Mai Mãi Mai, Tét Toe Tét

Mai mãi mai.
Lần đầu tiên ăn Tết ở Sài Gòn sau mấy chục năm, tôi chưa bao giờ thấy mai nhiều như thế!

Nói là ăn Tết SG cho oai thôi, chứ phạm vi đón Tết của tôi chỉ loanh quanh trong khu làng dân cư Phú Mỹ tại Quận 7 (duy có một hôm trước Tết tôi cũng bày đặt đón xe ra chợ Xuân Phú Mỹ Hưng, người thì vắng nhưng hoa thì đầy, nhất là hoa mai.) Về đây không ngủ được, sáng sớm tôi thường đi bộ quanh xóm. Đi vòng qua vòng về nhiều lần mới đủ tiêu chuẩn 3 dặm cho mỗi ngày, tôi có ý học tên số đường chung quanh. Khu dân cư này cũng nhỏ thôi, vỏn vẹn có 13 con đường đều lấy số làm tên đường. Có 13 con đường tưởng học dễ ẹc nhưng học không dễ. Tôi ráng kiếm một cách cho dễ nhớ nhưng không có cách nào hơn là phải học như con vẹt. Thông thường thì tôi quen theo lối đơn giản, ví dụ như ở thành phố Cựu Kim Sơn là 1st Street, 2nd Street, 3rd Street.. thì song song với nhau, và những đường cắt ngang thì có tên như Harrison, Folsom, Howard… hoặc nếu đường cắt ngang vẫn dùng số thì thay vì chữ Street thì dùng Ave: 1st Avenue, 2nd Avenue, 3rd Avenue…Tội nghiệp cho đầu óc già nua của tôi, những con đường khu làng này từ số 1 đến số 13 không theo thứ tự hay liên quan với nhau gì cả. Chồng tôi bảo: “vậy cưng nhớ làm chi cho mệt, chỉ cần biết đường về nhà là được rồi!” Tôi bèn gân cổ lên cãi: “vì lâu lâu có mấy người shippers họ đi kiếm đường khùng luôn, hay dừng lại hỏi đường, vì thấy đường 11, 13… mà không thấy số 10 ở đâu”. Lâu lâu tôi chỉ cho họ kiếm ra được để giao hàng, tôi cảm thấy hãnh diện lắm, vì tôi như dân địa phương chính hiệu. Hay đi loanh quanh nên trải nghiệm nhiều thứ, tuy là chỉ quanh khu làng dân cư nhỏ bé. Buổi sáng tôi hay gặp các em, các cô giúp việc đứng tưới cây, quét lá từ sân nhà ra ngoài đường. Có rất nhiều nhà để từng thùng từng chậu trồng rau tươi trên lề đường ngay trước nhà. Thật không theo phép tắc để dành đường cho người đi bộ, nhưng lại tiện cho tôi biết bao, vì tôi để ý thấy rau nào mình cần, rồi nhớ nhà nào, để đó sẵn. Sau đó thì tôi hay đứng lại làm quen, hỏi tên hỏi chuyện gia đình con cái các cô các em. Đa số là các cô dưới tỉnh lên SG làm việc. Ai cũng thân thiện vui vẻ. Sau đó quen rồi thì tôi xin sả, rau quế, rau thơm, ngò Tây, rau răm đem về trồng tặng cô Tư nhà ba tôi. Đặc biệt rau răm của cô Phương nhà cuối đường cho đem về trồng lên tốt tươi, tôi hái vào làm một bữa gà lên mâm hôm mùng 3, cô Tư phục tôi sát đất!

Đi bộ sáng sớm, đạp xe chiều tà những ngày cận Tết, chung quanh tôi toàn là màu vàng của mai. It’s like a field of yellow! Làm tôi liên tưởng đến câu hát này:

So then I took my turn
Oh, what a thing to have done
And it was all yellow…
(Yellow, by ColdPlay)

Quả đúng vậy, mai ở công viên, mai trên đường, mai ngoài sân, mai trong nhà, mai trên cao, mai dưới đất. Đâu đâu cũng một màu vàng tươi đẹp mắt. Em tôi cũng thuê một cây mai thật to để trước sân nhà cho ba tôi vui, nở hơi sớm nên những ngày Tết mai rụng vàng sáng cả sân nhà. Gió bay từng cánh hoa mai vàng là những lúc tôi thấy mình cũng thư thái, lòng nhẹ nhàng hơn sau một mất mát lớn lao trong đời. Má tôi đã ra đi thanh thản vào ngày cuối năm 2021, khi chúng tôi vì dịch giã không tìm vé về kịp. Bù lại cô em gái út và tôi hên, được cô em dâu kiếm ra vé để về sớm nhất với ba tôi và gia đình cậu em Út. Hành trình về đến SG trên chuyến bay “giải cứu” đầu năm 2022 qua nhiều khâu khó khăn, rắc rối bao giấy tờ và cũng lắm tiền. Nhưng đó là chuyện đã qua.

Mấy hôm nay đi đâu cũng thấy mai vàng, nhà nhà đầy mai, đường đường đầy mai. Hôm mùng 1 Tết, FaceTime về cùng một lúc với chồng và hai con gái, tôi ra trước nhà cho ba bố con thấy không khí Tết bên này. Sáng hôm đó yên lặng, không gian và thời gian như dừng lại. Tôi chỉ cho hai con gái cây mai trước nhà ông ngoại bây giờ, và kể cho hai con nghe rằng ông ngoại ngày xưa có trồng nhiều mai ngoài mỗi cửa sổ trong căn nhà đầu tiên. Để mỗi độ xuân về, bà ngoại sẽ thấy mai vàng đầy ngõ. Con tôi bảo: Ông ngoại such a romantic guy!

Look at the stars
Look how they shine for you
And everything you do
Yeah, they were all yellow…
(Yellow, by ColdPlay)

Tét toe tét.
Hôm 27 tháng chạp, tôi đến nhà chú thím tôi để gói bánh tét. Nói là đi gói nghe cho ngơm, chứ sáng đó cậu em rể đẹp trai (chồng cô em họ) đến đón chị Vịnh đi “date” riêng. Cô em tôi thì tối hôm trước đã đưa hai con về nhà ngoại, cùng thím tôi chuẩn bị lá, nếp, đậu, giây lạc để sẵn sàng cho sáng hôm sau. Tà tà uống cà phê, chạy qua bao ngã đường, hai chị em nói chuyện quên cả đường dài. Cậu em này mất mẹ cách đây không lâu nên có nhiều chia sẻ với chị mình về phong tục hay, tập quán tốt và sôi nổi nhất là về nhiều “hũ tục” rắc rối của người mình. Có mấy hũ tục ở đâu đâu bày đặt ra, cũng làm hỏng đi nhiều nét thuần phong mỹ tục của người Việt. Tôi học được ở cậu em người Huế này nhiều điều hay ho. Hai chị em tung tăng quá, cô vợ hắn text nhắn:
– Chồng em đã đón chị chưa?
– Tụi em gói sắp xong rồi!
Chết tía, tôi đi “học gói học mở” mà tà tà kiểu này chắc khó mà thành đạt. Hy vọng tôi “học ăn học nói” nhanh nhẹn hơn vậy.

Đến nhà chú tôi, đúng là một tổng hành dinh “Tét toe tét”, tạm dịch: Operation Tét Wrap and Roll. Ngày xưa ở Đà Nẵng nhà ba má tôi là tổng hành dinh bánh tét mỗi mùa Xuân về. Vì ba gia đình (ba tôi và 2 chú) ở gần nhau nên mỗi mùa Tết, cả ba gia đình đều tập họp ở nhà “anh Hai, chị Bốn” để gói bánh. Sau này vào SG ba má tôi lớn tuổi và chúng tôi đều ở xa, tổng hành dinh dời về nhà chú út tôi. Hôm đó tôi đến tuy gần xong nhưng cũng nhảy vào gói 1 đòn làm cảnh. Các em tôi triệu tập được một lính mới nên nháo lên, đứa thì bày vẻ, đứa thì chấm điểm. Mà tụi hắn bao năm nay thiện nghệ rồi, tôi mới học gói nên tụi hắn cho điểm hơi khó. Riêng có cậu em tên gọi thân thương ở nhà là Lùn, rất nhẹ nhàng ngọt ngào với chị mình. Lùn hướng dẫn kỹ càng, chỉ tôi một vài tricks of the trade. Đúng là “không thầy đố trò cột dây.” Tôi còn làm điệu cột sợi lạc thành hình cái nơ, để nhận diện đòn bánh đó là tuyệt phẩm của tôi. Sau đó đòn bánh của tôi trao qua bao nhiêu cô giáo duyệt, đứa thì đánh đánh, đứa thì vỗ vỗ, đứa xem giây lạc cột ra sao, đứa lăn lăn trên bàn. Quality check xong, Lùn kết luận cho mấy cô giáo khó tính kia nghe cho rõ luôn:
– Chị mới gói đầu tiên vậy là đạt rồi đó!
Tôi mừng quá, còn mừng hơn khi đậu cái chứng chỉ Greenbelt Six Sigma về Quality Control luôn.
Hôm đó nhà chú thím tôi vui như Tết, các em tôi đem vợ chồng con cái về gần hết. Thương nhất là các em kể lại những kỷ niệm gói bánh ngày xưa ở Đà Nẵng, nhắc về má tôi là người kỹ càng như thế nào. Cô em Út xù kể “Ngày xưa em như là Cinderella. Bác kỹ số 1, hay đỗ nếp ra, bắt em lượm từng hạt gạo ra, vì ngày xưa nếp mắc, họ hay trộn gạo vào”. Cô em Cưng thì nhắc: “Nhưng lượm xong lúc nào Bác cũng cho tiền, nên tụi em đứa nào cũng nhảy vào làm Cinderella hết”. Tôi thấy hạnh phúc vì các em tôi nhớ về má tôi và hay kể về nhiều kỷ niệm với bác mình. Có nhiều chuyện tôi không được biết vì tôi đi xa từ lâu quá rồi. Hôm đó là một ngày thật vui, chị em gặp nhau thân mật, gần nhau như chưa từng. Có cậu em rể camerAn không nói không rằng ngồi ghi từng giây phút đẹp của gia đình qua máy ảnh mà tôi dùng để chia sẻ ở đây.

Hôm đó Tét Operation qua nhiều khâu, từ khâu wrap đến khâu roll (các cháu tôi ngồi trên ghế bỏ từng đòn sau lưng, lâu lâu lăn lăn dọc theo sống lưng, thật hiệu nghiệm), sau cùng là khâu chất vào nồi để nấu. Cậu em rể đến trễ vì đi cà phê với chị V được lãnh khâu này. Sắp vào nồi cũng có chiến thuật, phải bỏ những đòn dài đều nhau vào trước theo chiều dọc, và sắp cho chặt. Rồi mới đến những đòn ngắn dài không đều, hay méo mó thì chất ngang lên trên. Cô em Út xù (đầu tóc xù cool và cute) của tôi còn chọn ra 2 đòn chênh lệch, một ngắn một dài, đưa cho tôi xem rồi bảo: hai đòn ni giống anh Tuấn chị Vịnh! Hắn chọc tôi vậy mà tôi vẫn thương, hôm đó vẫn đem ra tặng hắn hai chai rượu để uống thức canh nồi bánh tét với ông anh rể. Operation Tét năm nay sản xuất được 51 đòn. Nấu xong em tôi đem qua nhà ba tôi 4 đòn, và thím tôi có gửi về dưa món nữa. Cô Tư ngày 30 sau khi cúng rước ông bà về ăn Tết, có đem bánh Tét bánh chưng ra ăn. Cô Tư hỏi tôi: cô thấy bánh bên này ra sao, ngon không cô? Dưa món thì sao cô?

Ngồi suy nghĩ một lúc để trả lời cho thật lòng mình mà hy vọng không mất lòng ai. Theo tôi thì cả hai bên đều ngon, một chín một mười. Bánh chưng cô em dâu tôi đặt thì quả là ngon nhất từ trước đến nay mà tôi được ăn, nghe nói đó là nếp Tú Lệ nổi tiếng ngoài Yên Bái, bánh dẻo thơm rất đặc biệt, và màu nếp đẹp như màu cốm thật. Bánh tét thì “một chín” là bên đây, vì hương vị bánh tét ăn Tết ở nhà ba tôi, do nhà chú thím tôi nấu, nhất là các em tôi quây quần đứa gói, đứa cột, đứa thức, đứa trông; cho tôi niềm hạnh phúc khó tả sau mấy chục năm mới được đón Tết ở Sài Gòn. “Một mười” là bên kia, bánh tét ở Dốc Mơ trong làng Thác Đỗ tại Phố Sớm (Folsom) bên triền đồi vùng thung lũng Bắc sông Mỹ Giang tại thủ phủ Sacramento, thuộc tiểu bang California, Hoa Kỳ. Tết ở đó tuy đơn sơ nhưng vẫn có bánh tét cô bạn thân tôi nấu thật ngon, năm nào cũng có Operation Church Bánh Tét cung cấp cho nhà thờ, luôn để dành một hai đòn cho tôi. Có bánh chưng của hai cô em nấu rất thơm và đẹp, dưa món cô em (không bà con) làm rất ngon và dòn, cắt tỉa tinh xảo, ít mặn (vì tôi dạo này quen ăn đồ lạt nước mắm). Đặc biệt mỗi năm đều nói chị Vịnh “thiết kế” nhãn hiệu riêng biệt cho bếp hồng thơ mộng của vùng đồi núi El Dorado Hills, nơi hai cô em mỗi năm đều có tổng hành dinh bánh chưng, bánh mứt và dưa món. Ở đâu thì quen đó, ăn bếp nào xào bếp ấy. Khẩu vị thì tuỳ mỗi người, tôi thì chắc quen vị bên nhà hơn nên thiên vị bên kia thêm 1 điểm.

Tôi ăn Tết Sài Gòn rất rầm rộ, mai mãi mai, tét toe tét. Tôi vui vì thấy ba tôi có vẻ ổn định tinh thần trở lại. Ông cụ 98 tuổi mà vẫn minh mẫn, ngồi xem tennis trên TV, ăn bánh chưng bánh tét uống rượu vang khen ngon miệng. Vui bên cạnh ba tôi mỗi ngày. Bên cạnh niềm vui đó, tôi vẫn nhớ Tết ở nhà tôi. Nơi mỗi năm Xuân về, tôi thường đi loanh quanh kiếm hoa đào và dogwood cắt về làm thế cho cành mai, tuy ít ỏi mai đào hơn bên này rất nhiều nhưng tôi vẫn thấy vui như … Tết! Nơi tôi vẫn diện áo dài đi thăm và chúc Tết bạn bè người thân và lì xì con cháu, kể cả con cháu hàng xóm người Mỹ. Nơi bây giờ dịp Tết hai con gái tôi rục rịch diện áo dài khoe với bạn bè và chỉ cho bạn mình nói tiếng Việt chúc Tết bố mẹ. Hôm nọ hai anh bạn còn: “Chúc mừng năm mới cô Tư” qua FaceTime rất rõ từng dấu sắc dấu huyền.

So sánh hai bên, bên nhà tuy đơn sơ, không có hoa mai, hoa đào thì đi hái trộm, tuy ít ỏi hương vị Tết hơn bên này nhiều nhưng mỗi năm tôi thấy vẫn đầy đủ Tết lắm, vì nơi đó là nhà tôi. Quả đúng như câu: Home is where the heart is.

Đỗ Thanh Vịnh, mùng 9 năm Nhâm Dần.
KDC Phú Mỹ, Quận 7, Sài Gòn.

3 thoughts on “Mai Mãi Mai, Tét Toe Tét”

  1. Chị Vịnh ơi,
    Cảm ơn chị chia sẻ. Em vừa đọc vừa tưởng tượng cảm giác hương vị Tết bên VN, bà con cô bác tụ họp gói bánh chưng bánh tét thấy quá vui, nhất là mai vàng tứ phía ước chi em được cùng ngắm 🙂
    Vì xa quê hương khi vừa lên 9 tuổi trong thời giải phóng, kỷ niệm Tết duy nhất của em là được mặc quần áo mới xếp hàng chúc Tết cho cố và ông bà, rồi được lì xì. Nhớ một năm ấy nội em và nhiều người trải chiếu trước sân gói bánh chưng, hầu như cả làng luôn! Không khí rất là vui 🙂
    Xong rồi nội nấu bánh trong thùng phi rất to. Nấu xong rồi ép bánh khoảng một ngày. Những ai đến nhà chúc Tết ông bà đều được biếu bánh chưng đem về 🙂

    Mừng Xuân 2022 và chúc chị ngày ngày bên quê nhà tràn thấm niềm vui và nhiều ý nghĩa.

  2. Cảm ơn Vịnh đã lì xì cả nhà Nguyễn Hiền mình một bài viết đầu Xuân thật hay và dí dỏm! Mừng Vịnh được thăm mộ mẹ, được ăn Tết bên ba và gia đình ở Saigon. Nghe Vịnh tả mai vàng và nồi bánh tét mà nhớ những ngày Tết của tuổi thơ ở Đà Nẵng quá. Biết thêm một chuyện lạ là bên nhà còn thuê được cả cây mai nữa, có lý há.

    1. Hân ơi, có lý hỉ? Bên này có nhiều dịch vụ rất tiện lợi cho người tiêu dùng, và tạo thêm nhiều jobs cho người đi làm. Có 1 dịch vụ này nữa: thay vì để 1 đứa là DD, trong xe ai cũng uống được hết. Uống xong thì dùng 1 cái apps, gọi tài xế đến lái xe của mình về nhà với mình cho mình! Cool huh? That’s the first I saw, so cool! Chỉ cần 1 người trên xe đừng xỉn quá để chỉ nhà cho bác tài thôi, vì Google map nhiều khi chưa cập nhật, và bên mình thì ngõ ngách nhiều!

Leave a Reply to Ngọc Hân Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *