Thần Điêu Đại Hiệp

    Tuần vừa qua, ngoài tin tức sốt dẻo về chuyện bầu cử giữa kỳ ở Hoa kỳ, còn một tin cũng được người Việt quan tâm, đó là tiểu thuyết gia chuyên viết truyện kiếm hiệp Kim Dung vừa qua đời. Đa số những tờ báo giấy hay báo mạng từ trong nước đến ngoài nước đều đưa tin này lên trang chính. Nói đến nhà văn Kim Dung thì người Việt trong lứa tuổi tôi hoặc lớn hơn nữa thì ai không đôi lần say mê lật từng trang sách của ông, trang này tiếp trang kia, cuốn trước kế cuốn sau mà không thể nào dừng tay dừng mắt lại được. Điểm qua những pho truyện kiếm hiệp làm nên tên tuổi của Kim Dung, ta có thể kể đến từ tác phẩm đầu tay của ông là Thư kiếm ân cừu lục đến sau này là Anh hùng xạ điêu, Thần điêu đại hiệp, Cô gái Đồ Long, Lục mạch thần kiếm, Lộc Đỉnh Ký… Tôi nhớ đó là những pho tiểu thuyết chia làm nhiều tập mà dân mê chưởng thời trước ở miền Nam xem như sách gối đầu giường, luyện đến ăn quên ngủ.

    Theo trang từ điển mở online Wikipedia: Kim Dung (10 tháng 3 năm 1924 – 30 tháng 10 năm 2018) là một trong những nhà văn ảnh hưởng nhất của văn học Trung Quốc hiện đại. Từ năm 1955 đến 1972 ông đã viết tổng cộng 15 cuốn tiểu thuyết. Sự nổi tiếng của những bộ truyện đó khiến ông được coi là người viết tiểu thuyết võ hiệp thành công nhất. 300 triệu bản in (chưa tính một lượng rất lớn những bản lậu) đã đến tay độc giả của Trung Hòa đại lục, Hồng Kông, Đài Loan, châu Á và đã được dịch ra các thứ tiếng Việt, Hàn, Nhật, Thái, Anh, Pháp, Indonesia. Tác phẩm của ông đã được chuyển thể thành phim truyền hình, trò chơi điện tử.

    Mấy anh chị lớn trong gia đình và cả nhân vật mới chập chững coi ké theo là tôi cũng không tránh khỏi niềm đam mê luyện chưởng thời đó, kiếm hiệp được xem như là một hiện tượng văn hóa bên lề nhưng khá quan trọng của văn chương miền nam. Kim Dung và những trang sách hơi nhàu nhàu, có màu vàng xĩnh vì được thuê từ những quán sách trong thành phố cũng là một phần kỷ niệm đáng nhớ trong gia đình tôi. Do vậy, tin nhà văn Kim Dung vừa qua đời mang đến cho chúng tôi ít nhiều xôn xao để anh chị em trong nhà có dịp trao đổi emails qua lại.

    Cách đây hơn một tuần, anh tôi gửi cho tôi đọc một bài viết với tựa đề “fossé écrivain / lecteur”. Rất hiếm khi anh chuyển bài cho tôi đọc ké, và một khi anh đã chuyển thì chắc chắn bài viết có điểm nào đó thú vị hay đặc biệt. Nhà văn Kim Dung, mệnh danh là minh chủ võ lâm truyện chưởng vừa tạ thế ngày 30 tháng 10 năm 2018. Ông là một nhà văn ngoại quốc đã có tầm ảnh hưởng khá lớn đến triết lý sống, đến nhân sinh quan của người Việt. Một nhân vật mà những tác phẩm của ông đã tượng trưng cho một phần văn hóa đa dạng của miền nam, chúng bổ sung cho chúng ta những kiến thức về triết học, chính trị, quân sự, võ đạo, văn chương và cả quan niệm về một thứ tình yêu lãng mạn trong nghĩa hiến dâng.

    Gia đình tôi, anh chị em ai cũng mê đọc sách. Thời kỳ trước 75, ba mẹ tôi cho “đọc sách” là “đọc truyện bá láp”, không quan trọng bằng việc học, ham đọc truyện sẽ chểnh mãng chuyện học hành nên kiểm soát gắt gao không cho chúng tôi đọc truyện nhiều. Chúng tôi phải đọc một cách lén lút. Còn truyện kiếm hiệp thì xem như bị cấm vận luôn. Mà thứ gì hễ càng bị cấm đoán thì ma lực lại càng mạnh mẽ hơn. Anh chị tôi vẫn thay phiên nhau đạp xe đến tiệm sách thuê nào là Anh hùng xạ điêu, Thần điêu đại hiệp, Cô gái đồ lòng, Thiên long bát bộ … về dấu diếm trong phòng ngủ, chia nhau đọc. Và dĩ nhiên là tôi cũng được ké. Thỉnh thoảng bị ba tôi bắt gặp, thế là anh chị tôi sắp hàng ăn chổi lông gà. Chỉ có tôi là thoát nạn vì ba tôi không ngờ bé út trong nhà, mới có mấy tuổi đầu mà đã biết luyện chưởng rồi, mặc dầu “nội công không được thâm hậu” bằng các anh chị của mình vì đầu óc vẫn còn non nớt. Có lẽ vì những kỷ niệm “đau thương” này mà anh tôi đặc biệt chuyển bài viết về nhà văn Kim Dung cho tôi đọc.

    Lúc đó vì thích đọc sách nên vớ phải cái gì là đọc cái đó. Sau này không còn bị ba mẹ kiểm soát nữa, tôi đã một hơi luyện luôn 8 bộ truyện chưởng của Kim Dung, gồm Thiên long bát bộ, Anh hùng xạ điêu, Thần điêu đại hiệp, Ỷ thiên đồ long, Tiếu ngạo giang hồ, Lộc đỉnh ký, Bích huyết kiếm, và Tuyết sơn phi hồ. Tôi cảm thấy đọc chừng đó truyện chưởng là quá đủ rồi. Con gái mà luyện chưởng thì chẳng có gì đáng để khoe, có vẻ garçon manqué, vì cảm thấy chuyện đi giang hồ như một cuộc phiêu lưu đầy thú vị.

    Tuy nhiên, nghĩ lại tôi vẫn cảm thấy mình đã học hỏi được rất nhiều điều từ những bộ truyện này. Truyện của Kim Dung luôn luôn lồng trong bối cảnh lịch sử, từ Tôn Tử Binh Pháp, đến Thành Cát Tư Hãn, con người và sự nghiệp, câu chuyện đằng sau cơn người của Chu Nguyên Chương, đã đánh đuổi quân Nguyên và là vị hoàng đế khai quốc của vương triều Nhà Minh trong lịch sử Trung Quốc. Nhà Minh bắt nguồn từ Minh giáo, còn bị giang hồ gọi là Ma giáo (rất nhiều tình tiết trong bộ Ỷ thiên đồ long); chuyện người Mãn Châu nhà Thanh chiếm đóng Trung quốc, lật đổ nhà Minh như thế nào … dĩ nhiên toàn là truyện tàu mà bộ cuối cùng tôi đọc là Bích huyết kiếm vào năm 2010. Bộ nào cũng đan xen những chuyện tình hết sức éo le. Mối tình giữa một cô gái xinh đẹp thông mình tuyệt đỉnh, nhưng tánh tình rất tà ma ngoại đạo Hoàng Dung và một anh chàng khù khờ cục mịch nhưng rất chánh nhân quân tử Quách Tỉnh. Mối tình giữa giáo chủ Minh giáo Trương Vô Kỵ đánh đuổi giặc Mông cổ và quận chúa Mông cổ Triệu Minh. Nhưng có lẽ chuyện tình gây nhiều tranh cãi nhất là chuyện sự phụ Tiểu Long Nữ yêu học trò Dương Quá trong bộ Thần Điêu đại hiệp (1959). Vào thời điểm đó, đây là một mối tình mang tính cách loạn luân, bị xã hội phỉ nhổ. Vậy mà Kim Dung vẫn có thể đi trước một bước, vượt qua phong kiến xã hội, biến mối tình này thành “immortal love”. Trong tất cả mọi tình huống, hai người vẫn có thể sống chết, chờ đợi và hy sinh cho đối phương không chút đó dự. Ngay cả Hoàng Dung, người chống đối kịch liệt nhất cuối cùng cũng phải công nhận “chỉ có Dương Quá và Tiểu Long Nữ mới thật sự hiểu tình yêu là gì.” Ngày nay, chúng ta còn biết tới một chuyện tình khác tựa như Dương Quá Tiểu Long Nữ, chuyện tình đang nổi tiếng trong giới chính trường giữa tổng thống Pháp Emmanuel Macron và vợ của ông (hơn ông đến hai mươi mấy tuổi, từng là giáo sư trung học của ông Macron). Nhưng khác hơn quan niệm khắc khe về tình yêu thời phong kiến trong Kim Dung, ngày nay cách nhìn nhận về tình yêu đã thoáng hơn rất nhiều, để chúng ta biết vậy mà ngưỡng mộ thôi chớ ít có ai dám lạm bàn đánh giá.

    Như một tình cờ và cũng có thể xem là một sự sắp đặt mầu nhiệm của trời đất nhất thời không nghĩ ra, trong một ngày mùa hè đẹp trời cách đây vài tháng, ngồi hát vu vơ thì bắt gặp karaoke của nhạc chính trong bộ phim Thần điêu đại hiệp, vậy là tôi tò mò hát thử. Hát xong rồi cũng để đó chẳng biết để làm gì. Nay nghe Kim Dung mất thì theo quán tính tự nhiên muốn nghe lại nó. Dù sao cũng có chút xúc động khi liên tưởng từ bài hát đến tác giả, đến một phần đời của chính mình và thuở thơ ấu gia đình. Trong tình hình chính sự hiện nầy rất căng thẳng giữa Trung quốc và nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả Việt nam và Hoa Kỳ (quê hương thứ nhất và thứ hai của tôi), có người cho rằng Kim Dung qua những pho truyện kiếm hiệp đã đề cao chủ nghĩa Đại Hán, nay là chủ nghĩa muốn thu “năm châu bốn bể” về dưới tay Trung cộng của Tập Cận Bình. Nhưng theo tôi, Kim Dung không dính dáng đến chuyện này. Theo tiểu sử thì gia đình Kim Dung xuất phát từ đại lục và đã trốn chạy Cộng sản để sang sinh sống ở Hồng Kông. Gia đình, cha mẹ của ông cũng là một trong những nạn nhân của cuộc Cách mạng văn hóa, Trăm hoa đua nở thời Mao Trạch Đông. Trong những tác phẩm của Kim Dung, ta thấy thường bàn bạc những tư tưởng về tự do, dân chủ, bình đẳng giữa các dân tộc, giữa các sắc dân, giữa người giàu kẻ nghèo mà một xã hội tiến bộ luôn đề cao. Ta sẽ thấy rõ hơn những khuynh hướng ấy nếu chịu khó bỏ thời giờ đọc lại những pho tiểu thuyết nổi tiếng của Kim Dung. Có một điều thú vị nhất, là Kim Dung đã đi rất xa và đi trước thời đại khi đề cao quyền bình đẳng cho phái nữ dù trong bối cảnh lịch sử thời phong kiến. Những nhân vật nữ của ông từ Hoàng Dung (Quách Tỉnh), Tiểu Long Nữ (Dương Quá), Nhậm Doanh Doanh (Lệnh Hồ Xung), Chu Chỉ Nhược (Trương Vô Kỵ) đều được sánh ngang về võ thuật, về tư tưởng so với những nhân vật hàng đầu của phái nam. Điều đặc biệt là quan niệm về yêu thương nam nữ của Kim Dung phóng khoáng hơn, nhân vật nữ thường hướng về sự tự do luyến ái, sự chân tình, lãng mạn trong tình yêu. Họ có quyền tự do bay theo tiếng gọi con tim mình mà không còn ràng buộc bởi xã hội, quốc gia, những tư tưởng hủ lậu trọng nam khinh nữ. Theo tôi, Kim Dung qua văn chương của ông đã là một biểu tượng của nhà cách mạng vì tự do bình đẳng, vì nhân quyền dân chủ đáng được chúng ta ngưỡng mộ. Ông xứng đáng là một nhà văn có một không hai, un fossé écrivain.

    Nhuhoe


Thần Điêu Đại Hiệp – NH

6 thoughts on “Thần Điêu Đại Hiệp”

  1. Cảm ơn Hoè đã chia sẻ một bài viết thật súc tích với một đề tài thật lạ! Hân thật sự ngạc nhiên là Hoè lại mê luyện chưởng và hăng say bàn luận về Kim Dung như vậy. Những năm đầu mới qua Mỹ, Hân cũng theo phong trào say sưa coi hết mấy bộ phim kiếm hiệp của KD. Truyện thì Hân chỉ đọc vài bộ và chỉ đọc kỷ những đoạn tình cảm lãng mạn giữa các cặp thôi 😊

    1. Luyện chưởng thì có chi hay ho mà khoe chứ :). Sau này coi phim còn biết chỉ ra chỗ nào phim không giống trong truyện nữa 🙂
      Bây giờ KD đã qua đời, xem như là một tribute với ông. Vô hình chung thì độc giả ít nhiều cũng học được nhiều điều từ nhân sinh quan của ông, đã mấy chục năm rồi mà vẫn không lỗi thời. Cũng giống truyện của Hồ Biểu Chánh mang tính cách luân lý xã hội có thể áp dụng ở mọi thời đại.

  2. Mỗi lần nhắc đến truyện kiếm hiệp là tự nhiên Hiền nhớ đến hình ảnh một anh chàng ở gần nhà hồi Đà nẵng. Anh đó chắc lớn hơn Hiền khoảng 3,4 tuổi. Cứ chiều chiều mỗi ngày là thấy anh ấy đi bộ ngang qua, tay lúc nào cũng cầm theo cuốn kiếm hiệp và hướng về tiệm sách cho thuê tên Bình Dân(?). Nhìn mặt mũi bơ phờ là biết đây là một tay luyện chưởng có nội công thâm hậu rồi 🙂
    Bỗng một thời gian không thấy bóng dáng anh ấy nữa. Tò mò hỏi người bạn ở gần nhà anh thì mới biết anh ấy thi rớt tú tài 1 nên phải vô quân trường Quang Trung. Không hiểu sao, Hiền cứ liên tưởng chuyện anh thi rớt tú tài với chuyện quá ghiền kiếm hiệp. Liên tưởng như vậy có oan cho tiên sinh Kim Dung không nữa 🙂 . R.I.P. tiên sinh!

    1. Không trách tại sao các bậc phụ huynh không muốn cho con em mình đọc truyện chưởng 😀 tai hại quá hỉ!

      Mấy anh chị của H cũng thường nhắc đến Bình dân thư quán đó Hiền.

  3. Năm 75 Tam Sơn học lớp mấy vậy? Hihi, biết chị ở mô không mà nói là ở gần? Chị ở đây lâu rồi mà có quen ai là dân Nguyễn Hiền đâu. 🙂

  4. Tam Sơn đồng ý với chị Như Hoè là Kim Dung là nhà văn có một không hai. Trong thời gian 1940-50, khó mà chỉ trích xã hội. Ông mượn những nhân vật trong chuyện để nói lên những bất công trong xã hội, nhất là xã hội cố chấp của Á Đông. Ngày xưa bao nhiêu người lén đọc chuyện chưỡng rồi bị ăn đòn. Nghe lại lời dạo của bản nhạc lập tức đưa Tam Sơn trở lại những năm cuối 1980’s. Mỗi tuần chờ đến thứ Ba để ra tiệm mướn phim về coi. Sơn ở rất gần chị. Có thể hồi xưa đi mướn phim cùng một chỗ. Hôm nào tình cờ gặp chị thì Sơn với chị sẽ Hoa Sơn.. không phải, LA Luận Kiếm nghe.

Leave a Reply to Nguyễn Sơn Tam Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *