Một bông hồng cho người tháng Tư

“Từ tình bạn thời niên thiếu đến tình gia đình, Mẹ tôi dâng niềm cảm xúc về người em chồng đã vĩnh biệt, Cố Trung Tá TQLC Đỗ Hữu Tùng.”
Giáng-Tiên

Đánh dấu 20 năm đời di tản buồn
Đỗ Thiên Như (Seattle)

   Hai mươi năm trôi qua rồi đó Tùng ạ. Hai mươi năm dài cho một đời người. Nhưng hai mươi năm sóng gió dâu biển trong sầu hận thì chỉ như một dấu ấn trong khoảnh khắc thôi phải không Tùng?

Nắng tháng 4 của đất người đẹp, và hứa hẹn một ngày nắng xuân chan hòa cùng với những búp non hoa cỏ. Bãi cỏ mượt mà, nụ hoa tươi thắm, nhưng kỷ niệm đã làm héo úa đi những mảnh hồn thao thức. Sáng nay thức dậy lòng tôi buồn bã bâng khuâng, tự nhiên những khuôn mặt thân yêu xa khuất hiện về. Khuôn mặt Tùng với tháng 4 đau thương hiện ra đậm nét. Tôi lần giở quyển album xưa. Tùng với nét cười trong sáng, Liên vợ Tùng khuôn mặt đẹp phúc hậu và Mai khuôn mặt yêu kiều đằm thắm, mối tình cuối sôi nổi của Tùng. Tất cả như gắn liền với tháng 4 định mệnh.

Nhìn những hình ảnh tươi trẻ đó, tôi chạnh nghĩ nếu lẽ huyền vi của đất trời dạy mọi vật đều không hiện hữu mãi. Nét tinh anh và vẻ đẹp của nhân loại sẽ tan biến vào hư không, thì đó là cực hình cho tôi kẻ chỉ sống bằng mộng, bằng hồi tưởng và nước mắt tôi bỗng ứa xuống từ một vết thương không tên. Tùng đó Liên đó, Mai đó, thật gần mà cũng thật xa. Xa như hai mươi năm trời qua đằng đẵng, mà gần như hình ảnh tôi đang ngắm Cổ Thành Quảng Trị lừng lẫy, có chiên tuyến địa đầu, có nghĩa vợ chồng trung trinh tiết liệt, có mối tình đẹp trong nước mắt và Tùng đó, anh hùng của những anh hùng của cổ thành Quảng Trị và nụ cười trong sáng của thuở thư sinh.

Những ngày dưới mái trường hoa mộng, chúng tôi là đôi bạn rất thân. Tình bạn trong sáng và tươi mát dưới mái trường tuổi nhỏ. Khi trái tim thuần tình bạn của chúng tôi chưa biết đập một tiếng giả dốì nào. Ngày đó chúng tôi mơ những chân trời xa lạ, thích nói đến chia ly, nước mắt và phượng vĩ cùng những chuyến đi xa. Tưởng tượng trong lưu bút. Tuy rằng chúng tôi chỉ quanh quẩn ở tỉnh nhỏ Đà Nắng với trường công 4 năm trung học, xong đệ nhất cấp thì chúng tôi được ra Huế học đệ nhị cấp ở Đồng Khánh và Quốc học. Xa hơn nữa là Sài Gòn. Ra Huế, đối với chúng tôi ngày đó là vĩ đại, là chuyến đi xa nhất trong đời. Tùng thích Chateaubriant, Lamartine và thích nhất 2 câu thơ của Baudelaire:

“Je l’entends bien qui coule avec un long murmure,
Mais je me tâte en vain pour trouver la blessure”

Tạm dịch:
“Ta nghe máu chảy sầu rười rượi.
Khốn nỗi không tìm thấy vết thương.”

Và với những nhà thơ của đất nước, Tùng ngưỡng mộ những vần thơ đầy tư tưởng nhưng khó hiểu của Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên… trong tạp chí Sáng Tạo. Ngày tuổi nhỏ với một tâm hồn sầu mộng và lãng mạn như thế, mỗi lần ngắm bạn tôi tưởng bạn tôi sau này với bản chất yếu đuối sẽ không bao giờ vào nghiệp võ để “gối mộng phong hầu”. Nhưng như một định đề hoàn toàn trái ngược, Tùng lớn lên để trở thành một thanh niên cương nghị đôi mắt vời vợi xa vắng, Tùng đi vào binh nghiệp.

Trường Võ Bị Đà Lạt mà Tùng học 4 năm đại học quân sự của khóa 16 đã đào tạo người thư sinh ẻo lả năm xưa thành một sĩ quan ưu tú yêu nước, thương đồng đội. Vị sĩ quan ấy đã đặt chân lên khắp nẻo đường đất nước dưới danh hiệu “Cọp biển”. Nơi nào chiến trường sôi động đẫm máu, nơi đó có Tùng sát cánh với đồng đội chiến đấu, làm nên những địa danh “Bình Giả, Đồng Xoài.”

Thoảng hoặc Tùng đến thăm, khi từ chiến trường ghé về thành phố. Tôi ngày ấy đã là chị dâu Tùng. Chúng tôi ngồi trên balcon, dưới giàn hoa giây, nhìn khuôn mặt nổi tiếng của cổ thành Quảng Trị. Trừ bộ đồ trận có gắn lon trung tá Tùng đang mặc. Tôi không tìm thấy dấu vết chiến tranh trên khuôn mặt trầm buồn mơ mộng đó. Có lẽ Toàn Phong có lý khi viết trong “Đời Phi Công”: “Con người chiến binh có cứng rắn cũng chỉ là đối diện với quân thù để giữ vững tay súng, nhưng đời sống riêng biệt thì hẳn cũng như tất cả thế nhân.”

Đêm trăng thật đẹp, chiếu lổ đổ qua giàn hoa giấy của khung trời Sài Gòn. Tiếng Tùng đưa tôi vào thực tại. Tùng cười hàm răng sáng bóng dưới trăng, Tùng bảo: “Có điều thật lạ, là khi Tùng chọn con đường đầy bất trắc mỗi ngày Tùng thấy như được an ủi khi đối diện với cái chết, bên cạnh đồng đội mà Tùng thương yêu như ruột thịt, Tùng thấy không sợ hãi và không lùi bước trước một gian nguy nào”. Cùng dưới ánh trăng Tùng kể những đêm trăng ngoài chiến trận, ngồi trên đồi cao nhìn những xác bạn và thù rải rác đó đây chưa kịp nhặt chôn cất. Giữa cảnh hãi hùng và ghê rợn đó, Tùng đã nhìn những vì sao trên cao cầu nguyện giữa hai giòng nước mắt, cho những người bạn mà mới sáng mai chia nhau điếu thuốc hay cùng nhau tâm sự một chuyện tình: “xong trận này mai tao về thăm nàng và đi bát phố”. Nhưng không có ngày đó, không bao giờ nữa, đành an ủi nhau trong hai câu thơ cổ:

“Từ xưa người đẹp, tướng tài
Chẳng bao giờ hẹn trần ai bạc đầu.”

Rồi tháng 4 định mệnh đến, tan tác và điêu linh khắp đất nước. Vợ con Tùng kẹt lại Miền Trung. Mai, người yêu Tùng đến tìm tôi thất thần và tuyệt vọng vì tìm không ra Tùng. Còn tôi thì tinh thần tán loạn không có chủ đích với một đàn con, vì chồng tôi, anh ruột Tùng, cũng không tin tức sau khi Miền Trung thất thủ. Tôi và Mai, những ánh mắt tuyệt vọng nhìn nhau như ở cuối tử lộ kinh hoàng đến độ không còn giọt nước mắt để khóc. Và như một phép lạ của ơn trên, chồng tôi như từ cõi chết trở về và chúng tôi cùng với đàn con rời được khỏi đất nước. Như đi trong một giấc mơ hãi hùng tôi không kịp nghĩ gì và không kịp nhớ một ai, ngoài những đất mới, người mới, như một giấc mộng du dài. Đến Mỹ, Mai liên lạc mới biết Tùng đã không còn. Tùng không bao giờ có nữa.

Trên đất người bao nhiêu năm qua, bao nhiêu tin tức về Tùng trái ngược nhau, không ai có thể có khả năng xác định được cái mất tích đau thương của Tùng. Nhưng để đền bù lại Tùng đã có quá nhiều hạnh phúc trên cõi thế này. Liên người vợ trung trinh cao quí, bên cạnh mối tình như núi sông của vợ mỗi ngày một đời hy sinh cho chồng con. Tùng cũng không tránh được lề thói của người chiến binh “dựa lưng nỗi chết”. Và bên Mai mốì tình đẹp như thơ, đẫm đầy nước mắt, ân nghĩa tròn đầy! Còn tôi người bạn bé nhỏ của thời cắp sách. Bây giờ là người của gia đình, vẫn hoài niệm về Tùng mỗi mùa tháng 4 trở lại với tất cả trân quí.

Và còn hàng hàng, lớp lớp, những người bạn đồng học, đồng ngũ vẫn tưởng nhớ Tùng trong những tháng năm dài nối tiếp. Niềm tưởng nhớ đó đã thể hiện trong những bài viết về Tùng của Phan Nhật Nam, Phạm Huấn là những nhà văn nổi tiếng của chiến trường và Khánh Ly của Hồn Việt, v.v…

Cũng như suốt bao năm dài, tôi gặp Mai ở đây, lần nào Mai cũng bảo tôi với niềm tin quyết liệt, “Anh Tùng vẫn còn chị ạ, có nhiều dấu hiệu anh Tùng không chết, em tin như thế, anh vẫn ở đâu đây.” Vâng tôi tin như thế Mai ạ. Bởi vì 20 năm trôi qua, sáng nay tôi đang ngắm ảnh Tùng. Tùng thật trai trẻ nụ cười sáng rực tin yêu trong bộ đồ trận. Tôi không thấy dấu hiệu nào Tùng đã mất hay Tùng đã già. Tùng sống mãi trong lòng đất nước, trong tâm tưởng chúng ta, trong cuối tháng Tư đau thương trở lại. Tôi đang hái cho Tùng đóa hoa hồng nhung tuyệt đẹp, hình như trên cao Tùng đang mỉm cười.

Đỗ Thiên Như
Trích từ báo Người Việt Tây Bắc, số 438 tháng tư 1995

*****

4 thoughts on “Một bông hồng cho người tháng Tư”

  1. GT xin cảm ơn các anh chị lời cảm nhận về Chú Đỗ Hữu Tùng và bài viết của Mẹ GT. Năm nào cũng vậy, GT tới thăm nghĩa trang quân đội tại Seattle thắp nén hương tưởng nhớ và tạ ơn những hy sinh của chiến binh Việt Nam Cộng Hoà không còn được quê hương nhắc nhở. Cầu nguyện cho đất nước đem lại tình người cho nhau.

  2. Lần đầu tiên Sương được đọc về cố trung tá, chú của Giáng Tiên thật xúc động! Chú là tiêu biểu cho biết bao anh hùng đã chiến đấu cho quê hương!

  3. Aimée thương mến,,

    Bài viết của Mẹ về chú ngắn gọn nhưng sâu sắc quá. Chỉ trong vài đoạn thôi mà nói gần hết cuộc đời oai phong và đầy sự hy sinh của chú cho quê hương tổ quốc, nhưng cũng không thiếu phần tình cảm ướt át của người anh hùng thời chiến.

    Nhân ngày lễ Mẹ sau môt năm với nhiều biến cố trên thế giới và ngay tại quê nhà (mảnh đất dung thân), cầu chúc em nhiều điều vui và luôn có Mẹ bên cạnh.

    chị bé chị

  4. Cám ơn Giáng Tiên đã chia sẻ bài viết cũ của mẹ. Lâu nay có đọc những bài viết về cố Trung tá Đỗ Hữu Tùng, thật bất ngờ được biết là người nhà của Tiên, rất ngưỡng mộ ông. Đọc bài Một bông hồng cho người Tháng Tư mới thấy được nét đẹp từ tâm hồn và tri thức trong văn chương của thế hệ đi trước chúng ta. Một tâm hồn lãng mạn và đầy tình thương người. Một lối hành văn mượt mà nhưng rất trong sáng. Một câu chuyện chiến tranh có mất mác đau thương, nhưng không tìm thấy trong đó ý từ nào mang tính căm thù, oán hận, chỉ bùi ngùi cho thân phận dành cho một chiến binh, một con người. Bài viết tưởng nhớ đến cố Trung tá Đỗ Hữu Tùng làm ta liên tưởng để không khỏi tiếc nuối đến một thời miền Nam tự do và nhân bản, đã không còn!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *