Bà và Bồ Kết

Mỗi hè tôi luôn chạnh lòng nhớ bà ngoại và “biến cố” gội tóc bằng bồ kết của bà cháu tôi. Bà tôi qua đời cuối tháng 6 năm 79, năm cuối cùng cả gia đình tôi còn được sống vui vầy bên nhau ở căn nhà nhỏ góc đường Phan thanh Giản, Saigon. Thấm thoát mà đã hơn bốn mươi năm rồi sao? Cứ tưởng chừng như là một nháy mắt của hôm qua vì ký ức tôi vẫn còn nhớ như in, lòng tôi vẫn còn đau như cắt khi nghĩ đến, khi nhớ tới bà ngoại tôi.

Như phần lớn các gia đình khác ở Việt Nam thời đó, ông bà ngoại đã sống chung với gia đình tôi. Anh em tôi may mắn được ông bà cận kề một bên từ thuở lọt lòng cho đến tuổi niên thiếu, gói gọn cả chặng đường dài hơn hai mươi năm đầu của tuổi đời. Tuy ông ngoại tôi mất sớm khi gia đình còn ở Đà Nẵng nhưng những kỷ niệm anh em tôi đã có với ông thì rất thắm thiết, rất đậm đà vì ông đồng nghĩa với tuổi thơ thần tiên của anh em tôi. Ông đối với bà thì lại khác hẳn vì tính tình của ông và bà trái ngược như hai thái cực. Ông trẻ con dí dỏm bao nhiêu thì bà nghiêm nghị ít nói bấy nhiêu. Tôi luôn thắc mắc làm sao ông bà ngoại lại có thể ăn ở với nhau có đến sáu bảy người con như vậy! Không hiểu vì lý do gì mà cả bao nhiêu năm dài ông bà không hề nói chuyện trực tiếp với nhau. Lúc nào cũng phải nhắn gửi qua một người thứ ba khi cần bàn bạc chuyện gì cần thiết. Lúc nhỏ anh em tôi được làm vai “trung gian” đó, hệt như có cái bưu điện nhỏ ngay tại nhà để đưa tin đi đón tin về cho ông bà ngoại chúng tôi.

Không làm sao quên được những trận cười thích thú khi anh em tôi chơi trò lính với ông bằng những chàng lính nhựa nhỏ màu xanh rêu. Ông luôn bị anh em tôi bắt làm lính phe bên kia, phe địch. Mà đã là phe địch thì phải luôn thua, bị bắn ngã chết thảm thương liền trong khi anh em tôi thì luôn được vẻ vang thắng trận. Ông thường cho anh em tôi thay phiên nhau ngồi vào lòng ông những đêm ngắm trăng ngoài sân nhà ở đường Hoàng Diệu, nhất là trong những đêm rằm Trung Thu. Ông cháu vừa cằm cái quạt đập muỗi vừa nghêu ngao hát “Trăng kìa trăng mới lên, ba đứa mình xúm xít vui chơi, vui mừng vui hớn hở vui mừng …”. Ông còn là ảo thuật gia tuyệt vời của anh em tôi nữa, cứ nhanh tay kéo đồng tiền cắc từ tai ra làm chúng tôi tròn mắt khâm phục, nhao nhao đòi ông phải truyền nghề lại cho mình. Ông còn thường nghịch ngợm sai anh em tôi lén lấy cái khăn lau mặt trắng tinh mà bà tôi thường vắt trên dây phơi khăn trong nhà. Ông giả bộ đưa khăn xuống lau bàn tọa của mình. Ý là ông rất dũng cảm anh hùng, không hề nể sợ bà. Ông làm chúng tôi cười nắc nẻ, phục lăn chiêng đổ đèn. Thương tiếc thay, ông bị bịnh nặng rồi qua đời cuối năm 71. Anh em tôi như mất đi thiên đường của tuổi thơ. Chỉ một điều cảm động là trong giây phút trăn trối của ông tôi, bà tôi đã chịu ngồi bên giường bịnh, nắm lấy tay ông và nói chuyện nhỏ nhẹ với nhau.

Hè năm 74 gia đình tôi dọn vào Saigon, bà tôi vẫn tiếp tục theo sống chung. Một vài năm trước khi bà mất, tôi là người lo việc gội tóc cho bà. Sau 75 mọi thứ mắc mỏ khan hiếm nên bà cháu tôi luôn gội tóc bằng bồ kết, rẻ tiền và luôn có sẵn ngoài chợ để mua. Nấu nóng, mùi bồ kết thanh nhẹ dễ chịu. Bỏ thêm vào nồi bồ kết vài trái chanh tươi nữa thì tóc sẽ sạch mượt, thơm dịu tự nhiên, không dầu gội tóc nào sánh bằng. Hôm cuối tháng 6 năm 79 đó, như thường lệ sau khi gội tóc cho mình xong, tôi loay hoay ngoài sân sau nhà để gội tóc cho bà. Bà ngồi trên cái ghế đòn gỗ, cúi đầu xuống thấp cho tôi thong thả chải gội. Vừa gội tóc bà cháu vừa chuyện trò với nhau. Nói là chuyện trò cho oai chứ thực ra bà ngoại tôi lãng tai rất nặng. Tôi phải nói thật chậm sát tai bà, ngắn câu và rõ nghĩa để bà dễ nghe dễ hiểu. Khi tóc bà đã thơm sạch, tôi nói bà đứng dậy vào trong nhà. Nhưng lạ thay bà chỉ ú ớ được chữ có chữ mất. Tay tôi đang giữ đầu bà tự nhiên thấy nặng trĩu … làm như bà không ngẩng đầu lên được nữa. Tôi hoảng sợ gọi mạ tôi chới với. Mạ đang ngồi trước hiên nhà vắt than thành từng hòn nhỏ để dễ mồi bếp nấu ăn. Mạ hốt hoảng chạy ra sân sau, cùng tôi dìu bà nằm lên cái divan của bà. Mạ nói tôi ra trước ngõ đầu xóm, gọi taxi hay xích lô để đưa bà vào bịnh viện. Như linh tính biết là không ổn, hai tay bà tôi cứ quýnh quáng muốn giữ chặt vào cái divan. Bà cứ lắc đầu liên tục ra ý là không muốn đi đâu hết. Nước mắt bà thì cứ tràn trụa hai hàng xuống mặt, xuống má. Rốt cuộc phải khổ sở lắm hai mẹ con tôi mới đưa bà vào được bịnh viện. Bà đã bị đột quỵ, nửa thân người bị tê liệt. Bà không bao giờ được về lại nhà nữa, bà đã qua đời hôm sau tại bịnh viện.

Chỉ trong vòng hai ngày tang biến đó, tôi đã trở thành một con người khác hẳn. Từ một cô nữ sinh hồn nhiên cắp sách đi học mỗi ngày, tôi xo ro co nhỏ lại, ngồi đâu khóc đó. Mặc cho gia đình giải bày khuyên nhủ, tôi cứ rấm rứt khắc khoải là mình đã hại bà vì cái tội ở quá sạch, một tính mà tôi đã thừa hưởng ngay chính từ bà tôi. Nếu tôi gội tóc qua loa nhanh chóng cho bà thì biết đâu bà tôi đã không bị đột quỵ? Khoảng thời gian này, vài cô bạn học thân lại dần dần “biến mất”. Đương nhiên tôi cũng tự đoán là các bạn đã vượt biển để hi vọng tìm được cho mình một bến bờ tự do. Vừa mất bà vừa mất bạn, tinh thần tôi xuống hẳn. Tâm trí tôi lúc này không còn tập trung học hành được nữa. Tôi chỉ muốn tìm một lối thoát, muốn trốn tránh hoàn cảnh hiện tại. Phải chăng không ít thì nhiều tôi như muốn chạy trốn ngay cả bản thân mình, muốn có sự thay đổi lớn trong đời để quên đi nỗi ray rứt về cái chết của bà ngoại tôi?

Ngày rời Saigon đến điểm hẹn cho chuyến đi xa, hành trang của tôi chỉ vỏn vẹn một bộ áo quần, một nắm kẹo thuốc bổ và chiếc áo len cánh tay màu gạch ngói thân quen của bà tôi do chính tay mạ tôi đan cho bà. Tôi mang theo bên mình hai người đàn bà tôi thương quí nhất, thầm thì cầu xin bà đưa đẩy nhiều may mắn cho tôi. Tôi tự nghĩ nếu tôi vượt biển thành công là dấu hiệu bà tôi đã hoàn toàn không trách cứ tôi, là lời nhắn nhủ bà vẫn yêu thương tôi như hơn hai mươi năm qua. Sau ba ngày lênh đênh hãi hùng đói khát trên biển cả, tôi và 55 thuyền nhân khác đã đến được đảo tỵ nạn Laem Sing ở Thái Lan. Ngày nhập trại tôi cảm tưởng như mình được lột da, lòng nhẹ hẳn khi nghĩ đến bà ngoại tôi. Tôi đã tự tha thứ được cho mình.

Nếu được có thêm một ngày nữa với bà tôi, tôi sẽ nhất quyết đòi bà cho mua con gà ăn mừng ngày tôi thi đậu vào đại học thay vì con vịt. Bà nói gà nóng, vịt thì ở dưới nước nên rất mát, ăn có lợi cho sức khỏe. Tôi vốn không thích thịt vịt nhưng chìu bà nên vui vẻ cười, nhắm mắt ăn đại bữa tiệc thịt vịt cho bà vui lòng. Bà gần như mù lòa nên cháu mới qua mắt bà được như vậy đó. Chắc bà cũng cảm động khi biết tôi vẫn còn nâng niu giữ gìn chiếc áo len năm xưa của bà, dù hơn bốn mươi năm nay tôi đã dời đổi qua bao thành phố, bao căn nhà.

Một ngày hè cuối tháng bảy 2021
Ngọc Hân

13 thoughts on “Bà và Bồ Kết”

  1. Kỷ niệm với ông bà của chị Ngọc Hân thật quí và đẹp. Cảm ơn chị đã chia sẻ. Buồn cho những ai không biết được ông bà mình vì hoàn cảnh như chiến tranh, 1975, …

    1. Lúc mình còn nhỏ cha mẹ thường phải bận bịu mưu sinh nên có được ông bà bên cạnh là một diễm phúc phải không Giáng Tiên. Cảm ơn em đã chia sẻ cảm nghĩ!

  2. Cũng nhờ Hân kịp thời khám phá ra bà bị đột quỵ để gđ còn đưa bà vào bệnh viện và săn sóc bà trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời. Nếu không có Hân đôi khi bà nằm nghỉ rồi bị đột quỵ mà cả nhà còn không biết trong nhiều giờ nữa. Nhất định bà đã phù hộ cho Hân rồi đó.

    1. Cảm ơn Hoè nghĩ vậy. May là có mạ Hân ở nhà để xoay xở cùng. Nhưng thời đó đâu có phương tiện gọi cấp cứu như bây giờ nên bà vẫn phải qua đời thôi 🙏🏻

  3. Bà ngoại của Hân híp ghe, đôi guốc của bà đi trước thời trang nữa. Và ông ngoại thì ngầu quá trời, hèn chi mấy anh em khoái nô đùa với ông.

  4. Câu chuyện của Hân quá sức cảm động. Bên Việt Nam đa số mình thường được chung sống với ông bà nội hoặc ông bà ngoại, nên tình cảm gia đình luôn dồi dào. Hân ơi, nếu nhìn theo từ một con mắt khác, theo luật sinh tử của thế gian, bà ngoại của Hân chắc là hạnh phúc lắm vì bà được tắm gội đẹp đẽ thơm tho trước giờ bà lên đường đó. Đi rồi mà bà vẫn mãi ỏ trong lòng của Hân, của Sương.
    Mai mốt gặp lại Hân, Tiên sẽ đãi Hân cơm gà xé phay, miến gà và cánh gà rang nước mắm.
    Nhớ bài học lúc nhỏ:
    Bà ơi cháu rất yêu bà
    Đi đâu bà cũng mua quà về cho
    Hôm qua có chiếc bánh bò
    Bà chia cho cháu phần to nhất nhà….

    1. Cảm ơn Tiên chia sẻ cái nhìn khác về việc qua đời của bà ngoại Hân Sương. Nghĩ theo Tiên thì Hân thấy lòng được an ủi nhẹ nhàng hơn nữa. Hân đã được tận tay làm đẹp cho bà trước khi bà ra đi phải không Tiên? Cảm ơn Tiên trước, các món gà hấp dẫn của Tiên làm Hân thèm chảy nước miếng 😋

  5. Bài viết chất chứa đầy cảm xúc về một kỷ niệm khó có thể nào quên đi! Kỷ niệm thì có điều vui, điều buồn và có cả những điều làm mình trăn trở xốn xang bao năm. Nhưng một khi đã viết ra được chứng tỏ là cô bạn lớp tôi đã thanh thản xem câu chuyện cũ chỉ là một trong những kỷ niệm về một người thân yêu, người có hình bóng mãi trong tim mình. Chúc mừng và cảm ơn Ngọc Hân đã chia sẻ với bạn bè qua trang nhà NH. Nhớ chi thêm nhớ viết tiếp nhé!

    1. Chữ “chúc mừng” của Hiền rất đúng tâm trạng vì viết xuống được lòng còn nhẹ hơn cả kể lể bằng lời. Cảm ơn Hiền đã cho Hân mượn giấy bút (trang nhà NH)!

  6. Bức tranh ” Tam đại đồng đường ” do chị Hân phác họa thật sống động. Vui, buồn xen lẫn , kỷ niệm thời thơ ấu thật êm đềm làm sao dẫu rằng trẻ thơ cũng không được miễn trừ việc phải đối đầu với quy luật của Tạo hóa . Cám ơn chị Hân đã chia xẻ trang kỷ niệm đem lại nhiều xúc động.

    1. Cảm ơn Châu luôn chịu khó đọc những tự sự tâm tình của chị và luôn kèm theo những cảm nghĩ thật thân tình!

  7. Cảm ơn chị Hân đã kể những kỷ niệm vui buồn với ông bà ngoại! Bài hát của ông ngoại, giờ chỉ còn nhớ 2 câu đầu và câu cuối “mút xương cho nhiều”. Ông tếu nên chế ra vậy vì ông thích uống bia 33 với gặm xíu quách là xương bò. Hồi còn nhỏ ông hay sai đi mua bia hay chút rượu đế và xương bò của ông bán phở. Bởi vậy Sương chơi thân với con gái ông bán phở. Ngày xưa đơn giản quá, con nít đi mua bia rượu cũng chẳng ai thắc mắc. Hai ông cháu thỉnh thoảng ra quán phở nhậu xíu quách và nhấm nháp bia như bạn nhậu tri kỷ, dù Sương chưa đi mẫu giáo. Liếm chút bia cho oai vậy mà!

Leave a Reply to Nhuhoe Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *