Ông Ngoại Tôi

    1983, trong một bữa ăn tối tại nhà Dì tôi ở Chatsworth, California, Cậu tôi nói là “tụi bây có biết là tụi bây là dòng dõi của Nguyễn Công Trứ không?” Bây giờ tôi mới vỡ lẽ ra tại sao trong nhà ông ngoại tôi có bàn thờ của Nguyễn Công Anh và gia đình có mộ bia của Nguyễn Công Ngạn tại Gò Cà. Từ đó tôi bắt đầu để ý sưu tầm các bài viết về Nguyễn Công Trứ trong sách báo tại Mỹ và tìm đọc thơ văn của ông. Nguyễn Công Trứ để lại hàng trăm bài thơ. Tuy nhiên, người có ảnh hưởng lớn về lối làm thơ của tôi chính là ông ngoại tôi.
    Ngoại tôi tên là Nguyễn Văn Phò. Lúc thiếu niên ngoại tôi có đi dạy Việt Văn cho nên nhiều người gọi ngoại là ông Giáo Phò. Sau này ngoại sáng lập nhà in Trúc Mai tại Đà Nẵng cho nên nhiều người gọi ngoại là ông Phò Trúc Mai cho đến khoảng chừng 1974 khi ngoại chuyễn nhượng nhà in lại cho má tôi. Bởi vì là thầy giáo Việt Văn cho nên ngoại tôi làm thơ rất hay.
    Năm 1969 ba tôi chuyển vào Huế làm Chỉ Huy Trưởng Bệnh Viện Quân Y Nguyễn Tri Phương. Thế là tôi đi học mẫu giáo cho đến lớp 4 tại trường tiểu học Lê Lợi, Huế. Năm 1973, ba tôi trở lại Đà Nẵng làm Chỉ Huy Trưởng Bệnh Viện Bài Lao và có phòng mạch tại Hội An. Thế là tôi theo học lớp 5 với thầy Sắc tại TTDG Nguyễn Hiền. Đối với tôi đây là sự may mắn lớn. Nhờ có sự thay đổi về chổ làm của ba tôi mà tôi có dịp ngồi chung dưới mái trường với các bạn Nguyễn Hiền mến yêu.
    Những năm ở Huế, gia đình thỉnh thoảng về Đà Nẵng thăm ngoại. Có lúc đi bằng xe hơi, có lúc đi bằng trực thăng do quân đội cung cấp cho ba tôi. Một hôm về thăm ngoại, khoảng chừng 1971-1972, tôi thấy trên tường ở phòng khách có tấm khung lớn. Bên trong có vài hình ảnh của ngoại và con cháu. Ngay chính giửa có bài thơ của ngoại:

Nhìn ảnh con cháu thấm tình thương.
Muôn năm gìn giữ dấu niên trường.
Dậm nghìn khi nhớ trông bớt nhớ.
Núi thẵm tình thâm tả bút chương.
Ba thím trông cho con mạnh khỏe.
Ông bà mong mỏi cháu vinh cường.
Thi thần hão ý dồn tâm sự.
Phúc huệ lưu hoài thọ kiết xương.

    Ngoại tôi làm thơ nhiều nhưng tôi thích nhất bài thơ trên. Mỗi lần về thăm ngoại là tôi coi hình và đọc thơ. Bài thơ trên tôi thích nhất là hai câu:

Ba thím trông cho con mạnh khỏe.
Ông bà mong mỏi cháu vinh cường.

    Hai câu này giống như hai câu đối. Những năm ở Huế, 1968-1973, tôi có đọc sách về Trạng Quỳnh đấu văn thơ với Đoàn Thị Điểm. Hai người đấu nhau bằng thơ đối. Tôi đọc tôi rất thích.
    Sau 1975, học đến lớp 9 là gia đình đi vượt biên. Vốn liếng về văn thơ của tôi rất hạn chế. Lớp 9 chỉ mới dạy căn bản về thơ.
    Nhưng nhờ đọc nhiều thơ của ngoại tôi nên tôi có cảm giác là thơ phải làm như thế nào. Mỗi lần làm thơ tôi đều cố gắng để có những câu đối cho bài thơ có vẽ professional hơn. Mỗi lần làm được câu đối tôi mừng lắm và nhớ tới ngoại.
   Trong bài thơ “Mừng Xuân” tôi viết tháng giêng 2017, có hai câu:

Ông đồ viết sớ không dừng bút.
Chú tiểu quét lá chẳng ngừng tay.

    Rồi trong bài thơ “Chúc Xuân” tôi viết tháng 2 năm 2018, tôi có hai câu:

Ý, Anh hai O về viếng xóm.
Pháp, Mỹ ba thằng ghé thăm quê.

    Nếu ngoại ở bên kia biết được tôi bắt chước ngoại làm những câu đối như vậy chắc ngoại tôi hãnh diện lắm.

Nguyễn Tam Sơn, NH-lớp6.
Calif, Aug 04, 2019.3

8 thoughts on “Ông Ngoại Tôi”

  1. Cám ơn Sơn đã chia sẻ một bài viết hay. “Ba thím” nghĩa là gì vậy Sơn? Ba bà thím? Ba và thím?
    Hay là Sơn và Hiền phối hợp mở trang đối thơ để bạn bè thư giãn vào đối thơ hoặc là học hỏi thêm? Lớn tuổi hết rồi, động não tí xíu cũng giúp cho đầu óc chống lão hoá thôi!

    1. Cám ơn chị Như Hoè góp ý. Đối thơ? Lớp 6 đối thơ với lớp 9? Sơn xin thua trước. Chưa đối đã thấy thua rồi chị ơi.
      Có anh chị Đè Nẽng mô muốn giúp Sơn giải thích “thím” nghĩa loà răng không? Trong câu này thím nghĩa là “mẹ”. Có lẽ thế hệ ngoại xài chữ “thím” nhiều hơn.
      Ba Thím ….. con mạnh khỏe. Đối với câu dưới:
      Ông Bà ……. cháu vinh cường.
      Thím cũng có nghĩa là cô. Trong gia đình Sơn cũng có “ Chú Thím”. Sơn còn một Thím Chín ở Đà Nẵng đã trên 90 tuổi.
      Trong thơ ông ngoại Sơn xài nhiều chữ Hán hoặc chữ nho. Ví dụ câu thơ:
      Thi thần hão ý dồn tâm sự.
      Thi thần = hồn thơ. Hão ý = ý đẹp. Dồn tâm sự = tâm sự/ cảm xúc dồn vào. Sơn thì có thể viết được:
      Cảm xúc gói trọn vào hồn thơ. Hay là
      Niềm nhớ xin gởi vào hồn thơ.
      chớ Sơn không có khả năng để viết
      Thi thần hão ý dồn tâm sự.
      Anh chị nào muốn lên “Hoa Sơn Luận Kiếm” thì lên tiếng nghe. Sơn biết sẽ “luận” không lại nhưng sẽ cố gắng “tiếp chiêu”.

      1. Nghe “hoa sơn luận kiếm” đối thơ đã thấy hấp dẫn rồi. Hiền thì dở chuyện đối thơ lắm, nhưng cố gắng luyện coi thử chữ nghĩa mình đến đâu. Sẽ mở trang đặc biệt cho mục này, nhờ Như Hòe và Sơn coi sóc nhé! 🙂

  2. Bài viết hay quá, cảm ơn Sơn đã chia sẻ. Sơn may mắn nhận được tâm hồn thơ văn của ông ngoại, một gia tài vô giá đó. Tiếp tục làm thơ và viết bài nữa Sơn nghe.

    1. Cám ơn chị Ngọc Hân. Cái “gia tài vô giá” này cần phải được nghiên cứu và học hỏi thêm.

  3. Cám ơn Sơn đã chia sẻ về chuyện ông ngoại và những vần thơ đã ảnh hưởng đến tình yêu thơ văn của mình như thế nào. Bài viết thật súc tích, đọc lên thì hình dung ra ngay được ngoại cũng như những năm tháng gia đình Sơn di chuyển giữa Huế, Hội An, Đà nẵng. Nhà in Trúc Mai thì anh còn nhớ tên, nghe quen thuộc lắm. Nhưng thú thật là quên bẵng ở trên con đường nào của Đà nẵng rồi. Nhờ Sơn nhắc lại hỉ, hôm qua giờ cứ moi óc để nhớ mà chịu thua thôi 🙂 . Thân mến
    Hiền

    1. Ở đường Trần Kế Xương, gần ngả ba Tr K Xương và Tăng Bạt Hổ. Tên đường vẩn chưa đổi. Gần ngả tư lớn Hùng Vương và Triệu Nữ Vương. Có một thời gian ngắn Sơn ở đây. Sau này má Sơn mua nhà ở góc Độc Lập và Phan Đình Phùng.
      Nhắc tới góc Trần K Xương và Tăng Bạt Hổ làm Sơn nhớ lại một câu chuyện. Approximate 1988, Lúc đó đang học UCLA. Sinh viên VN có tổ chức Valentine dance. Một cô UCLA dẫn theo một cô cousin. Gặp nói chuyện. Hỏi ra thì cô cousin nói hồi xưa cổ ở gần góc Trần K Xương và Tăng Bạt Hổ. Cổ nói cổ còn nhớ thấy Sơn chơi trước nhà. Trái đất quá tròn. Cô UCLA sau này có nhắc khéo với Sơn là cô cousin thích Sơn. Mấy cái dance sau này cô ấy cũng nhắc Sơn là cô cousin sẽ đi. Nhưng lúc đó một phần Sơn chưa có ready và một phần lúc đó chưa có cell phone hay email để liên lạc. Thời gian đó cũng giống như “Nỗi Buồn Hoa Phượng” vậy đó. Rời trường là xa cách nhau.

      1. Nghe Sơn tả tên đường là hình dung lại được liền vì nhà anh bên Ông ích Khiêm cũng gần đó.
        Ra nước ngoài sống, chỉ cần gặp người cùng quê thôi đã quí, huống gì cùng đường cùng 1 ngã tư như cô gì gặp ở party UCLA làm Sơn bị hớp hồn là đúng rồi 🙂 Nói như Sơn cũng có lý, nếu hồi xưa mà có email, cellphone, rồi facebook, viber… như bây giờ thì chắc không ai thèm hát Nỗi buồn hoa phượng làm chi. Nhạc sĩ tác giả Thanh Sơn sẽ ít được ai biết đến! Haha.

Leave a Reply to Ngọc Hân Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *