Phượng, bạn tôi


Tôi và Thúy Phượng học chung lớp nhiều năm thời Nguyễn Hiền và rất thân nhau dù tính tình khác hẳn nhau. Phượng tự nhiên, dạn dĩ, lém lỉnh bao nhiêu thì tôi lại nghiêm nghị, nhút nhát, ít nói ít rằng bấy nhiêu. Nhưng có lẽ sự tương phản lại thu hút như nam châm nên tôi và Phượng lại hợp tính và gần gũi nhau, nhất là hai năm cuối lớp 7, lớp 8 trước khi gia đình tôi dọn vào Saigon năm 74. Phượng và tôi cũng rất thân với Mộng Điệp, người học giỏi nhất lớp, về mọi môn học. Chúng tôi cứ hay gọi Điệp là “bố” dù bây giờ không ai còn nhớ rõ nguồn gốc lý do của cái tên “để đời” đó. Tôi đã từng bị làm chim xanh đưa đón những “lá thư tình” cho Phượng và người Phượng thương mến. So với Phượng thì tôi rất chậm tiêu và chậm yêu. Nhưng đương nhiên giai đoạn 14-15 tuổi mộng mơ đó tôi cũng đã chập chững biết thinh thích, biết len lén nhìn phe húi cua, cùng lớp cũng có mà lớp lớn hơn cũng có. Tôi vẫn còn nhớ mãi một lần Phượng dẫn tôi đến nhà người tôi thích. Phượng mạnh dạn bấm chuông nhà người ta, không hề lo sợ người lớn, cổng sắt dày cao hay con chó dữ!

Sau khi tôi dọn vào Saigon, Phượng, Điệp và tôi vẫn giữ gìn liên lạc, vẫn viết thư đều đặn cho nhau. Cuối năm 79, gia đình bắt đầu tìm đường cho tôi vượt biển. Biết là sẽ khó lòng còn dịp gặp lại Phượng và Điệp sau khi tôi rời Việt Nam nên tôi đã lặn lội ra Huế để thăm và chia tay với hai bạn. Tính tình tôi vốn không được độc lập, ít xông xáo nên tự đi xe lửa ra Đà Nẵng rồi đón xe đò ra Huế là cả một đoạn trường đối với tôi. Ai đã trải qua những khó khăn mọi mặt sau 75 thì sẽ hiểu phương tiện di chuyển giữa các thành phố rất là nhiêu khê. Vậy đó mới biết động lực của tình bạn không phải là nhỏ. Vậy đó mới biết “đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Đáp xe đò ở Huế xong tôi lại phải đón xe thồ tìm nhà ở trọ của Phượng và Điệp. Lúc đó cả hai bạn đều đang học ở đại học Sư Phạm của Huế. Phượng theo ngành Pháp văn, Điệp thì ngành Anh văn. Đến được nhà trọ của hai bạn thì trời đã chạng vạng tối, tôi mệt lã vì đói bụng nhưng lòng thì lại mừng vui khôn tả xen lẫn chút hãnh diện là mình đã vượt qua “phong ba”, đến nơi đến chốn bằng an.

Phượng, Điệp và tôi mất hẳn liên lạc nhau cho đến khoảng năm 94-95 thì mới tìm lại được tin tức nhau. Chúng tôi lại tiếp tục thỉnh thoảng thư từ cho nhau như thuở còn ngây thơ áo dài kate trắng ở sân trường Nguyễn Hiền. Nhưng buồn tiếc thay, tôi chưa hề có dịp gặp lại Phượng thì bạn đã vắn số ra đi giữa tháng Giêng năm 2005. Kỷ niệm tôi có được với Phượng chừng như dừng hẳn lại ở tuổi chúng tôi còn non dại. Nên những kỷ niệm ấy cứ đẹp mãi, cứ “vọng lại trong vắt” như kỷ niệm giữa hai bạn Hiền và Phượng trong tâm sự Trưa ngồi ở Starbucks của Hiền. Điệp thì tôi đã được gặp lại hai lần mấy năm gần đây khi tôi sang Úc thăm gia đình. Năm 2015 lần đầu về thăm quê nhà, tôi có cùng một vài người bạn lớp 9 ghé thăm mộ Phượng ở Đà Nẵng. Chỉ còn vài ngày nữa là sinh nhật của Phượng, 12 tháng 3. Lớp mình ai còn kỷ niệm riêng nào với Phượng thì hãy cùng nhau ôn lại, để nhớ một người bạn thật dễ thương dễ mến của lớp. Để len lén nhìn, rộn rã mơ, bẽn lẽn “ngượng ngùng thuở cặp đôi nhau”. Để nghe lại tiếng sên bò ngổn ngang đầy sân trường. Để sắp hàng giờ ra chơi mua đồ ăn hàng của vợ chồng ông cai Nậy. Để thấy Đà Nẵng và Nguyễn Hiền của ngày xưa thân ái là một mảnh đời sống mãi trong ký ức của chúng ta.

Giữa tháng ba, 2021
   Ngọc Hân (lớp 9)

****

Trưa Ngồi Ở Starbucks (Trương Hữu Hiền) | DĐ: Ngọc Hân

10 thoughts on “Phượng, bạn tôi”

  1. Có tấm hình ngày cưới của vợ chồng TP. Đã xin gia đình anh Tiến để được chia sẻ đến bạn bè Nguyễn Hiền.

    1. Em là Mân, là em của anh Tiến. Lúc anh Tiến chị Phượng quen nhau thì em còn nhỏ chưa để ý gì nhiều đến câu chuyện tình cảm của anh T chị P. Sau này khi hai anh chị về với nhau thì em lại xa nhà vào Sài gòn làm việc không được gần gũi với anh chị của em. Sau ngày chị P mất anh T càng lặng lẽ ít nói ít bày tỏ, ít muốn làm phiền đến người thân trong gia đình. Anh T chị P là người Anh người Chị mà tất cả người thân bạn bè đều thương mến. Giờ anh T đã ra đi đột ngột theo chị P mà không trăn trối được điều gì. Em rất mong các anh chị kể thêm cho tụi em, cho gia đình biết thêm nhiều điều về anh T chị P. Rất cám ơn các anh chị !

      1. Xuân Phát, Mộng Điệp hay có lẽ cả Ngọc Minh của lớp tụi chị có thể biết nhiều hơn về Phượng và anh Tiến. Hi vọng mình sẽ được nghe kể nhiều hơn để tưởng nhớ chị Phượng anh Tiến thân yêu của Mân.

        Rất quí chuyện kể của chị Hồng Huệ về những trắc trở trong chuyện hôn nhân của Phượng-anh Tiến. Cảnh Phượng dìu chồng làm cay mắt … biết thì lại càng thương bạn mình hơn!

  2. Chị Hân ơi, chị Hân viết em đọc lúc nào cũng dạt dào dào cảm xúc, nghe mắt cứ cay cay .
    Tình bạn các chị Thuý Phượng, Ngọc Hân, Mộng Điệp đẹp như tuổi xuân thì của các chị thời NH ngày ấy. Có lẽ mấy ai có và lưu giữ được.
    “ Cochon de lait “ có phải là nick name của chị TP không các chị? Nghe thiệt thương. Chị TP ở chín suối chắc cũng đang cười..

  3. Chị không biết có nên cho biết và có nên viết tiếp bản tình ca của Phựợng hay không, nhưng chị thấy nhớ, thấy thương, thấy cảm phục P cũng như mối tình duyên dài nhưng nghĩa vợ chồng lại ngắn ngủi của P. Người P yêu hơn 10 năm là anh Tiến, trước năm 90 nhà chị cách nhà P một ngã tư, chị mở 1 quán cafe ghế gỗ tại nhà. Tối nào đôi tình nhân cũng ghé dù là lúc cúp điện thắp đèn dầu, anh T ly rhum, P cafe đen và cả 2 hút thuốc. Nhớ mãi P là một người hay cười, hay âu yếm, mối tình ngang trái bởi tôn giáo kéo dài đăng đẳng, cuối cùng chỉ về ở để hợp thức hóa. Lúc đó mắt anh T đã loà, trước khi P mất một năm, tụi chị dự party tại nhà một người bạn việt kiều, ra về nhìn P dắt chồng xuống từng bậc thang mà lòng chị rưng rưng trong khi miệng P vẫn cười. Chị trăn trở từ ngày ấy cũng không gặp lại anh T, ở cái thành phố nhỏ bé này mà sao thấy xa xôi, một hồi ức của chị chia sẻ cùng các em về P, thân ái!

  4. Cảm ơn Hân nhắc tới ngày giỗ của TP, lần cuối được gặp và ôn lại chuyện cũ với TP và các bạn lớp 9 tại quán cafe Tre của nhà Phượng là năm 2000. Sau 25 năm gặp lại TP đã thành một giáo sư nhưng tình bạn học cũ vẫn không thay đổi. Có hỏi TP, thế thì đi dạy đại học thì học sinh có hoang không, Phượng nói có nhưng không tinh nghịch như xóm nhà lá bọn mình khi xưa đâu Phát. Nhớ khi xưa trong lớp ai cũng bị đặt cho một Nickname, nào là T hít le (Hitler), D đô la rồi ai chưa có nickname thì lại đem ba mẹ ra thế ghép vào; như là con Thac con anh Thông LOL, rồi thầy cô trong trường cũng bị nhóm nhà lá đặt tên luôn. Nói tới bác Cai Nậy thì sau này trường lại có thêm một anh Cai nữa, hai vợ chồng ở bên cạnh nhà chị Thanh bán chè bên phía đường Quang Trung. Phượng còn nhớ bọn con trai hay thích chọc anh ta là Anh Cai Dù và bị dí chạy gần chết, hihihi. Rest In Peace my “Cochon de lait”.

  5. Giọng văn chân tình và sâu đậm hệt như tình bạn chị Hân dành cho hai chị Thúy Phượng và Mộng Điệp .
    Thu Châu.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *