Nắng Ấm Mùa Thu

Tiết trời se lạnh của những ngày đầu thu cất đi thói quen dạo phố của tôi. Nhiệt độ bên ngoài càng giảm thì độ lười biếng tản bộ càng tăng. Duy chỉ có ánh lửa hồng trong lò sưởi và tiếng nổ lách tách của các thanh củi là có sức mạnh quyến rũ lạ thường. Mặt trời đi ngủ sớm nên ngày ngắn lại và buổi tối quây quần của gia đình tôi dài ra. Những lúc ấy, phòng khách nhà tôi như phi thuyền TARDIS (Time and Relative Dimension in Space) trong “Doctor Who”, bộ phim khoa học giả tưởng nhiều tập của Anh quốc. Chỉ cần một bức hình hay một phim trong “hộp” kỷ niệm là đủ làm “nút bấm” kích hoạt cho cỗ máy dịch chuyển (teleportation) chúng tôi về quá khứ.

Cách đây không lâu cái “nút bấm” ấy là một bức hình trắng đen. Hình chụp cả lớp tôi, lớp một (11ème) ở trường Saint Paul, Saigon. Các bạn và tôi mặc áo trắng, váy xanh, ngồi ngay ngắn lắm, nghiêm nghị đến lạ kỳ, cứ như đang ngồi đợi tới lượt vào thi tú tài vấn đáp vậy! Các em chăm chăm nhìn thẳng vào ông phó nhòm, không một nụ cười! Có lẽ bé quá, chúng tôi chưa biết “làm bộ” cười! Vả lại, chúng tôi được kềm cặp, một bên bởi sœur Henri và bên kia bởi cô giáo “Mme Tuyết” thì còn em nào dám hó hé cười đùa nữa đâu!

TARDIS đưa tôi về hai dĩ vãng. Kỷ niệm thứ nhất mà tôi được đặt vào là thời thơ ấu của tôi. Tuổi nhi đồng êm đềm vô tư. Bộ nhớ non nớt của tôi ghi lại hình ảnh bạn bè chạy đuổi giờ ra chơi, ghi lại tiếng cười rộn ràng và tiếng gọi nhau ơi ới trong sân trường. Thỉnh thoảng cũng rộn tiếng khóc do vài bạn chạy với vận tốc quá cao trên cặp giò còn quá ngắn! Hoặc có bạn thiếu luyện tập nên nhảy không kịp lên ghế ở vòng quay tourniquet đang hoạt động. Và cũng không hiếm những tình huống căng thẳng đến nghẹn lời. Bàn học trò ngày đó có cái lỗ để cho bình mực bằng men trắng vào đó, ở trên có nắp tròn màu cam. Khi mở nắp bàn lên để cất tập vở vào hộc bàn, nếu làm vội vã, mạnh tay quá thì quyển vở hất bình mực lên và mực đổ ra lênh láng. Những lần như vậy, em học sinh vụng về chỉ biết đực mặt ra ngắm nhìn vết mực loang ra một cách rất Picasso trên mặt bàn, bóp viết, tập vở!

Về việc học thì tôi nhớ nằm lòng đến bây giờ một, và chỉ một, bài thơ tiếng Pháp của năm học đó mà thôi. Đó là bài “Petite mère, c’est toi”.

La nuit, lorsque je sommeille
Qui vient se pencher vers moi
Qui sourit quand je m’éveille.
Petite mère, c’est toi.

Quand te viendra la vieillesse.
A mon tour veillant sur toi.
Qui te rendra ta tendresse?
Petite mère, c’est moi.

Năm mươi hai năm sau, tôi vẫn nhớ đoạn đầu và đoạn cuối của bài thơ đó (Còn bốn đoạn giữa thì tôi trả lại cô giáo rồi!). Có lẽ đó là bài đầu tiên tôi học ở lớp vỡ lòng, mẹ tôi dò bài cho tôi. Có lần mẹ tôi lancer diễn viên nhí bằng cách bảo tôi đọc bài thơ đó cho các chị họ tôi nghe. Các chị họ ngày ấy đã trưởng thành rồi nên rộng lượng vỗ tay. Tôi nhạy cảm với lời khen đó. Rồi một chị hỏi tôi “Petite mère, c’est moi” nghĩa  là ai?”. Tôi tự tin uyên bác lấy ngón tay chỉ vào bụng tôi! Bài học vỡ lòng ghi dấu ấn sâu trong trí tôi là vậy. Nhưng nửa thế kỷ sau tôi mới thấm thía đoạn thơ cuối.

TARDIS đưa tôi vào dĩ vãng thứ hai, gần hơn. Tôi sống lại những ngày vào thu của mẹ tôi. Thật là khó chấp nhận lời thơ “Quand te viendra la vieillesse” khi câu thơ này trở thành hiện thực. Đã đến lúc mẹ và các con hoán vị cho nhau. Khi tôi bé, mẹ dò bài cho tôi. Lúc này, đến lượt mẹ trả bài với các con. Mẹ tôi đọc vanh vách cho chúng tôi nghe những bài sử học bằng tiếng Pháp mà mẹ tôi vẫn ghi nhớ từ hồi còn đến trường ở Hà nội. Mẹ đọc “Depuis 1884, le Tonkin est placé sous le protectorat de la France …”. Về sau, trí nhớ kém hơn mẹ tôi đọc “Le Vietnam” thay vì “Le Tonkin”. Mẹ tôi hát “Maréchal, nous voilà, devant toi le sauveur de la France …” (bài hát tôn vinh maréchal Pétain.)  Mẹ tôi kể cho chúng tôi nghe chuyện các bạn học của mẹ, chuyện các anh bạn cùng trường giờ ra chơi, giữ bàn ping pong để đợi mẹ ra chơi cùng. Có  anh hay tình nguyện vẽ bản đồ giùm mẹ. Mẹ tôi cũng nhắc tới các anh họ của mẹ học ở Lycée Albert Sarraut, trường Bưởi, và các bạn của các anh ấy hay thích nói chuyện với mẹ tôi. Vào cái tuổi sang thu ấy, mẹ tôi hồi tưởng lại tuổi xuân với vẻ mặt vui tươi, giọng nói khôi hài, đôi mắt lấp lánh có phần nào tinh nghịch. Chúng tôi dìu mẹ vào mùa thu của mẹ và mẹ mang nắng vàng rực rỡ sưởi ấm lòng chúng tôi.

Mẹ tôi hay mô tả cái tourne disque ở nhà ông bà ngoại tôi, quay bằng manivelle. Rồi mẹ hát cho chúng tôi  nghe những bài nhạc Pháp thập niên 30 với vẻ mặt say sưa, nghệ sĩ. Ngày xưa, mẹ lancer tôi đọc bài thơ. Giờ chúng tôi lancer nghệ sĩ Mẹ senior bằng cách khơi mào cho mẹ tôi hát hay đọc thơ. Mẹ tôi vui vẻ hứng khởi, không đợi chúng tôi mời hai lần. Có những bài chúng tôi để mẹ độc  quyền, cũng có bài chúng tôi “đáp” được với mẹ. Tuy sức khỏe giới hạn, mẹ tôi tham gia tận tình các cuộc du lịch trong và ngoài nước. Mẹ tôi trông cậy vào chúng tôi ở mọi nơi, vào mọi lúc. Mẹ biểu lộ sự vui vẻ, hạnh phúc bên cạnh con cháu. Mùa thu của mẹ đẹp và ngập tràn nắng vàng đưa tinh thần các con lên cao.

Đến khi lực bất tòng tâm thì mẹ tôi không hay than phiền về sức khỏe. Mẹ tôi thích ứng. Mẹ thích nghe nhạc, mẹ ngủ với âm nhạc và thức dậy với âm nhạc. Mẹ tôi rung  động trước vẻ đẹp của bông lớp hoa cắm trong nhà. Mẹ nhận hoa mà con cháu biếu mẹ với vẻ mặt rạng rỡ, cặp mắt trầm trồ thích thú. Cách biểu cảm của mẹ làm chúng tôi vui lắm.

Mùa thu của mẹ tôi không đơn điệu mà đẹp rực rỡ như cảnh vườn thu với muôn sắc màu của lá cây. Mẹ tôi đã  ra đi trước những ngày cuối thu, để lại trong ký ức của chúng tôi kỷ niệm những ngày thu tràn ngập ánh sáng êm dịu của mẹ và nắng ấm của những ngày đó bao bọc chúng tôi suốt cuộc đời.

Thu Châu

8 thoughts on “Nắng Ấm Mùa Thu”

  1. Thu Châu chọn Mùa Thu làm tựa bài và Mẹ làm kết bài thật tuyệt vời, vì hai đề tài này đều đẹp cả. Cám ơn Thu Châu bài viết thật hay và thật lạ.

    Tạm dịch bài thơ yêu thích thuở nhỏ của Châu, tặng Châu và các bạn

    Ngày con còn thơ ấu
    Trong giấc ngủ say nồng
    Ai ngồi bên âu yếm
    Nụ cười Mẹ mênh mông

    Giờ đây mẹ đã già
    Như cây bàng trước thu
    Con hát vang trong gió
    Bài thơ xưa Mẹ ru

    Thủy Tiên

    1. Cám ơn chị Thủy Tiên đã đọc bài viết của em.
      Em nghiêng mình trước tài nghệ thơ phú của chị. Chị đã giữ nguyên ý bài thơ Pháp và chuyển sang âm cách Việt và lời thơ động đến lòng độc giả biết Việt ngữ. Cám ơn chị Thủy Tiên thật nhiều!

  2. Mỗi lần đọc bài của Thu Châu thì cứ có cảm tưởng đang đọc một tác phẩm của tác giả nước ngoài, và được dịch qua ngòi bút điêu luyện của một dịch giả trong nước (trước 75). Cách dàn trải nội dung, dựng lại hình ảnh, cách cấu trúc câu từ và cả những ý tưởng mang theo đều rất lạ. Đọc đâu lôi cuốn đến đó, vì bất ngờ! Mà cũng phải thôi, theo như Thu Châu thố lộ trong những bài viết thì bạn có thời thơ ấu ở Việt nam, rồi lớn lên ở Pháp(?). Để tâm hồn văn chương là sự pha trộn giũa hai màu sắc văn hóa: giữa những hoài niệm từ người mẹ thuở ấu thơ, và những tìm kiếm từ văn chương học đường khi đã lớn. Cám ơn Thu Châu đã dành nhiều thời giờ để chia sẻ những kỷ niệm và suy nghĩ của mình với bằng hữu TTGD Nguyễn Hiền.

    1. Cám ơn anh Hiền. Em chỉ biết kể lại những kỷ niệm và nói lên suy nghĩ, tình cảm của em cách giản dị vậy thôi. Chứ em không thơ phú văn vẻ thuần Việt. Rất nhạy cảm với lời khen và cám ơn anh Hiền thật nhiều .

  3. Châu có nhiều ý nghĩ hay và lạ nên bài viết nào cũng lôi cuốn hai con mắt ham đọc của chị. Thu nhớ tuổi thơ và nhớ mẹ thì cảm xúc quá đầy quá đẹp. Cảm ơn Châu đã chia sẻ với cả nhà Nguyễn Hiền, tiếp tục viết nữa há Châu.

    1. Em thật may mắn: được trải lòng tâm sự lại còn được chị Ngọc Hân rộng rãi cho lời khen tuy bài không” thuần chủng” ,tây ta lẫn lộn !😉 Cám ơn chị

  4. Cảm ơn Châu kể cho nghe mùa Thu đẹp ấm áp với kỷ niệm thơ ấu và người mẹ quá đáng yêu!

    1. Nhớ ngày còn đi học ,thầy cô mình cho đề tài, mình phải vắt hết nước cốt óc để viết sao cho không lạc đề. Bây giờ được viết chủ đề tự do thì C dạn dĩ hơn. Hơn nữa bạn S rộng rãi cho điểm rộng. C thích lắm. Cám ơn S nhé!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *