Tranh Tết

Vào những ngày cận Tết, một cảm giác háo hức chiếm ngự lòng tôi. Theo quán tính, tôi mở kho báu của tôi ra (coffre fort, safe box). Đó là nơi tôi cất giữ những “bức tranh” quý hiếm của tôi trong điều kiện tối ưu. Thỉnh thoảng có dịp, như hôm nay, tôi bước vào “nano bảo tàng” đó, chọn ra một bức tranh, đặt trước mặt để ngắm nhìn thưởng thức. Bức hoạ tôi chọn lần này lớn. Lớn đến mức tôi phải lùi lại vài bước để có thể ngắm nhìn tổng thể bức tranh. Cái “lùi lại vài bước” đó tương đương với 10000km ngăn cách Việt Nam với tôi. Cái “lùi lại vài bước đó” làm lớn thêm khoảng cách thời gian giữa tôi và những nhân vật trong tranh. Thật thú vị khi được ngắm từng chi tiết “nét, vẻ”. Một hạnh phúc nhẹ nhàng bao trùm tôi. Tôi lặng yên tận hưởng cảm giác êm dịu đó với lòng biết ơn. Tôi đang ôn lại những kỷ niệm của ngày Tết thuở ấu thơ nơi quê nhà. Những hình ảnh đậm nét trong ký ức tôi như một bức tranh sống động được treo trước mặt tôi vậy. Càng sống xa quê, càng nhiều năm tuổi thì tôi càng trân quý những kỷ niệm đó.

Cứ đến dịp Tết là bố tôi lại đọc bài thơ “Ông đồ già”. Bố đọc cho tôi nghe mãi nên sau tôi thuộc lòng, đọc cùng với bố tôi bốn câu thơ đầu.

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực Tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua

Những câu sau tôi chỉ vuốt đuôi! Thuở bé, tôi chỉ thấy ông đồ già trong tranh vẽ. Vài năm trước, lần về Saigon ăn Tết tôi thấy các ông đồ trẻ, cũng mặc áo dài khăn đống ngồi vẽ câu đối ở hội chợ xuân. Chẳng biết các ông đồ tân thời có hay chữ và tài nghệ bằng ông đồ già của Vũ Đình Liêm không. Nhưng vẻ đẹp trai trẻ thì hơn hẳn và thu hút ánh nhìn của bao thiếu nữ qua phố!

Trở lại ngày Tết thuở tôi còn bé. Để tạo không khí Tết trong nhà, bố tôi mở máy hát AKAI M10 (thế hệ millennials không hề biết tới loại máy cổ điển, với 2 thùng loa to đùng này!), mở bài nhạc “Ly rượu mừng” của Phạm Đình Chương. Một ca khúc với âm điệu rộn ràng tươi vui được trình bày qua giọng hát vượt không gian và thời gian Thái Thanh, Thái Hằng cùng Hoài Trung, Hoài Bắc. Nhạc phẩm ấy nhắc tới mọi thành phần trong xã hội một cách trân trọng và mang thông điệp đầy hy vọng.

Những ngày cận Tết ấy, mẹ tôi đi sắm cây mai, cành đào, hoa cúc, hoa ly … với sự thích thú không giấu giếm. Khi về tới nhà, bố tôi không ngớt lời khen mẹ tôi khéo chọn, “très bon goût !”. Chị em tôi thì vây quanh xem mẹ cắm hoa, trầm trồ sự khéo léo của mẹ. Được lời khen tặng của chồng con, mẹ càng vui hơn.

Chuyện đốt pháo đêm giao thừa là bổn phận của bố tôi. Việt Nam ta có tục xông đất. Nhiều người trong họ hàng hay nhờ bác (anh của bố) và bố tôi đến xông nhà sớm mùng một vì họ tin là bác và bố tôi đem lại may mắn thuận lợi cho cả năm. Le tout, c’est d’y croire! Do đó, sáng mùng một, tôi háo hức dậy sớm, mặc đầm, giầy bóng đen vớ trắng ngồi sẵn đợi bác và bố tôi đưa đi thăm họ hàng. Tôi được hưởng sự ưu đãi đó do tôi bé nhất nhà. Tôi nhớ là khi đến mỗi nhà, bác và bố tôi chúc Tết xong thì quay sang đám trẻ con, rút trong túi áo veste ra 4 tập giấy bạc màu sắc khác nhau, mới tinh bóng bẩy để lì xì cho mỗi trẻ 4 tờ giấy bạc 4 màu khác nhau. Tôi không nhớ giá trị của các tờ bạc đó nhưng tôi thích vì nó đẹp. Người Pháp có cách so sánh “đẹp như đồng xu mới” (beau comme un sou neuf). Tôi thì nói “đẹp như tờ bạc mới!”

Ngày Tết truyền thống hẳn chắc còn nhiều tập tục nữa nhưng qua lăng kính trẻ thơ thì chỉ có bấy nhiêu kỷ niệm nho nhỏ được ghi lại. Nhỏ thôi nhưng lại có mãnh lực phi thường cho phép tôi sống lại những giây phút êm đẹp của tuổi thơ. Trong góc bảo tàng tranh của trí tôi còn có một bức nữa, cũng chủ đề Tết nguyên đán nhưng lại gây một ấn tượng rất khác. Bức tranh thể hiện cảnh gia đình tôi ngồi trong xe hơi. Tôi mặc quần áo ngủ, điều không bao giờ xảy ra trước đó khi bố mẹ đưa tôi ra đường. Tôi tự suy diễn ra là việc cả nhà lên xe ra đường ngày hôm đó là một việc không được dự tính trước. Thời đó, trong xe không có dây lưng an toàn. Một chị của tôi ngồi ở băng ghế sau. Tôi đứng trên sàn xe, mặt đối mặt với chị, một tay tôi đặt trên đầu gối của chị. Tôi bé quá, thích ăn hạt dưa mà không biết cắn. Tôi cầm một cái hộp nhỏ xinh và bé xíu chìa ra trước mặt chị để chị tôi bỏ hạt dưa đã tách vỏ vào đó. Trí tôi không hề ghi lại hình ảnh những người thân khác trong xe hơi hôm đó. Bởi lúc ấy, cảnh tượng bên ngoài xe hơi thu hút hết sự chú ý của tôi. Chao ôi, một dòng người, không biết từ đâu đổ ra đầy đường. Họ vừa đi vừa chạy, tay xách nách mang, bồng bế nhau chạy hai bên xe, trước mũi xe, sau lưng xe của nhà tôi và các xe khác. Do đó các xe chỉ nhích nhích, không tiến nhanh được. Cảnh tượng hoảng loạn, tuy không apocalyptique như trong phim “War of the Worlds” với Tom Cruise nhưng đủ gây sợ hãi trong đời thật. Sau này tôi hiểu đó là Tết Mậu Thân 68. Mọi người chạy “giặc”. Có lẽ mẹ tôi giao cho chị tôi bổn phận đánh lừa (faire diversion) tôi với vụ cắn hạt dưa để tôi không sợ hãi. Bố mẹ tôi làm mọi cách để che chở tôi khỏi mọi chấn động tinh thần. Bố mẹ tôi đã một lần di cư năm 1954, bỏ lại Hà Nội cuộc sống nhung lụa giàu có, vào Saigon tìm nơi sống tự do. Nên Mậu Thân hẳn phải gây căng thẳng tuy bố mẹ vẫn giữ vẻ mặt ngoài bình tĩnh. Lần đó nhà tôi đi vào trung tâm Saigon, gần chợ Bến Thành. Một bà bạn Pháp của bố mẹ cho nhà tôi mượn một căn hộ bên hông bệnh viện Saigon. Tôi không nhớ ở đó bao lâu nhưng tôi biết một người anh họ đã đưa mẹ tôi về nhà cũ một lần để lấy thêm đồ đạc vì khi đi vội vã không mang gì. Mẹ tôi cho hay là trên các cửa nhà tôi bị nhiều lỗ đạn. Đó là Tết khói lửa qua lăng kính trẻ thơ. Sau này, khi đọc lại lịch sử của thời kỳ đó, tôi nhận thức mình may mắn hơn nhiều người cùng thời. Tôi nhớ câu “Quelle connerie, la guerre!” của Jacques Prévert trong bài “Barbara”. Trong tác phẩm đó, nhà văn diễn tả nỗi đau buồn của ông khi thành phố Brest, một thành phố cảng vùng Brittany ở Pháp, mà ông gắn bó bị hủy phá bởi những trận thả bom của quân đội đồng mình vào đệ nhị thế chiến. Không biết cái trí non nớt của đứa trẻ chưa đầy năm tuổi, tôi có nhận thức được điều gì không? Chỉ biết trong giai đoạn ở tạm nhà bạn của bố mẹ, tôi bị mộng du. Mỗi đêm tôi đứng dậy ôm gối đi vòng vòng. Năm ấy, bác và bố tôi không có dịp đi xông đất nhà họ hàng để cầu chúc cuộc sống an lành thuận lợi.

Lan man với kỷ niệm, tôi lại như nghe văng vẳng bên tai “Bạn hỡi, vang lên lời ước thiêng liêng. Chúc non sông hòa bình, hòa bình. Ngày máu xương thôi tuôn rơi. Ngày ấy quê hương yên vui, đợi anh về trong chén tình đầy vơi.” Ước vọng ấy của tác giả Phạm Đình Chương và của mỗi người Việt mình về một nền hòa bình thật sự đem lại cuộc sống yên lành cho dân ta đã được thành hiện thực chưa nhỉ?

Thu Châu lớp 6

3 thoughts on “Tranh Tết”

  1. Cám ơn Thu Châu thật nhiều. Nhớ đến những bản nhạc Xuân rộn ràng ngày Tết, và nhớ đến những kỷ niệm sợ hãi vì đạn bom chiến tranh, tiếc nuối vì mất đi cái Tết (Mậu Thân) mà mình hớn hỡ trông đợi.
    Gửi tặng Châu bản Ly Rượu Mừng của hợp ca lớp 9 nhé!

  2. Lại thêm một bài viết hay và lạ từ Thu Châu! Châu đã khéo léo vẽ một bức tranh Tết thật ngọt ngào kỷ niệm của tuổi thơ. Tiếc thay là chị em mình đều phải lớn lên trong chiến tranh triền miên của đất nước. Nhưng nhờ vậy mà mình dẽo dai tinh thần hơn phải không Châu. Mong Châu luôn vui khoẻ để tiếp tục góp nắng quanh năm cho trang nhà Nguyễn Hiền.

  3. Cảm ơn Thu Châu đã nhắc lại những háo hức và tuyệt vời của Tết ngày xưa mặc dù chiến tranh luôn đe dọa kề cận.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *