“Kỷ Vật Cho Em”


“Mai anh về em sầu thê thiết
Kỷ vật đây viên đạn màu đồng
Cho em làm kỷ niệm sang sông
Đời con gái một lần dang dở” (Linh Phương)

     Có lần lục lọi qua google search để tìm vài tài liệu cho một bài viết, tình cờ tôi bắt gặp được tấm hình Sài gòn trước 75 thật đẹp. Tấm hình trắng đen chụp đôi nam nữ dắt tay nhau đi trên đường, hình nền là một góc phố ngập tràn ánh nắng làm nổi bật nét rạng ngời khuôn mặt hai nhân vật chính. Tôi đoán nó được chụp đâu khoảng đầu thập niên 70 khi phía xa có tấm pano của rạp hát đang quảng cáo cho phim Love Story. Căn cứ trên bộ quân phục, người nam có lẻ là một sinh viên sĩ quan trong quân đội và nữ chắc hẳn là một nữ sinh của một ngôi trường nào đó ở Sài gòn. Một tấm hình thật đẹp, thật hạnh phúc như bao tấm hình của tuổi trẻ, của tình yêu đôi lứa. Tuy nhiên tấm hình tuyệt vời này sẽ tươi vui hơn nếu nó chỉ thuần được nhìn qua thấu kính thu hẹp trong khoảng không gian ngay thời điểm đó và bỏ qua mọi tiên đoán. Thời điểm mà Sài gòn vẫn còn là nơi chưa bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chiến tranh, đạn bom vẫn còn đâu rất xa ngoài tầm thành phố, Sài gòn vẫn yên bình để chiều chiều một khoảng trời che ngang cine, bát phố.

Nhưng nếu ta cố tình săm soi cả mặt trước và mặt sau của tấm hình để chú tâm tìm tòi quá khứ-tương lai của nó. Thì chắc chắn chúng ta sẽ thất vọng mà ngậm ngùi khi thấy trước viễn cảnh cuộc đời của nhân vật chính trong đó. Rồi nó sẽ bi thảm như phần lớn số phận của những người lính và người dân miền nam sau khi chiến tranh Việt nam kết thúc. Sài gòn rồi sẽ mất tên, miền nam sẽ đổi chủ và cả nước sẽ “có triệu người vui thì cũng có triệu người buồn” như lời một nhân vật cao cấp của chính quyền Cộng sản đã nói theo kiểu đạo đức huề vốn. Một thời gian ngắn nữa thôi nhân vật nam trong tấm hình sẽ làm kẻ buồn sau cuộc chiến. Anh thua trận, để nếu không vĩnh viễn nằm xuống ở nơi nào đó trên mảnh đất quê hương, hoặc bị mất mác một phần thân thể thì cũng phải chịu cảnh tù đày trong những trại “cải tạo” trá hình. Còn thân phận nhân vật nữ trong hình sẽ đi về đâu, cô có còn giữ được nét rạng ngời hạnh phúc trên khuôn mặt, trong nụ cười ngày ấy? Tấm hình Sài gòn thật đẹp nhưng lại làm tôi nghĩ lẩn thẩn mà buồn theo cả một buổi chiều…

Cuối cùng một cuộc chiến thì dù ở phía nào đi nữa, bên rực rỡ hào quang chiến thắng hay bên ngậm ngùi chiến bại thì điều bi thảm vẫn dành cho chính con người cả hai chiến tuyến. Chiến tranh đem đến những tổn thất về con người, về vật chất đã đành, nó còn để lại bao di chứng khác sau khi kết thúc. Một đất nước nghèo đói vì bị tàn phá; những gia đình không còn toàn vẹn con mất cha, vợ mất chồng; những con người với thân thể không còn lành lặn. Và, sâu xa hơn là những tâm hồn bị băng hoại, đổ vỡ sau khi bản thân họ phải gánh chịu hậu quả đau thương trong chiến tranh. Họ là người lính, là thân nhân của người lính và là những thân phận bi thảm nhất sau một cuộc chiến. Hai mươi năm chiến tranh Việt nam vừa qua cũng không là một ngoại lệ, nó còn có phần tàn khốc thê lương hơn, tan vỡ tâm hồn hơn khi người lính ở hai phía thù nghịch lại cùng một màu da, một tiếng nói. Anh em, họ hàng, bạn bè đã cầm súng giết hại nhau là một câu chuyện chiến tranh bị thảm và vô lý nhất. Di chứng của cuộc chiến vừa qua sẽ còn rất lâu mới phai đi, vết sẹo chiến tranh sẽ còn cần thời gian lâu lắm để liền da non mà lành lặn.

Kỷ niệm ngày 30 tháng 4, 1975 lần này nữa là 43 năm. Bao ám ảnh của chết chóc tan thương lại quay về. Tôi đang nghe đi nghe lại để tập hát bài “Kỷ vật cho em”, ca khúc một thời đã làm tan nát bao trái tim Việt nam. “Kỷ vật cho em” chỉ dài hơn 5 phút mà trải đủ trên đó cả một câu chuyện tình thời chiến đẩm máu và nước mắt, đầy ngậm ngùi chua xót. Từng lời ca, từng đoạn nhạc hòa quyện như đang chiếu một cuốn phim đưa tôi về một thời của đạn bom trên quê hương. “Kỷ vật cho em” cho tôi thấy lại hình ảnh những chiếc xe nhà binh chạy chầm chậm trong chiều mưa, chính giữa là chiếc quan tài phủ lá cờ vàng tiếc thương, chung quanh vài người đồng đội và thân nhân ngồi với ánh mắt lặng lẽ. “Kỷ vật cho em” đưa tôi về những ngày vừa mới lớn để biết xôn xao theo những buồn vui cuộc đời, để bất chợt xúc động khi nhìn thấy hình ảnh một cô giáo rất trẻ vừa đổi về trường và câu chuyện kể trận chiến nơi vùng đất xa, nơi chồng cô đã vĩnh viễn nằm lại. Hình ảnh cô đứng dưới những tàng phượng đang đợi nở một mùa hoa mới, tà áo dài đen bay trong gió, giải khăn tang trắng và mái tóc dài đen buồn ngơ ngác. Chúng là những ký ức ám ảnh mãi mãi chẳng rời, ám ảnh đến nổi gần 40 năm sau gặp lại cô trong một lần họp mặt thân hữu trường cũ thì ý nghĩ tôi vẫn vậy, vẫn như bị bủa vây bởi một đám mây xám buồn. Đám mây che ngang nhập nhòa hiện tại và quá khứ.

Tôi vẫn đang nghe “Kỷ vật cho em” của Phạm Duy, nhạc phẩm được phổ theo bài thơ “Để trả lời một câu hỏi” của Linh Phương. “Kỷ vật cho em” dù đã trải dài qua thời gian gần nửa thế kỷ nhưng lời ca, giai điệu vẫn còn như vang vọng một nỗi đau cứ hoài quanh quẩn. Nó cất lên và “flashback” cả một câu chuyện tình mà dù đã quá lâu vẫn còn làm rướm những giọt nước mắt trên khóe người nghe, người hát. Hình ảnh đôi nam nữ nắm tay nhau dạo phố giữa một Sài gòn còn được bao lâu đâu rồi sẽ tan hoang sụp đổ! Hình ảnh cô giáo trẻ trong tà áo dài đen khăn tang trắng tựa bên gốc phượng sân trường mà niềm đau giăng kín cả không gian, đọng yên cả thời gian. Chúng vẫn còn mãi mãi quanh đây! Dường như những gì buồn sẽ giữ lại trong ta cảm xúc sâu và lâu hơn, hay những tác phẩm nghệ thuật dù trải qua bao năm tháng vẫn mãi được tôn quí thường là những tác phẩm rất buồn…

Boston, một ngày cuối tháng Tư
HH

Kỷ Vật Cho Em
2H

Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại 
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về. 
Anh trở lại có thể bằng chiến thắng Pleime, 
Hay Đức Cơ, Đồng Xoài, Bình Giã, 
Anh trở về anh trở về hàng cây nghiêng ngả 
Anh trở về, có khi là hòm gỗ cài hoa, 
Anh trở về bằng chiếc băng ca 
Trên trực thăng sơn màu tang trắng. 

Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại 
Xin trả lời xin anh trả lời mai mốt anh về. 
Anh trở về chiều hoang trốn nắng 
Poncho buồn liệm kín đời anh 
Anh trở về bờ tóc em xanh 
Chít khăn sô trên đầu vội vã.. Em ơi! 

Em hỏi anh. Em hỏi anh bao giờ trở lại 
Xin trả lời, xin anh trả lời mai mốt anh về 
Anh trở lại đây kỷ vật viên đạn đồng đen 
Em sang sông anh cho làm kỷ niệm 
Anh trở về anh trở về trên đôi nạng gỗ 
Anh trở về, anh trở về bại tướng cụt chân. 
Em ngại ngùng dạo phố mùa Xuân, 
Bên nguời yêu tật nguyền chai đá. 

Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại 
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về 
Anh trở về nhìn nhau xa lạ 
Anh trở về dang dở đời em 
Ta nhìn nhau ánh mắt chưa quen 
Cố quên đi một lần trăn trối… Em ơi! 
Em hỏi anh em hỏi anh bao giờ trở lại 
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về…..

2 thoughts on ““Kỷ Vật Cho Em””

  1. Ngày nay chỉ tiễn con đi học thôi mà cũng đã thương nhớ, lo lắng cho con mình đi học xa có biết tự lo không, chơi với bạn như thế nào, có biết giữ gìn sức khỏe không … không hề có yếu tố mất còn. Nghĩ lại ngày đó, vợ tiễn chồng, mẹ tiễn con, con tiễn cha, người yêu tiễn người yêu đi ra chiến trận … không những lo lắng mà còn căng thẳng từng ngày, không biết người đi có còn trở lại hay không, hoặc nếu trở về thì hình hài có còn nguyên vẹn không. Hỏi “bao giờ trở lại” chỉ để mà hỏi, hy vọng “mai mốt anh về”, như một lời hứa, mà chữ tín còn phải lệ thuộc vào chiến cuộc. Nghĩ mà thương cho người đi, thương cho người ở lại, thương cho cả bao nhiêu thế hệ đã sống trong thời kỳ chiến tranh, mà dầu đã tàn cuộc rồi vẫn còn bị ảnh hưởng nặng nề. 😥
    Cám ơn Hiền về một bài viết sâu sắc.

  2. Cám ơn hai H, hai người hát hay và nghe cảm động quá. Nhớ lại ngày 30/04 như hôm qua……

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *