Đà Nẵng chớp nhoáng R&R

 

Mỹ Khê, 2019

Về Việt Nam nhiều lần nhưng hơn 12 năm rồi tôi mới về lại Đà Nẵng, vào dịp Trung Thu 2018. Một tối thứ ba đáp chuyến bay trễ đến ĐN, vừa ra khỏi cổng đã thấy nhiều ngạc nhiên thích thú. Phi trường mới và thoáng, cơ sở hạ tầng nhìn thấy vững chắc và có nhiều tiềm năng phong phú. Dân tình thì có lẽ vì tôi có chút thiên vị nên thấy ai cũng dễ thương. Nghe giọng Quảng rặc rặc: máy bay thì thành “máy bai”, bên trái thì nghe ra “bên troái”, đi làm thành “đi lồm”, em ơi nghe ra “êm ơi”… nghe hơi ngược ngạo nhưng lại rất bùi tai. Hay rứa mới nói!

Sáng thứ tư lên thăm gia đình chú tôi tại Ngã Ba Cai Lang, góc đường Lê Duẩn và Lý Thái Tổ. Tôi ghé ngang thăm căn nhà cũ của ba má tôi, bên trong không biết bây giờ ra sao nhưng bên ngoài nay đã thay đổi nhiều. Có một chút bùi ngùi khi tôi chỉ cho bé Mơ, cô con gái út: đây là nhà cũ của ông bà ngoại, bên kia đường lúc trước là trạm xăng của ông bà nội. Xóm cũ bây giờ toàn nhà lầu phố xá đông đúc, nếu không có số nhà chắc chắn sẽ không nhận ra. Vì muốn làm ngạc nhiên cho chú tôi, và không muốn chú lo lắng chờ đợi, tôi dặn trước cô em “giữ chân ảnh ở nhà dùm chị, đừng nói ảnh và ai biết là chị về” (mấy chị em tôi khi nói về quý vị ba mẹ thường hay âu yếm gọi là ảnh chỉ hoặc hai bé). Vừa qua cổng nhà đã nghe tiếng thật to của chú tôi: “con Vịnh hén (hắn) về rồi đây nề (nè)”. Chú tôi giống ba tôi, rất nặng tai, nói chuyện như la làng, cả xóm đều nghe. Tôi vào nhà thấy chú quần áo chỉnh tề, đầu đội nón rất Tây, túi đựng kính Rayban đeo trên dây nịt, tư thế sẵn sàng rượt rượt. Chú tôi đã trên 80t mà khỏe re re. Thím tôi nói: ổng dậy từ sáng sớm, cứ đi ra đi vô, chờ con miết! Ba đứa em đang ngồi chỉnh tề ở bàn đứng lên ôm hai mẹ con, còn tự giới thiệu: ba đứa từ ba ông chú, đầy đủ trình diện chị! Tụi hắn dễ thương ghê, tinh thần đoàn kết quá chặt chẽ! Đây là bộ ba Đỗ tổng hành dinh Đà Nẽng của tôi! Tôi tưởng mình sẽ dành ngạc nhiên cho chú và cả nhà, nhưng giờ cuối tôi mới là người ngạc nhiên. Thì ra Radio Đỗ gia từ Cali phát sóng về Đà Nẵng, rồi đài phát thanh ĐN rĩ rả vào tai chú tôi. Trời, không có “chiện chi” là giữ bí mật được với Đỗ tổng hành dinh Đà Nẽng!

Hai mẹ con về quê với chú, cùng hai đứa em. Cả quê nội ngoại tôi đều ở làng Phong Lục, xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Trên con đường làng nay đã tráng nhựa nhưng vẫn còn nhiều nét thô sơ, hai bên là những thửa ruộng vừa mới vào mùa lúa chín, màu vàng xen lẫn màu xanh hài hoà đẹp mắt. Trẻ con đi học, đứa đi bộ, đứa thì xe đạp, đứa chạy lon ton sau những vòng bánh xe. Các em thay phiên nhau tránh xe, cười đùa hồn nhiên trên con đường làng. Con gái tôi bảo: mấy em dễ thương quá mẹ! Thắp hương hai bên nội ngoại rồi viếng thăm mảnh đất sẽ là nơi yên nghỉ của ba má tôi và các chú thím. Chú tôi giải thích về mảnh đất này một cách tự nhiên, như giới thiệu địa ốc: con thấy không, mình có nguyên cái sân trước rộng rãi, tráng xi măng sẵn, để đưa về và có chổ cho con cháu lo liệu lễ nghi. Tôi thầm cảm phục sự bình tâm không sợ chết của chú, và thấy thương chú ghê. Sau đó chúng tôi đi thăm nhà thờ tộc Đỗ. Nhà thờ xây đẹp tuyệt, chung quanh cây cối xum xuê mát mẻ. Chú tôi về nhà thờ quen thuộc như về nhà của mình, đi phăng phăng giới thiệu khắp nơi. Chú rất tự hào về ngôi Đỗ Như Từ Đường và về “ông anh của tau”. Tôi nhận thấy dấu ấn của ba tôi ở khắp nơi, từ những cây cau cây vải thiều phía trước, hàng cây mai trồng thẳng tắp phía sau, những cột trụ gỗ đen tuyền bóng loáng, cái lư hương to lớn đúc bằng đồng, các tủ thờ chạm trỗ công phu. Nhà thờ tộc thì nhiều người trong họ đóng góp, nhưng ba tôi là người bỏ công của và sức lực nhiều nhất. Rất đặc biệt là một bên cửa chính kê một cái trống, bên kia là cái chiêng. Chú tôi cầm dùi đánh trống, tôi cầm cái chìa khua chiêng, nghe râm ran xóm làng. Tôi thầm cám ơn cái trống cái chiêng của ba tôi quá, quả là thâm thuý.

Rẹt rẹt xong mọi lễ nghi, từ quê ra lại Đà Nẵng mới 11 giờ sáng. Còn nguyên một ngày để rượt rượt. Tạm chia tay sau một chầu bún bò chị Bê (thím tôi), chú tài xế tên Tài (thật là tiện việc xưng hô) cho hai mẹ con đi một vòng Đà Nẵng. Thành phố nhỏ, đường xá rộng rãi, ít xe hơn rất nhiều so với Sài Gòn nên đi một vòng chưa đến 20 phút là đã đi qua hết những đường xưa lối cũ của tôi. Ngày xưa tôi chỉ học hết bậc tiểu học ở đây là đã chuyển ra Huế, rồi vào SG nên cũng không rành nhiều về ĐN. Tôi xin anh Tài cho đi ngang qua Thánh Tâm, ngôi trường cũ đã đổi tên từ lâu. Anh Tài không rành đường nên tôi làm “tài lanh” chỉ cho anh đi từ cổng chính trên đường Yên Bái, vòng qua Trần Phú là cổng phụ của trường, bên cạnh mặt trước nhà thờ Con Gà, nơi chúng tôi thường hay sang đọc kinh cầu nguyện và hát thánh ca mỗi mùa lễ lớn. Chạy trên đường Bạch Đằng gần bưu điện chính ngày xưa có viện văn hoá Pháp, nhớ về Messieurs Bernard, Jolie hung tợn thường hay kêu “Mademoiselle” Đỗ thị Thanh Vịnh đứng lên trả lời những khúc mắc của môn văn phạm. Bao nhiêu là kỷ niệm tràn về trong ký ức. Qua sân tennis vòng về Trần Phú tìm đến nhà cũ của chồng tôi. Chuyện là trước khi đi VN, chàng cứ dặn dò: mẹ và con về 93 Trần Phú, chụp hình cho bố thấy nhà cũ của bố nha. Dừng lại ngay số 93, không thấy tên tiệm Quốc Hương đâu, nhà lạ lạ, tôi nghĩ chắc chủ nhà đã sơn sửa lại. Mẹ con loay hoay định selfie, thì thấy một chị trong nhà kéo cánh cửa sắt đi ra. Tôi giải thích xin phép chụp hình, chị nói:

– Không phải em ơi, số 93 này là số mới. Em hỏi ai?

– Dạ tiệm phở Quốc Hương cũ. Em xin chụp hình chút thôi.

– 93 cũ bây chừ là số 89 rồi em ơi. Bên tê kìa em. Em muốn hỏi nhà ông bà QH tầng dưới hay nhà ông ba Tàu tầng trên?

Nghe rõ ngọn ngành, chị giới thiệu tên, và kể là biết nhà chồng tôi rất rõ. Chị cười nói vui vẻ, hỏi han nhà chồng tôi không thiếu một ai. Khi chào giã từ, chị còn khoèo thêm một câu: Con gái em giống Tuấn y chang luôn! Chị biết gia thế tôi rõ ràng thì mới nói chắc chắn như thế, chứ nếu tôi nói kiếm nhà ở tầng trên thì có lẻ là con tôi giống ông ba Tàu như chơi! Tôi và con đứng trước nhà số 89, nay là tiệm bún xương. Lần đầu thấy tên bún xương không biết nó ra sao? Nghe tên không đã thấy tội rồi, nếu chỉ có xương thôi thì bún cũng buồn chứ huống gì người ăn bún. Hai mẹ con chụp hình cho nhau, cố gắng cho có con số 89 vào trong hình, và cho thấy cánh cửa bên hông dẫn lên tầng trên nhà ông ba Tàu. Cũng hên là mình xin phép trước rồi mới chụp, không thôi gửi về khoe với chồng hình nhà của thiên hạ. Note to self: Không nên selfie ẩu tả trước nhà người, phải hỏi xin phép trước, thì sẽ ra nhà chồng: không phải bên ni, mà ở bên tê!

Trưa chạy về nằm dài ở biển Mỹ Khê ngay bên kia đường của khách sạn. Nghe sóng vỗ rì rào, chưa Rest&Relax được bao lâu thì con gái tôi rủ rê mẹ đi parasail. Hắn giỏi dụ dỗ nên tuy rất sợ mấy trò trên cao mà tôi cũng chơi luôn! Trượt gió mà được lúc gió nhẹ và êm, dù bay lên cao đánh một vòng trên biển, nhìn lên thì trời xanh mây trắng, nhìn xuống thì biển trong vắt một màu nước biếc rù rì. Mơ giang hai tay như đang bay: Đẹp quá mẹ ơi, vui quá mẹ ơi! Tôi thì ôm hắn chặt lắm, cho bớt run run.

Chiều về trên sông, Hội An 2018

Xế chiều vào thăm Hội An thì phố đã lên đèn, đèn lồng treo đủ màu đủ sắc, đẹp màu trời đêm. Đứng trên cầu Chùa nhìn những chiếc ghe lóng lánh ánh đèn và những chiếc đèn giấy trôi lững lờ trên sông. Nếu thưa thớt người một chút và không có Bruno Mars hát bài Uptown Funk rầm rầm ở đầu phố có lẻ chiều về trên sông đẹp lung linh gấp trăm lần. Nghe bài này trên phố Hội ngứa tai lạc đề quá. Tuy vẫn giữ kiến trúc của phố cổ, Hội An 2018 đã cách tân quá rồi. Đa số hàng quán đều hướng ngoại thấy rõ. Đây là điều tự nhiên, vì thành phố thu hút nhiều du khách nước ngoài. Nhiều quán ăn mở nhạc Mỹ nhạc Tây rần rần, và hầu hết các gian hàng chợ đêm đều rỉ rã tiếng Hàn, tiếng Tàu hay tiếng Anh. Và nói thách rát rạt. Có một anh bán hàng chào Mơ hết tiếng Nhật, đến tiếng Hàn, rồi tiếng Tàu, và tiếng Anh. Mơ tủm tỉm cười: Anh sai rồi, em là người Việt mà! Anh ta nói: Chết choa (cha)! Nhờ vậy Mơ trả giá mua chai rượu nhỏ có đầu con rắn bên trong rẻ đi một nữa. Mơ mặc cả cũng chiến thuật lắm: từ 1/3 giá trả lên 1/2, họ không chịu thì bỏ đi, rà rà sang hàng khác, mấy anh gọi lại ơi ới. Hai mẹ con ghé vào quán cao lầu Trung Bắc ở 87 Trần Phú, có tấm bảng ghi là đã có trên 100 năm. Tiệm nhỏ xíu bàn ghế đơn sơ, ông chủ mặt đăm đăm không mấy thân thiện, thực đơn chỉ vài ba món, nhưng cao lầu và bánh quai vạt khá ngon. Xuống bếp thì thấy không có chút gì là bếp của một nhà hàng, và ngay giữa bếp có cái giếng với bờ thành rất thấp. Bên cạnh để mấy cái gầu múc nước trông thật là classic. Ăn tối xong, tản bộ ngang qua sân trước một căn nhà cổ, hình như là nhà văn hoá gì đó, một nhóm em bé nhiều lứa tuổi khác nhau, ngồi bệt trên nền sân tập hát dân ca, miệng hát ríu rít giọng Quảng Nam. Cô giáo mặc áo bà ba tay cầm cái quạt giấy, lúc thì quạt lúc thì gõ tách tách theo nhịp, có anh nhạc sĩ đàn bầu đệm theo. Hình ảnh mộc mạc thanh bình này làm tôi cảm thấy phố Hội bớt phần phồn hoa đô thị. Khi ra về anh Tài chở ngang qua xem quán bánh mì Phượng mà Anthony Bourdain đã làm nổi tiếng rần rần qua đài truyền hình CNN tại Mỹ. Ít giờ quá nên hẹn sẽ gặm bánh mì Phượng vào dịp khác vậy. Hôm đó hai mẹ con quá hên, từ phố Hội vừa về lại khách sạn ở ĐN là mưa trút xuống rầm rầm.

Sáng thứ năm tôi dậy sớm lên sân thượng của khách sạn La Belle Maison ngồi ngắm bình minh.  Lúc ấy còn sớm chưa ai lên hồ bơi, tôi có riêng cho mình một buổi rạng đông trên biển Mỹ Khê tuyệt đẹp. Đúng như câu hát trong bài Morning has broken:”Mine is the sunlight, Mine is the morning”. Nhìn ra biển, xa xa là những chiếc thuyền đang đánh cá, trông như những dấu chấm trên mặt nước. Tôi nhớ lại cũng vào tháng chín cách đây gần 40 năm, một chiếc thuyền nan đã liều mạng làm một cuộc phiêu lưu rùng rợn. Đi từ bãi biển tên là Thanh Bình nhưng ngay đêm đầu tiên trời mưa bão sấm sét rầm rầm. Tử thần ngay trước mặt trong suốt cuộc hành trình vượt biển! Nhớ chồng, tôi FaceTime cho chàng thấy buổi bình minh trên Mỹ Khê. Vừa rì rào với chồng, vừa thưởng ngoạn mặt trời lên, bỗng dưng có một anh TQ bụng phệ mặc quần tắm bikini không thẩm mỹ chút nào, nhảy cái đùng xuống hồ bơi. Mà bơi trong hồ thì không sao, anh lại nhảy lên, vác cái bụng phệ và chiếc bikini đi quanh, ngay trước mắt tôi, mới là rầu! My morning is no more. Tôi bèn chạy về phòng méc với con gái. Mơ cười rúc rích:  LOL, LOL Mẹ. Sorry Mẹ!

Hai mẹ con ngồi ăn sáng ở khách sạn, lần đầu tiên buổi sáng mà ăn phở, bánh cuốn, bánh ít, bánh bột lọc rệt rệt mùi nước mắm mà thấy rất thơm. Các em tiếp viên dễ thương, lo cho khách rất chu đáo. Chú tâm cho khách là vậy, nhưng đi đứng và cử chỉ thì rờ rờ trông rất thư thái. Ngồi nhìn một cô dáng nhỏ xíu bưng cà phê đi rề rề đến bàn, tôi thấy mình cũng relax theo.  Đúng 8 giờ sáng thì rục rịch đi Bà Nà. Anh Tài sau một ngày đã thân với mẹ con tôi lắm rồi. Anh kể chuyện anh đi bộ đội bên Cambốt vui quá, vì làm tài xế cho một ông tư lệnh, được ông ta thương và bảo bọc, chưa từng ra trận mạc. Anh kể như bắp rang, giọng Quảng chay, gọi Mơ ơi Mơ hỡi rất thân mật. Đường lên núi Bà Nà rộng rãi và sạch sẽ. Hai bên đường hoa phượng rực rỡ trên cành. Anh Tài thả hai mẹ con vào khu du lịch Bà Nà Hills hãy còn sớm mà mồ hôi đã chảy rần rần. Cổng vào xây bằng đá như cổng vào thành trì vua chúa thuở xưa. Lấy cáp treo đi lên đỉnh núi, ngồi trên không nhìn ra lúc gần lúc xa những áng mây trắng quyện núi xanh trùng trùng điệp điệp, quả như cảnh thần tiên! Nhìn mấy cột trụ đóng giữa khu rừng núi rậm rạp để làm hệ thống dây cáp dài nhất thế giới, thật là một công trình vĩ đại. Rất đáng tự hào cho dân Đà Nẵng. Hai mẹ con rẹt rẹt bỏ qua hết những cảnh lâu đài, hầm rượu, vườn hoa, không buồn xem mấy anh Nga cô Tây nhảy múa giúp vui ngoài trời (Con gái tôi bảo: Mẹ! Mơ is confused. Why do we have foreigners entertain people in Vietnam?) Mẹ con đi ra thẳng cầu Vàng, nơi hai bàn tay đưa ra giữ chiếc cầu giữa đường cao mây trắng. Rất nên thơ tiên cảnh nếu ít khách, nhưng hôm đó đông quá. Đi qua thắp hương ở chùa có tượng Phật màu trắng to lớn sừng sững giữa trời. Xong Mơ muốn trở lại cầu Vàng một lần nữa, vẫn tấp nập khách rỉ rả rần rần, đi đứng ngang nhiên chẳng nhường nhịn ai. Đón cáp treo vòng xuống, hẹn anh Tài đến đón là đúng 2 giờ. Trời nóng như thiêu như đốt. Nhưng vẫn muốn rượt rượt Ngũ Hành Sơn. Hai mẹ con leo lên bao nhiêu bậc thang khúc khuỷu quanh co. Đường “lên trời” núi Ngũ Hành, gần đến trời thì nóng quá, mồ hôi ra rít rịt. Mẹ ngồi nghỉ bên bờ đá cheo leo. Mơ leo lên một mình, khi xuống nói với mẹ: lên trời nhìn ra biển đẹp quá mẹ ơi! Chiều về lại chạy ra nằm ở biển, hết biển thì lên hồ, hết hồ lại xuống biển. Tối đến ăn tối với Đỗ tổng hành dinh Đà Nẵng. Chị em lâu ngày gặp nhau, râm ran bao chuyện. Mưa rào rào ngoài trời hôm đó, và chuyện anh chị em Đỗ gia nỗ như bắp rang.

Chia tay Đà Nẵng tháng 9 năm ngoái trong lòng rưng rưng…

Đỗ Thanh Vịnh

From notes taken on Sep 2018, revised on SE6 train from Sài Gòn to Đà Nẵng on 8/30/19.

2 thoughts on “Đà Nẵng chớp nhoáng R&R”

  1. Cảm ơn Vịnh chia sẻ thêm một bài viết thật hay nữa, nhất là lại về Đà Nẵng thân thương. Đọc ro ro một nghỉn, nghe rộn ràng thú vị, nhớ ĐN bắt rụng rời tay chưn Vịnh ơi! Vịnh kể chuyện linh động và dí dỏm quá, có đoạn làm Hân cười rúc rích, có đoạn làm Hân muốn rưng rưng theo tình thân của gia đình Vịnh. Ráo riết viết thêm nữa Vịnh hỉ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *