Nỗi Buồn Hoa Phượng

    Tôi ngồi đây, ngồi nhìn về phía cuối con đường Thống Nhất. Con đường với hai hàng xà cừ lá xanh xen lẫn màu hoa phượng đỏ cứ cuốn trôi xa dần, cuối cùng chỉ còn là một vết nhòa thăm thẳm.

    Tôi vẫn ngồi đây. Điếu thuốc vừa thắp cháy dở trên tay sao đã nghe buồn lạnh. Có nỗi nhớ quay quắt nào về một Đà nẵng êm đềm năm xưa giờ lạc mất. Thành phố cuối ngày buồn tênh, buồn như những dấu chấm trên một tờ giấy trắng kéo dài nhỏ dần đến vô tận… Đà nẵng lạ lẫm như chưa hề một thời thân quen. Chỉ mới đây thôi, chỉ hơn 3 năm ngắn ngủi kể từ những ngày tháng ba đầy biến động. Nó chợt đổi thay như sấp và ngửa, trắng và đen, như sự thật và giả dối, tất cả xoay chiều đến ngỡ ngàng choáng váng. Chút gì còn lại của thành phố này là hình ảnh con đường trước mặt. Con đường mờ xám qua làn khói thuốc cay mắt. Chiều tàn, nắng đã tan. Thành phố buồn. Bóng đêm sắp ùa về để ta còn thiết tha gì với tháng ngày còn lại! Thôi chia tay, dắt nhau ta hẹn giữa biển khơi muôn trùng. Có vạt áo nào ở lại ngậm ngùi bay trong màu phượng vĩ vẫn còn đỏ thắm.…

     Nhớ Đà nẵng vô cùng! Nhớ những ước mơ chắp cánh. Ước mơ làm cánh diều lộng gió bay giữa bầu trời, thỏa thích nhìn xuống thành phố dưới kia nhỏ bé như một bàn tay. Cánh diều và cả cậu bé nay đã bay xa tít, bay mãi không còn thấy đích quay về! Khi bạn rời khỏi một nơi chốn, chưa hẳn là bạn đã dứt bỏ gọn gàng, chia tay vĩnh viễn chốn đó như chia tay một món đồ chẳng còn giá trị. Không ít thì nhiều, bạn sẽ mang theo nó đi qua cả khoảng đời còn lại. Để đôi lần bất chợt tha thiết nhớ.
Chiều Boston hay chiều Đà nẵng. Tôi vẫn thích ngắm cảnh chiều về trên một thành phố. Boston nhìn từ xa như thép vàng bằng ánh sáng. Nắng len qua cành cây, kẻ lá chiếu từng vệt dài trên màu thảm cỏ xanh công viên. Giữa dòng sông Charles, những chiếc thuyền buồm xuôi gió trôi êm đềm như trôi một giấc ngủ trưa hè muộn. Thành phố yên ả quá, ta ngồi đây mà lắng nghe được tận tiếng thời gian từ bao giờ dội lại. Đã bao mùa hè trôi qua kể từ chia tay Đã nằng. Gần 40 năm và lần cuối cùng tôi được nhìn thấy những cánh Phượng bay trên đường Thống nhất. Bao nhiêu thành phố đã đi qua, bao nhiêu con đường từng dẫm dưới chân mình. Dường như có đôi lần được nhìn thấy lại cả con đường in bóng hàng xà cừ ở một thành phố. Những tàng cây xà cừ quen thuộc cao vút, lá xanh phủ đầy bóng mát. Bóng cây làm chạnh lòng nhớ đến quê nhà. Nhớ thành phố cũ. Cây làm thương nhớ cả những cành Phượng vĩ đầy ắp kỷ niệm tuổi thơ mình. Bao năm rồi. Chưa một lần tôi được nhìn thấy lại Phượng kể từ đi xa. Phượng biệt tăm trốn tránh! Những con đường ngập màu hoa học trò tưởng chừng đã xóa nhòa mãi trong ký ức…

    Vậy mà như một giấc mơ đẹp, một nối dài đăng đẳng vượt thời gian, qua khoảng cách. Tháng Năm về tôi được nhìn thấy những cánh Phượng bay giữa thành phố. Nơi mà khoảng cách xa Đà nẵng phải đếm bằng hàng chục giờ một chuyến bay. Những cánh hoa Phượng đỏ hồng như thắp nến lại một thời tuổi thơ, rọi sáng lại mái trường 10 năm quen thuộc đi về.

Tôi thả bàn tay trên áo
Vân vê những cánh Phượng hồng
Mà nghe tiếng ve ngày hạ
Tôi ngả bàn tay trên áo
Đếm những cánh hoa còn lại
Mềm mại bông mùa cổ điển
… 40 năm rồi còn gì!

     Tháng Năm hoa Phượng đỏ hồng bay trên từng chiếc áo dài trắng. Áo cánh Phượng làm cho những cô bạn cựu nữ sinh TTGD Nguyễn Hiền của tôi trẻ trung hơn, hồn nhiên hơn trong ngày gặp gỡ. Hội ngộ Liên trường Quảng đà Nam Cali năm nay, hình ảnh chiếc áo dài trắng điểm thêm cành hoa Phượng bay mềm mại ngoài công viên, thướt tha trong dạ hội chắc sẽ không bao giờ xóa nhòa trong ký ức bạn bè. Tất cả đã là sáng kiến, là công sức của anh bạn XP lớp tôi. Nhã ý may từ Việt nam đem sang tặng các bạn cùng lớp cánh áo hoa Phượng như một bày tỏ tình bằng hữu bao năm vẫn nhớ. Như một gởi gấm thương yêu thuở học trò lúc nào cũng đầy. Còn gì đẹp bằng!…
Có nhiều tối, tôi ngồi săm soi mãi màn hình chiếc vi tính. Những tấm ảnh họp mặt được bạn bè gởi qua online được xem tới xem lui. Hình digital quá rõ nét, trong thế giới mạng ảo mà tưởng chừng như thật trước mắt mình. Tôi ngắm mãi những cánh hoa màu đỏ hồng mà lẫn thẫn nghe lòng thương yêu từng người bạn, thương nhớ quá khu rừng thần tiên mang tên TTGD Nguyễn Hiền dạo ấy.
Tối cuối tuần hội ngộ, tôi được xem đoạn video về đêm hàn huyên và hát cho nhau nghe của lớp mình. Thật vui khi được nghe giọng ca của từng người bạn, nhất là của T, anh bạn mà tôi chưa một lần gặp lại từ lúc trường tan. T hát bán “Phút cuối” với đầy cảm xúc. Giọng chân tình như những gì bạn tôi gởi gấm. Mộc mạc như mối tình nửa đùa vui trong chuếch choáng hơi men, nửa ngây thơ chân thật một thuở học trò. Cho cô bạn H xinh xắn ngày ấy. Tôi quí tính tình không màu mè làm dáng của T, bao năm chẳng đổi dời. Có sao nói vậy, nghĩ gì làm náy. Tiếng hát của T trong “Phút cuối”, qua tiếng đàn của MH, thật dễ thương như mối tình trẻ con tận đâu hồi tiểu học, như cánh Phượng ngây thơ nở thắm hồng trên áo H. “Phút cuối” (Click)

     Quả bóng vụt bay mất của đứa bé luôn là một quả bóng đẹp nhất làm nó tiếc nuối. Thì vậy, mối tình thời chớm lớn của cô cậu học trò mãi là mối tình tuyệt đẹp, để lại nhiều tiếc nhớ khi chia tay. Có bao nhiêu mối tình chợt vụt bay như quả bóng ở lớp tôi, trường tôi thời tan hàng của đất nước mình bạn nhỉ?

     Lứa tuổi chúng tôi đã không may lớn lên trong thời khói lửa chiến tranh. Tuy được sống trong không khí tạm gọi là thanh bình ở thành phố, nhưng ngày mai biết được những gì sẽ chờ đón. Đạn bom, chết chóc, ly tán bao giờ sẽ đổ ập vào thành phố này. Còn quá trẻ để hiểu hơn về trò chơi của chiến tranh, lắc léo trong chính trị. Chúng tôi chỉ biết vui chơi, đâu để ý gì về tình hình sống còn của miền nam Việt nam lúc bấy giờ. Trong mấy năm cuối của chiến tranh, sau hiệp định Paris 1972, lo sợ có những đổi thay mất đất nhường dân nên nhiều gia đình bạn tôi phải bỏ Đà nẵng dọn vô Sài gòn sinh sống. Mỗi mùa nghỉ hè qua, trở lại trường tự dưng thấy thiếu vắng vài đứa bạn, ai còn lại cũng có chút buồn.

     Nỗi buồn lại càng lớn hơn đối với một cậu học trò vừa chớm biết xôn xao vì bóng dáng cô bạn cùng lớp. Ngày đầu năm học mới, cậu đợi hoài mà sao chiếc bàn của cô bạn vẫn còn bỏ trống. Cậu bồn chồn, ngẩn ngơ. Cậu nhớ một mái tóc dài, nhớ cả màu của chiếc kẹp cài xinh xinh trên ấy. Nhớ chiếc áo dài mềm mại lụa trắng, nhớ cả dáng cô bạn khẽ vén tà mỗi khi ngồi vào bàn học. Nỗi buồn của một cậu học trò nhớ bạn dù không quá lớn để mà sầu thảm nhưng cũng đủ làm cậu lơ là chuyện sách vở. Bây giờ cậu ta đã biết thế nào là buồn khi nhìn những cánh Phượng rơi giữa sân trường. Tâm hồn cậu học trò bỗng lớn lên một chút, nhão đi một tí. Và cánh hoa Phượng đỏ lúc này không còn là điều “sến sẫm, sến đậm” như cảm giác từng có trước đây, mỗi khi cậu thoáng nghe bản nhạc thời thượng một thời viết về nó. “Nỗi buồn hoa Phượng”.

     Từ ngày đầu thuộc địa, những gốc Phượng đã được người Pháp mang từ Phi châu sang trồng trên đất Việt. Chúng lớn lên dọc theo những con đường, trong sân trường và từ bao giờ đã gắn liền với thơ vị của tuổi học trò nơi xứ này. Rõ ràng, cái duyên bén rể của cành Phượng có xuất xứ từ nơi xa lạ với đất nước tôi, với con người xứ tôi như một gặp gỡ tình cờ quá đẹp. Hình ảnh hoa Phượng, tà áo dài trắng bay trên đường tan trường đã là hình ảnh nhớ mãi khi chúng ta xa rời tuổi học trò. Hôm nay đây, trong ngày hội ngộ Liên trường Quảng đà, các cô bạn tôi đã mang cả tình quê hương, tình bằng hữu trên tà áo dài khi mặc nơi xứ người. Những cánh Phượng đỏ hồng vẫn bay như bay từ bao giờ… Và tôi vẫn ngồi đây. Ngồi ngắm mãi hình ảnh bạn bè. Để rồi chợt thoáng thấy bóng cô bạn một thời mình thương mến, thướt tha trong tà áo dài cánh Phượng. Cô đang làm dáng chụp một tấm hình. Tôi săm soi như săm soi lại chính mình. Có chút gì bồi hồi, chút gì bùi ngùi làm trái tim xôn xao nhẹ. Vẫn vậy một đôi mắt, một ánh nhìn. Bao năm rồi, kì diệu.

THH


Nỗi Buồn Hoa Phượng

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *