Sếu đỏ, uyên ương


Hôm cuối tuần trước đi đám cưới cháu ở Đồng Tháp, mấy chị em có xen vào chuyến tham quan khu vườn quốc gia sinh thái Tràm Chim. Trên ghe anh hướng dẫn viên (với mai tóc hai bên rất giống Elvis Presley) giải thích về loài chim sếu miền Tây. Anh Elvis kể rằng vùng này có loài chim sếu đầu đỏ “luôn sống tình nghĩa. Khi trưởng thành kết hôn chúng chỉ sống duy nhất vợ chồng đến trọn đời. Mỗi năm nếu sinh sống trong môi trường tốt, chúng chỉ sinh đẻ hai con thôi”. Ngồi trên ghe qua mấy ngã kênh, một bên là rừng tràm một bên là cánh đồng hoang bao la, ở giữa ghe rẽ sóng nước đục đục mầu vàng (chưa đến mùa nước nổi nên đáy cạn), nghe anh Elvis đọc mấy vần thơ với giọng miền Tây ngọt ngào, bên cạnh là mấy đứa em họ hàng thân thương, tôi nghĩ về làng Phong Lục quê tôi ở Quảng Nam có đôi chim uyên ương cũng luôn sống tình nghĩa vợ chồng đến trọn đời.

Chim trống thuở xưa là anh binh sĩ trong một tiểu đoàn đi khắp liên khu 5, hào hùng chống Pháp, bị đạn bắn xẹt ngang bụng giải ngủ về lại quê nhà. Về lại làng Phong Lục ở thôn Đông, anh chiến binh tuy đã giải ngủ vẫn hăng hái trong nhiều công tác hậu cần, và thường hay tham dự vào các kỳ họp hội thanh niên, nhất là những trận đá banh gay cấn. Chim mái lúc đó là một cô thiếu nữ xuân thì, cũng sinh hoạt làm thư ký cho liên đoàn phụ nữ cứu quốc thời ấy. Cô thiếu nữ thôn Tây xinh xắn nên có nhiều anh dòm ngó. Chuyện kể là trong các anh dòm ngó, ngoài anh chiến sĩ giải ngủ bên thôn Đông, còn có một anh chiến binh cao cấp đương vị ở quân đoàn; anh này thì lại cùng thôn với cô ta. Rồi từ đó nãy sinh một cuộc ganh đua âm thầm giữa anh sĩ quan và anh chiến binh giải ngủ. Ba của cô thiếu nữ lúc đó có tiếng trong làng, ruộng vườn nhiều mẫu. Ba cô cũng vì thương con gái, muốn con một tấm chồng “cao cấp” và cùng trong thôn, thường hay đánh tiếng gần xa: trâu đồng ta thì ăn cỏ đồng ta, chứ ai lại bỏ sang đồng người. Ông không hay là mỗi khi có những trận banh trong làng là cô con gái ông vì mê những đường banh tuyệt chiêu của anh mà đã phải lòng anh chiến binh giải ngủ bên kia thôn rồi!!!

Rồi đôi chim liền cánh từ dạo ấy, anh thôn Đông cưới cô thôn Tây về nhà, vào đầu thập niên 1950. Khác với đôi chim sếu đỏ, đôi chim uyên ương xứ Quảng sinh được tới 10 chim con. Anh chiến binh làm nhiều ngành về kỹ thuật rất giỏi. Anh áp dụng những kiến thức học từ trường Tây ở Huế, và với tinh thần làm việc không ngừng nghỉ, anh đã tạo dựng cho gia đình một căn nhà ngói ba gian to lớn nhất ở làng Phong Lục. Hình như anh cũng muốn chứng tỏ cho ông gia thấy là anh lo cho cô con gái có đời sống tốt đẹp “cao cấp”. Ngôi nhà này có sân trước thật rộng, lát gạch đỏ như những terraces bên Tây mà anh xem trong nhiều sách ở trường học lúc nhỏ. Ngoài mỗi cửa sổ anh ta đều trồng hoa mai cho cô vợ trẻ thưởng thức, mỗi độ xuân về chỉ cần mở cửa ra là thấy mai vàng đầy ngõ. Vườn tược cam quýt mít ổi đôi vợ chồng gầy dựng rất đẹp và ngay hàng thẳng lối để tưới bằng sức người cũng dễ hay để cho anh dẫn nước vào sau này cũng tiện. Phía trước nhà là cánh đồng mênh mông nhưng anh không theo nghề nông. Ngoài vườn cây ăn quả trồng thứ tự như những orchards bên trời Tây, anh đặt máy xay lúa và làm hệ thống dẫn thủy nhập điền cho nông dân trong làng. Chưa hưởng thành quả được bao lâu thì chiến tranh bùng nỗ dữ dội, ngay vào lúc vườn cây ăn quả vừa mới thu hoạch mùa đầu tiên. Đôi chim rời bỏ tất cả, nhà cửa ruộng vườn hoa quả máy móc, bay ra khỏi vòng khói lửa khốc liệt nhất ở Quảng Nam lúc bấy giờ, là khoảng giữa thập niên 1960. Chim mái thương tiếc quê nhà vườn trượt đất đai. Chim trống nhất quyết bỏ hết, bỏ hết. Ra đi, thoát ly. Chim mái sau đó trở về dẫn dắt chim nội ngoại, và chú chim con 4-5 tuổi, là tôi lúc ấy vì quá mê bà nội nhất định không tản cư đi Đà Nẵng cùng gia đình. Lúc đó còn rất nhỏ mà tôi vẫn nhớ như in hình ảnh má tôi, đội nón lá về đón bà và tôi. Nhưng “máy bay Mỹ” đáp xuống giữa đồng, tiếng cánh trực thăng rầm rầm, súng bắn đì đùng, tiếng người la hét “lính lên lính lên”, khắp xóm khói lửa mù mịt. Má tôi chỉ kịp kéo tay tôi đang chơi đất chơi cát ngoài vườn với cô bạn hàng xóm, đi xuống đường cái đón xe ra ĐN mà không kịp đón bà (sau này má tôi về lại đón bà nội và bà ngoại hai chuyến khác). Tôi khóc lóc nhắn cô bạn hàng xóm “mi nhớ chạy qua nhà nói bà nội tau biết là tau đi với má rồi nghe” cho bà yên tâm (very responsible from early age I must say). Về sau này bom thả sang bằng ngôi nhà ngói ba gian đẹp nhất trong làng, và láng giềng sang đục hết gạch ở trước sân đem về xây cho mấy căn nhà của họ.

Ra lập nghiệp ở Đà Nẵng, chim mái sinh 4 chú chim con sau tại đây. Bốn bàn tay trắng gầy dựng lại từ đầu, chim mái đi vay mượn tiền, chim trống gầy dựng nên sự nghiệp. Vì là chim đầu đàn nên ngoài gánh vác gia đình riêng, đôi chim còn nặng cánh cưu mang hai bên nội ngoại. Vạn sự khởi đầu nan rồi cũng qua, sự nghiệp vững vàng, nhà hai gian dựng lên tại Đà Nẵng chưa đầy bao lâu thì tháng 4, 1975 ập đến! Lại một lần thời cuộc đổi dời, cơ nghiệp của đôi chim lại bị thất thoát. Thời buổi nhiễu nhương đầy hạn hán, đôi chim chẳng còn đất để tha mồi. Cũng may là có đủ mồi cho 6 chú chim con thay phiên nhau ra đi biển Đông, tha phương cầu thực, lập nghiệp an cư ở xứ Cờ hoa. Rồi thêm 2 chú khác thì cánh mạnh hơn bay thẳng 1 lèo qua đoàn tụ. Vì chiến tranh và thời cuộc, đôi chim càng ngày càng xa xứ Quảng. Sau đó đôi chim bay vào lập nghiệp trong Sài Gòn, không quên na theo chú chim út và bầu đoàn thê tử vào luôn (bầu đoàn thê tử ấy nay dẫn tôi đi chơi Đồng Tháp). Kỳ bay xa nhất là qua xứ Cờ hoa, chim trống bay tới đâu cũng lo học cái hay cái đẹp của người để dành đó. Sau đó chim bay về lại cố hương và về lại làng Phong Lục, xây hai mái nhà thờ bên hai thôn đều đẹp cả. Riêng nhà hai gian ở Đà Nẵng xây lại sau này thì có vài nét nho nhỏ, một vài cột trụ giống như của Caesar Palace ở Las Vegas mà đôi chim đã ghé thăm với tôi một lần (tôi thường nói đùa là dể bị copy rights violation).

Đôi uyên ương đó là ba má tôi. Anh thôn Đông tên là Hải, em thôn Tây tên là Hoà, của làng Phong Lục, quận Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Gần 10 năm nay, đã xếp cánh đậu về làng dân cư bên Quận 7 Sài Gòn. Mỗi ngày chăm chút cho nhau và ôn lại chuyện xưa.

Mấy hôm nay về nhà, ngồi ăn cơm một ngày ba bữa, tôi để ý thấy lúc nào anh cũng gắp cho em. Và em thì ráng rót thêm cho anh chút bia. Má tôi đang ngồi xe lăn nên cử động yếu, ba tôi luôn để ý từng chút, khi thì đưa tăm cho nàng, khi thì lấy chén bới cơm. Tối tối anh hay mở cửa ra dòm chừng em, vì em phải ngủ phòng ngoài cho dể người trông nom. Lâu lâu em hay nói “coi thử ba con làm chi đó. Có đóng cửa chưa”. Tôi hạnh phúc thấy ba má tôi quá hạnh phúc. Dĩ nhiên xưa nay cũng có lúc đôi chim mổ cắn nhau, vì cơm áo gạo tiền, vì hai bên nội ngoại nặng gánh, vì nhiều áp lực sống còn, vì lo cho đàn chim con 10 đứa. Và có nhiều khi cũng mỗ cắn chim con ít nhiều, cũng chỉ vì những hoài bảo to tát mong muốn cho các con mà các con không làm được theo ý mình. Qua những chặn gian nan buồn nhiều vui ít, qua nhiều năm tháng hạnh phúc Hải Hoà, vật gì đổi sao gì dời thì tôi không biết. Tôi chỉ biết trên khoảng đường dài gần 70 năm, có một điều luôn bất đi bất dịch: đôi uyên ương Hải Hoà trống đâu thì mái đó, anh đó em đây, lúc nào cũng như hình với bóng. Đúng như câu: như chim liền cánh như cây liền cành.

For the Đỗs, and all.
11 tháng 5, 2017 (đêm khuya không ngủ được vì con gà nó gáy)
Đỗ Thanh Vịnh.

3 thoughts on “Sếu đỏ, uyên ương”

  1. Cay mắt thì không cay. Nhưng thương xót cho quê hương trong khói lửa, phải chạy hoài! Chị Vịnh cũng văn thơ ghê hỉ? Khi nào mới cho đọc thơ đây?

  2. Ai nói tình yêu chỉ đẹp khi còn dang dở phải không Vịnh? Cặp uyên ương sếu đỏ của gia đình Vịnh quá tuyệt vời, yêu rứa mới là yêu. Đã được đọc bài ni mấy năm trước nhưng chừ đọc lại vẫn thấy đầy cảm xúc. Vịnh cho đăng luôn Sếu đỏ tập 2 đi, cho bà con cay mắt theo.

    1. Mùa thu Châu Hiền
      Boston triền miên
      Đường qua muôn ngã
      Nắng reo tiếng cười

      Mùa thu thân thương
      Bạn cũ vấn vương
      Yêu miền Đông Bắc
      Tuy xa dặm trường
      Mà gần yêu thương…

      Thank you Hân. Đang đi chơi với Hiền bị hắn dụ nộp bài…

Leave a Reply to Ngọc Hân Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *