Trưa Ngồi Ở Starbucks

    Trưa mùa hè tôi có thói quen hay ghé quán Starbucks gần chổ làm. Quán nơi đây có không gian khá yên tĩnh, thêm cách bài trí hài hòa mang lại cảm giác thật dễ chịu. Từ trong quán nhìn ra ngoài là một khoảng công viên với bải cỏ xanh mượt và những khóm hoa cúc vàng rực khi mặt trời chiều tới. Đang trưa, nắng từ bên ngoài xuyên qua kính cửa sổ rọi sáng mấy bức tranh lập thế treo trên nền tường có màu vàng nhạt xanh đọt chuối. Quán không xa chổ tôi làm mấy, để thả bộ mươi phút đi về cũng là một cách vận động nhẹ nhàng có lợi cho sức khỏe. Giữa cái thành phố sầm uất này mà tìm được một chổ ngồi yên tịnh như vậy thì thật hiếm hoi.

Mùi cà phê pha vị vanilla dậy thơm vừng đánh thức cả cái khứu giác cũng đang uể ỏi cần một giấc ngủ trưa như mình. Tôi chậm rải khuấy đều chiếc muỗng trong ly thủy tinh, và lắng tai nghe tiếng chạm của những viên đá va vào nhau kêu lên róc rách. Âm thanh nghe như tiếng dội lại từ chuỗi suy nghĩ không chủ đích của chính mình. Càng lúc càng rõ hơn. Càng lúc càng khép kín những mắc xích rời rạc. Chừng như đây là chuỗi âm thanh từ trong ký ức đang dần từng mảng từng mảng ghép lại. Vây kín tôi! Nhớ bao tháng năm qua. Nhớ những lúc đông vui gặp gỡ hay cả lúc buồn bã chia tay. Nhớ gia đình và những bữa cơm đoàn tụ tuy đơn sơ. Nhớ tuổi thơ có con diều bay trên bầu trời xanh ngát. Nhớ những người bạn mà mình đã từng yêu mến nay quá xa… Để rồi chợt hiểu ra rằng những gì ta muốn không phải sẽ là tất cả. Chọn lựa nào mà không mang theo cả ray rức!

Quán buổi trưa thường đông người. Tôi lơ đãng nhìn những vị khách vừa ghé xếp hàng chờ đến phiên mình chọn thức uống. Và chợt giật mình khi thoáng thấy một cô gái có gương mặt Á đông đẩy cửa bước vào. Nếu không định thần lại thì tôi cứ ngỡ Phượng vừa ngang qua trước mặt tôi. Phượng, cô bạn học từng có vài năm chung lớp với mình thời Đà nẵng. Tôi tò mò đưa mắt xét nhìn cô gái trẻ cho rõ hơn. Trông cô giống Phượng đến lạ lùng, từ vóc dáng hơi thấp-đậm người cho đến khuôn mắt tròn, cặp mắt đen to và ngay cả cái nốt ruồi nơi khoé mắt. Người giống người kỳ lạ. Nếu không còn khoảng cách thời gian hơn 30 năm kể từ lần cuối gặp nàng thì tôi đinh ninh chắc rằng Phượng đang đứng trước mặt tôi. Phượng bằng xương bằng thịt, vẫn với nụ cười duyên dáng và đôi mắt lung linh biết nói.

Cô gái trẻ không hề biết là có người đang theo dõi mình từ khi mới bước vào quán. Nàng thản nhiên đứng đợi và đưa mắt ngắm những bức tranh đầy màu sắc trên tường. Tôi lặng lẽ trộm nhìn, góc khuất bên kia che hết một nửa khuôn mặt nàng. Cô gái có mái tóc khá ngắn, mái trước được cắt ngang nên trông hơi bướng bỉnh. Tôi nhớ là Phượng cũng từng để mái tóc tương tự vậy. Cô chờ người nhân viên Starbucks làm thức uống cho mình xong, nói lời cảm ơn và đưa tay nhận lấy. Tôi thấp thỏm trông sao cô sẽ chọn một cái bàn gần mình để có cơ hội ngắm kỹ hơn. Nhưng không, cô vội vã bước về hướng cửa và đẩy nhẹ đi ra khỏi quán. Tôi hụt hẫng nhìn theo. Nắng bên ngoài hắt vào làm chói lòa cả mắt. Cô gái bình thản lái chiếc xe màu đó đi khuất.… Trong quán chỉ còn lại tôi và vài người khách đứng tuổi. Tâm trí tôi vẫn cứ miên man nghĩ mãi về cô gái có vóc dáng Á đông vừa mới rời đi. Hay phải chăng tôi đang nhớ về Phượng! Nhớ cô bạn cũ từng một lần mình ghé thăm trước lúc bỏ đi xa. Phượng và ngôi nhà ngói xám trên đường Duy Tân. Ngôi nhà có khu vườn nhỏ phía trước và tấm bản mang số 44 treo trên cổng ra vào.

    …Một lần tình cờ tôi gặp lại Phượng dịp trở về Đà nẵng toan tính tìm đường ra đi. Hôm gặp nhau ngoài phố Phượng cứ nhắc khi nào có dịp nhớ ghé thăm nàng. Dường như suốt cả thời còn học chung lớp đến nay tôi chưa một lần đến chơi nhà Phượng, dù biết khá rõ về ngôi nhà của gia đình bạn. Nhà Phượng nằm khuất sau khu vườn nhỏ, trên con đường đầy bóng cây mà thường ngày tôi ngang qua để đến trường. Hôm tôi đến thăm Phượng mừng lắm. Vừa mời tôi ly nước nàng nữa đùa nữa thật cho rằng tôi lẩn thẩn đi lạc đến chớ có bao giờ bỏ thời gian đến thăm bạn đâu. Cách gợi chuyện của Phượng vẫn như ngày nào, tự nhiên thân tình dể tạo cho khoảng cách giữa hai người bạn lâu ngày không gặp trở lại gần gũi ngay. Phượng bao giờ cũng vậy, luôn quí mến bạn bè, ân cần trong câu chuyện ở mỗi lần gặp gỡ.

Ngồi rất lâu với Phượng trong vườn nhà nàng, kể chuyện nắng mưa thời học trò, chuyện kẻ đi người ở. Phượng vẫn với chất giọng huế không còn nguyên, nhẹ nhàng dể nghe khi pha lẫn âm hưởng quảng. Câu chuyện thật rôm rả dù chỉ có hai người bạn. Ngẩn nhìn Phượng nói tôi vẫn còn tìm được ở đó nét tinh nghịch dễ thuơng, chút lém lỉnh trên gương mặt. Tôi nhớ, Phượng thời đó tuy không phải là đẹp nhứt nhì lớp tôi nhưng cái duyên ngầm, cái tính dể gần gũi cũng làm bao anh chàng phải điêu đứng. Những năm thời trung học theo như lời Phượng thú nhận, thỉnh thoảng nàng vẫn nhận được vài lá thư “viết cho Phượng” trong hộc bàn. Nhắc lại những kỷ niêm vui đó làm Phượng không giấu nổi bồi hồi xúc động, gương mặt đỏ hồng bẻn lẻn. Tiếng cười của Phượng, của tôi làm xua đi cái không khí tỉnh mịch nơi góc vườn nhà nàng. Tiếng cười vẫn vang lên hồn nhiên như tình bạn thời đi học, vọng lại trong vắt như những mối tình chớm lớn, ngượng ngùng thuở cặp đôi nhau trong giờ học giờ chơi. Mùa hè vẫn chưa hề qua hết, ngập nắng vui trong vườn nhà Phượng.

Chiều sắp hết, tôi từ giã Phượng ra về. Phượng bảo tôi đợi nàng một lát. Nàng vào trong nhà đem ra chiếc hộp diêm nhỏ. Phượng ngồi sát bên và bảo tôi cầm một chiếc que diêm. Phượng cầm một chiếc que khác, châm lửa se sẽ đốt que diêm trong tay tôi. Nàng bảo để đoán xem tôi có số đi xa không. Que diêm trong tay tôi bừng sáng, cháy chầm chậm được nữa đường thi tắt ngấm. Nó chỉ còn yếu ớt âm ỉ ngầm cháy cho đến tàn tro. Phượng ngẩn lên nhìn tôi, giọng nàng trùng nhẹ đoán là số tôi sau này sẽ gian nan, nhưng an ủi rằng dù sao tôi cũng sẽ đến được nơi mình muốn đến. Gương mặt Phượng trông nghiêm trang tin tưởng vào điều nàng tiên đoán lắm. Tôi cười bảo, thế nào cũng có ngày tôi tìm gặp lại Phượng để cho biết tính chính xác của quẻ xăm bằng diêm mà nàng vừa đoán vận mệnh cho tôi. Cả hai cùng cười ròn rã, Phượng tiển tôi ra tận cổng… Để rồi vài hôm sau đúng là tôi đi xa thật. Để thời gian cứ vùn vụt trôi và như lời Phượng đoán đời tôi đã trải qua y chang như những gì nàng phán hôm đó. Tôi vượt biên thành công, đến được chốn bình an nhưng bao năm cuộc đời chẳng suôn sẻ gì, cứ sập sình nổi trôi mãi…

Vậy mà đã hơn 30 năm kể từ lần cuối tôi gặp Phượng, tôi đi xa nhưng nàng còn trôi xa hơn cả đoạn đường gian nan tôi đã trải qua. Dù muốn tôi cũng chẳng còn có cơ hội nào để một lần nữa gặp lại nàng. Phượng mất cũng đã hơn mười năm nơi thành phố cũ, trong ngôi nhà có khu vườn nhìn ra xa là bờ sông Hàn hai mùa mưa nắng. Thỉnh thoảng tôi vẫn hay nhớ đến Phượng. Và dĩ nhiên nhớ luôn cả chiếc que diêm cháy sáng chỉ được nửa đoạn đường. Tôi nhớ lời Phượng để mỗi khi thất bại hay buồn phiền mà tự an ủi mình:

“Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao.”(ND)

Những ngày lang thang nơi xứ người, những lúc mưu sinh cực khổ tôi vẫn mường tượng lại để thấy hai que diêm trong tay tôi, tay Phượng mãi còn cháy âm ỉ.

Tháng sáu một lần về lại Đà nẵng tôi đến thăm gia đình người cậu. Nhà cậu tôi cũng nằm trên đường Duy Tân cũ, đối diện khá gần nhà Phượng. Chiều đứng trong cửa sổ bên này nhìn sang bên kia. Nghĩ về Phượng, cặp mắt to đen, hay cười nói, dể thân tình. Hình ảnh Phượng và ngôi nhà của nàng vẫn còn thấp thoáng quanh đây. Tên đường Duy Tân, một vị vua yêu nước triều Nguyễn nay đổi thành Nguyễn chí Thanh, vị tướng công thần của chế độ đương thời. Sao nghe xa lạ quá! Hàng cây phượng hai bên đường nay biến mất, vài bóng xà cừ già cổi trơ trụi như ráng bám lại để tưởng nhớ một thời. Con đường ngang qua nhà Phượng bây giờ sầm uất khó còn cho trí nhớ tôi hình dung được. Nhưng trong trí tưởng tôi hình ảnh cô bạn cùng lớp mình từ bao giờ vẫn vậy, Phượng dễ thương gần gũi lắm. Tôi nhẩm hát mấy câu nhạc Trịnh mình vừa thoáng nhớ trong “Mưa hồng”:

“Em đi về cầu mưa ướt áo
Đường phượng bay mù không lối vào
Hàng cây lá xanh gần với nhau” (TCS)

Có lần tình cờ tôi được đọc một lời bình thật hay trong YouTube nói về nhạc của Trịnh công Sơn. Mỗi bản nhạc Trịnh là một lời kể về câu chuyện cuộc đời. Suốt chiều dài những bài hát của Trịnh ghép lại dường như chứa đủ cả những giai đoạn trong hành trình mà đời người trải qua. Sinh ra, lớn lên, biết chút yêu thuơng chút hẹn hò, rồi những thăng trầm để cuối cùng trở về với cát bụi. Trong “Mưa hồng” thì ta nghe đâu đó bàn bạc cả một lối về. “Em đi về cầu mưa ướt áo”. Nghe mà nghĩ đến Phượng ở một nơi thật xa cuối cuộc hành trình. Nơi ấy biết đâu vẫn có những chiều mưa mùa hè ướt đẩm hoa phượng bay. “Đường phượng bay mù không lối vào….”.

    Trưa hè phố Boston, từ quán Starbucks đường Lexington bên này tôi nhìn sang dãy nhà bên kia phía đối diện. Đà nẵng cũng vậy, trưa hè nhìn sang nhà Phượng dãy số chẳn phía bên kia đường Duy Tân. Khoảng cách rộng chừng hơn 30 năm, khoảng cách xa hàng chục ngàn cây số. Vậy mà sao tôi vẫn sờ tới được để như mới ngồi trò chuyện với Phượng lần cuối. Hôm qua. “Khi bạn rời bỏ một chỗ ngồi trong quán cà phê, trong công viên, trong một khu vườn…bạn sẽ thấy thì ra ở đó không chỉ là một nơi chốn, mà là những mảnh vỡ tâm hồn của mình đã rơi rụng”. Hết một buổi trưa ngồi Starbucks.

Boston 2020, viết lại một bài cũ
Trương Hữu Hiền

    *Có người bạn gởi email khuyến khích tôi viết bài để đăng lên trang web do người ấy làm admin. Tôi thú thật là dạo này đầu óc tù túng quá, có cố gắng cũng chẳng viết chi cho ra hồn, và thêm chứng cứ ngồi đâu lâu chút là nhắm mắt ngủ gà ngủ gật. Nên chỉ xin lấy một bài viết cũ, và sửa lại chút ít gởi cho thì dễ dàng hơn. Bởi vậy mới có bài “Trưa ngồi ở Starbucks” được xào lại bằng cách thêm một đoạn có tính cách hư cấu không dính dáng gì đến câu chuyện thật từ năm nọ cho câu chuyện mạch lạc đẹp hơn. Nếu có gì sơ xuất để bài viết không được ổn lắm thì xin lượng thứ cho tác giả.

Trong album những hình ảnh cũ NH có một tấm hình của Thúy Phượng hồi còn bé. Nhân đăng lại bài này tác giả xin kèm theo đây, xem như để nhớ đến một người bạn rất dễ mến đã đi thật xa.

*****


Trưa Ngồi Ở Starbucks (audio) | DĐ: Ngọc Hân

5 thoughts on “Trưa Ngồi Ở Starbucks”

  1. Anh viết hay quá , thật nhiều cảm xúc , có lẽ vì là kỹ niệm và rất thật với tâm trạng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *