Sợi Tóc Vướng Chân…

Thà như giọt mưa vỡ trên mặt Duyên
thà như giọt mưa khô trên mặt Duyên…

Đôi khi tôi lẩn thẩn nghĩ, nếu người tình học trò trong “Thà như giọt mưa” mà Nguyễn Tất Nhiên theo đuổi không phải tên Duyên, hay cô nữ sinh trong “Ngày xưa Hoàng thị” mỗi ngày Phạm Thiên Thư theo chân đường về không phải tên Ngọ thì nhạc Việt có được hai ca khúc tuyệt vời đó không nhỉ? Nếu không phải là Duyên và Ngọ mà là Phượng, Hằng, Thúy Vân, Thúy Kiều… thì sẽ là sao? Chắc chắn với tài làm thơ của hai thi sĩ trên và tài năng phổ thơ thành nhạc của phù thủy Phạm Duy thì chúng ta sẽ có hai tác phẩm khác cũng hay tuyệt, cũng nỗi tiếng. Mỗi một tác phẩm nghệ thuật thường mang trong chính nó một cái hồn riêng, thì tên cô Duyên và Hoàng Thị Ngọ đã phả vào “Thà như giọt mưa”, “Ngày xưa Hoàng thị”  những cảm xúc dễ làm mềm lòng chúng ta không lẫn vào đâu được. Mỗi khi chỉ cần thoáng nghe, chỉ cần nhẩm hát lên đôi câu có tên họ cũng làm ta nao nao bồi hồi theo tâm trạng một thuở của hai gã học trò thi sĩ si tình. Cái tên và bài hát như có chung một định mệnh gắn liền, cũng như chúng ta đã từng có những cái gắn kết mãi không thể nào rời, khó có thể nào phai…

Người từ trăm năm về phai tóc nhuộm
người từ trăm năm về phai tóc nhuộm
ta chạy mù đời ta chạy tàn hơi
quỵ té trên đường rồi
sợi tóc vương chân người

Khoảng cuối năm 79 tôi trở lại Sài gòn sau mấy tháng lê chân khắp nơi. Lang thang từ Rạch giá, Cà mau cho đến Nha trang, Qui nhơn và về cả Đà nẵng để tìm cho mình một chuyến đi. Lúc này tôi là dân “lậu” dù sống ngay trên chính quê hương mình. Hộ khẩu mất sau thời gian tìm đường vượt biên vắng mặt ở trường, tôi trốn tránh, đi lại bằng tấm giấy chứng minh nhân dân giả. Có người bạn móc nối được một tổ chức vượt biên ở Sài gòn nên tin cho tôi vào lại chờ một chuyến ra khơi mới. Sợ công an khu vực soi mói kẻ lạ mặt, ban ngày tôi đi loanh quanh đâu đó trong thành phố, đêm thì về ngủ trên một căn gác xếp ở Phú Nhuận.

Một lần tôi bắt xe buýt đến khu cư xá Đô thành đường Phan Thanh Giản(?) để gặp người bạn bàn tính cho chuyến đi sắp tới, chúng tôi hẹn trong một quán nước. Anh bạn tới trể quá làm tôi lo lắng sốt cả ruột. Tôi kêu một ly cà phê và mấy điếu thuốc rồi ngồi nhìn xe cộ tấp nập qua lại. Ban trưa Sài gòn nắng chan, bụi mù trời. Đang nghĩ lẩn thẩn bất ngờ tôi thoáng thấy H cùng mấy cô bạn đang tụm nhau nói cười bên chiếc xe bán chè đậu đỏ bánh lọt bên kia đường. Tôi sửng người, định gọi tên H nhưng rồi lại do dự nên thôi, có một điều gì đó làm khô rốc cổ họng để tôi không thể nào lên tiếng được. Một cảm giác hờn mát thân phận. Tôi hờn chế độ này rồi như hờn luôn đến H, đến mối tình bao ngày qua. H trông vẫn vậy, nàng mặc chiếc quần tây đen, áo sơ mi trắng quen thuộc như bao lần tôi đến nhà thăm. H vẫn đơn sơ bình dị thân quen như bao lần gặp gỡ, H ở gần lắm, chỉ một khoảng không gian băng ngang qua phía bên kia con đường vậy mà bây giờ tôi thấy xa vợi. Tôi chẳng dám lên tiếng, tôi sợ cả nàng bắt gặp mình nên vội kéo sụp chiếc mũ lưỡi trai che khuất mặt. Tại sao tôi lại tránh mặt nàng dù gần nửa năm nay nỗi nhớ đến H vẫn luôn đầy ắp! Trước mặt tôi bây giờ chỉ còn có một con đường duy nhất, con đường cùng trên đó sẽ không có H đồng hành. Một chuyến đi xa không hẹn quay về thì chạm mặt nàng bây giờ biết sẽ nói gì đây!

H vẫn vô tình cười nói với bạn bè phía bên kia đường, vẫn thong dong dáng gầy, vẫn dáng nữ sinh còn hơi “thiếu thốn” như tôi hay trêu chọc khiến nàng bực bội giận. Mái tóc kẹp dù vấn khéo vẫn có những sợi lòa xòa trên má. Trông nàng vô tư vui cười với bạn. Tôi bên này tâm trạng nhói buồn, “quỵ té trên đường rồi, sợi tóc vướng chân người” …

Hơn 30 năm không gặp, tình cờ tôi liên lạc lại được với H. Có một lần qua email nàng trách tôi sao dạo đó đột nhiên biến mất chẳng nói chi từ giả hết, làm nàng hụt hẫng buồn dài một thời gian. H kể sau khi không thấy tôi đến nhà nữa, H giận quá nên có lần nói với cô em mình rằng, từ nay nàng đặt tên cho tôi là “Rắn mùng năm”. H giải thích, lần cuối tôi đến thăm nàng vào ngày Tết mùng năm. Tôi ở lại ăn cơm với gia đình nàng và sau hôm đó là biến mất tăm. H nói tôi giống như loài rắn, trườn đến rồi trườn đi đều nhanh chóng cả. Đọc email làm tôi bật cười cho tên gọi ngộ nghĩnh, cho cái nickname thật “độc địa” mà H đã dành tặng cho tôi. Tôi chỉ giải thích vắn tắt vì hoàn cảnh chung xã hội thời đó nên chẳng đặng đừng không đến từ giả gia đình nàng được. Tôi nói thêm với H rằng mình cũng áy náy lắm, bao năm vẫn có ý dò hỏi tin nàng. Nhưng dù liên lạc thăm hỏi nhau bao lần, sao tôi vẫn chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ kể về câu chuyện tình cờ thấy lần nàng ăn hàng với bạn giữa Sài gòn hôm đó. Có lẽ tôi muốn giữ “cái tôi” cho riêng mình. Cảm giác buồn tủi, yếu đuối hờn mát của một gã đàn ông thì có hay ho gì để kể ra, phải không!

Boston, chủ nhật giữa tháng 6
Trương Hữu Hiền

12 thoughts on “Sợi Tóc Vướng Chân…”

  1. Sự tương phản lớn giữa bối cảnh rất xấu của cuộc sống đầy đắng cay thời đó và vẻ đẹp ngọt ngào của tình cảm yêu đương chớm nở làm tôn lên tính lãng mạn của câu chuyện. Càng lãng mạn hơn bởi
    “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở”
    Cám ơn anh H đã chia xẻ những kỷ niệm qua bài viết rất hay.

    1. Cám ơn Thu Châu đã đọc bài viết hơi lẩm cẩm của anh! Mỗi lần nghe nhắc đến câu “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở” tự dưng dễ mắc cười, nhưng rõ ràng nó diễn tả đầy đủ và lãng mạn nhất trong ý nghĩa của trái ngọt lẫn trái đắng tình yêu. Có được hay không có được vẫn làm mình lao xao bồi hồi …

  2. Cám ơn Hiền đã chia sẻ tâm trạng. Vào thời điểm đó mặc dầu đã quyết định ra đi nhưng đâu có biết mình đi được hay không ! Thà như Hiền không nói thì đỡ đau lòng hơn.
    Chứ còn tới nhà em nói lời từ giã thì “đau lòng ta muốn khóc…”

    Anh nhớ mãi cơn mưa chiều hôm ấy
    Em thẫn thờ nghe tiếng nói chia ly
    Lệ em rơi cùng tiếng khóc nghẹn ngào
    Em than trách sao tình ta ngăn cách

    Anh đã biết ngày ra đi phải đến
    Rời gia đình xa mái ấm thương yêu
    Đời nghiệt ngã quê hương đành phải bỏ
    Kiếp tha phương anh đón nhận từ đây

    Bước xa em anh chẳng dám quay nhìn
    Lòng anh buồn mưa xé nát con tim
    Lệ không rơi nhưng lòng tràn nước mắt
    Khóc tình ta ly biệt dưới mưa chiều

    Chia tay cuối tháng 4 năm 1978… Rời Đà Nẵng vào Sài Gòn và may mắn vào Cần Thơ để vượt biên tới Malaysia đầu tháng 5 năm 1978.
    Rồi từ đó… Cuộc tình đã vắng bóng em…

    1. Tưởng Lê Phát rời Việt nam khoảng 79 chớ, té ra là giữa năm 78, sớm hơn Hiền gần cả 2 năm. Phát đi chung chuyến với Phúc phải không, nếu vậy đở buồn hơn.
      Thời đó mới lớn, thương ai là thương ghê gớm lắm, chia tay tiếc ngậm ngùi! Nhớ sau 75 hay gặp bạn bè NH trong mấy quán cà phê cóc ở Đà nẵng, toàn bàn chuyện “ra khơi”. Hôm trước vô facebook của Đỗ anh Tuấn có thấy tấm hình có Võ anh Tuấn và Nguyễn văn Hùng. Tự dưng buồn ghê gớm!!!

  3. Bài viết nhẹ nhàng dễ thương quá, cảm ơn Hiền đã chia sẻ. Không biết thay vì hờn mát, Hiền “băng ngang qua phía bên kia con đường“ thì cuộc đời sẽ ra sao? Nhưng lại mất đi cái tên “Rắn mùng năm” cũng hơi tiếc chứ hè 🙂

    1. Hi hi. Hờn mát thì chịu thiệt thôi! 🙂
      Cuộc đời ai mà không từng trải qua những ngả rẻ, có-không, được-mất, hên-xui nhiều khi chỉ xảy ra trong khoảnh khắc mà mình tự chọn lựa. Nhưng nghĩ cho cùng thì đó mới là cuộc đời, phải không! Tiếc chi, nghe “rắn” là phát ớn rồi 🙂

  4. Cảm ơn anh Hiền sáng chủ nhật chia xẻ cảm xúc tình học trò và bài hát bất hủ. Thời cuộc đã làm biết bao người chịu cảnh chia lìa nhưng kết thúc có hậu là cũng tìm lại được nàng.

  5. Đọc bài viết của Hiền mình liên tưởng lại cuộc đời thay đổi từ năm 79. Sau khoảng thời gian 2 tháng lao động tại Phú Ninh, quá cục khổ, kg có tiền lương, ở nhà còn 7 đứa em, cha thì ở tù, mẹ thì kg lanh lợi, mình trốn vào nam, lưu lạc tại ga Bình triệu được 6 năm. Thời gian này mình được gặp nhiều bạn bè lắm, có gặp Đức Mập tới nhờ giúp gì đó mà mình quên rồi, gặp Vũ trọc, Sử Bích Nga. Rất tiếc là kg gặp được Hiền.
    Ôi cũng là cái duyên, bây giờ tụi mình còn liên lạc với nhau là vui nhất khi tuổi đã xế chiều.
    Hy vọng sẽ sớm được gặp nhau.

    1. Hi hi Tuấn. Hồi đó Hiền từ Sài gòn về Đà nẵng thì toàn chui rào vô ga Bình triệu. Tiện đâu nằm đại đó dưới sàn, mỗi lần thấy nhân viên soát vé tới là lẻn ra khoảng giữa 2 toa tàu, có khi bí quá phải đeo tòn ten bên ngoài. Nghĩ lại ớn thiệt! Vé tàu bán chính thức cũng rẻ thôi nhưng đâu tới phiên mình được mua, còn giá chợ đen thì mắc lên trời! Thời gì mà già trẻ lớn bé, ai cũng khổ.
      Hy vọng gặp nhau lại sớm để nghe ông kể tiếp chuyện đi giang hồ vô nam 🙂 .Thân mến.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *