Tuấn Ga Bình Triệu

  *Cách đây khá lâu, tình cờ đọc được bài “Tuấn Ga Bình Triệu” của anh Châu Trân (cựu học sinh Kỷ Thuật Đà nẵng) viết về bạn Đỗ Anh Tuấn (NH-Lop9). Nay xin phép tác giả đăng lại lên trang nhà ttgdnguyenhien.com để bạn bè biết thêm về đoạn đường gian nan từ Đà nẵng vô ga Bình Triệu, rồi sang Detroit của anh bạn chúng ta. (Hiền)

Trân (áo sọc đỏ-đen)_Tuấn (áo trắng ca-rô)
Bên sông Detroit, biên giới Mỹ -Canada. 08/2016

    Thời niên thiếu lúc theo học ban toán trường Kỹ Thuật Đà Nẵng, tôi gặp nhiều thần đồng. Cứ mỗi đầu giờ thầy cho làm “Toán Chạy”, thời gian cho phép là 5 phút nhưng thường chỉ 2 phút khi mình đọc đề chưa xong thì tụi nó đã xong chạy lên lấy điểm, Đỗ Anh Tuấn là một trong đám chạy toán siêu việt ấy. Rồi năm 75, ban toán tan hàng mỗi đứa một nơi. Vài năm sau tôi vào Sài Gòn học và gặp lại Tuấn trong một kỷ niệm khó quên.

    Số là Hè năm 1982 tôi ra ga Bình Triệu đón xe lửa đi Nha Trang thăm một người bạn sắp đi xa, đến nơi thì tàu vừa rời ga. Tôi nhảy lên gong cuối nhưng bị trượt, có một người xe ôm đến nói ông ta có thể chở tôi bằng xe máy đến ga kế tiếp là Sóng Thần, nơi đây tàu sẽ chạy chậm và tôi có thể nhảy lên. Đến ga Sóng thần thì tàu cũng vừa đến nhưng chạy quá nhanh tôi bu không kịp, phải đành theo người xe ôm trở về Bình Triệu. Đã trả tiền trước cho chuyến lên ga Sóng Thần, nhưng khi theo về lại ga Bình Triệu thì người xe ôm đòi tiền chuyến về. Bị bất ngờ và không còn tiền bạc tài sản gì cả, tôi cởi áo đưa ông ta, nhưng chưa thỏa mản người xe ôm đòi lột cả quần.

     Vừa cất tiếng cự nự thì ngay liền thêm 3 người mặt rô xuất hiện. Họ hỏi tôi muốn đưa quần hay ăn dao? ,tôi nghĩ chắc mình lưu mạng nơi đây, cái ga Bình Triệu hung tàn này. Giữa lúc hiểm nguy thì nghe tiếng gọi “ Ê Châu Trân, có phải mầy không?”. Nhận ra Tuấn, thằng bạn Kỹ Thuật cũ tôi mừng như được hồi sinh. Nhưng khi thấy Tuấn trong bộ đồ nhớp nhác trên người thì tôi lại trỡ về trong lo sợ, hắn cũng đang khố rách lấy gì để cứu tôi.

     Vậy mà không phải. Sau khi nghe tôi giãi thích, Tuấn nói với đám hung đồ: “ tụi bay xí xóa cho thằng bạn tao” và tôi đã được cứu. Bọn họ đi khỏi, Tuấn dẫn tôi vào căn lều sửa xe đạp nằm ngay ngã tư Bình Triệu, hai đứa uống với nhau ly cà phê rồi chia tay. Tuấn dặn “ Ga này cô hồn lưu manh nhiều lắm, nếu gặp khó khăn thì cố chạy nhanh về cái lều sửa xe này, còn không thì nói là bạn của Tuấn Bình Triệu”.

     Ra trường về quê đi làm rồi sang Mỹ, tôi không trỡ lại ga Bình Triệu và không gặp lại Tuấn từ ngày đó. Cuộc sống đa đoan với cơm áo cùng những niềm vui mới, tôi quên hẳn rằng mình từng có một người bạn tên Đỗ Anh Tuấn. Đến năm 2004 tôi nhận cú phone của Tuấn từ Detroit, hắn vừa qua đến Mỹ. Tôi định lên thăm liền liền nhưng chỉ định mà thôi, cuộc đời tôi sao vẫn cứ vô duyên, tôi biết mình tệ lắm.

     Cuối cùng thì nhân dịp thăm con gái ở Chicago tuần rồi, vợ chồng tôi đã thuê xe đi thăm Tuấn, 6 tiếng đồng hồ lái xe không mấy là xa. Gặp lại người ơn sau 34 năm, tôi nhắc lại kỷ niêm cũ ở ga Bình Triệu nhưng Tuấn không nhớ. Tuấn nói những ngày lang bạt ấy vui buồn chồng chất lên nhau, nhớ được những lần được giúp, còn giúp đỡ người khác thì nhiều cái đã quên.

     Nga nghe lại câu chuyện, cảm động và thắc mắc, Nga muốn Tuấn kể chút ít về đời mình. Tuấn vốn ít nói nhưng thấy Nga chân tình nên hắn cũng thổ lộ đôi chút, “Ông già là thiếu tá đi 13 năm cải tạo, anh làm bốc vác ngoài ga Đà Nẳng. Năm 1978, lúc chồng em vào Sài Gòn đi học thì anh cũng nhảy tàu vào đó đi học, Trân học đại học thiệt còn anh thì học đại học dỏm, đại học Ga Bình Triệu, tối ngủ trên con lươn cùng với ma cô và móc túi. Học nhanh nên lập được cái lều sửa xe, cũng là chổ bán vé tàu chợ đen cũng như dấu hàng của người buôn chuyến. Có chút tiền gởi về nhà cho mẹ và mấy em là vui nhất, nhưng lại buồn vì mình dễ đi vào con đường hư hỏng, con đường oan nghiệt. Năm 1987 ba anh sắp ra tù, sợ ổng thấy thằng con mà buồn nên anh giải nghệ, tự tốt nghiệp đại học Bình Triệu. Về quê làm thợ máy, ông già đi HO rồi bảo lảnh gia đình anh sang Mỹ. Trời thương anh xin được job dealer của casino, anh chia cho họ chơi chớ anh không chơi, bây giờ cũng dính vô cờ bạc nhưng mà lương thiện nuôi con. Con gái anh đang học năm cuối ở University of Michigan, nó muốn học lên bác sỹ nhưng biết mô, người có số.”

     Tuấn cũng đưa gia đình tôi đi thăm thắng cảnh Detroit, hai đứa vô sòng bài góp tiền chơi chung, mất vài trăm nhưng cười hả hả, Tuấn đùa “ cho mi nhớ Detroit”. Hai đứa chụp với nhau tấm hình kỷ niệm bên Detroit River, đứng ở dòng sông biên giới nhưng tôi lại nhớ về Ga Bình Triệu, rồi suy nghĩ về biên giới giữa đời giang hồ và người lương thiện. Tuấn cười xuề xòa như gả chia bài ở casino bây giờ, hơi gần nét ngây ngô như tên học trò chạy toán năm xưa, không thấy chút dữ tợn như lúc là Tuấn Bình Triệu ở Ga Bình Triệu. Tôi yêu Tuấn cả ba khuôn mặt, tôi thấy tất cả đều ẩn chứa chữ tâm.

    Châu Trân.
Detroit, August 8, 2016.

5 thoughts on “Tuấn Ga Bình Triệu”

  1. Cám ơn H.Hiền đã post bài này. Lúc viết bài thì con gái Tuấn vừa xong BS, bây giờ đã là sinh viên y khoa, mai sau làm thầy thuốc giúp ích cho đời. Hai cha con hai cuộc đời, thật đẹp.
    Châu Trân.

    1. Không có chi đâu Châu Trân! Cùng là bạn của Tuấn cả nên rất cảm động khi đọc bài viết của anh. Định liên lạc để xin chia sẻ “Tuấn ga Bình triệu” với bạn bè, nhưng thật tình không biết địa chỉ email của anh nên post đại thôi 🙂 . Mong có viết bài mới thì gởi thêm cho trang nhà ttgdnguyenhien.com nghe! Cũng cùng một thời học trò Đà nẵng với nhau nên rất vui khi được anh chia sẻ thêm những kỷ niệm khác. Thân mến.
      Hiền

  2. Ai “đụng” tới Tuấn bụi đời ga Bình triệu đều thương hoài ngàn năm anh Hiền hỉ..
    Cám ơn anh Hiền.
    Sử bích nga

    1. Đúng vậy Nga! Nhìn ổng cười cười thì thấy liền cái “tâm” mà thương, dù hồi nhỏ phá quá 🙂

      1. Thiệt tình thời còn đi học quậy phá nhất lớp, kg ai chịu nổi, đến bây giờ bạn bè vẫn còn nhớ..Cám ơn Hiền, Bích Nga

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *