Mối Tình Màu Hoa Đào

     Mayumi dõi mắt nhìn về hướng phi trường, hướng có bầu trời trong xanh và những chiếc phi cơ đang thay nhau cất cánh. Ánh nắng ban mai làm mắt nàng cứ phải cố nheo lại khi ngước nhìn. Nàng ngồi lặng lẽ trước hiên nhà như vậy từ sáng sớm tới giờ chỉ với một mục đích duy nhất, là đếm từng chuyến bay và nhẩm đoán xem trong đó chuyến nào đang mang theo người đàn ông của nàng. Người mà mới đêm qua thôi, chỉ vài giờ trước đây thôi đã nói với nàng lời giã biệt. Những ngón tay đan vẫn còn đây hơi ấm, và nồng nàn còn nguyên trên tóc, trên môi. M sẽ là một trong những hành khách trên chuyến bay hơn cả ngàn cây số Okinawa-Tokyo sáng hôm nay. M, người đàn ông mà hơn hai năm qua đã cho nàng những xôn xao rung cảm chưa từng có, đã làm trái tim nàng tan chảy trong tận cùng yêu thương! Vậy mà, bây giờ người đàn ông ấy sắp rời khỏi nơi đây, chấm dứt hơn hai năm gần gũi hẹn hò. Nghĩ như vậy làm lòng Mayumi chết điếng, những giọt nước mắt cứ chực chờ rơi. Xa xăm nghe như có tiếng sóng vỗ vọng lại chập chùng. Bên kia ngọn đồi nhìn ra hướng biển, vài con chim hải âu lẻ bầy vỗ cánh bay xa dần, xa tít dần chỉ còn lại những vệt xám nhỏ nhoi mất hút cuối chân trời…

     M đến với nàng như là một sắp đặt của định mệnh, tình cờ trong muôn ngàn thứ tình cờ khó giải thích được trên đời này. Không phải là định mệnh sao được khi người đàn ông này bỗng dưng từ đâu xuất hiện ở một nơi xa xôi như hải đảo Okinawa này. Người thanh niên trạc tuổi Mayumi vừa đến từ một đất nước tận phương nam mà nàng chỉ vài lần nghe thoáng qua, một địa danh gắn liền với triền miên chiến tranh. Việt nam trong hiểu biết của Mayumi chỉ là vùng đất của bom đạn, chết chóc qua những bản tin truyền thông hằng ngày. Cho đến mãi sau này khi gặp M nàng mới biết thêm về đất nước của chàng. Quốc gia có dáng hình cong chử S, hùng vĩ lưng dựa núi, mắt hướng nhìn ra biển. Mayumi còn biết thêm về nỗi thống khổ mà dân tộc M đang phải gánh chịu. M giải thích cho nàng biết rõ hơn về cái danh từ Boat people, đó là những người Việt tị nạn chạy trốn khỏi xứ mình trên những con thuyền gổ mong manh. Những con người đánh đổi cả mạng sống mình để lánh nạn chế độ Cộng sản Việt nam, một chế độ mà M cho là độc tài, toàn trị và vô nhân tính. Chàng đã kể cho nàng nghe về những ngày lênh đênh trên biển, những hải hùng trước sóng to gió lớn. Rồi phép mầu hiện đến trong câu chuyện một chiếc thuyền tỵ nạn nhỏ bé may mắn được con tàu Mỹ to đùng cứu vớt giữa bão tố đại dương. Giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, đấng tối cao nào đó đã chọn cho nhóm vượt biển của M được quyền sống. Đấng tối cao đó còn ưu ái tìm cho họ mảnh đất tạm dừng chân là thành phố biển Motobu hiền hòa này. Nơi M đã run rủi gặp nàng, khởi đầu cho một cuộc tình giữa hai con người khác ngôn ngữ, dị biệt cả tập quán. Chuyện vượt biển của nhóm M chỉ là một trong những câu chuyện Boat people may mắn. Cạnh đó còn có biết bao nhiêu chuyến đi đã không may, những chiếc thuyền có đi mà mãi mãi không bao giờ đến được bến bờ. Bao nhiêu con người đã vùi thây dưới đáy biển. Câu chuyện của người thanh niên rất trẻ kể về hành trình trở thành thuyền nhân (Boat people) cứ ám ảnh nàng mãi. Bây giờ Mayumi mới biết rằng, đâu phải nơi nào trên trái đất này đời sống cũng đang diễn ra êm đềm bình yên như Okinawa của nàng. Có những nơi con người vẫn đang bị đày đọa, vẫn còn bị tước đi tự do nhân phẩm bởi thế lực tàn ác.

     Mayumi còn nhớ như in một buổi sáng thứ hai cách đây hơn hai năm. Đầu tuần nàng hay đến sớm hơn mọi ngày để sắp xếp lại phòng làm việc cho gọn ghẽ. Đây là thói quen lâu nay của nàng. Có đến sớm như vậy nàng mới xua bớt được cái cảm giác mệt mỏi sau hai ngày cuối tuần chỉ biết ăn chơi và ngủ vùi. Và thật ngạc nhiên khi giờ này mà văn phòng sở làm đã đông đúc công nhân đến. Lạ hơn nữa là trong đó có một nhóm bốn người ngoại quốc đang đợi xe sở chở ra công trường. Anh chàng Yuta trưởng nhóm nhanh nhẩu cho biết đây là những người Việt trong trại tị nạn được tuyển dụng thêm cho công trình mới đang cần thợ phụ. Nhìn thấy dáng họ co ro trong cái lạnh sớm mai, Mayumi vội vào bếp bắt lửa nấu một ấm trà. Nàng pha ra tách và mời mấy anh chàng người Việt này. Họ ngại ngùng nói cám ơn bằng một chất giọng rất lạ, “Arigato”, nghe âm như tiếng chim hót. Chắc có lẽ đây là vài câu chữ đơn giản họ mới học để có thể giao tiếp khi ra ngoài đi làm. Họ ngồi thầm thì trao đổi với nhau bằng thứ ngôn ngữ riêng, dĩ nhiên nàng đoán là tiếng Việt. Mayumi thấy cử chỉ của họ có vẻ e ngại rụt rè thì tự dưng trong lòng nàng dâng lên một cảm xúc bùi ngùi cảm thông. Nàng hiểu tâm trạng bây giờ của họ, hiểu một con người khi phải xa quê hương lang bạt xứ người thì có gì buồn tủi bằng. Nàng muốn nói với họ một câu gì đó để thể hiện sự thân thiện, nhưng tìm mãi trong mớ tiếng anh bỏ quên tận thời trung học sao mờ mịt quá nên thôi. Đến giờ đi làm, Mayumi theo tiễn mấy anh chàng người việt này ra tận bãi đậu xe. Nàng hy vọng qua ánh mắt họ sẽ hiểu được những cảm thông mình muốn bày tỏ.

     Sau tuần đầu tiên, bốn anh chàng người việt trông bớt rụt rè hơn. Thấy Mayumi dễ gần gũi nên họ hay lân la bắt chuyện và không ngại dùng cơ hội này để thực tập những câu tiếng Nhật vừa học. Phải công nhận họ tiếp thu rất nhanh, chỉ trong vòng vài ngày mà có thể diễn đạt được khá rõ ràng những câu giao tiếp thông thường. Đôi khi nói chuyện với họ, Mayumi không tránh khỏi những lúc khúc khích cười. Không hẳn nàng cười vì cách phát âm ngộ nghĩnh, nàng còn cười thú vị khi hiểu những câu nói đùa ý nhị, hay những hành xử có vẻ rất “gallant” mà nàng chỉ bắt gặp trong phim ảnh phương tây. Họ trông khác với những thanh niên địa phương mà nàng từng quen từ khi còn đi học cho đến bây giờ đi làm. Trong nhóm bốn chàng người Việt này, hình như có ba anh đã lập gia đình, riêng một anh tên M còn độc thân. Anh này hay bắt chuyện với nàng nhất. Từ lúc có họ trong sở làm, Mayumi dường như thấy công việc vui hơn, không còn nhàm chán như lúc trước. Sáng nào nàng cũng đến sớm một chút để có dịp gặp gỡ.

     Một hôm Mayumi đang sửa soạn ra về thì xếp của sở đến gần và nói muốn nhờ nàng một việc. Vì nhà nàng ở khá gần trại tị nạn Motobu nên xếp muốn nàng thay ông ta mỗi buổi sáng đến đón, và chiều thì đưa mấy anh chàng người Việt về lại trại. Thấy không trở ngại gì nên Mayumi nhận lời ngay. Vậy là bắt đầu từ sau hôm ấy, mỗi sáng Mayumi thay vì quẹo phải đến sở, nàng lại rẻ trái lái về hướng làng Toyohara. Vừa đến cái ngã tư có cột đèn báo giao thông nàng rẻ trái lần nữa, leo lên con dốc vắng vẻ hai bên đường ngập cỏ dại, khi gặp một trạm taxi nhìn sang phải sẽ thấy ngay cổng vào trại tị nạn của Hồng thập tự Nhật bản. Hơn hai năm đi về trên khoảng đường này, nàng đã quá quen thuộc để bây giờ nhắm mắt Mayumi cũng hình dung được con dốc thoai thoải lên đồi, cái khuôn viên trại thật rộng. Vừa bước vào cổng trại là gặp ngay bãi đậu xe cạnh hàng rào, rồi những bậc tam cấp bằng xi măng dẫn lên mấy dãy nhà chung cư hơi cũ màu vàng nhạt. Bên trong trại nàng thường thấy vài người nói cười đi lại.

    Mayumi nhớ như in cái ngày đầu tiên nàng đến đón nhóm của M. Bốn anh chàng quá đổi ngạc nhiên khi nhìn thấy nàng sáng hôm đó. Họ vui vẻ chào nàng nhưng dường như có thoáng chút ngại ngùng. Sau này nói chuyện nhiều với M nàng mới biết rằng, mặc định trong suy nghĩ của người xứ họ lúc nào cũng xem phụ nữ là phái yếu. Nên chuyện một người con gái tự cầm tay lái chiếc xe, mà ngồi phía sau có một đám thanh niên là một điều trông rất đổi kỳ cục. Dù biết rằng đó là chuyện chẳng đặng đừng nhưng bốn chàng vẫn thấy có chút gì khổ sở tổn thương trong lòng. Phải đến một thời gian sau khi quá thân quen, không khí ngại ngùng mới dần bớt đi.

     Mỗi sáng, không hiểu theo qui định nào mà ba anh chàng đã lập gia đình cứ nhường chàng tên M ngồi ghế trước cạnh Mayumi. Và có một điều làm nàng ngạc nhiên vô cùng là khi nào M cũng pha sẵn cho Mayumi một ly cà phê đem ra tận xe. Mayumi rất áy náy và nói M đừng bận tâm làm như vậy nữa. Nhưng chàng cười phân trần rằng, có làm như vậy mới thấy thoải mái hơn, nó như nói lời chân tình cảm ơn với một phụ nữ đã lái xe đến tận đây đưa đón họ mỗi ngày. Cách hành xử của M và ba người bạn làm nàng cảm động vô vàn, nàng không dối lòng là mỗi sáng tâm trạng cứ nôn nao trông đến trại gặp M, gặp họ. Có chút gì đó gần gũi cảm mến dâng lên trong lòng nàng. Để ngày cuối tuần, vắng những câu nói đó, vắng ánh nhìn của M lại thấy nhớ. Nàng nhớ con đường lên ngọn đồi Toyohara, nhớ nắng ban mai chiếu sáng lung linh từng ngọn cỏ, cành cây ven đường.

     Và không biết từ bao giờ những gặp gỡ giữa M và nàng trở thành thứ tình cảm hơn cả thân quen. Có lẽ từ một buổi chiều cuối tuần sau khi đưa cả nhóm về trại và M ngõ lời muốn đưa Mayumi đi ăn tối. Chàng nói vừa lảnh lương tháng này nên muốn có chút gì để trả ơn nàng. Ăn tối xong, cả hai chưa muốn về vội nên ghé một quán cà phê ven bờ biển ngồi nói chuyện. Và giữa khung cảnh thơ mộng của biển trời, cộng với những lời nói, ánh mắt ấm áp ấy thì làm sao nàng không đổ cho được. Bóng đêm che dùm những nụ hôn và phiêu lưu đưa đẩy một cuộc tình, Mayumi lao vào đó bằng tất cả những rung cảm chân thành dù nàng không biết rồi đây nó sẽ đi về đâu.

     M đã cho nàng những tháng ngày đầy kỷ niệm đẹp trong ký ức. Những gặp gỡ sáng chiều dễ làm nhớ đến quay quắt, huống gì còn cuối tuần dạo phố, chiều sẩm tối vẫn đưa nhau ra tận đảo xa ngắm biển trời… Mayumi nhớ những chi tiết bao lần gặp gỡ đó như nhớ từng đường nét trên gương mặt góc cạnh, nhớ cả đôi mắt sâu thẳm biết nói của chàng. Để giờ này tất cả đang ùa về, cùng một lượt ập đến trêu ghẹo trái tim mong manh của nàng. Nàng ghét chúng làm nàng đau, ghét cả bản thân yếu đuối của chính mình. Nhưng làm sao ngăn được rơi rụng của tâm hồn khi chỉ còn một mình Mayumi ngồi đây, cô đơn cứ gặm nhắm hoài nỗi buồn ở lại.

     Hơn hai năm, bao nhiêu bận nàng đã đi-về trên khoảng đường từ nhà đến trại Toyohara. Làm sao đếm cho hết như đong đếm từng kỷ niệm đã có! Mayumi nhớ những ngày cuối tháng, nàng lấy xe đưa M đi chơi tận Koza, Naha, và tiện thể mua những món đồ cần thiết gởi về cho gia đình chàng ở Việt nam. Nhìn chàng tỉ mỉ săm soi những chiếc áo, cái quần, hay cả dàn máy stereo làm nàng cảm động thương vô cùng. Cái tình cảm của M, của những người tị nạn đối với gia đình còn bên kia ban đầu làm nàng ngạc nhiên quá đỗi. Mayumi thắc mắc thì được M giải thích, phong tục của người Việt rất coi trọng tình gia đình. Những món quà chàng gởi về quê nhà không những để giúp người thân qua khốn khó, mà chúng còn làm cho chàng cảm thấy mình như vẫn còn gần gũi bên họ. Những manh áo, tấm quần, sợi chỉ kim may… như là vật trung gian giữa bên này và bên kia, chạm tay vào chúng làm chàng vơi bớt nỗi nhớ nhà. Những lần đi mua sắm với M, nhìn khuôn mặt chàng hớn hở, rồi nghĩ đến ý nghĩa trong từng thùng quà gởi về bên ấy tự dưng lòng nàng cũng tràn ngập niềm vui.

    Hai mùa hoa anh đào có M đến bây giờ vẫn là hai mùa xuân đẹp nhất đời nàng. Làm sao Mayumi quên được những lần M nắm tay nàng đi dưới những cành hoa mỏng manh sắc trắng, sắc hồng tinh khôi mùa trẩy hội. Trong tiếng đàn Sanshin, điệu múa dân gian, từng nhóm người tụ tập ca hát dưới những tàng anh đào rợp bóng. Khung cảnh như giữa chốn thần tiên khiến tâm hồn nàng nao nao niềm vui hạnh phúc. Dù vậy, mỗi lúc ấy sao Mayumi vẫn thấy có một chút gì đó không trọn vẹn trong ánh mắt chàng. M nói với nàng rằng, mùa hoa anh đào Okinawa nở rất gần thời điểm Tết nguyên đán nơi quê nhà chàng, trùng vào khoảng giữa tháng hai dương lịch. Nhìn những cành hoa đào nơi đây làm chàng nhớ những cánh hoa mai nở rộ ngày tết, nhớ thuở còn bé cứ mong sao tết đến để có tiền lì xì, để được ăn bánh mứt thỏa thích. Tất cả những kỷ niệm tuổi thơ ấy bây giờ đã quá xa. Biết bao giờ chàng mới gặp lại …

     Cánh hoa anh đào thường được người dân nhật xem là biểu tượng cho lẽ vô thường của vạn vật. Có đó rồi vội tan biến đi. Những cánh hoa mong manh vừa mới nở rộ khoe sắc chợt tàn rụng dưới một cơn mưa, hay chỉ cần một làn gió vô tình thổi qua. Mayumi thầm nghĩ tình yêu của M và nàng cũng vậy, cũng chỉ là một tình cờ nhỏ nhoi trong vô thường đất trời, chợt đến rồi chợt đi. Như những chuyến bay phía xa kia lần lượt cất cánh lên bầu trời, thoáng chốc thanh âm vọng lại chỉ còn là thinh lặng. Rồi đây những lần lái xe trên dốc đồi Toyohara, những buổi sáng ngóng đợi người đàn ông tươi cười mang cho nàng ly cà phê thật ấm sẽ chỉ còn là hoài niệm. Nàng buồn tiếc nuối. Nàng muốn ngồi mãi đây một mình, lặng lẽ đợi một chuyến bay dù biết thật nó đã rời xa. Rồi không làm sao ngăn được những giọt nước mắt, nàng cứ để mặc chúng rơi xuống má. Mayumi thầm thì hát một đoạn nhạc mình ưa thích trong Utsukushi Mukashi (美しい昔), ca khúc mà M cho nàng biết là được chuyển lời từ Diễm xưa nhạc Việt. Utsukushi Mukashi. Nét đẹp của ngày xưa. Giờ đây mối tình của nàng đã thuộc về hôm qua…

今は地の果てに愛を求めて
雨に誘わらて消えて行くあなた
来る日も来る日も雨は降り続く
お寺の屋根にも果てしない道にも
青空待たずに花はしおれて
ひとつまたひとつ 道に倒れていく

Giờ đây em vẫn mong một tình yêu nơi miền sâu thẳm
Nơi anh sẽ theo những cơn mưa và tan biến di
Sao mưa vẫn rơi, rơi hoài rơi mãi từng ngày qua,
Mưa trên mái chùa, và trên con dài đường vô tận
Cho cánh hoa anh đào héo tàn,
không đợi màu trời kịp xanh
Từng cánh từng cánh rơi xuống mặt đường

Lời viết thêm:

     Trong câu chuyện tình giữa một anh thanh niên việt tị nạn và cô gái Okinawa mà người viết vừa kể thì một nửa những chi tiết là hư cấu. Nhưng dù là hư cấu đi nữa thì thông thường khi được dựng nên phải bắt đầu lấy ý từ một câu chuyện nào đó có thật. Nhân vật nam trong “Mối tình màu hoa đào” thật ra là một người bạn có thời sống chung phòng ở trại tị nạn với người viết. Đoạn kết mẫu chuyện ngắn trên được cố ý bỏ lửng để cho có chút lâm li và mang đến tò mò cho người đọc. Nhưng sự thật thì chỉ một thời gian ngắn sau anh bạn M này đã gặp lại cô gái có đôi mắt màu hoa đào nọ, về sau họ có với nhau một cậu con trai và một cháu gái kháu khỉnh. Thời gian gần đây, qua trang Facebook đã kết nối được một số cựu thuyền nhân (Boat people) đã từng ở cùng trại tị nạn Okinawa, Nhật bản với người viết. Để rồi những tấm hình một thời, những tâm tình chia sẻ thay nhau đưa lên mạng. Hơn ba mươi năm mới thấy lại khung cảnh quen thuộc cũ, tìm lại được những hình ảnh của bạn bè và của chính mình. Cảm xúc dâng đầy, thời gian sống nơi đó dù là ngắn ngủi so với một đời người, nhưng những gắn bó thì quá đặc biệt để làm sao quên nổi. Với sự khuyến khích của những người bạn cùng trại, tác giả đã viết “Mối tình màu hoa đào” để đóng góp trong việc hình thành một đặc san kỷ niệm của trại Okinawa sắp tới. Nay xin đăng thêm lên trang nhà TTGD Nguyễn Hiền để xem như là vài dòng chia sẻ về những câu chuyện trong một đoạn đời. Thân mến.

Trương Hữu Hiền

*******

4 thoughts on “Mối Tình Màu Hoa Đào”

  1. Những dòng mượt mà của Hiền làm chuyện tình của 2M nhẹ nhàng thơ mộng quá. Cảm ơn Hiền viết lách đều đặn cho bạn bè đọc hoài, phục ghê!

Leave a Reply to Đỗ anh Tuấn Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *