ giữa quốc lộ một. Sau một hồi xem xét máy móc thì bác tài tuyên bố xe bị hư hộp số, cần phải tháo ra và mang về Sài gòn để sửa. Hành khách ai cũng ngao ngán, lo lắng vì đã sắp đến tết. Nhất là những người buôn bán hàng chuyến, họ lo không đem hàng về kịp để bán dịp trước tết. Tôi nghe thoang thoáng vài người đi buôn thầm thì với nhau, họ biết trước cái xe này đã quá cũ, dể nằm dọc đường bất tử nhưng không thể nào chọn đi xe khác được. Tôi chợt nghĩ đến người đàn bà quen với mẹ tôi và ngờ ngợ về câu chuyện muốn đổi chuyến xe với mình lúc còn ở bến. Nhưng rồi vội xua đi cái ý nghĩ ấy, biết đâu chỉ là tình cờ đã đem xui rủi đến với mình. Tôi và anh Hòa đều là học sinh nên chưa rành những chuyện tắc ách giữa đường này. Còn đối với dân buôn thì họ gặp phải bao nhiêu lần nên có cách giải quyết vấn đề cho nhanh hơn. Sau một hồi bàn thảo, họ quyết định góp mỗi người một số tiền để đưa thêm cho bác tài làm chi phí chuyến trở về lại Sài gòn. Họ biết không có thêm tiền phụ trội mang theo thì chẳng biết bao giờ xe mới chuyển bánh. Xã hội bây giờ đều quanh quẩn những câu chuyện trao đổi tự nguyện hay bắt buộc như vậy cả. Lâu rồi cũng quen đi, không ai thắc mắc gì thêm cho phiền nảo.

     Buổi chiều, hai anh em nằm dài trên bải cỏ ven đường kể chuyện bâng quơ. Nắng xuống ngang lưng chừng phía bên kia đồi, nắng xuyên qua lá cây, vẻ thành những đường kẻ dài in lên nền đất. Nắng mùa xuân những ngày cuối một năm ở vùng quê vẫn hanh vàng tuyệt đẹp, nhưng sao tỉnh mịch buồn quá. Nó thiếu đi cái sinh động vốn có của những ngày sắp đón năm mới nơi phố thị. Không khí lặng đều như lời kinh buông trong nhà thờ bởi những cụ già đang cầu nguyện gởi linh hồn đến Chúa.

     Nằm hoài cũng chán, anh Hòa trở dậy rủ tôi đi về phía khu nhà có vẻ sầm uất hơn để tìm mua bánh trái gì ăn cho đở đói. Hai anh em thấy có cái quán treo vài nải chuối, thêm chiếc rổ tre đựng vài cái bánh nên tạt vào. Quán chỉ là căn nhà nhỏ dựng bằng vách gổ, mái lợp tôn trông thô sơ lắm. Theo chân anh Hòa vào hẳn trong bổng tôi khựng lại, ngượng ngùng quay nhìn đi hướng khác khi thấy một người đàn bà đang vạch ngực cho con bú. Gọi là đàn bà vì đã có con chớ thật ra nhìn mặt cô ấy tôi đoán chưa bằng tuổi đứa em gái kế của mình. Trông cô ấy còn quá trẻ, nhiều lắm là 17, 18 tuổi. Dáng con gái bắc lại thường nhỏ nhắn, mảnh mai nên thoạt trông chỉ như một thiếu nữ vừa qua tuổi lớn. Dáng dấp ấy thật trái ngược với cảnh chăm con tôi vừa nhìn thấy. Dù cho cô ấy tỏ vẻ thản nhiên, chẳng thẹn thùng sao vẫn làm tôi man man ái ngại buồn. Tôi nghĩ đến những đứa em gái cũng vừa đến tuổi cập kê của mình, chúng vẫn còn vô tư với đời lắm. Khuông mặt, ánh mắt cô ấy chưa đủ để dành cho thiên chức một người mẹ. Nó vẫn còn ngây thơ như một cô gái vừa qua tuổi dậy thì.

     Loay hoay vén áo che ngực, rồi vừa ẳm con trên tay cô ấy vừa hỏi chúng tôi cần mua gì. Anh Hòa chắc cũng không được tự nhiên nên lấy vội nải chuối và mấy chiếc bánh ú rồi chúng tôi đi ra. Tôi nghe tiếng khóc của đứa trẻ, tiếng hát ru nho nhỏ của người đàn bà mang khuông mặt trẻ thơ ở một xóm đạo ngày cuối năm. Nắng vẫn hanh vàng mùa xuân ngoài kia, nhưng nắng không đủ sức chiếu rọi để xóa bớt cô liêu trong chiếc quán nhỏ ven đường. Tôi thấy xót xa, hay là tại mình quá mẩn cảm để tự dưng buồn vì một hình ảnh không đâu vừa thấy… Vậy đó mà tôi cũng mang theo nó qua bao năm tháng. Hình ảnh người mẹ trẻ thơ ấy ám ảnh tôi như có đôi lần nào đó mình lở chứng kiến một điều nghiệt ngã mà lẻ ra không nên chứng kiến. Buổi chiều mùa xuân nơi xứ đạo Hố nai, nơi chỉ cách Sài gòn vài chục cây số…

     Chuyến xe ngày giáp tết của chúng tôi phải nằm lại Hố nai cho đến chiều 30 mới sửa xong để lại lên đường. Tôi không nhớ là giờ giao thừa năm đó chúng tôi tiển năm cũ và đón năm mới ở trên đoạn đường hay đỉnh đèo nào? Đêm âm thầm trôi qua, không lời chúc mừng tuổi mới, không bánh mứt, không có tiếng pháo đì đùng…Tôi ngủ vùi, mỏi mệt sau mấy ngày chờ đợi trông về quê ăn tết. Chuyến xe dù sửa xong nhưng vẫn ì ạch từng cây số, nó như sợ chay nhanh quá thì phải nằm trơ trên đường thêm lần nữa. Lệt đệt mãi đến trưa mồng một mới về đến Đà nẵng. Ba mẹ tôi đang lo lắng, trông đứng trông ngồi vì vài người quen đi buôn nói đã thấy tôi lên chuyến xe sáng sớm ngày 27 tết. Gia đình ai cũng mừng rỡ khi tôi về đến nhà bình an dù quá muộn cho đêm giao thừa đoàn tụ. Một kỷ niệm tết xa nhà thật khó quên dù sau này tôi lại xa nhà dài dài mỗi độ xuân về.

     Kể từ đi chung chuyến xe cuối năm đó, hơn năm sau tôi rời khỏi nước mà chưa có dịp gặp lại anh Hòa một lần nào nữa. Nhớ mãi cái kỷ niệm với anh ấy ở lần đầu đón giao thừa không người thân bên cạnh, nhớ vạt nắng mùa xuân nơi làng quê xa thành phố. Nhớ cả hình ảnh người đàn bà vạch ngực cho con bú trong một chiều cuối năm nơi xóm đạo. Bây giờ thì họ ra sao nhỉ?

     Sau năm ấy chỉ còn đúng thêm một lần nữa thôi tôi được ăn tết với gia đình. Rồi tôi đi biền biệt, chưa bao giờ về lại cho đúng ngày tết trên quê nhà. Đà nẵng có vài lần thoáng ghé qua, nhưng rồi thời gian không cho phép để có dịp trầm mình một lần nữa với không khí đón mừng xuân mới. Mẹ rồi ba tôi lần lượt qua đời, anh chị em mỗi người một nơi chân trời góc bể. Những cái tết gia đình năm nào giờ chỉ còn trong ký ức. Nhưng cảm giác nôn nao vì được tấm áo mới ba mẹ may cho, cảm giác nao nức chờ đến thời khắc giao thừa vẫn còn bàng bạc mỗi độ xuân về trên quê hương.

     Người nhạc sĩ khi sáng tác một ca khúc, thông thường họ tự đặt mình vào trong cảm xúc của hoàn cảnh muốn hướng đến. Bản nhạc thành công là bản nhạc khi nghe, người thưởng thức nó cũng có được cái cảm xúc như tác giả. Âm nhạc theo tôi là cánh cửa đẹp nhất, nhanh nhất để khi mở ra, ta được dịp đi từ một căn phòng cảm xúc này sang một căn phòng cảm xúc khác. Ta vượt qua được bức tường ngăn cách của thực tại với quá khứ, của không gian xa cách giữa hai miền. Và, cho dù chỉ vài phút sau khi nghe hết bản nhạc ta lại trở về với căn phòng thực tại, nhưng không ít thì nhiều cảm xúc cũng sẽ xê dịch đi để thay đổi không còn như trước nữa. Chiều cuối năm, nơi một thành phố xa Việt nam hơn nữa vòng trái đất, tôi đang nghe cô bạn NH của lớp mình khe khẻ hát bài “Nắng xuân” quen thuộc. Hình như đó là một ca khúc Pháp có lời Việt của Phạm Duy. Âm điệu, lời ca nhẹ nhàng như nắng đùa bay trong một chiều cuối năm quê nhà. Tôi nhớ những mùa xuân khi vẫn còn sum họp bên gia đình, nhớ cả cái kỷ niệm một lần bất ngờ phải đón xuân nơi xứ đạo xa thành phố. Nắng hanh vàng nào hãy mang ta trở về với tháng ngày êm đềm.

Hỡi nắng ơi ! Soi tim ta đợi chờ
Nắng chói sau đêm đông mịt mù…
Tình đôi ta như trong mộng mơ
Tình đã tới khát khao không ngờ
Khiến cho ta quên hết bơ vơ.

Hiền Trương


Nắng Xuân – NHan

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *