Học Viện Công Dân: Sách Mới, Gíup Xây Dựng Xã Hội Dân Sự

*** Bản quyền của Việt Báo Online


     Từ trái, các Giáo sư, hình trái, Nguyễn Lâm Kim Oanh, Nguyễn Viết Kim; Hình phải: nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt.


   Từ trái, các học giả: Nông Duy Trường, Đỗ Khánh Hoan, Nguyễn Ngọc Bảo, Nguyễn Phúc Anh Lan.


    Trong hội trường.


   Các dịch phẩm.

FOUNTAIN VALLEY, California (VB) — Buổi ra mắt Học Viện Công Dân (Institute for Civic Education in Vietnam) với nhiều dịch phẩm kinh điển triết học công dân đã hoàn tất mỹ mãn hôm Thứ Bảy 7/7/2018 tại tư gia Giáo sư Nguyễn Lâm Kim Oanh.

Đặc biệt có sự hiện diện của hai vị dịch giả Đỗ Khánh Hoan và Trần Lương Ngọc đến từ Canada.

Chương trình khởi đầu với lời GS Nguyễn Viết Kim về GS Nguyễn Lâm Kim Oanh, hiện nay là Phụ tá Thứ Trưởng Giáo Dục Hoa Kỳ đặc trách về giáo dục quốc tế.

GS Nguyễn Lâm Kim Oanh trình bày về cơ duyên hoạt động với Học Viện Công Dân, duyên khởi là khi làm việc chung trong Vietnam Education Foundation (VEF), một chương trình do Quốc Hội Mỹ hỗ trợ giáo dục VN bằng việc cấp học bổng.

GS NL Kim Oanh nói từ đó, quen chị Nguyễn Phúc Anh Lan, và được biết tới Học Viện Công Dân, một tổ chức thành lập năm 2005 với ước mơ nối bước cụ Phan Chu Trinh.

Diễn giả Nguyễn Ngọc Bảo trình bày sơ lược về Học Viện Công Dân, nói rằng ông quen GS Nông Duy Trường từ năm 1988 và từ đó cộng tác liên tục trong nhiều dự án khai dân trí cho đồng bào mình.

Ông Bảo nói, Học Viện Công Dân bây giờ có 16 dịch phẩm kinh điển, đặc biệt GS Nông Duy Trường tuy đang bệnh nặng như vẫn không rời công việc — hành lý mang theo của GS Trường là thiết bị y khoa, dây nhợ, kim tiêm… vì bác sĩ nói rằng cơ thể GS Nông Duy Trường không tự nhiên hấp thụ dưỡng chất nữa, nên cần thuốc…

GS Nông Duy Trường nói về Học Viện Công Dân, chiếu slide dẫn chứng theo các diễn tiến hàng năm, cho biết thành lập năm 2005 là đúng 100 năm sau cụ Phan Chu Trinh.

GS Nông Duy Trường nói mục tiêu Học Viện Công Dân có 3 tiêu chí:

— Khai dân trí;

— Xây dựng xã hội dân sự;

— Dân chủ hóa đất nước.

GS nói, để thay đổi đất nước, cần thay đổi tư tưởng người dân, nên khai dân trí là ưu tiên.

Trong phương pháp giáo dục sẽ đa dạng, nhiều ngành, như về giáo dục công dân, về kinh doanh, theo 3 tiêu chuẩn:

— chân lý;

— trung thực;

— nhân bản.

GS Nông Duy Trường nói rằng trong các bạn trẻ liên lạc với Học Viện Công Dân có những người nổi tiếng như nhà báo Phạm Đoan Trang, kỹ sư Nguyễn Tiến Trung, nhiều học viên là linh mục trong và ngoài nước…

Tính chung, học viên ghi danh tới giờ có 2,000 học viên.

Thành qủa có nhiều học viên đã làm nhưng dự án đơn giản nhưng là các bước đi cấp tiến.

Thí dụ có 2 em học viên mãn khóa, đã làm dự án dạy các em tiểu học biết 3 cử chỉ: xin chào, xin lỗi, cảm ơn…

Có các em học viên tự lập các nhóm hùng biện tại VN.

Có em đưa ra dự án “Nhặt rác Sài Thành,” nhưng rồi bị công an cấm…

GS Nguyễn Lâm Kim Oanh giới thiệu về Thư Viện Học Viện Công Dân: trong 13 năm đã chuyển ngữ 16 tác phẩm trong kho tàng trí thức nhân loại, và tương lai sẽ chuyển ngữ 100 tác phẩm.

Hiện nay nhiều nhà xuất bản ở Hà Nội và Sài Gòn đã liên lạc, xin mua bản quyền và đã ấn hành nhiều bản Việt dịch trong nước.

GS Nông Duy Trường cho biết đã nộp đơn và hy vọng trong 10 năm sẽ trở thành một đại học online được trở thành Accredited College về ngành Liberal Arts (Đại học được Hoa Kỳ công nhận văn bằng ngành nhân văn nghệ thuật có giá trị tiêu chuẩn). Bây giờ đã trải qua 2 năm từ ngày nộp đơn, còn ráng 8 năm nữa là được. Nghĩa là, người trong VN có bằng này, đi khắp thế giới sẽ được công nhận, vì Bộ Giáo Dục Mỹ đã công nhận…

GS Nguyễn Viết Kim giới thiệu GS Đỗ Khánh Hoan. GS Hoan trình bày về các sách dịch của ông, các công trình nghệ thuật kinh điển, thí dụ, Divine Comedy của nhà thơ Dante Alighieri…

Theo ghi nhận từ GS Nguyễn Viết Kim, tổng cộng có khoảng 80 người tham dự.

Chương trình bắt đầu đúng 2:30; từ 2 – 2:30 là giải khát và chào hỏi giới thiệu. Đây là buổi giới thiệu Học Viện Công Dân qua đường lối hoạt động, thư viện với các tác phẩm tiêu biểu về triết học và chính trị học từ ngàn năm về trước đến hiện nay, các vị học giả chuyển ngữ.

Một số tham dự điển hình như kinh tế gia quốc tế, nhạc sĩ Võ Tá Hân & Kim Châu; nhạc sĩ Lê Văn Khoa và phu nhân; chị Thuý Nga vợ cố thi sĩ Nguyên Sa Trần Bích Lan; chủ bút 2 nhật báo Người Việt (Ngô Nhân Dụng), Việt Báo (Phan Tấn Hải), nhà bình luận kinh tế gia giáo sư Đỗ Qúy Toàn, chủ nhiệm tuần báo Việt Tide Ông Như Ngọc, nhạc sĩ giáo sư âm nhạc Phan Quang Phục đưa vở chèo Quan Âm Thị Kính lên sân khấu opera đại học Indiana, các em tốt nghiệp tiến sĩ trong chương trình Vietnam Education Foundation; có bạn đến từ Texas, Virginia, Maryland; từ Canada, Germany, Australia, Vietnam; và đa số tại địa phương. Số sách bán được trên 2,000 cho gần 100 cuốn.

GS Kim ghi nhận:

“Hai diễn giả Nông Duy Trường, Nguyễn Ngọc Bảo và hai học giả Đỗ Khánh Hoan, Trần Lương Ngọc được cử tọa say mê theo dõi, có thêm lời giới thiệu duyên dáng của Anh Lan, KimOanh; tài đàn Tây Ban Cầm điêu luyện, tiếng hát truyền cảm của nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt và nghệ sĩ thân hữu.

Chương trình kết thúc lúc 5:30 song mọi người lưu luyến đến 6:30 mới chia tay hết.”

Điểm để ghi nhận rằng bên cạnh nhu cầu xây dựng một Xã Hội Dân Sự sinh động, làm nền tảng cho tiến trình dân chủ hoá đất nước, HVCD còn chú trọng đến lãnh vực Quản trị kinh doanh và Lãnh đạo xí nghiệp để giúp trang bị cho doanh nghiệp Việt Nam kiến thức và kỹ năng cần thiết hầu có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Cho đến hôm nay, qua các lớp trực tuyến trên hệ thống internet, HVCD đã huấn luyện cho hàng ngàn học viên, hầu hết là những thanh niên, sinh viên và trí thức trẻ đang sống tại Việt Nam.

Ngoài ra, HVCD còn tuyển dịch những tác phẩm kinh điển của nhân loại về triết học chính trị, khoa học chính trị, kinh tế, và luật pháp ra Việt ngữ. Cho đến hôm nay, HVCD đã xuất bản 16 tác phẩm được tuyển dịch bao gồm toàn bộ các đối thoại của Plato (3500 trang in thành 5 dịch phẩm), hai dịch phẩm của Aristotle (“Chính Trị Luận” và “Đạo Đức Luận”), hai dịch phẩm của John Locke, và một số tác giả cổ điển nổi tiếng khác.

Hiện nay đang liên tục mở nhiều khóa học trện Học Viện Công Dân.

Độc giả quan tâm có thể vào xem:

https://icevn.org/vi/

có cả song ngữ Việt-Anh.

One thought on “Học Viện Công Dân: Sách Mới, Gíup Xây Dựng Xã Hội Dân Sự”

  1. Chúc mừng buổi ra mắt Học Viện Công Dân (Institute for Civic Education in Vietnam) được thành công mỹ mãn.
    Hiền

Leave a Reply to HH Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *