Tôi Đưa Em Sang Sông

Hầu như mỗi nhạc sĩ khi sáng tác thường có một e nhạc riêng. Thoạt nghe một ca khúc, ở đây chỉ gói gọn trong nhạc Việt mình thôi, thì ít nhiều ta cũng có thể đoán được đó là sáng tác của ai. Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Nhật Ngân, Trầm Tử Thiêng… Trong những dấu ấn riêng rẽ đó, ngoài tính cách cá nhân ảnh hưởng đến, thì đặc thù vùng miền nơi xuất thân của người nhạc sĩ cũng ảnh hưởng khá nhiều. Bắc, trung, nam. Khi mà tập quán văn hóa, ngôn từ hay dùng, tính cách con người, rồi cảnh núi non, sông nước, nắng mưa thời tiết … chi phối đến phong cách sáng tác. Để rồi tạo nên một nét nhấn riêng của mỗi người không lẫn vào đâu được. Nghe nhạc họ Trịnh, dù ông có đi qua nhiều nơi vẫn bàng bạc chất Huế mềm mềm sông Hương, núi Ngự. Nghe Phạm Duy, dù bao năm vào nam vẫn còn phảng phất thu đất bắc, cảnh hồ Tây mùa lá rụng. Nghe Ngô Thụy Miên, dù đã tha hương hải ngoại vẫn thấy lao xao đâu đó một Sài gòn những cơn mưa mùa, dù che tay trong tay ngang phố. Riêng với những nhạc sĩ như Trầm Tử Thiêng, Nhật Ngân, dù bao năm rong rủi thì âm nhạc của họ vẫn còn đó chút gì mang âm hưởng vùng đất Quảng: thời tiết khắc nghiệt, con người tình cảm mộc mạc trong giọng nói, qua ngôn từ và cách hành xử…
Dĩ nhiên, người ở đâu sẽ có khuynh hướng ưu ái hơn cho những ca khúc của nhạc sĩ cùng địa phương mình. Dễ hiểu, vì chúng gần gũi tâm hồn họ. Bởi vậy, khi nghe nhạc của Nhật Ngân, Trầm Tử Thiêng hay Vũ Đức Sao Biển, Đynh Trầm Ca…, dù ngôn từ xử dụng không bóng bảy văn chương, giai điệu thì nhẹ nhàng đơn giản; nhưng dể làm cho một người xuất thân từ đất Quảng cảm nhận ngay được cái thấm đậm tình cảm chất chứa trong đó. Để mà yêu mến!… “Gót chân ngày xa xưa sợ lấm trong bùn khi mưa. Nàng đã thay một lối về, quên cả người trong gió mưa” (NG). Nghe là hình dung ngay được cái đặc tính người Quảng của hồn hậu nhưng cũng đầy lãng mạn…

“Tôi đưa em sang sông”.
Mỗi lần nghe bài hát Tôi Đưa Em Sang Sông của Nhật Ngân thì tự động trong trí tôi lại hiện lên hình ảnh chiếc phà sông Hàn trước ngày Đà nẵng có những cây cầu bắt ngang qua. Hồi đó chỉ cách nhau một con sông nhỏ thôi mà hình dung giữa quận nhất và quận ba là hai vùng đất cách xa nhau lắm. Không phải khoảng cách địa lý mà chính là khoảng cách tâm lý làm chúng ta tưởng vậy. Bên này và bên kia. Quận nhất và quận ba. Phân chia rõ ràng trong tâm trí mình. Bởi vậy mới có câu nói đùa mà mỗi lần nghe vừa thấy vui lại vừa thấy áy náy xúc phạm. “Con gái quận ba bằng bà già quận nhất”. Lối so sánh ác ý như mặc định nhan sắc của những cô gái bên này khác hẳn với bờ bên kia. Và, dù biết chỉ là những lời nói đùa nhưng mình cũng phải ngờ ngợ mà tin vậy.
Nhưng sau 75, có dịp đi chơi xa hơn là chỉ lòng vòng trong trung tâm thành phố, tôi mới khám phá ra rằng quận ba và cả quận nhì nhiều nơi có những cô gái rất xinh xắn. Nhất là ở những xóm đạo, khi đa phần người dân các nơi khác di cư đến. Từ miền Bắc đến năm 54, hay sau này từ ngoài Quảng trị di cư đến vì biến cố mùa hè đỏ lửa 1972. Vậy là từ đó trong trí mình đã bớt đi phần nào cái định kiến “cô gái-bà già” có từ bao năm. Thỉnh thoảng tôi còn háo hức theo mấy ông bạn đạp xe lang thang qua tút quận ba “hóng mát” 🙂 .

Bây giờ thì chắc quận ba cũng đã là phố xá lộng lẫy như phía bờ tây rồi. Câu nói đùa “Con gái quận ba bằng bà già quận nhất” chắc không còn ai thật sự nhắc đến, ngoại trừ mấy ông bạn tuổi cở tôi, thỉnh thoảng gặp nhau hay đùa như để tìm lại niềm vui một thời “trẻ trâu”. Chừng tuổi này, đôi khi nhìn lại quá khứ tựa những vệt nắng thu soi rọi trên bức tường, vàng lung linh đẹp đó, nhưng cũng nhuốm thêm một chút buồn, như ray rức, như áy náy khi ta nhớ đến một điều nào hơi nhẫn tâm của chính mình bao giờ…

Trương Hữu Hiền

Tôi đưa em sang sông, chiều xưa mưa rơi âm thầm
Để thấm ướt chiếc áo xanh, và đẫm ướt mái tóc em
Nếu xưa trời không mưa, đường vắng đâu cần tôi đưa
Chẳng lẻ chung một lối về mà nở quay mặt bước đi
Tôi đưa em sang sông, bàn tay nâng niu ân cần
Sợ bến đất lấm gót chân, sợ bến gió buốt trái tim
Nếu tôi đừng đưa em, thì chắc đôi mình không quen
Đừng bước chung một lối mòn, có đâu chiều nay tôi buồn
Rồi thời gian lặng lẽ trôi,
Đời tôi là chiến binh đi khắp phương trời
Mà đời em là cánh hoa,
Đẹp muôn ngàn ý thơ, như ngóng trông chờ
Hôm nao em sang ngang, bằng xe hoa thay con thuyền ?
Giờ phút cuối đến tiễn em, nhìn xác pháo vướng gót chân
Gót chân ngày xa xưa sợ lấm trong bùn khi mưa..
Nàng đã thay một lối về, quên cả người trong gió mưa

9 thoughts on “Tôi Đưa Em Sang Sông”

  1. Cám ơn anh Hiền về bài viết rất sống động. Lời văn gần gũi tạo cho độc giả cảm giác đang ngồi hàn huyên với anh. Từ âm nhạc sang những giai thoại khôi hài ,mà 1 người nếu không được lớn lên ở ” đất Quảng ” như em ,thì không biết, rồi phong cảnh sông Hàn đã được anh Hiền dùng cách khéo léo để gói ghém kỷ niệm 1 thời chốn quê nhà. Chất giọng người xứ Quảng khi đưa em sang sông trong phần ” minh họa ” rất nền nã, e rằng nếu nghe được ” nàng ” đổi ý không sang ngang nữa. . . .
    Thu Châu (bạn Sương)

    1. Cảm ơn Thu Châu đã đọc và viết comment cho bài Tôi đưa em sang sông. Qua lời viết thì chắc bạn không phải người xứ Quảng, vậy càng hân hạnh hơn khi được có dịp giới thiệu những đặc điểm về con người xứ tôi, cũng như những nhạc sĩ tài hoa có xuất thân từ đây. Rất vui và cảm ơn Sương đã giới thiệu bạn bè đến với trang nhà trường mình. Mong Thu Châu thỉnh thoảng vào đây đọc và nghe những tác phẩm của ACE TTGD Nguyễn Hiền! Và cũng đừng quên tham gia, viết hay hát chi đó để gửi cho admin ở địa chỉ ttgdnguyenhien@gmail.com nhé. Rất mong!
      Chúc Thu Châu và gia đình luôn được an vui.
      Hữu Hiền

  2. Anh Hiền viết hay quá! Như cái thuở nào xa xưa ấy, anh đã từng áy náy, day dứt… mà rằng mình có chút nhẫn tâm khi tiễn ai đó sang sông ? ( Em đoán tầm bậy mờ có khi trúng tùm lum cũng có anh H ha)
    Đà Nẵng đang mùa mưa lũ, con sông Hàn đẹp êm đềm như dãi lụa xanh vắt ngang qua thành phố, mấy hôm nay lại cuộn sóng, đục ngầu. Chuyến đò ngang đưa em sang sông giờ tìm đâu thấy? 😔

    1. Tiễn ai đó sang sông thì không phải áy náy, ray rứt mà là rơi rụng (tim), rươm rướm (nước mắt) chớ PĐ hè 🙂
      Những thành phố đẹp thường có con sông chảy ngang qua, và khi ta nhớ về thành phố đó thì con sông là một hình tượng gợi nhớ nhiều nhất. Nhớ Đà nẵng là nhớ đến dòng sông Hàn và những kỷ niệm với bạn bè. Con trai như anh thì mùa hè dám cả bông nhông tắm sông, hay nhảy xe đạp qua phà tắm biển Mỹ Khê. Mùa mưa bão thì rủ bạn xuống bờ sông nhìn trâu bò, nhà cửa đang trôi theo dòng nước chảy xiết. Những lúc đó thì được thỏa trí tò mò, nhưng tự dưng cũng buồn buồn thương cảm vì liên tưởng đến cuộc sống vừa cực khổ vừa đầy hiểm nguy cùa người dân vùng quê xa xôi…
      Hôm trước đăng bài “Tôi đưa em sang sông” thì lại tình cờ trúng ngay mùa mưa bão làm kém vui hỉ! Ngóng bài viết mùa mưa bão quê nhà của PĐ và lớp 6 đây! 🙂

  3. HHiền, “tôi đưa em sang sông” Thành không biết nghĩa bóng của ông Nhật Ngân là như răng. Nhưng nghĩa đen là tiễn em quận 3 về nhà. Chắc em quận 3 đẹp lắm nên ông ta mới thổn thức như rứa. Nếu Hiền hiểu sớm thì khỏi chờ sau 75 để chạy xe đạp qua quận ba 😁. Thành rời Đà nẵng sớm quá, lúc đó chỉ ham bắn bi nên không có kỹ niệm yêu đương nhiều. Giờ đây chỉ coi bài viết của bà con để yêu ké.

    1. Hi Thành. Thì rứa, hồi trước 75 chỉ biết đạp xe chạy qua Mỹ Khê tắm biển xong đạp về. Uổng há 🙂

    1. Cám ơn Điệp khen. Làm ngượng :). Hiền lại thích văn của mấy o NH, đọc thấy nhẹ nhàng, dễ thương. Hứa viết tiếp thì phải giữ lời nghe!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *