Thư Cho Ba

 

Ba kính thương,

Bây giờ đã là 23 tháng Chạp bên Việt Nam và bên Úc rồi, lại là ngày sinh nhật của ba nữa. Đặc biệt ghê nơi. Theo tuổi ta thì 93 năm trước bà nội vừa cúng tiễn ông Táo về trời xong thì chuyển bụng sinh ba. Ba lọt lòng mẹ nhanh chóng đến nổi suýt hụt hai bàn tay đở của bà mụ. Bọc nước vẫn còn nguyên, bà mụ phải vội vả xé để ba được mở mắt chào đời. Kiểu ra đời này dân gian mình gọi là sinh bọc điều. 1929 lại là năm con rồng, Mậu Thìn. Ai náy đều tin rằng ba sẽ có một cuộc đời nhàn nhã, sung sướng, có quí nhân phù hộ. Bọc điều hay không bọc điều, ngày và giờ sanh cũng rất là quan trọng nếu mình tin tử vi phải không ba. Ba ra đời ngày sửu và giờ sửu. Trâu ở dưới đất, thường bị lấm lem cầy bừa vất vả. Ba không được hoàn toàn là rồng bay lượn trên trời cao. Có lẻ vì vậy mà cuộc đời của ba không được thong dong mấy?

Ba hay than số mình vất vả, cả đời ở trong quân đội, triền miên với súng đạn, màn trời chiếu đất, bữa đói bữa no, di chuyển từ thôn này qua làng nọ, luôn xa nhà và nhớ nhà. Nhưng nhờ dạn dày nắng mưa thời trai trẻ như vậy mà cuộc đời của ba đầy màu sắc, nhiều khúc khuỷu quanh co để về già giàu chuyện kể cho con cháu nghe, giàu kỷ niệm để ôn lại hoài không chán, để viết hồi ký từ trang này qua tập nọ, để quay lại cuộc đời mình như một cuộn phim trắng đen không lời nhưng vẫn nói lên được một nội dung phong phú, âm thanh sắc sảo, tình tiết lâm li.

Mấy năm gần đây ba và con rất gần nhau. Gần không từ khoảng cách vì Úc và Mỹ xa xôi vạn dặm. Nhưng cha con mình gần gũi hơn trong tâm tình. Giọng kim của ba vẫn còn sang sảng như Trương Phi, trí nhớ thì trên cả tuyệt vời. Ba như một cuốn tự điển sống để con tha hồ tra hỏi. Chuyện càng xưa cũ bao nhiêu, ba càng nhớ rõ bấy nhiêu. Ba đã kể cho chị em con nghe bao nhiêu là câu chuyện thú vị về cuộc đời của ba và những chuyện “cổ tích” trong gia đình. Con yêu cầu ba viết xuống để lưu giữ được chi tiết. Ba than là không có khiếu viết lách nhưng vì chìu con mà phải làm. Ngạc nhiên thay, lối viết văn của ba tuy giản dị nhưng lại rất là thâm thuý và dí dỏm. Ông nội con gốc Bắc nhưng bà nội là gái làng Phú Bông, chăm nuôi tơ tằm, dệt lụa. Nửa dòng máu chảy qua tim mạch của ba là dân xứ Quảng. Trai Quảng Nam nổi tiếng văn chương mộc mạc nhưng trữ tình phải không ba.

Chỉ trong vòng mấy tháng thôi con đã nhận được rất nhiều câu chuyện viết trên những trang giấy gọn gàng tỉ mỉ qua những dòng chữ vẫn còn rất đẹp, vững tay, rõ nét và đầy tình cảm của ba. Cảm ơn ba đã cho ba anh em con một gia tài vô giá! Cả gần năm nay vì đại dịch, con núp trong nhà rất nhiều nên bày ra nhiều chuyện để làm. Con vừa hoàn tất scan hình ảnh cũ của gia đình. Công việc mới của con là gõ lại hồi ký viết bằng tay của ba qua computer, đóng thành một cuốn sách nhỏ để chia sẻ với gia đình. Hi vọng khi dịch Corona qua khỏi, con sẽ được trao cuốn sách tận tay ba. Sinh nhật ba, con kính chúc ba dồi dào sức khỏe, vui mạnh tâm hồn và giữ được mãi cái trí nhớ tuyệt vời trời cho.

Con kèm theo đây hai câu chuyện ngắn nhưng rất thú vị ba đã ôn lại. Chuyện Mạng Kim Mạng Mộc có làm ba bồi hồi nhớ lại cô Lam Anh năm xửa năm xưa đó không ba? Nếu cô Lam Anh không phải mạng kim thì ba đâu lấy mạ, mấy anh em con đâu được ra đời. Duyên số cả!

Mạng Kim Mạng Mộc
Ba tôi có dịp ghé thăm bà Q, một goá phụ tần tảo nuôi hai cô con gái. Trước đây chồng bà là bạn cùng quê với ba tôi, gốc Thanh Hoá. Cặm cụi lo buôn bán nuôi con, bà Q chưa hề nghĩ tới chuyện tái giá. Trở lại Hội An, ba tôi bàn với má tôi: thằng H nay đã gần 18 rồi. Chị Q đã gả con lớn. Mình nhắm con em trắng trèo xinh xắn làm dâu nhà mình được lắm bà. Tuần sau sắm chút quà nhờ bà Tề chủ ghe, chuyên đưa khách từ Hội An ra Chợ Được và ngược lại. Má tôi bận buôn bán, ba tôi bận đi làm nên phải nhờ bà Tề đưa tôi vào trình diện nhà gái. Cốt để nhà gái xem chân xem giò quí tử tương lai. Mắc cỡ quá, suốt ngày ấy tôi cứ đóng đô trên gác. May vớ được cuốn truyện hay, tôi cứ nghiền ngẫm đọc hoài. Đến trưa cơm dọn sẵn, Lam Anh lên gác mời tôi xuống ăn. Cắm cúi ăn, mẹ Lam Anh hỏi đâu tôi lễ phép đáp đó, không dám ngó mặt ai. Ăn xong tôi lại lên gác đọc truyện tiếp. Chiều đến ghe bà Tề đáo lại Hội An. Suốt đêm chèo chống rồi cũng về tới bến cũ. Độ nửa tháng sau, Lam Anh thân hành ra tới Hội An, mang theo hai chục trứng gà so với một chồng bánh tráng mè. Mặt mày buồn bã thưa “Rất tiếc má con coi tới hai thầy bói, ông nào cũng nói mạng kim gặp mạng mộc rất kỵ!”. Bên đại lâm mộc, bên kiếm phong kim. Có thần phép mấy mộc cũng không chịu nổi. Dao chặt gỗ lâu ngày gỗ phải đổ. Tôi núp trong buồng nghe rất rõ. “H ơi ở đâu ra đây chào em nè”. Má tôi gọi ba bốn lần tôi cũng không chịu ra. Tính tôi hay bẽn lẽn nên tôi tránh luôn. Ngồi một lát Lam Anh chào từ giả xuống đò về. Năm 1948 có dịp ngang nhà em, nhìn cái móng nhà tôi đâm xúc động! Khu chợ phá sập vì sợ Tây vô chiếm đóng đồn. Tôi muốn tìm gặp bác Q nhưng nghĩ phận đang long đong bơ vơ … đành tránh luôn. Cảnh chiến điêu tàn, mọi người bỏ làng nước, gạt nước mắt ra đi …!!

Cái Rương Xe
Gái xuất gia tòng phu. Chỉ có mẹ tôi (trướng nữ) là phải lấy chồng xa thôi. Nói xa chứ thật ra chẳng xa lắm. Đà nẵng – Phú Bông chỉ độ nửa ngày đường. Năm mẹ con về quê ăn Tết. Ngoài quà Tết ra (trà, bánh, rượu, mứt, vv …) mẹ tôi đem theo cái mâm đồng có gắn ba chân. Mặt mâm chạm hình hoa lá, đánh bóng sáng chói. Thấy con cháu về, ngoài quà cúng còn có cái mâm chạm trổ đẹp, ngoại tôi vui mừng, mặt mày hồng tươi. Ở nhà quê, nhà khá giả thường sắm một cái rương xe lớn như cái giường ngủ. Rương có bốn cái bánh xe bằng gỗ, rất tiện. Trong rương chứa toàn nồi lọ to bằng đồng (nồi nấu bánh tét, luộc thịt heo, vv …), cả mâm đồng và những đồ đồng lỉnh kỉnh khác. Rương xe có nắp đậy, có khoá. Tối ngã lưng trên rương rất tiện. Phòng khi cháy nhà, bà con xúm lại đẩy cái rương ra sân. Tối đó tôi đòi ngủ trên cái rương xe. Nửa đêm lăn qua trở lại cái tấm thân tôi bị hụt hẫng! Nó rơi xuống cái nền gạch nghe một cái bịch. Hơi tê người thôi, không sao. Tôi lò mò đứng dậy, lại leo lên ngủ tiếp. Bụng làm dạ chịu, có ré khóc cũng bị ăn đòn thôi. Trẻ dễ ăn dễ ngủ. Ông bà ta thường nói ăn được ngủ được là tiên mà.

Ngọc Hân
23 tháng Chạp 2021

5 thoughts on “Thư Cho Ba”

  1. Người ta nói “trái táo luôn luôn rụng gần gốc cây của nó”. Đọc bài của Bác trai mới thấy Hân được thừa hưởng tài viết văn của Bác, tuy ngắn mà sâu thăm thẵm. Mong ngày hết dịch đến mau để Hân làm cuộc hành trình về xứ Úc mà trao cho bác món quà quý giá này.

  2. Ngọc Hân có lối viết thư giống ba, văn phong ngắn gọn, từ dùng giản dị, nhưng lại lôi cuốn người đọc như họ đang được nghe kể một câu chuyện ngắn thật hấp dẫn. Tiếp tục gửi thêm những “Lá thư cho…” nữa nhé! 🙂
    Thích tấm hình anh Thắng và Hân chụp chung với bác trai, trắng đen nhuốm thêm chút vàng cũ. Đằng sau tấm hình dường như là tòa nhà bưu điện Đà nẵng cũ, lúc chưa được xây mới?

  3. Hân ơi, đọc “mạng kim mạng mộc” mê chàng trai tên H, và thương em Lam Anh ghê. Và “cái rương xe” nghe kể là thấy đẹp rồi.
    Beautiful stories, beautiful story telling!
    Thương chúc ba mạ năm mới nhiều sức khỏe và ba luôn kể thêm cho con gái H nhiều chuyện ly kỳ hấp dẫn như rứa. Chúc mừng năm mới cả nhà!

  4. Cám ơn chị H về những bài viết trên.Gia đình là tế bào của xã hội. Những câu chuyện nho nhỏ về gia đình riêng lại chứa đựng những chi tiết về lối sống, cách suy nghĩ, phong tục tập quán của cả xã hội thời cổ.Tài liệu quý giá! Những mẩu chuyện này đưa ta về quá khứ gợi em nhớ lại chiếc xe Ledolorean trong “Back to the future” hay cái TARDIS trong ” Doctor Who” . Thú vị!

  5. Ba của Hân viết hay quá! Giọng văn thật thà, giản dị, nhưng đấy mới là cái chỗ độc đáo của một tác phẩm tuyệt vời. Mong được đọc tiếp 🙏

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *