Có Phải Em Mùa Thu Hà nội

   Có những chuyện xảy ra hôm nay, những tương giao rất mơ hồ mà trong lòng cứ thắc mắc mãi. Đôi khi tìm ra câu trả lời ngay, nhưng có khi nhiều năm sau đó, nhìn lại đoạn đường đã đi quá, những biến tấu từ đó mà chợt nhận ra trên đời chẳng có gì là tình cờ, mọi sự được tạo hoá sắp đặt hết sức tuyệt diệu, có nhân có quả, có trước có sau, có đến có đi, có chia ly có hội ngộ, có hợp có tan, có những thứ đã từng rất khó hiểu bỗng dưng trở thành rất hiển nhiên.

Vào thập niên 2000, có một anh Việt nam được nhận vào làm trong công ty của tôi. Một lần sau khi sửa máy tính cho tôi, biết tôi cũng là người Việt nam nên anh ta mừng lắm. Rảnh rỗi anh đến nói chuyện, rủ tôi đi ăn trưa. Gọi anh cho lịch sự chứ tôi nghĩ anh ta thua tôi cả chục tuổi. Chúng tôi vẫn xưng hô chị em với nhau. Có lần anh ta tặng tôi một cái CD của những ca sỹ Việt nam sau này hát. Vừa trao cho tôi anh vừa nói “ca sỹ bên Việt nam bây giờ hát hay lắm chị ơi!”. Lúc đó thú thật tôi không biết ca sỹ nào sau 75 cả. Tôi lịch sự nhận món quà cho anh ta vui. CD nhét một mớ bài hát cùng toàn tên ca sỹ lạ, nhưng tôi lại đặc biệt chú ý đến bài Có phải em mùa thu Hà nội do ca sỹ Hồng Nhung trình bày. Đã rất lâu tôi không thích hát những ca khúc viết về Hà nội mặc dầu có nhiều bài rất hay. Dù có học buông, học xả bao nhiêu, một góc nào đó trong tôi vẫn còn sân si, còn nhỏ mọn, dị ứng về thành phố này, dầu vết thương đã thành sẹo, nhưng còn nhói đau trong những khi trái gió trở trời. Vậy đó, mà không hiểu tại sao tôi yêu bài Có phải em mùa thu Hà nội này quá.

Tháng tám mùa thu lá rơi vàng chưa nhỉ?
Từ độ người đi thương nhớ âm thầm
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Tuổi phong sương ta cũng gắng đi tìm
Có phải em mùa thu xưa?
Có bóng mùa thu thức ta lòng son muộn
Một ngày về xuôi chợt ghé Thăng Long buồn
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Ngày sang thu anh lót lá em nằm
Bên trời xa sương tóc bay.
Thôi thì có em đời ta hy vọng
Thôi thì có em sương khói môi mềm
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Nghe đâu đây lá úa và mi xanh
Nghe đâu đây hồn Trưng Vương sông hát
Có chắc mùa thu lá rơi vàng tiếng gọi
Lệ mừng gặp nhau xôn xao phím dương cầm
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Nghìn năm sau ta níu bóng quay về
Ơi mùa thu của ước mơ.

Nhạc và lời hoà quyện với nhau mềm mại, tình cảm dịu dàng nhưng không kém phần say đắm ôm ấp bao ước mơ thầm kín, lại có chút hào hùng. Thời đó truyền thông mạng không phổ biến. CD không có tên tác giả nên tôi cũng không biết của ai. Tôi chép lời vào một tờ giấy, gấp làm tư bỏ vào xách tay, để thỉnh thoảng lấy ra đọc và hát nho nhỏ một mình.

Có một lần tôi đưa ba mẹ tôi ra ngoài ăn trưa thì gặp lại một bác bạn của ba mẹ tôi từ hồi còn ở Việt nam. Các cụ tay bắt mặt mừng chia sẻ thông tin cá nhân, lưu lại số điện thoại, nhưng không ai mang theo giấy bút. Tôi lục trong xách mãi cũng chỉ kiếm ra bài hát được gấp làm tư. Tôi đưa cho bác để ghi số. Bác hỏi :

_Giấy chi đây? Bác viết có được không?”

Không đợi tôi trả lời, bác lật ra xem rồi gật gù:

_Ồ, con cũng thích bài ni hả?

Tôi ngượng ngùng lí nhí dạ. Nhưng trong bụng nghĩ chưa chắc bác đã biết đến bài “Có phải em mùa thu Hà Nội”, vì thế hệ của ba mẹ tôi hầu hết chỉ thích nghe cải lương chứ không hề để ý đến tân nhạc. Sau khi bác viết lên và đưa lại tờ giấy, tôi cũng xé một mảnh nhỏ để ghi số nhà tôi cho bác. Bác nhìn tôi cười hóm hỉnh:

_Mai mốt hát cho bác nghe hỉ.

Tôi xấu hổ quá:

_Dạ con thấy hay nên chép ra thôi …

_Rứa con có biết tác giả là ai không?

Tôi lắc đầu:

_Dạ không tới.

Bác cười chúm chím:

_Trần Quang Lộc viết đó.

Tôi ngạc nhiên, thoáng chút nghi ngờ, không phải các cụ chỉ thích nghe cải lương thôi sao?

_Có phải cùng tác giả với bài Về đây nghe em không bác?

Bác gật đầu thay cho câu trả lời. Sau đó bác quay qua hàn huyên ôn chuyện cũ với ba mẹ tôi. Sau này tôi mới biết bác làm việc trong đài truyền thông, giao thiệp rộng rãi với giới nghệ sĩ và có một kiến thức phong phú về văn học nghệ thuật.
Ngày tháng trôi qua, tờ giấy nhạc cũng đã lạc đi nơi nao rồi. Cách đây ba năm tôi tình cờ đọc một bài viết ở trên mạng về xuất xứ của bài Có phải em mùa thu Hà nội. Ca khúc đã được tác giả Trần Quang Lộc phổ nhạc từ một bài thơ của thi sĩ Tô Như Châu, trong một lần gặp gỡ ở Đà Nẵng vào đầu thập niên 70. Điều bất ngờ là người chấp bút viết nên bài thơ và người phổ nhạc cho nó đều chưa một lần ghé chân đến Hà nội. Tuyệt tác phẩm được ra đời là kết hợp sự đồng điệu của hai tâm hồn cùng say mê bóng dáng “cô Bắc kỳ nho nhỏ” cùng xóm nào đó. Đúng là tình yêu nhiệm mầu, “yêu ai yêu cả đường đi lối về”, để có thể biến cái không biết thành cái biết, một nơi đầu não phát động nội chiến thành một thành phố thơ mộng, lãng mạn trong sắc màu của mùa Thu. Tình yêu không có tội. Họ yêu các cô Bắc kỳ chín nút. Tôi chợt thấy nhẹ cả người. Và tôi đã hiểu tại sao tôi yêu ca khúc này. Cuối cùng tôi cũng có thể hát một bài tình ca về Hà nội, để dù có sương có nắng có lá vàng rơi, vết sẹo nhỏ của tôi cũng nằm rất yên, không nhức nhối.

Như Hòe
Tháng sáu năm 2020

Tôi viết bài này để tưởng niệm nhạc sĩ Trần Quang Lộc đã vĩnh viễn ra đi giữa mùa đại dịch Covid 19, và giữa cái tháng không riêng gì nước Mỹ mà cả thế giới đang xuống đường đòi công bằng cho người da màu. Không thể biết chắc chắn được những ngày tháng sau này sẽ ra sao, nhưng có lẽ đây là cơ hội để mọi người trong chúng ta có thể quay trở lại với chính mình. Để học lại bài học chân thành, yêu thương, khiêm nhường, và tôn trọng lẫn nhau, không phân biệt màu da, tôn giáo, giới tính, giàu nghèo, cấp bậc xã hội hay cả tuổi tác. Cầu mong an lành đến cho mọi người vì an lành là nơi trú ẩn an toàn nhất của hạnh phúc.

*Vài bản nhạc của cố nhạc sĩ Trần Quang Lộc

3 thoughts on “Có Phải Em Mùa Thu Hà nội”

  1. Cám ơn chị Như Hòe đã chia sẻ ca khúc này , chị thả hồn vào bài hát rất tuyệt và nó càng thấm thía hơn với lời bình của anh Hiền . Rất mong được nghe thêm bài hát của chị

  2. Cám ơn Như Hòe đã chia sẻ cảm tưởng thật sâu sắc và đầy tính nhân văn trong bài viết về ca khúc Có phải em mùa thu Hà nội của nhạc sĩ Trần Quang Lộc. Cầu mong ông bình yên về chốn vĩnh hằng.
    Đồng ý với Như Hòe, thật hiếm có một bản nhạc nào nói về tình yêu mà vừa lãng mạn tuyệt đẹp lại vừa mang âm hưởng hào hùng nao lòng. Tình ca của cố nhạc sĩ thường không mang theo tính bi lụy, buồn nhưng không bi kịch hóa trong tiết tấu và ngôn từ xử dụng. Nó man mác…
    Có lẽ nhạc sĩ Trần Quang Lộc cũng thi sĩ Tô Như Châu, và những người trong vài thế hệ cận kề, trong tâm tưởng của họ vẫn ít nhiều ảnh hưởng văn chương nghệ thuật tiền chiến. Trong những tác phẩm đó vẫn luôn diễn tả Hà nội như là một tượng trưng cho thanh lịch, cho nét đẹp lãng mạn, nhất là về mùa thu. Bởi vậy một cô gái Bắc kỳ 9 nút phải có một nét đẹp như mùa thu Hà nội. Dù là nét đẹp của quá khứ nay đã đánh mất. Hai ông dĩ nhiên như chúng ta, dư biết rõ về một Hà nội chẳng còn kiêu sa lãng mạn đẹp như thời trước 54. Cũng như Sài gòn, Đà nẵng, Huế… sau 75.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *