Cho Những Người Nằm Xuống

Tôi nhớ mãi buổi chiều 28 tháng 4 năm 1975, khi đó tôi đang ở tiệm kính Luno của má tôi trên đường Lê Thánh Tôn. Mấy hôm nay tình hình chính trị thật căng thẳng, anh tôi và một vài người anh họ đã theo đoàn người di tản qua Mỹ rồi. Đang ngồi chơi tán dốc với anh thợ, bỗng nhiên có vài tiếng canon nổ từ xa. Ba tôi gọi phone ra tiệm bảo má tôi đóng cửa về ngay vì tối hôm nay sẽ có thiết quân luật. Má vội vàng đóng cửa, còn tôi thì nhảy lên chiếc xe PC lái về nhà.

Lúc đi ngang đường Lê Văn Duyệt, tôi nghe có vài tiếng súng nổ thật to. Sợ quá, tôi tấp xe vào mái hiên của một quán hàng đã đóng cửa. Đứng trú một hồi, tiếng súng và canon vẫn thỉnh thoảng nỗi lên. Lúc ấy có một bà gánh hàng rong và một vài người khác đứng cùng. Bỗng dưng một tiềng nổ thât lớn làm tôi giật bắn cả người. Bà gánh hàng rong bảo tôi “cô đi về nhà đi, đứng đây lỡ mấy ổng tấn công vào thì kẹt luôn”. Nghe vậy, tôi thấy có lý nên leo lên xe rồ máy và phóng vội về nhà, quên cả nói lời cám ơn bà gánh hàng rong. Lúc ấy lòng tôi cảm thấy hoang man nhưng không biết sợ, vì tôi chưa có một sự hiểu biết gì về những người mà trong những năm tháng tới đây sẽ nắm trong tay bao nhiêu sinh mạng của người dân quân miền Nam.

Tôi về đến nhà cũng vừa lúc chiếc taxi chở má tôi về đến. Sau khi ăn tối xong, má tôi phát cho các con mỗi đứa một cái ruột tượng, trong đó gói ghém it tiền, mấy chỉ vàng, vài hộp thức ăn mua ở PX, dặn dò những đứa lớn phải làm gì nếu có chuyện xảy ra. Đêm đó tôi không ngủ được. Cứ thao thức mà ôm cái ruột tượng và mấy cặp áo quần. Tiếng súng vẫn vọng về thành phố.

Đến sáng, cũng chẳng nghe động tịnh gì, nhưng Saigon đã bị giới nghiêm nên má tôi ở nhà. Mọi người xúm xít bên bàn ăn, coi tivi, nghe radio. Lũ em tôi thì vẫn ngây thơ vui đùa. Tôi thì, thấy quẩn chân rồi mà cũng đành ở trong nhà. Tôi ước phải chi anh tôi còn ở nhà thì sẽ kiếm cớ ra đường coi tình hình.

Sáng hôm sau, cái ngày định mệnh đã đến. Khoảng hơn 10g sáng ba tôi nghe radio, nét mặt ông buồn bả và thất vọng. Ông kêu tôi vào và nói “ông Minh đầu hàng rồi con. Miền Nam mất rồi”. Tôi nghe, hiểu lờ mờ, nhưng vẫn không sao mường tượng nỗi những chuỗi ngày sắp tới.

Nhà tôi ở gần tòa Đại Sứ Quán Pháp trên đường Phan Đình Phùng, nên trong phút chốc tôi nghe tiếng xe cam nhông chạy rầm rầm ngoài đường. Ló đầu ra cổng sắt, tôi thấy những chiếc xe cam nhông chở đầy lính bộ đội và một số người mặc áo quần civil, với bộ mặt của người chiến thắng, họ vẫy cờ phất phới. Thấy hàng xóm đứng ra vẫy tay chào, tôi cũng chui ra cổng, vẫy vẫy đôi bàn tay, miệng cười nhưng lòng nghe đau thắt, dù cũng chưa biết vì sao.

Chiều hôm đó tôi lén lấy xe PC chạy ra đường, đi về hướng chợ Saigon. Trên đường gần tới Dinh Độc Lập, con đường mà tôi vẫn đi ngang mỗi lần ra tiệm má tôi. tôi thấy một số xác người chắc là của các anh lính Cộng Hòa, nằm chết bên đường. Có những xác người dính máu.

Tôi, đứa con gái 15 tuổi đời, chưa một lần thấy cảnh tượng chết chóc này dù sanh ra và lớn lên trong chiến tranh. Lần đầu tiên tôi biết sợ. Nước mắt tôi chợt lăn xuống khóc cho những người anh hùng vô danh. Bây giờ thì tôi biết ra rồi bọn họ là ai!

Đêm nay tôi xin thắp những nén hương, dâng lên linh hồn các anh và hồn thiêng sông núi Việt Nam. Và bây giờ tôi bỗng hiểu vì sao mỗi lần về Việt Nam, tôi hay lang thang phố Saigon tặng chút tiền còm cho các bà, các chị gánh hàng rong. Chị giúp tôi trong một buổi chiều vang tiếng súng!

Thoang thoảng đâu đây tiếng hát của ai vang vọng:

Thượng Đế hỡi có thấu cho Việt Nam này
Nhiều sóng gió trôi dạt lâu dài.
Từng chiến đấu tiêu diệt quân thù bạo tàn.
Thượng Đế hỡi hãy lắng nghe người dân hiền.
Vì đất nước đang còn ưu phiền.
Còn tiếng khóc đi vào đêm tường triền miên.

Thủy Tiên
Khuya 28 tháng 4 năm 2021, đêm ký ức lang thang về chốn cũ.

*****

17 thoughts on “Cho Những Người Nằm Xuống”

  1. Cảm xúc của Mẹ về người em chồng, “Một bông hồng cho người tháng Tư”…
    Đánh dấu 20 năm đời di tản buồn…tháng tư 1995…

    1. Mẹ Giáng Tiên viết thật hay và đầy cảm xúc. GT chụp lại và cho anh xin toàn bài được không?
      Nhân vật Tùng được đề cập trong bài viết có phải là cố trung tá Ðỗ Hữu Tùng, tiều đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 6 TQLC Thần Ưng trong trận tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị không? Và, Mai là KL?

      1. Cảm ơn anh Hiền. Dạ đúng vậy, nhân vật Tùng là cố trung tá Ðỗ Hữu Tùng, và Mai là cô KL.

  2. Ba Mẹ của chị Thủy Tiên là ân nhân của gia đình GT vào tháng 3, 1975 khi di tản từ Đà Nẵng vào Sài Gòn. Cái gác nhỏ chật hẹp trên tiệm kính Luno là nơi ẩn náu cho trên mười mấy người không nhà cửa, người lớn, và trẻ em, không biết ngày mai và mạng sống của cha mình và bà con ruột thịt bây giờ ở đâu. Những ngày tháng đó, GT mới được 11 tuổi, nhưng không bao giờ quên được hình ảnh của hai Bác Tụng đã rộng lượng đem tình thương tới cho gia đình của bạn mình.

  3. đêm ba mươi tháng tư
    lái xe ra Tượng Đài Chiến Sĩ
    nhìn anh đứng hiên ngang
    bên cạnh người lính Mỹ
    lá cờ Vàng tung bay trong gió
    dưới bóng chiều tàn
    tôi và tâm hồn bỏ ngỏ
    nhớ tới anh dù chưa gặp một lần
    sao cảm thấy bâng khuâng
    thương những người trai thế hệ
    ra đi không hẹn ngày về
    anh đã chết để chúng tôi được sống
    xứ người xa ngàn dặm
    anh bây giờ an nghỉ nơi đâu

    cách nhau nửa quả địa cầu
    ngậm ngùi tôi đứng, cúi đầu rưng rưng

    đêm 30 tháng 4 năm 2021

  4. Cảm ơn Tiên Hiền đã chia sẻ những cảm xúc cảm nghĩ rất thật của tuổi 15-16 của tụi mình trước thảm họa của đất nước.

  5. Đã từ lâu tôi không làm thơ
    Tuổi 60 thì đâu còn nhiều cảm xúc
    để gieo vần theo tháng nắng ngày mưa
    Có chăng là những chuyện đổi thay thời tiết
    để nay nhức đầu rồi mai mình sổ mũi

    Vậy mà hôm qua đọc những dòng kể
    Về cô bé tuổi mười lăm lái chiếc PC
    lang lang giữa Sài Gòn trong giờ hấp hối
    làm lòng mình se thắt buồn hiu
    Cô chứng kiến những gì trong ngày ấy?
    Sài Gòn 30 tháng Tư tan hoang hỗn loạn
    Sài Gòn có những xác người nằm trơ giữa phố
    Những con người,
    Hôm qua còn là lính miền Nam
    Thề chết bảo vệ cho mảnh đất tự do cuối cùng
    Cô bé bàng hoàng đến bật khóc
    Giữa sợ hãi và lòng thương xót
    là những giọt nước mắt chia đều hai cảm xúc…

    Còn tôi,
    nỗi buồn đến trước cả ngày 30 tháng tư năm ấy
    Cuối tháng Ba hồi chuông báo tử cho Đà nẵng
    Phi trường không còn những chuyến bay di tản
    Biển Tiên sa bao người nằm la liệt
    đợi những chuyền tàu xuôi nam
    Thành phố bắt đầu hứng những đợt pháo kích
    Xác người trên bãi biển, giữa lòng phố
    Đà nẵng đầy rẫy người tỵ nạn từ Huế, từ Quảng Trị
    Đầy rẫy người lính miền Nam súng ống trên tay
    Họ chờ giờ cố thủ, đợi một trận chiến sống còn…

    Vậy mà Đà nẵng tan hàng nhanh chóng
    Mọi người không hiểu chuyện gì xảy ra
    29 tháng Ba,
    khi những chiếc xe tăng bộ đội miền Bắc tiến vào
    thành phố ngậm ngùi đổi chủ…

    Buổi chiều Đà nẵng mưa rả rích,
    tôi đạp xe quanh thành phố
    Có một nỗi buồn nặng trĩu!
    Tuổi 16 tôi không còn ngây thơ
    để biết mình đang mất dần tất cả
    Ngang qua Ngã Năm, tôi dừng xe trước khách sạn Đông Phương
    Những người bộ đội trong quân phục xanh màu đột chuối
    Chiếc mũ cối, đôi dép “râu” lạ lẫm
    trông u ám như bầu trời xám nghịt ngày mưa!
    Tất cả như là điềm báo trước:
    “Đôi dép râu dẫm nát hồn tuổi trẻ
    Chiếc mũ tai bèo che khuất nẻo tương lai”

    Tôi thấy vài chiếc Molotova chạy ngoài phố
    Những người lính miền Bắc
    trông ngờ nghệch dù súng ống lăm le trong tay
    Trên những chiếc xe jeep quân đội miền Nam bỏ lại
    Có đám thanh niên tay mang băng đỏ
    thỉnh thoảng nhả vài tràn đạn hăm dọa vu vơ
    Họ hò hét điên cuồng trong cơn lên đồng
    của những kẻ say men mùi chiến thắng
    Chiếc băng màu đỏ làm tôi sợ hãi,
    nó như vệt máu rỉ trên vết thương dân tộc.

    Tôi rời khỏi đám đông trước khách sạn Đông Phương
    Rẻ ngang đường Bạch Đằng
    Một mình ngồi nhìn mưa đổ xuống sông Hàn
    Lòng sông sủi tăm màu trắng đục
    Những hạt mưa vừa chạm mặt nước bắn tung tóe
    Nhưng sao tôi không nghe thấy gì cả
    Cảnh vật lặng yên,
    như diễn ra trong một đoạn phim câm
    Sự yên lặng mang theo cảm giác sợ hãi
    Tôi muốn làm một điều gì đó để trấn an mình
    Nhưng biết làm gì?
    thời đó tôi chưa hút thuốc!
    Chiều sẩm xuống, đạp xe về nhà
    Tôi lúc đó 16 tuổi
    Mà đã buồn vô vọng!…

    Thứ sáu nhìn tờ lịch trên bàn
    30 tháng Tư!
    46 năm trong ký ức của cô bé vừa tuổi 15
    sao cứ lập lại mãi một đoạn phim buồn
    Ngày định mệnh của dân tộc mình
    Sài Gòn trong giờ hấp hối

    Còn tôi,
    29 tháng Ba, Đà nẵng ngày “giải phóng”
    Biết viết gì ngoài câu hỏi cứ vang vọng
    “Anh giải phỏng tôi hay tôi giải phóng anh?”
    Câu trả lời nay đã phơi bày
    Rõ ràng câu chuyện lừa gạt chính trị
    để cả thế giới quay lưng với nỗi đau của một dân tộc
    Nhận chìm tương lai vài ba thế hệ
    Nghĩ mà buồn!…

    Tôi báo với người xếp muốn về sớm hôm nay
    Đóng vội chiếc máy vi tính
    Ra xe mở máy, ngần ngừ
    Ghé quán tìm một ly cà phê chăng!
    Tự dưng trở lại thèm một điếu thuốc…

    Chiều ngày cuối tháng Tư, 2021
    Hữu Hiền

  6. Cảm ơn chị Tiên chia xẻ kỷ niệm buồn. Lúc đó nhà em ở đường Lê Văn Duyệt khá gần phi trường nên thấy máy bay lên xuống liên tục, xe tăng tiến vào, đoàn người tháo chạy và súng bắn chỉ thiên lẻ tẻ. Chính mắt em thấy xác nằm chết. Mấy ngày sau xác mới được đem đi! Mấy chục năm rồi những hình ảnh đó vẫn không phai.

  7. Cám ơn TT, Thành cũng nhớ ngày mất nước, vừa sợ, vừa buồn vô cùng. Hai ba ngày sau, lấy xe đi tìm Thuỵ (đường Tự do) thì thấy nhà đóng cửa (sau đó thành ra tiệm bán bún bò), chạy xe lên tìm NXHy (cư xá sĩ quan Phú Thọ) thì bị mấy thằng mang băng đỏ cấm vô. Từ đó mất tin của Hy. Ngoài đường mọi người ngơ ngác, không khí rất lạ. Chạy ngang qua một xác máy bay nhỏ bị rơi còn lơ lửng trên balcon chỉ mong cho không ai chết. Hình ảnh đó nhớ mãi.

  8. Cám ơn TT đã chia xẻ! Mỗi người đều có một kỷ niệm riêng của ngảy này và sẽ nhớ và giữ mãi cho đến cuối đời.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *