Là chữ DUYÊN

Cuộc hôn nhân duyên phận ấy đã kéo dài hơn bảy mươi năm, hạnh phúc , buồn vui, những mất mát, khổ đau ba mạ tôi đã cùng nhau nếm trải! Cả những ngày chia ly, loạn lạc, rối bời vì ba người con trai và đứa con gái út ở SG khi Đà Nẵng đã “giải phóng”. Trong nỗi đau đớn và rối bời sự chia ly không hẹn ngày gặp lại đủ đầy, ba tôi vẫn vững chãi và vẫn nhẹ nhàng cho mạ tôi một vòng tay, một điểm tựa êm ấm trong sự hoảng loạn tột cùng của bà!

Từ cuộc sống của một công chức cao cấp, ba mạ tôi đã quyết định làm lại cuộc đời với một ngôi nhà bé tí tẹo, với một con số không tròn trĩnh ! Xứ lạ, ông đạp chiếc xe đạp cọc cạch đi tìm công việc để có cái sinh nhai. Những ngày ấy chắc là rất khó khăn với ba tôi, nhưng ông vẫn giữ được sự nho nhã, điềm đạm, vui vẻ và an nhiên!

Tôi yêu cái tiếng ba tôi gọi mạ tôi là “mình” và xưng anh- sao nghe nó trìu mến, nó âu yếm và dịu dàng đến lạ! Có phải chết lịm đi vì cái cách xưng hô như thế thì cũng đáng! Cho đến những ngày gần đất xa trời, đôi Uyên ương ấy vẫn từng ngày xưng hô “mình-anh; anh-em”- ngọt lịm !

Ba Mạ tôi vẫn hay nhắc về cái duyên kỳ ngộ để ông bà nên duyên, để lần lượt đàn con ra đời tiếp nối, để bảy mươi năm yêu thương gắn bó mặn nồng!
Ôi một chữ DUYÊN !
Con gái nhớ Ba Mạ

Sài Gòn 8/4/2018

Học trò xứ Quảng ra thi
Thấy cô gái Huế chân đi không đành.

Chàng thanh niên xứ Quảng đẹp trai, học giỏi, nho nhã thư sinh theo cha mẹ và người mai mối về vùng An Cựu – đất Thần Kinh tìm cô gái Huế dòng dõi Vua Chúa. Nghe đâu cô gái đẹp, cao ráo, da trắng ngần, xứng đôi vừa lứa với chàng- vốn dĩ rất đỗi hào hoa.

Hai lần qua nhà gái, chàng chạm mặt một cô bé da đen bánh mật, mắt lúng liếng, đôi môi trề nũng nịu, cao chừng chưa tới một mét năm mươi, bước chân chàng trai như chựng lại, đôi ánh mắt bỗng chạm vào nhau và trái tim chàng thoáng một nhịp rơi! Thế là, mẹ cha ơi, ông Mai ơi, đi về, tìm cho con ngôi nhà có cô bé ấy !

Trầu cau nhanh chóng theo chàng rẽ qua ngõ mới. Ngày hai gia đình gặp nhau, cô bé còn mải nhảy dây; lén nhìn chàng thanh niên quá đẹp trai, quá nho nhã thư sinh có đôi bàn tay với mười móng tay trắng hồng, cô bé lườm vì thấy ghét!

Rứa mà nên DUYÊN. Chàng cao 1m72, nàng cao 1m48, họ cùng bước với nhau, bên nhau những năm tháng cuộc đời.
Mạ tôi, giòng dõi Vua Chúa, không giỏi nữ công gia chánh, theo ba rồi sinh 9 người con. Ba một mình gánh vác giang sơn. Ông là một công chức cần cù, mẫn cán, vô cùng nghiêm khắc, chính trực và liêm chính. Ông là cây đại thụ cho gia đình tôi bóng mát êm đềm, cho chúng tôi lớn lên, êm ả trên dòng sông tuổi thơ.

Loạn lạc, đói khổ, hay chiến tranh…nằm ngoài căn nhà trên con đường Lý Thường Kiệt lúc ấy. Cuộc sống có những lúc cơm không lành canh không ngọt, thì mạ tôi, với vũ khí trời cho, mắt long lanh ngấn lệ, đôi môi trề khẽ mếu …là yên ả, là hoà bình, là những lời khẽ khàng dịu dàng dỗ dành của ba tôi. Mạ tôi có biệt danh là Kỳ nữ Kim Cương từ thuở ấy, bà không đẹp như Kim Cương, nhưng bà có nét quá mặn mà, duyên dáng mà chúng tôi, những người con của bà, tin chắc rằng, các đấng nam nhi dễ dàng bị bà thôi miên, bà lại biết sử dụng vũ khí cuả bà là những giọt nước mắt long lanh lay động lòng người, bằng chứng là ba tôi, người đàn ông quyền lực, dễ dàng chiến bại- trước bà.

Năm mạ tôi 78 tuổi bà có chuyến chu du nước Pháp 90 ngày. Xách vali đi (trước đó hai ông bà đã có một chuyến cùng nhau), bà không nghĩ là trong hành trang ngày trở về của bà lại có thêm trăm trang thư. Thư tình trời ạ! Là nỗi nhớ, là niềm thương ông đong đầy trên các trang giấy trong 90 ngày họ xa nhau! Là thơ :

Năm mươi năm bát nước đầy,
bạc phơ mái tóc tưởng ngày thanh tân!
( Lê Quang Khôi)

Năm ông 96 tuổi ông bị gãy chân, qua cuộc đại phẫu ông phải ngồi xe lăn. Rồi một năm sau, ở tuổi 90 mạ tôi đi chợ bị té gãy chân, ông đẩy xe lăn lại gần bà, cầm quạt phe phẩy và thì thầm ngân nga:

Nắng chia nửa bãi chiều rồi
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu
Sợi buồn con nhện giăng mau
Em ơi! Hãy ngủ …anh hầu quạt đây.
( Ngậm ngùi-Huy Cận)

Chàng 97 tuổi, nàng 90, các bạn tin không, vẫn xưng hô anh-em, trìu mến, ngọt ngào và tình tứ!
Rồi mạ tôi hấp hối! Ngày đưa bà từ bịnh viện về nhà, anh em chúng tôi cuống cuồng lo ngại cho sức khỏe của ba tôi! Rồi cũng phải đưa ông ra ngồi cạnh bà, cầm tay bà, ông khóc: em bỏ anh đi trước, hả em? Khẽ khàng, dòng nước mắt lặng lẽ tràn từ khoé mi đã khép của bà!
Ôi một chữ DUYÊN gắn bó hai cuộc đời hơn bảy mươi năm!

Cảm xúc và viết, nhân dịp đọc Thanh Chi Nguyen nhắc Kỳ Nữ Kim Cương Dì Khôi.
Lê Quang Thuần Nhi

6 thoughts on “Là chữ DUYÊN”

  1. Truong TTGDNH nhieu nguoi viet hay de so. Chac hoi no, BL khong hoc van thi phai nen bi chu khong biet van chuong chi het. TN viet de thuong va ke chuyen ba ma TN rat la ngot ngao. Duyen phan la rua do. ❤️❤️

  2. Chuyện tình của ba mạ Thuần Nhi hiếm và đẹp như truyện như phim. Rất cảm động và thi vị qua giọng văn mượt mà của Nhi.

  3. Thuần Nhi viết hay và dễ thương lắm! Yeah, ba má của chị cũng vậy, cho đến cuối đời vẫn “anh em” với nhau, chị còn chưa nghe chữ “mình” nữa đó. Tháng cuối ông cụ vào nằm nhà thương mà cứ đòi về nhà “săn sóc bà xã”. Về đến nhà là vào phòng nắm âu yếm nắm tay bà xã, đó là cách ông biểu lộ tình thương yêu, không phải nhiều lời. Thương lắm! ❤️

  4. Chuyện của ba mạ em đẹp quá, bao nhiêu người trong chúng ta mà không mơ ước được như rứa. Phải thêm hai chữ nữa cho đủ nề: tình và nợ. Có duyên nên gặp, có tình nên yêu thương nhau đằm thắm, có nợ nên ở với nhau cả một đời.

  5. Để có được kết quả ngày hôm nay .Ba Mạ đã áp dụng chiến thuật “YÊU , THƯƠNG, VÀ QUÊN MÌNH “

  6. Ba mạ Nhi tình quá! Hiếm có mối tình thật true love như rứa! Nhi lúc nào cũng viết hay. Ngày xưa Nhi và Phương Điệp thay phiên nhất nhì trong khối lớp 6.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *