Ngọn Lửa Tokyo Olympic 2020

Cuối cùng thì thế vận hội lần thứ 32, Tokyo 2020 Olympic, cũng được diễn ra bằng một buổi lễ khai mạc khác thường hẳn so với những lần khác. Thứ Sáu 23/07/2021 giờ địa phương. Đó là một lễ khai mạc thật trầm lắng, vận động trường chỉ vang lên âm thanh của những bản nhạc nền và tiếng cổ võ ít ỏi của người tham dự. Không khán giả, không có những cái bắt tay và những cái ôm thân tình gần gũi giữa các tuyển thủ. Tất cả phải là social distancing. Thế vận hội Tokyo 2020 này đã phải trì hoãn một năm vì bóng ma của con siêu vi trùng Corona quái ác. Nay đại hội được tổ chức trong bầu không khí chẳng đặng đừng của Ủy ban thế vận quốc tế và nước chủ nhà. Dịch bệnh Covid 19 vẫn còn đang bao trùm lên thế giới chúng ta.

Qua màn ảnh truyền hình, lễ khai mạc chỉ có vài vị quan khách đặc biệt tham dự, ngoài vợ chồng Nhật hoàng còn có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và bà Jill Biden phu nhân tổng thống Mỹ. Chưa đầy 1.000 quan khách có mặt tại một sân vận động, nơi có thể đón đến 68.000 khán giá.

Đúng 20 giờ, Thiên Hoàng xuất hiện cùng ban tổ chức và quan khách. 20 Giờ 5 phút chương trình khai mạc bắt đầu bằng những thước phim chiếu lại thời điểm Tokyo được chọn làm nơi tổ chức. Màn trình diễn pháo hoa bừng lên mang màu sắc thời điểm hiện tại. Kế tiếp lễ thượng kỳ, cô MISIA (43 tuổi), nữ ca sĩ ưu tú của xứ sở mặt trời hát quốc ca nước mình. Tiếng hát trầm ấm và đầy nội lực của Mishia vang lên như đang cố xóa tan đi những khổ đau của nhân loại đang trong tăm tối. Tiếng hát của cô đã làm biết bao nhiêu khán giả cảm động khóc theo, dù hầu hết chỉ được theo dõi trên màn ảnh truyền hình.

Sau phút mặc niệm những nạn nhân bởi thiên tai và Covid được thể hiện qua điệu múa hóa thân của một nghệ nhân, các đoàn diễn hành vào sân vận động. Đặc biệt lần này không theo thứ tự ABC như thường lệ mà theo bảng chữ cái Kana của Nhật. Sau đoàn Hy Lạp theo truyền thống là các quốc gia có vần A, I, U,E, O. Việt Nam phát âm thành Betonamu trong dãy phụ âm Ba,Bi,Bu,Be,Bo nên được vào sân khoảng giữa các đoàn chớ không xếp gần cuối nếu bắt đầu bằng mẫu tự V. Vào sân cuối cùng là đoàn của nước chủ nhà. Bắt đầu từ hôm nay, trong khoảng thời gian hơn 2 tuần, 206 quốc gia và vùng lãnh thổ với 11.000 vận động viên tham dự sẽ tranh tài 33 bộ môn thể thao. Kết thúc phần diễn hành là tuyên bố khai mạc Olympic 2020 của Nhật hoàng Naruhito. Nghi thức cuối được chờ đợi nhất trong lễ khai mạc là thắp sáng đài đuốc thiêng Thế vận hội đã diễn ra đơn giản nhưng đầy ý nghĩa.

Đối với người viết, khi xem lễ khai mạc này thì có hai điều để mình suy nghĩ. Thứ nhất là câu hỏi, tại sao Nhật bản lại chọn cô Naomi Osaka, một người không phải thuần chủng Nhật làm vận động viên chạy cuối châm ngọn lửa thiêng, ngọn lửa sẽ cháy suốt thời gian diễn ra ngày hội. Naomi Osaka có cha người Mỹ gốc Haiti và mẹ là người Nhật. Cô sinh ra ở Nhật, nhưng mới 2 tuổi đã theo gia đình sang Mỹ sống. Naomi mang 2 quốc tịch Mỹ và Nhật, và theo luật hộ tịch Nhật cô ta phải chọn một khi đến 21 tuổi. Điều đáng nói trước khi Olympic diễn ra Naomi đã bỏ quốc Mỹ và chọn đại diện cho quê hương mẹ. Trả lời cho những thắc mắc về sự chọn lựa này, Naomi trả lời đơn giản: cô cảm thấy mình có phần là người Nhật hơn là Mỹ.

Dân tộc Nhật bản thường được nhắc tới là rất coi trọng sự thuần chủng. Truyền thống xưa nay chuyện một người Nhật lập gia đình với người nước ngoài thường bị xã hội coi rẻ. Nhưng đối với thời đại hiện nay, điều đó xem như là một khiếm khuyết không còn thích hợp với khuynh hướng cộng động hóa nhân loại. Quan niệm đó là một điểm trừ để Nhật bản không được mấy thiện cảm đối với thế giới. Và nay để cải thiện quan niệm đó, chọn Naomi Osaka, Nhật bản chứng tỏ cho thế giới biết rằng họ đang thay đổi. Nhân loại phải không còn màu sắc cực đoan dân tộc, bình đẳng và san sẻ thương yêu nhau sẽ làm mọi người trên trái đất này có đời sống tốt đẹp hơn. Hôm nay, đại diện nước chủ nhà châm ngọn đuốc thiêng Tokyo 2020 Olympic là một cô bé thoáng nhìn qua không mang nét gì Nhật bản cả. Nhưng theo Naomi, cô có một trái tim và một niềm kiêu hãnh rất Nhật bản trong người…

Điều thứ hai mà người viết muốn chia sẻ là người Nhật muốn xóa bỏ đi những vết tích tội ác trong thế chiến thứ hai của họ. Thế giới từng xem người Nhật là một dân tộc hiếu chiến, rất tàn bạo với đồng loại. Riêng với chúng ta, nghĩ đến quân đội Nhật là ta nhớ ngay đến biến cố đau thương làm cả triệu người Việt chết đói năm 1945. Quân Nhật đã trưng dụng phần lớn lương thực ở miền bắc để phục vụ cho chiến tranh. Bởi vậy giờ đây người Nhật muốn cởi bỏ cái quan niệm không tốt đẹp mà thế giới nghĩ về mình. Họ hướng đến mục đích đó bằng cách tham gia nhiều hoạt động phát triển xã hội khắp thế giới, trong đó có hoạt động thể thao.

Sau thời gian khá lâu sống ở xứ Phù tang tam đảo người viết có nhận xét rằng, khi thi đấu thể thao đội tuyển Nhật ngày nay không còn dùng trang phục có hai màu đỏ và trắng. Màu quốc kỳ Nhật bản. Họ dần dần thay bằng trang phục màu xanh dương, một sắc màu tượng trưng cho hòa bình, cho thương yêu, màu khi nhìn chúng ta cảm thấy bình yên thoải mái hơn. Riêng cá nhân người viết khi nhìn màu đỏ cứ bị ám ảnh về một nỗi sợ hãi ngày còn bên nhà, và màu trắng thì ít nhiều tượng trưng cho chết chóc. Rõ ràng bằng từng bước trong ứng xử khôn khéo, và bằng những hình ảnh tượng trưng nhẹ nhàng, trong đó có cả màu áo thể thao, họ đã chiếm được rất nhiều cảm tình thế giới. Ngày nay Nhật bản đã giũ bỏ bớt đi rất nhiều những ác cảm mình từng tạo nên trong quá khứ. Theo khoa học chính trị, họ đã thành công bằng cách dùng “sức mạnh mềm” (soft power) của chính mình để thu phục nhân tâm.
Trên đây là hai điều người viết muốn chia sẻ với bạn đọc sau khi xem lễ khai mạc Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020. Bây giờ thì chúng ta hãy cùng nhau theo dõi những cuộc tranh tài hấp dẫn với các danh thủ thuộc loại xuất sắc nhất thế giới. Cầu mong ngày hội được diễn ra bình an và tốt đẹp, để một phần nào xóa đi những tang thương thế giới đang gánh chịu. Qua màn ảnh truyền hình cũng như tường thuật tại chổ từ vài người bạn, người viết sẽ cố gắng cập nhật những tin tức và kết quả đại hội sớm nhất đến đại gia đình NH! Chúc tất cả có một cuối tuần thật thoải mái!

Trương Hữu Hiền
(Những hình ảnh trong lễ khai mạc)

 

8 thoughts on “Ngọn Lửa Tokyo Olympic 2020”

  1. Cám ơn H đã chia sẻ tỉ mỉ Olympic,vui vì Osaka thắp ngọn đuốc (chắc tại chị chơi tennis),thích nhất là bài hát Imagine, hồi đi học cứ dịch là tưởng tượng,chừ nghe bình luận viên đọc Ước mơ,đúng thật là ước mơ, ước mơ bao điều..Hiền hỉ,thân!

    1. Đúng rồi chị, dịch lả Ước mơ… cho nó chắp cánh hơn!

      “Imagine there’s no countries
      It isn’t hard to do
      Nothing to kill or die for
      And no religion, too
      Imagine all the people
      Living life in peace… You…”

  2. Cám ơn Hiền bài viết chân tình ngày cuối tuần. Nước Nhật Bản là một nước cầu tiến. Sau khi thua trận thế chiến thứ hai, họ dồn hết nổ lực vào kinh tế để vươn lên nhưng không có tham vọng làm bá chủ. Khi đương đầu với dịch bệnh và sự tiến hóa của loài người, họ uyển chuyển thay đổi cách đối xử để Đắc nhân tâm.
    Chuyện là như ri …
    Sáng thứ bảy có người biểu coi game Olympic
    Nên đang ngồi thì Viber réo vang vang
    “Saigon lockdown nhờ viết hộ vài hàng
    Cho bè bạn đang cuộn mình lo sợ
    Viết xong rồi mốt mai trả nợ”
    Nghe cũng bùi tai, ngồi nhớ lại Saigon
    Niềm nhớ có tên, nỗi hận triền miên
    Đất nước ơi bao giờ cho hết khổ.
    Sẽ hát bài “Việt Nam Minh Châu Trời Đông”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *