Boston, câu chuyện bên lề

Buổi sáng tôi lái xe ra Logan airport để đón ba cô bạn đến thăm Boston. Lần nào cũng vậy, dù đến phi trường để có một chuyến đi xa hay đón người từ phương xa đến đều dễ làm mình nao nức. Đi là gặp gỡ những gì mình chờ đợi, và đón là chờ đợi những gì mình muốn gặp gỡ, hai vế có khác gì nhau! Tâm trạng tôi lại thêm bồi hồi khi gần hai năm nay mới quay lại nơi đây, phi trường vẫn đang giữa mùa đại dịch nên trông vắng vẻ, không khí ám buồn hơn những lần mình từng ghé đến.

Kim Anh bay qua từ Orange County, Tường Vi từ Houston còn Bích Liên gần hơn, Chicago chỉ cần hơn 2 giờ bay là đến. Nói là bạn cho gần gũi chớ cả ba cô nàng này tôi chưa có lần nào được dịp bắt chuyện cho lâu, chỉ loáng thoáng thấy bóng dáng ở mấy kỳ hội ngộ Liên trường Quảng đà. Nhưng có hề chi, cũng là những thân quen từ cái thuở tất cả chúng tôi còn “hồng hoang” của Đà nẵng, của những ngôi trường xen quanh giữa cái thành phố bé nhỏ có sông-núi và có cả biển!

Chuyến bay của cô bạn Kim Anh tới trước cả 4 tiếng đồng hồ nên tôi có dịp chở đi loanh quanh Boston, xem như giới thiệu thành phố mình trú ngụ hơn 20 năm nay. Kim Anh dù là học sinh Thánh Tâm trước đây, nhưng là một bằng hữu rất thân quen của bạn bè chung Nguyễn Hiền nên trong câu chuyện ban đầu cũng không có gì là bỡ ngỡ cả. Cám ơn Kim Anh rất nhiều khi đã chịu khó mang gói quà khá nặng của một người bạn dưới đó gởi cho. Và nhất là quá vui khi cùng nhắc lại những kỷ niệm tuổi thơ mà hầu như chúng ta đều trải qua một thời Đà nẵng.

Ghé lại phi trường đón thêm Tường Vi lớp 10 và cô em Bích Liên lớp 8 Nguyễn Hiền. Đường từ Logan về khách sạn Hilton nằm giữa trung tâm Boston chỉ mất 30 phút lái xe mà chưa chi câu chuyện đã “nổ” ra như bắp rang. Đúng là đi đến đâu mà gặp lại dân Nguyễn Hiền thì có bao nhiêu câu chuyện vui được kể, cứ làm như bị dồn nén ẩn ức lâu ngày nay chờ dịp vậy. Đến khách sạn, chụp với nhau vài tấm hình, tôi từ giã và hẹn quay lại.

Buổi tối, tôi đưa “cô bạn thân lâu năm” người Nha Trang ghé đến thăm Kim Anh, Tường Vi và Bích Liên. Phải nói đã quá lâu tôi mới có dịp cười vui thỏa thích như đêm đó. Câu chuyện giữa những người bạn cũ cùng trường, cùng thành phố như chẳng bao giờ muốn dứt. Bao kỷ niệm hồi còn học chung TTGD Nguyễn Hiền như hiện về trước mắt. Những trò nghịch nghợm vui học trò được nhắc lại để mà cười muốn vỡ bụng, tên những người bạn cùng lớp, cùng trường như còn quẩn quanh đâu đây. Trường tôi nhỏ, dễ thân thiết nên hầu như nhân vật nào nỗi bật, có tiếng tăm học giỏi, chơi thể thao hay, và nhất là cô nữ sinh nào xinh đẹp đều được nhắc tên lúc này. Không những bạn cùng lớp của tôi, của Tường Vi, của Bích Liên mà các anh chị lớp trên như chị Thiên Nga, Tuyền, anh Long, Ân, Vĩnh, Chung… (lớp 12), chị Thúy Loan, Kim Chi, chị Hương… anh Thắng, Triều, An, anh Khánh (lớp 11)… tụi này đều nhớ cả khuôn mặt lẫn dáng dấp. Mấy thầy cô Nguyễn Hiền thì tất cả làm sao mà quên được, học trò cũ nhắc nhỡ đến với tất cả niềm thương kính và biết ơn.

Trong câu chuyện bạn bè đêm đó có hai nhân vật được nhắc tên nhiều nhất. Nhắc mà cười vang đến nhảy cẩng người lên, Phong Lan và Hà Nam của lớp 10 dù hoang phá, nghịch ngợm nhưng để lại nhiều thương mến cho bạn bè cùng trường. Kim Anh học Thánh Tâm nhưng lại rất thân tình và gần gũi với Phong Lan nên cứ nhắc mãi chuyện như vầy:
-Có một kỳ hội ngộ, trong phòng chung của mấy cô NH bà Phong Lan vừa soi gương vừa nói đến mấy lần câu, “Trời ơi, cha mẹ mô mà may mắn khéo sinh ra được cô con gái có khuôn mặt xinh chưa từng có như vầy hè!”. Nhìn cách nói và điệu bộ diễn tả rất tếu mà tỉnh bơ như thật của Lan làm cả đám con gái ôm bụng cười muốn chết mất.”

Rồi Tường Vi, Kim Anh và Bích Liên còn kể thêm những mẫu chuyện huyền thoại về Phong Lan khi đối đáp chọc ghẹo mấy anh trường khác mà nếu viết ra hết phải đóng thành cả cuốn sách dài. Thôi thì gặp nhau kể bằng miệng sẽ vui và đầy đủ hơn!

Riêng anh Hà Nam lớp 10 thì hầu như cả trường Nguyễn Hiền biết tên, biết mặt gần hết. Anh Nam trông vóc dáng và cả cá tình đều rất ngầu, ngang tàng khiến ai cũng è dè khi tiếp xúc. Nhất là mấy cô cùng lớp cứ sờ sợ như lời Tường Vi nói. Nhưng đó là chuyện quá khứ lâu lắm rồi, chớ giờ nhắc đến anh bạn cùng lớp thì Tường Vi lại cảm động vô cùng. Có lần Tường Vi theo Kim Anh, Bích Liên và vài người bạn về thăm Đà nẵng. Vui chơi gặp bạn bè cả tuần quá vui. Đêm trước ngày từ giã về lại Mỹ, bạn bè ghé qua khách sạn từ giã. Tường Vi tự dưng nói gần đi sao mà thèm được ăn chè, nhất là món chè nếp lẩn trong đó vài viên bột lọc thơm mùi gừng, và phải được bọc trong bịch ni lông như hồi xưa mới tuyệt. Vậy mà gần giữa khuya, Hà Nam lặn lội đâu đó tìm cho được món chè mà cô bạn mình thích đem đến. Tưởng chỉ nói chơi mà không ngờ có người đem đến trao tận tay, cô bạn học của anh Nam cảm động đến chực rơi nước mắt. Thương tình bạn thời thơ ấu, thương mình và thương cả những kỷ niệm không ngờ bây giờ vẫn còn tìm thấy…

Có lần Tường Vi đọc một bài tôi đăng trên facebook viết lại kỷ niệm với Thiên Hương lớp mình. Trong comment Vi hứa sẽ kể một câu chuyện của chính mình hồi còn đi học Nguyễn Hiền. Giờ gặp lại tôi hỏi thì cô bạn cười cười, thoáng ngần ngừ hơi lâu rồi hỏi tôi, “Hiền còn nhớ hai anh em anh A. hay chơi nhạc cho trường mình không?” Tôi trả lời vẫn nhớ hai anh ấy chơi đờn và hát nhạc Pháp rất hay. Tường Vi chậm rải kể:

“Khoảng thời gian học TTGD Nguyễn Hiền thì Vi có một năm bị đày qua nữ trung học Hồng Đức đó! Chuyện là, một lần đang giờ chơi có anh học trên Vi một lớp tên A. bỗng đâu chận lại trao cho một lá thư. Dĩ nhiên hồi đó có chuyện chi khác ngoài một lá thư tình kiểu học trò rất ướt át mà bây giờ Vi nhớ lại vẫn còn cảm giác sợ, vì lúc đó mới 14 tuổi có biết chi mô. Đọc xong Vi vô tư bỏ vô cặp rồi về nhà quên bẳng đi. Vậy mà xui xẻo sao hôm đó mẹ Vi tình cờ xét cặp và bắt gặp lá thư oan nghiệt đó. Ba mẹ đùng đùng la một trận, rồi bằng “quen biết” năm sau bắt Vi qua học Hồng Đức cho được. Qua đó không quen trường lớp, bạn bè Vi buồn và chán lắm cứ xin ba mẹ cho về lại. Và năm sau Vi lại được trở về mái nhà xưa NH với lời hứa với ba mẹ và cả chính mình chỉ chuyên tâm học hành chớ không bị chi phối vì mấy chuyện “người lớn” ấy nữa”. Tôi hỏi Tường Vi, “nhưng lúc đó có xôn xao bồi hồi chút nào không vậy?” “No, chỉ sợ lắm thôi khi “bị” nhận thư chớ chẳng có chi hết. Nhưng chuyện bị la rầy từ ba mẹ, rồi phải đổi trường thì làm sao quên được. Bây giờ ba mẹ không còn nữa, khi ôn lại kỷ niệm nhớ đời ấy chợt sao thương ba mẹ mình quá, cả đời ba mẹ chỉ lo lắng mong sao cho con cái nên người”.

Dù Tường Vi trả lời vậy nhưng tôi thấy trong ánh mắt cô bạn có chút gì đó như khác lạ, như long lanh một niềm vui. Vẫn là ngượng ngùng khi nhắc lại, nhưng rõ ràng cái cảm giác của một cô gái vừa mới lớn chợt có người để ý đến mình khó bay mất đi hết dù đã bao năm qua. Nó vẫn còn nằm đâu đó trong trí tưởng của cô bé Tường Vi thuở nọ và bây giờ!”.

Buổi tối khá khuya, Boston giữa tháng tám trời mát dịu, từ giã bạn lái xe về nhà tôi lơ đểnh nên bị xe sau bóp còi inh ỏi mấy lần. Bà nhà tôi cười và chọc, “Có cần em lái không, ngẫn ngơ như người mất hồn vậy!”. Thật mắc cỡ, mỗi lần gặp bạn cũ hồi còn Đà nẵng là tâm trạng tôi như vậy đó. Bịnh thì chửa được chớ tật thì làm sao mà chửa nỗi! Tôi nghĩ đến ngôi trường gần cả một thời niên thiếu mình trải qua ở đó. Bao kỷ niệm hiện về. Trong những tấm hình chụp Blaise Pascal, rồi TTGD Nguyễn Hiền tôi thích nhất tấm từ trong khuôn viên trường mình nhìn ra ngoài. Có vài tấm hình từ ngoài nhìn vào trong đẹp và rõ hơn, nhưng cứ làm mình buồn buồn sao ấy! Khi nhìn sâu và lâu vào một điều trong quá khứ ta dễ mang cảm giác tưởng nhớ, rồi nuối tiếc để đôi khi nhỏ xuống cả những giọt nước mắt. Nhưng khi mình ở trong một khoảng trú ngụ nào đó nhìn ra, ta luôn có cảm giác vui hơn vì tưởng tượng bên ngoài là một màu hồng tươi thắm. Màu của tương lai và ước vọng. Màu mà khi chúng ta chưa từng nếm những trái đắng rơi xuống đời. Hôm nay, ba cô bạn Tường Vi, Kim Anh và Bích Liên đã cho tôi có dịp nhìn ra ngoài từ khuôn viên trường mình một lần nữa mà thấy lại những kỷ niệm không bao giờ phai dấu. Cám ơn ba cô bạn thật nhiều!

P.S. Hôm qua trong giờ làm tôi cặm cụi gõ bàn phiếm vài dòng ghi lại kỷ niệm mấy ngày gặp lại ba cô bạn từ xa ghé thăm. Định sáng mai đăng lên trang nhà tặng Tường Vi, Kim Anh, Bích Liên đọc cho vui trên đường về. Tưởng câu chuyện được nhẹ nhõm chấm dứt nơi đây, vậy mà sáng nay phải ghi thêm mấy dòng tiếp nối!
Số là, chiều thứ sáu trên đường từ sở về nhà tôi bỗng nhận được tin nhắn của Bích Liên. “Hi anh Hien, the airlines just reached out to us due to hurricane Henri. can you pick KA and TV tonight in Hyannis? They are taking the ferry back to Hyannis this afternoon”. Vậy là tôi lật đật lái xe đến đón Tường Vi và Kim Anh về lại Boston, sợ trận bão Henri đang ập đến Nantucket thì mai không có phà trở lại đất liền cho kịp chuyến bay về của hai O. Thôi thì rời khỏi đảo càng sớm càng tốt. Cứ nhớ cách đây 2 năm, hai cô NH Tường Vi và Phong Lan cũng dự định sang Boston chơi, rồi ngay lúc đó bão rớt cũng ập tới mà hủy chuyến đi. Tôi nói đùa, “Mấy người đẹp đi tới đâu cũng hay mang mưa bão đến đó. Nhưng có bão tố thì cuộc đời mới vui, chứ buồn tẻ thì có chi để kể. Phải không!”. Khi tôi gõ thêm mấy dòng này thì Bích Liên đã về đến Chicago, riêng chúc Tường Vi và Kim Anh có chuyến về bình an, bỏ lại hoàng tử Henri đang xục xạo hung hản tìm kiếm ba O khắp nơi! 🙂

Boston, thứ bảy 08/21/21
Trương Hữu Hiền

5 thoughts on “Boston, câu chuyện bên lề”

  1. Cám ơn Hiền bài viết nhẹ nhàng ngày cuối tuần. Nhìn 3 cô bạn tung tăng bên nhau thấy vui quá, người mô cũng xinh xẻo tươi tắn quá.

  2. Đọc mà thấy vui ghê vì được nhắc tên của một thời đã xa… Bồi hồi rồi ngậm ngùi vì thời gian đi mau quá!
    Muốn xin một vé về lại tuổi thơ ngày ấy…Kim Chi

  3. Rất vui khi từ nửa vòng trái đất có ng nhắc đến mình , một trời kỷ niệm đẹp thời cắp sách … cám ơn nhà văn Hữu Hiền !

  4. Tu nhien di choi Boston ma bay gio co nguoi viet ve minh. Feeling duoc lam “celebrity” va paparazzi chup hinh va post len social media. Famous duoc 30 giay.

    Thank you anh Hien da dua don va took care 3 O trong may ngay qua. Chi co 3 ngay thoi ma met chet luon hi. Thoi thi bay gio “em con no anh” … khi mo di Chicago thi BL “tra no” hi. 😜🥰 cam on anh Hien va cho BL goi loi tham chi Chau. Ban Quoc (lop 8) cua BL hay noi cau “hen ngay tai nam”.

  5. Cảm ơn Hiền đã dành thời giờ cho TV, KV và BL lần gặp gỡ vừa qua. Tình bạn TTGDNH có lẽ sẽ gắn chặt tất cả chúng ta mãi mãi. Không có kỹ niệm nào đẹp và dễ thương bằng. Từ những lớp nhỏ đến những lớp lớn, thật nhiều chuyện gom sâu trong ký ức, nâng niu như một kho tàng quý báu.

Leave a Reply to Tường-Vi Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *