Thung Lũng Thác Đổ

Làng tôi có tên rất nên thơ: Thung Lũng Thác Đổ (Canyon Falls Village). Nằm trên một quả đồi trong thung lũng phía Bắc sông Mỹ Giang (American River Canyon North), làng tôi có vẻ đẹp hiền hòa như một cô gái đồng quê e thẹn giữa các cô gái rực rỡ cuả chốn phồn hoa đô thị Sacramento, thuộc tiểu bang California. Làng Thác Đổ tuy nhỏ nhắn khiêm nhường nhưng hên là ở cạnh khu nhà giàu lâu đời của Phố Sớm (Folsom) nên được ké phong cảnh hữu tình chung quanh. Từ làng tôi đi bộ 2 dặm về huớng Nam là ra bờ sông Mỹ Giang (American River), 3 dặm về phía Bắc là hồ Phố Sớm (Folsom Lake). Đi đâu cũng thấy nước nên tâm hồn thư thái, cái gì cũng thấy đẹp. Và đặc biệt là tên những con đường quanh đây đều rất nhẹ nhàng nên thơ không kém.

Lúc còn làm việc ở sở, từ phố núi chạy xe về nhà, tôi thường đi qua đại lộ Em Đỗ Ra Đồi (El Dorado Hills Boulevard) thay vì đi xa lộ 50. Đường này tôi đặt theo một người chị họ Đỗ, một ngày đẹp trời tôi lái xe trên con đường yên tỉnh đó, nhìn bên trái thấy một chiếc Benz phóng xuống ven đồi nhanh như chớp. Tôi quá ớn, vì tính tôi nhát gan hay lái xe chậm rãi, bèn rẽ ngay vào lề bên phải cho Em Đỗ đó ra đồi cho lẹ. Cuối đường này là quẹo trái sang một đường ngoằn ngoèo mang tên rất mộng mơ: Thung Lũng màu xanh (Green Valley Road). Vừa băng qua cầu vượt của đường mòn Johnny Cash, ông vua dòng nhạc quê hương nổi tiếng thưở xưa đã đến hát giúp vui cho nhà tù liên bang tại đây. Đó là nhà tù Phố Sớm (Folsom Prison), nằm sau lưng ven đồi, chung quanh giăng đầy kẽm gai, nhìn ra một bên là sông một bên là hồ thật là thơ mộng. Tôi hay phân bì sao ở tù gì mà sướng vậy, chung quanh toàn là cảnh đẹp thì chồng tôi hay khuyên tôi “không nên ganh tị, trong tù làm gì có cửa sổ để mà ngắm cảnh”. Ừ hè, chồng tôi đã từng ở tù vì tội vượt biên nên biết rõ, nói chắc đúng. Đi một đoạn ngắn, nhìn bên trái thấy mặt nước hồ êm ả. Xong hồ thì đến Đập Đá (Folsom Dam), khi nào mưa nhiều thì mấy cửa đập này thoát ra bao nhiêu màn nước trắng xóa. Thả ga xe từ từ ngang qua cây cầu bắt qua sông Mỹ Giang là biết sắp đến làng tôi rồi đó. Nếu đi về hướng xa lộ, rẽ vào những đường nhỏ Phố Sớm (Folsom, thành phố lập nên rất sớm ở Bắc California để những người đi tìm vàng trao đổi mua bán từ năm 1849), vừa qua cầu vồng Móng Trời (Rainbow Bridge) thì cũng biết là sắp về đến nhà. Quẹo vào đại lộ Cây Sồi (Oak Avenue), qua nhiều vòm cây bóng mát là bắt đầu lên dốc đường vào làng tôi: Thung Lũng Bắc Mỹ Giang. Đường vào làng tôi đẹp tuyệt, hai bên hai hàng cây hoa lê, mùa xuân nở trắng xóa và khi thu về thì lá vàng rụng đầy triền dốc. Vừa đến cuối dốc đường này là sừng sững ngay phía trước một thác nước đổ từ trên cao rất cao. Tuy là thác nhân tạo nhưng tôi vẫn thấy đẹp hùng vĩ nhờ hai làn nước trắng xóa chảy xuống hai bên bờ đá cao cao trông hài hòa vui mắt. Lâu lâu tôi dừng xe ngay dưới hai làn thác đổ, mở kính xe nghe tiếng nước chảy xiết từ trên cao. Ngồi im một chốc cảm thấy bao bực bội tan theo giòng nước. Tiếng thác reo ào ạt đối với tôi nghe như tiếng nhạc rộn ràng chào đón tôi về nhà dốc mơ sau một ngày đi làm bị lính la, hay mình la boss.

Vừa qua cổng làng, bên trái có cây anh đào mùa xuân hoa nở rộ như pháo bông, mùa hạ lá xanh, mùa thu lá vàng chen màu lá đỏ lá cam. Bên phải là một khu công viên sinh hoạt chung, ngay chính giữa có một sân đình. Đình làng chỉ có bốn cột trụ và mái nhà, không tường không vách, nên nhìn rất thoáng. Suốt ba mùa hoa nở đầy sân, đẹp nhất là mấy cây hồng tử vi đỏ rực một khoảng trời suốt mùa hạ. Tôi thường gọi đó là mái đình làng Thác Đỗ (dấu ngã), vì tôi hay tổ chức tiệc tùng ở đây cho Đỗ gia. Năm ngoái tiệc tân khoa cho con gái út treo đầy lồng đèn đủ màu sắc rực rỡ quanh mái đình, “cả làng ra xem” cứ như là họ đi xem cô “thắm” Mơ về làng vậy. Qua khỏi sân đình, quẹo phải hai lần là đến dốc mơ nhà tôi.


Xóm nhỏ nên nhà cũng nhỏ, rất khiêm nhường so với nhà tôi trước đây ở phố núi El Dorado Hills. Lúc mới dọn về đây, khi bạn bè hỏi nhà mới dọn về rộng bao nhiêu, chồng tôi luôn hỏi lại: “À, anh/chị/em/con hỏi diện tích trước khi treo cái gương lên phòng khách, hay sau khi treo? Nếu sau khi treo thì thấy thêm được 200sq ft cho phòng khách, còn không túp lều nhỏ xíu hà!”. Nhà nhỏ vậy nhưng con cái, em út tôi vẫn thường xuyên ghé về, và vẫn tiệc tùng tưng bừng như lúc ở nhà cũ rộng hơn gấp 3 lần. Có nhiều hôm lễ lạc họp mặt, Đỗ gia nằm sắp lớp la liệt như trại tỵ nạn, vợ chồng tôi cùng vài cặp khác phải chạy ra khách sạn ngã lưng qua đêm nhường dốc mơ cho đám trẻ. Phía trước nhà tôi có một cây chanh vàng mơ rất sai quả, là nguồn cung cấp chanh cho cả làng này. Hàng xóm trong làng hay dừng xe hoặc dừng chân tán dóc và xin hái chanh. Từ đó vợ chồng tôi được quen biết nhiều gia đình xóm này. Làng tôi có khoảng 100 căn nhà thôi, phần đông là dân về hưu, rất nhiều nhà chỉ có một người cư ngụ. Phần còn lại là những đôi vợ chồng son, hoặc có con nhỏ. Đi một vòng quanh làng, chỉ có ba con đường thôi, đâu đâu phía trước nhà hoa cỏ đều gọn gàng tươm tất. Luật lệ trong làng hơi chặt chẽ, xe không được đậu bên lề đường nên chòm xóm tuy nhỏ nhưng nhìn rất thoáng. Lâu lâu đi bộ ngang nhà một cô International Concert pianist ở cuối xóm, nghe tiếng dương cầm của cô réo rắt, âm vang cả một góc làng. Lúc mới có lịnh giới nghiêm vì dịch Covid-19, tôi thường hay đi bộ và dừng chân ngang nhà cô ta, tai nghe cô luyện đàn, mắt thì nhìn qua song cửa của cổng dành riêng cho người đi bộ, thấy dưới kia phố xá đại lộ Cây Sồi vắng tanh. Bâng khuâng không biết khi nào mới được tung tăng bay nhảy. Những lúc đó tiếng đàn của cô nghe như nức nở, tràn đầy tâm sự bị cấm cung. Cạnh sát nhà cô là bà V, ở một mình, một hôm thấy vợ chồng tôi đi bộ ngang qua, chận lại làm quen. Câu đầu tiên V hỏi chúng tôi là người gốc gác ở đâu, và khi biết bà ta ôm chầm mừng rỡ. Bà đem hình khoe con dâu Việt Nam vừa đẹp vừa ngoan vừa giỏi, đang du học ở Seattle. Bà than chính sách ông tổng thống làm khó dễ giấy tờ bảo lảnh cô con dâu cưng. Nhìn hình thấy con dâu VN quá xinh bên cạnh con trai bà, tôi thấy anh Mỹ này quá hên! Bà V hay kể con dâu bà nấu phở ngon lắm, và hỏi tôi có thường hay nấu phở không. Tôi tự tin bảo: “But of course, and I have to warn you. My Phở gà is second to none, according to my 2 daughters”.

Ngồi ở bàn ăn bên bếp hồng dốc mơ, nhìn ra góc đường chéo bên kia là tổng hành dinh làng Thác Đổ. Tôi đặt tên đó vì mỗi chiều hai vợ chồng Ch và K hay ngồi ngoài mái hiên, tụ họp thêm một vài nhân vật VIP trong làng. Đối diện nhà này là nhà của D và L; L hiền lành nói năng nhẹ nhàng thật thích hợp làm cô giáo lớp vỡ lòng. Anh chồng là chủ tịch ban chấp hành Hiệp Hội Chủ Nhà (HOA). Dân VIP thường hay tập họp ở đó, toàn là ông Tổng bà Nghè, thầy Thông cô Phán trong làng. Bởi vậy lâu lâu tôi cử chồng tôi chạy sang, đem gỏi cuốn, chả giò, kem flan, bánh chuối… gọi là góp vui văn nghệ. Có hôm còn đem phở gà qua nhà ông Tổng nữa! Vừa được đồ ăn ngon, vừa nghe chồng tôi xí lô xí là chọc cười, mấy quý vị VIP mê quá, nhất là quý bà. Quý bà trong ban cây cỏ luôn hỏi han: You cần gì thì nói chúng tôi biết nghe, sân trước sân bên, cỏ dại cỏ úa mà họ chưa dọn kịp nhớ báo tôi biết…Thì ra ở đâu quen lớn cũng lợi cho mình cả. Trong nhóm VIP có bà làm thủ quỹ cho Hiệp Hội, nghe nói lúc trước là giám đốc nhà băng, còn trẻ măng mà đã về hưu là Madame C. Madame sinh ra và lớn lên ở Pháp nên nói tiếng Tây như gió. Tôi bèn rủ Madame đi bộ mỗi tuần để luôn tiện học lại tiếng Pháp, tôi bỏ lâu rồi nói năng cứng lưỡi. Madame sốt sắng chịu liền. Khổ một nỗi Madame là týp người mạnh mẽ, biết nhiều nên nói nhiều, không cho tôi có cơ hội hỏi han, nên tôi chỉ nghe thôi mà không được nói. Tôi hay than với chồng là tưởng đi học lớp Pháp Văn đàm thoại, nhưng toàn là Madame độc thoại không à! Chồng tôi bảo: “Thôi, nghe lại tiếng Tây mà hiểu nhiều là hay lắm rồi.” Chồng tôi đúng là luôn luôn suy nghĩ theo lối tích cực. Tôi thấy chồng nói đúng nên ứng dụng phép “nghe trước, nói sau”. Sau vài tháng đã nghe lại tiếng Tây rành rọt hơn rất nhiều, chờ đến khi đi Paris trở lại thì sẽ nói được sau 3 ngày là quen thôi.

Nhà trong làng xây gần nhau nên xóm giềng cũng gần gũi không kém. Thỉnh thoảng bếp núc thiếu gì, tôi chạy qua nhà đối diện xin là có ngay, có khi ông ta đem cho nguyên một gói đường còn nguyên si chưa khui. Có điều thiếu nước mắm thì vô phương! Còn vầy nữa chứ: một hôm chiên cơm mà tôi hết hành, gọi sang nhà bên là nhà hai mẹ con ở hai nhà riêng nhưng sát nhau, cách nhau một hàng dậu và một hàng rào! Cô con gái không có, chạy sang nhà bà mẹ, sau đó đem cho tôi nữa quả hành tây mà xin lổi rối rít, nói cô ta cũng hết hành tây, và còn hỏi “Tí nữa tôi ra chợ, you muốn tôi mua dùm không?” Tình cảm láng giềng thắm thiết như vậy là cùng! Hai mẹ con cô này hay hỏi thăm về hai con gái tôi. Một ngày đẹp trời bèn nói thẳng: “Tôi muốn làm xui với you đó; tôi hỏi hộ cho con trai/em trai của tôi”. Ôi Trời! Nhớ có lần nghe Madame (chơi thân với hai mẹ con cô này) méc là anh đó đại gia lắm, nhưng tôi thấy không được đâu. Làm xui gia mà ở gần nhau thì xui chết!

Có hai điều làm tôi thương xóm làng tôi vô kể. Đó là hai cháu ngoại của ông bà hàng xóm nhà đối diện. Ông bà hay cho tôi sữa, trứng, đường và bơ khi tôi làm bánh mà hay thiếu hụt. Hai em đẹp trai tóc vàng mắt xanh, đứa 4 tuổi rưỡi tên là Zephyr và đứa 2 tuổi rưỡi tên là Ukiah. Tên hai em lấy từ địa danh nổi tiếng, nghe rì rào như hang gió (Zephyr Cove) của đồi núi Lake Tahoe và sâu thăm thẳm của thung lũng (Ukiah) vùng biển Mendocino. Tôi dọn về đây khi Ukiah còn trong bụng mẹ. Lúc ấy vì bố em hư hỏng nên mẹ em đem con về ngoại, chưa đầy 24t mà đã làm mẹ đơn thân. Đúng là vợ chồng tôi bị tiếng sét tình yêu ngay phút đầu gặp gỡ. Khi Ukiah còn nhỏ mẹ em bận bịu, thường gửi Zephyr sang nhà tôi chơi. Z thích ăn cheese nên tôi đặt tên VN là Củ Chi. Củ Chi năng động và hiếu động, nhưng rất ngoan và biết nghe lời. Duy có điều là mỗi lần sang chơi thì không chịu đi về. Ông bà hay mẹ sang đón thì chạy trốn quanh nhà. Chúng tôi phải dùng đủ cách mới thuyết phục được em đi về: “Zephyr, do you want Ông Trẻ to take you home or Bà Trẻ? Do you want to walk home or piggy ride? 5 more minutes and then whom do you want to take you home?” Lúc nào Củ Chi cũng đòi ngồi trên vai trên cổ ông Trẻ, hoặc bắt bà Trẻ cõng về. Thật tội nghiệp cho hai thân già chúng tôi! Củ Chi ăn gì cũng đòi dùng đũa, macaroni and cheese mà cầm đũa gắp, dễ thương cực kỳ. Đũa thường khó gắp, tôi mua training chopsticks đủ màu, lâu lâu lấy màu hồng ra đưa thì Z cười nắc nẽ, lắc đầu không chịu. Củ Chi phát âm tiếng Việt có dấu rất rõ ràng. Em gọi Ông Trẻ/Bà Trẻ, chữ “Trẻ” nhấn rõ dấu hỏi, nghe réo rắt vui tai. Củ Chi thông minh và giỏi khoa ăn nói. Mùa hè chiều chiều ông ngoại hay ông Trẻ dẫn ra ngoài chơi, ai đi ngang cũng dừng xe dừng chân nói chuyện, vì em mình quá thân thiện vui vẻ. Em rất có duyên nên trong làng nhiều người biết đến. Mới chưa đầy 5 tuổi mà đã có gái 11 tuổi trong xóm đạp xe đến bấm chuông nhà ông bà ngoại không có, rồi sang bấm chuông nhà ông bà Trẻ nữa! Bà Trẻ nói: “Củ Chi này mai mốt là có bồ sớm nhất và nhiều nhất làng này!” Ông Trẻ hỏi lại: “Mai mốt? Đợi gì mai mốt, bây giờ đã có cougar girl đến nhà rủ rê rồi kìa!” Chơi với ông ngoại thì hay Z làm handy man trong garage, ông ngoại cái kềm thì Z cầm cái búa, đục đục dũa dũa. Ông ngoại hay cho ra công viên chạy nhảy hay đạp xe quanh xóm cho mệt nhừ để tối về đi ngủ sớm. Qua nhà ông bà Trẻ thì Củ Chi được cưng chiều ôm ấp. Lúc nhỏ hay chơi trò trốn tìm nhưng ông bà Trẻ mệt quá nên từ từ đổi sang chơi những trò đố em/em đố, đố toán, đố tìm (I spy). Chơi đố với Củ Chi cứ để em thắng thì em vui suốt buổi, không than phiền chi. Củ Chi rất sáng dạ, báo hại ông bà Trẻ phải nặn óc nghĩ ra nhiều trò chơi. Khi Z về nhà thì ông bà Trẻ mệt phờ người, tối đó cũng ngon giấc như Z. Z nói chữ ‘L’ còn bị ngọng, phát âm thành chữ ‘Z’, giống chị Mơ lúc nhỏ. Z hay ôm bà Trẻ nói:
Z: Bà Trẻ, guess what?
Bà Trẻ: What, Zephyr love?
Z: I zove (love) you 141!
Bà Trẻ: I love you 199, Zephyr.
Z: But Bà Trẻ, I zove you one thousand, and I zove Ông Trẻ one thousand too!
Bà Trẻ: Ahhhhh, thank you Zephyr. I love you one thousand too!
Và mới tuần này, khi chúng tôi vừa mở cửa garage, Củ Chi phóng ngay qua nhà, xòa vào ôm và âu yếm nói: Bà Trẻ, guess what? I zove you one hundred thousand one hundred (100,100). Ôi chết tôi, yêu gì mà đến hơn 100 ngàn lận, nhiều vậy Củ Chi ơi?

Còn Ukiah? Người yêu bé bỏng của ông bà Trẻ thích ăn chuối nên gọi là Củ Chuối. Ông bà ngoại đang đốc thúc mẹ em đi học để làm lại cuộc đời nên hết mực giúp đỡ cho con gái. Khi mẹ em đi học xa nhà mấy tháng, ông bà ngoại và ông bà nội (ở làng nhà giàu trên đồi, kế bên làng này) chia phiên nhau giữ cháu. Ông bà ngoại còn đi làm, nên trong tuần vừa làm ở nhà vừa giử cháu 3 ngày, còn 2 ngày đem sang nhà nội. Bà ngoại giử em ngày thứ tư và rất hay dụ Ukiah đứng sau rèm cửa gọi ông bà Trẻ ơi ới. Cho nên ngày thứ tư là phiên ông bà Trẻ giử Ukiah, bà ngoại vừa làm vừa giử Zephyr. Ukiah mỗi thứ tư một tay cầm tả, một tay cầm sữa chạy qua nhà tôi đập cửa, có bà ngoại đứng ngoài song cửa nhà bà canh chừng. Khi bà Trẻ tay bế em tay đóng cửa thì bên kia bà ngoại cũng khép cửa rất nhịp nhàng. Bà Hillary Clinton lúc xưa nói: “It takes a village” để nuôi dưỡng một đứa trẻ. Tôi thì thấy trường hợp của Củ Chi và Củ Chuối là: “It takes two villages”. Hai ngôi làng, một người mẹ, ông bà ngoại, ông bà nội và thỉnh thoảng có ông bà Trẻ phụ vào. Hai em không thiếu tình thương, chỉ thiếu một thằng tía thôi! Bồng bế Củ Chuối từ lúc em 2-3 tháng, lúc còn chua mùi sữa. Hình như mẹ em bận quá không giữ em thơm tho như chị Tơ chị Mơ hồi xưa. Mỗi lần qua nhà điều đầu tiên là Ông Bà Trẻ bắt đi rửa mặt mũi tay chân. Củ Chuối nghe nói “Chua quá” là chạy ngay vào bồn rữa mặt chờ sẵn. Sạch sẽ xong Củ Chuối thường đưa chân cho ông bà Trẻ hôn. Củ Chuối được bà Trẻ cưng như cưng trứng, được ông Trẻ hứng như hứng Ukiah vì chạy nhảy leo trèo hay ngã, và ông Trẻ hay chộp nhiều cú rất đẹp. Ukiah có vũ khí lợi hại lắm, đòi gì không được em không ăn vạ, nhưng hay cuối đầu xuống nhăn mặt tỉ tê, rất ăn hiếp tôi. Cả Ukiah và bà Trẻ đều thích sách của Erick Carle, và thích nhất là cuốn: Brown Bear, Brown Bear, What do you see? Giống y chang chị Tơ chị Mơ ngày xưa. Cũng may là Zephyr hay nói: “I don’t zike (like) books”; bà Trẻ chỉ cần mua cho em hắn thôi, chứ không Bà Trẻ mau hết tiền. Củ Chuối cũng mê xem Baby Einstein music videos nên em biết hát trước khi biết nói. Lúc trước Củ Chuối hay nói từng chữ một, nay đã biết nói 3-4 chữ dài hơn rồi. Nhưng vẫn tự xưng mình là: Kiah (thay vì Ukiah). Qua nhà tôi hay nói: Kiah happy! Kiah happy! Củ Chuối nói tiếng Việt từ khi tập nói nên hiểu nhiều tiếng Việt hơn anh mình. Khi nào qua nhà cũng: cụng đầu, chân chua, rữa mặt, rữa tay, đi vất rác vv và vv. Ukiah nói tiếng Việt không có dấu, y hệt Mỹ con. Mẹ em kể tối ngủ có hôm Ukiah nằm mơ, nói gì mẹ em không hiểu nhưng lâu lâu nghe: “Tuan, Vinh, Ong Tre, Ba Tre” thì mẹ em biết là em đang nằm mơ bằng tiếng nước người.

Củ Chuối rất mê ăn cơm với xì dầu. Sáng trưa chiều tối lúc nào qua nhà cũng đòi ăn cơm. Bà Trẻ hay cất sẵn cơm chiên trong tủ đông, khi cần là có ngay. Hôm nào hết cơm chiên chỉ cần bỏ chút bơ vào cơm chan chút xì dầu là Củ Chuối cũng ăn ngon lành. Sau đây là mẫu đàm thoại song ngữ của Ukiah và Bà Trẻ khi mới 9 giờ sáng:
Ukiah: Kiah happy! Kiah happy!
Bà Trẻ: Kiah wants banana chuối or apple táo?
Ukiah: No! Rice!
Bà Trẻ: Hmmmm… Kiah, how about croissant or bagel?
Ukiah: No! Rice!
Bà Trẻ: OK Kiah, rice it is. Kiah ăn cơm. What’s the magic word, Kiah?
Ukiah: Rice, please!
Đúng là con nhà Việt Nam, mới sáng ra đã ăn cơm. Và khi đút cơm với xì dầu cho hắn thì:
Ukiah: Kiah happy! Kiah happy!
Bà Trẻ: Kiah happy? Rice good hah? Cơm ngon quá!
Ukiah: Yeah. Kiah happy! Rice good.
Bà Trẻ: Rice good hah? Kiah say: “Cơm ngon quá”
Ukiah: Rice good, super duper yummy!
Bà Trẻ: Kiah, please say: “Cơm ngon quá”
Ukiah: Com ngon qua.
Bà Trẻ: Kiah, say: “Cơm ngon quá Bà Trẻ ơi”
Ukiah: Com ngon qua. Ba Tre oi!

Chồng tôi ngồi bên bàn làm việc, cười phê bình: Đúng là bà Trẻ, chơi trò nhồi sọ. Phê bình vậy chứ khi Ukiah tự động chạy lại bàn, nói “I zove you Ong Tre!” Chồng tôi vất hết phone, laptop… chạy lại bế hôn Củ Chuối tới tấp và cám ơn hai bà cháu rối rít.

Lúc trước ở nhà cũ tôi có làm bài thơ về dốc mơ, có hai câu cuối là:
Có bé Tơ và bé Mơ,
Nói lời huyền diệu, tiếng tơ tiếng lòng.
Nay viết bài này xin chấm hết bằng có hai câu cuối này:
Có Zephyr và Ukiah,
Nói lời kỳ diệu, tiếng ta tiếng người.

For Zephyr and Ukiah,

Con dâu Nguyễn Hiền (vợ Nguyễn Anh Tuấn)
Đỗ Thanh Vịnh, 11/2020.

 

6 thoughts on “Thung Lũng Thác Đổ”

  1. Bài viết hay lắm, tự nhiên như chử nhàn của Nguyễn Công Trứ. Hạnh phúc rất đơn giản. Cám ơn Vịnh.

  2. Bài viết quá hay, cảm ơn Vịnh đã chia sẻ với trang nhà Nguyễn Hiền! Phục tài dịch tên sông đồi phố xá của Vịnh ghê … nghe nên thơ hữu tình chi lạ! Ông bà Trẻ tập giữ cháu sớm như ri thì vài bữa có cháu ngoại ruột sẽ nhuyễn phải biết. Yêu cầu Tơ và Mơ sinh đôi sinh ba luôn, không sợ chi 😊

    1. Mẹ Hân, hai đứa hắn bắt chước anh Tín và Quân, lo đi chơi không à. Và nói bố mẹ là có Zephyr và Ukiah rồi, bố mẹ enjoy hai em. No pressure for Tơ và Mơ. Cám ơn mẹ Hân nói V gửi bài cho NH. Miss ya, Vịnh

  3. Thấy bài viết khá dài, khi nhận được trong sở tính từ từ đọc từng đoạn, vậy mà làm một hơi không kịp thở cho đến dứt luôn! Chuyện tả về một ngôi làng nhỏ của tác giả thôi mà mạch văn, mach chuyện cứ lôi cuốn mình theo miết trong từng chi tiết sống động và dí dõm. Đoạn đầu đọc như thấy trước mắt mình là một nơi chốn thần tiên, có người người ở đó đều hiền lành dễ mến, có muôn hoa dị thảo của khu rừng đầy hương thơm rực sắc màu. Đoạn cuối, thì tôi cứ bị cuốn hút theo câu chuyện với 2 em bé (Zephyr và Ukiah) của nhà hàng xóm Vịnh và Tuấn; chúng quá dễ thương trong cái ngây thơ của những đứa bé được nuôi dưỡng trong môi trường yêu thương và trân trọng, dù chỉ là đối với trẻ con.
    Văn là người, tác giả hẵn có một tinh thần rất lạc quan, yêu thiên nhiên và thương quí con người; bên cạnh đó là một khả năng viết lách thật tuyệt vời. Đọc bài viết dễ mường tượng ngay được một gia đình hạnh phúc, đang cư ngụ giữa dốc mơ, cạnh con sông hiền hòa, và trong một ngôi làng với những người hàng xóm đầy thân thiện và tốt bụng. Cảm ơn cô dâu lớp 8 Nguyễn Hiền rất nhiều. Chúc gia đình Vịnh & Tuấn có một mùa lễ Tạ ơn thật an bình bên người thân và láng giềng. Trông được đọc thêm những bài viết, bài thơ mới nữa nhé!

    1. Hi Hiền, khen rứa chắc sẽ gửi bài thêm rồi đó. Cám ơn nhiều hỉ, thấy mấy bài Hiền và dân NH viết hay lắm. Hôm nào sẽ gửi bài “Đà Nẵng R và R” thẳng cho Admin luôn, khỏi qua Ngọc Hân. Tôi đã quen dân VIP rồi.
      Vịnh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *