Phượng Hoàng Gãy Cánh


     Đầu năm nhận được email chúc tết của cô bạn cùng lớp, người đã có nhiều bài viết và thơ hay đăng trên trang nhà Nguyễn Hiền. Trả lời email, dòng cuối tôi có thòng thêm câu hỏi về Tiểu Hoàng, “nhân vật” chính trong một bài viết thật thú vị của bạn tôi. Tiểu Hoàng, tên được bạn đặt cho một cánh chim lạ đầy màu sắc mà cứ mỗi đầu thu lại bay về trú ngụ trong vườn nhà tác giả. Đông bỏ đi, đến hẹn tháng 10 năm sau thì quay về. Theo bạn cho biết là đã 7 năm chưa một lần trể hẹn. Thời gian chừng ấy năm so với vòng đời của một con người là tương đối ngắn, nhưng ở loài chim thì tôi đoán chắc phải dài lắm, biết đâu đã là ở triền dốc phía bên kia mất! Tôi nhắc cô bạn viết thêm về Tiểu Hoàng, về những thay đổi của cánh chim nhỏ và cả những chiêm nghiệm thiên duyên giữa chủ nhân khu vườn và nó. Phải có chi đó gọi là “quan liên” lạ lùng để Tiểu Hoàng cứ nằn nặc mỗi năm đầu thu lại bay về tổ cũ, đậu trên cành hót vang mừng nắng mùa chốn cũ vườn xưa. Lạ chưa, biết bao nơi để đến và để đi, sao Tiểu Hoàng chung tình dữ vậy! :). Bạn viết đùa hỏi lại tôi “Mai mốt có ai viết gì khi Tiểu Hoàng gãy cánh không hè!!!”. Chưa kịp trả lời thì bạn lai xoay qua một đề tài khác, một cái tên khác cùng mang chử Hoàng, đề tài liên quan đến âm nhạc một thời rất “hot” giữa những câu chuyện của chúng ta. “Phượng Hoàng gãy cánh”. Phượng Hoàng đây là ban nhạc Phượng Hoàng, gồm có 3 thành viên là Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang và giọng ca chính Elvis Phương. Ban nhạc trẻ này được thành lập đầu thập niên 70, với chủ trương sáng tác và trình diễn khác lạ so với dòng nhạc trẻ hiện thịnh hành tại Việt nam. Phương Hoàng chủ trương tự sáng tác và hát những bản nhạc của chính 2 thành viên Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang. Những bản nhạc mang phong cách Pop Rock có lời Việt, mang tâm tư Việt trong bối cảnh xã hội bấy giờ. Tuổi trẻ, tình yêu, tha nhân và hướng thượng.

Từ khi thành lập đến khi biến mất là đúng 5 năm (70-75). Mỗi thành viên biến theo một con đường khác. Kẻ bên kia bờ, người còn bên này. Bây giờ thì ca sĩ Elvis Phương đã ra đi và nay trở về, nhưng Lê Hựu Hà – Nguyễn Trung Cang thì đã gãy cánh theo nghĩa đen là trở về với cát bụi. Hai con chim Phượng Hoàng đã gãy cánh. Nhưng theo cảm nhận của chúng ta có lẽ Phượng Hoàng đã gãy cánh từ dạo ấy. Từ dạo chúng ta cũng mỗi người mỗi ngả, tan theo phận đời và phận nước. Những bài ca một thời bay lên vòm trời đầy tin yêu và sức sống năm nọ đã gắn liền chúng ta. Để bây giờ Phượng Hoàng gãy cánh thì chúng ta cũng đâu còn gì! Hôm nay tình cờ nhắc lại câu chuyện Tiểu Hoàng, cô bạn tôi đã gợi cho chúng ta nhớ về Phượng Hoàng, nhớ lại những bài ca quen thuộc tháng năm nọ. Bạn nhắn tôi hãy chia sẻ với ACE NH vài bài viết về 2 cánh Phượng Hoàng rực rỡ một thời đã gãy cánh. Hai câu chuyện cách nhau cả chục năm nhưng mang đầy tính bi thương tương tự.

Một thời đã qua mang theo tiếc nuối. Tôi vẫn còn nhớ, những năm cuối trước khi trường chúng ta không còn, ban nhạc của TTGD Nguyễn Hiền ngoài trình diễn nhạc Pháp còn chuộng hát những ca khúc của Phượng Hoàng. Tôi muốn, Mặt trời đen, Thương nhau ngày mưa…

Xin chia sẻ với ACE NH bài viết về hai con phượng hoàng Lê Hựu Hà – Nguyễn Trung Cang của nhạc sĩ Tuấn Khanh và nhà thơ Du Tử Lê (một nhà thơ lớn vừa mới đi xa).

***Tháng năm nghe Phượng hoàng gãy cánh

***Từ mưa trong nhạc Việt tới ‘Thương nhau ngày mưa’ Nguyễn Trung Cang

***Khi Nguyễn Trung Cang tự phỉ báng mình…

***Thân mẫu Nguyễn Trung Cang: Con tôi chết trong bệnh tật và nghèo khó

Gởi đến các bạn vài bài hát tiêu biều một thời của Phượng Hoàng:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *