Lá Thư


Mới giữa tháng 9 mà nơi tôi ở mùa thu đã về chạm ngõ. Thời tiết ban ngày tương đối còn ấm áp, nhưng sáng sớm hay chiều xuống đã cảm thấy cái lành lạnh của sương, của gió. Hôm nay trời khá đẹp, tôi định ra sau vườn chăm chút lại mấy chậu rau thơm, rau quế, bụi sả, bụi ngò. Trông sao chúng trụ thêm được mươi hôm nữa cho kịp thu hoạch trước khi mùa đông đến. Thật thú vị khi nhìn lại thành quả của mình trong suốt mùa hè qua. Những luống rau xanh tốt làm cho tôi cảm thấy mình như được tăng thêm một phần sức sống. Tôi vui với niềm vui của cây đang xanh, của cỏ lá đang mùa chung quanh lấp lánh…

Xưa nay tôi có thói quen là vừa làm vườn vừa nghe nhạc. Gắn chiếc earphone điện thoại vào tai là tôi quên hết thời gian, tay thì mân mê cành lá mà hồn lại thả lan man theo những dòng âm thanh du dương bay bổng. Hôm nay thu về rồi thì phải chọn những bài nhạc mùa thu thôi. Mà nhạc mùa thu thì có ai bằng Ngô Thụy Miên, người được ví là nhạc sĩ của mùa thu. Trong phone tôi có sẵn những Nỗi đau muộn màng, Riêng một góc trời, Mùa thu cho em, Em về mùa thu… toàn những bản nhạc của ông từng là top hit trong làng nhạc Việt hải ngoại một thời. Tôi hát nho nhỏ theo:

“Em về mùa Thu thành phố sương mù
Khung trời lộng gió chiều xuống mơ hồ
Con đường ngày đó có ai mong chờ
Cuộc tình đã xót xa ơ thờ
Một lần cách xa ngàn thương nhớ” (NTM)

Hôm qua cô bạn thân thời trung học gọi sang nói chuyện cả mấy tiếng đồng hồ. Thường thì chúng tôi chỉ hỏi thăm qua loa vài mươi phút, nhưng lần này có nhiều chuyện thú vị nên cuộc gọi cứ kéo dài mãi mà chẳng ai muốn dứt cả. Ái kể cho tôi nghe về kỳ hội ngộ của cựu học sinh Phan Chu Trinh niên khóa chúng tôi, kỷ niệm 45 năm ngày ra trường. Vừa nói chuyện Ái vừa gửi sang cho tôi xem vài tấm hình, hay đoạn phim ngắn. Hình ảnh những người bạn học cũ lần lượt hiện lên trên màn hình chiếc phone, tôi bồi hồi xúc động. 45 năm năm trôi qua rồi còn gì! Có những người bạn đôi lần gặp lại, nhưng có những người thấy mặt lần đầu sau chừng ấy năm xa trường, rời lớp. Bao kỷ niệm cũ hiện về. Nhớ những ngày vô tư cùng bạn bè, những giỡn đùa trong giờ chơi và cả trong giờ học. Nhớ những lúc tan trường, trên đường về vài ba đứa bạn tung tăng nói cười, kể chuyện học, kể cả chuyện mấy anh chàng bám theo tán tỉnh đứa này đứa kia. Rồi cả đám phá ra cười vang cả một góc phố. Cô nào cũng 17, 18 rồi mà chẳng chịu khép nép nền nã một chút xíu nào. Con gái là vậy, một mình thì e dè khép nép, nhưng xúm lại thì phá đâu thua gì đám con trai cùng trang lứa.

Bất chợt Ái hỏi tôi:
-Hạnh có nhớ anh chàng Long học chung mình năm lớp 11 không?
Tôi chưa kịp kịp định thần để rà soát lại trong mớ ký ức rối bù hơn 40 năm của mình coi có anh chàng Long nào đó không, thì Ái vội nói thêm ngay:
-Cái anh chàng Long ngồi dãy bàn sau 2 đứa mình, và ngày nào cũng chằm chằm nhìn mi khi bước cô lớp đó. Long đã từng gửi thư tình giấy học trò cho mi mà không nhớ à. Hay là làm bộ quên. Haha!

Thấy tôi vẫn ngơ ngác thì Ái chuyển sang một tấm hình chụp cô bạn tôi và một anh chàng trông khá quen. À mà bây giờ phải gọi là một người đàn ông thì đúng hơn. Tấm hình chụp trước cổng trường. Nhìn tấm hình một hồi tôi mới nhận ra cái anh chàng ngày ngày lẽo đẽo theo mình suốt 2 năm cuối thời trung học. Đó là một cái đuôi kiểu như “Em tan trường về, anh theo Ngọ về” mốt thời thượng ngày ấy. Tôi nhìn chăm chú vào tấm hình, vẫn vậy một khuôn mặt hiền lành, hiền từ ánh mắt đến nụ cười. Thời chung lớp tôi thấy tính Long ít nói, sống tình cảm. Đối với bạn bè thì Long là người rất dễ mến. Biết Long thích mình nên tôi hay lẩn tránh ánh mắt nhìn của anh ấy. Ngày đó tôi 17 rồi chớ ít gì, tuổi đã biết mơ mộng về một mối tình cho riêng mình. Tuổi này bạn tôi vài đứa đã nhanh nhẹn có đôi có cặp để hẹn hò. Tôi cũng lao xao khi chạm vào ánh mắt một người con trai hợp nhãn mình rồi chứ. Làm sao tránh khỏi. Nhưng hoàn cảnh tôi lúc đó, những lo toan trước sự thay đổi của gia đình khiến tâm trí mình không cho phép nghĩ đến điều gì khác ngoài chuyện phụ mẹ lo cho cả nhà. Tuổi thơ tôi như đã bỏ lại sau lưng từ cái ngày tháng tư năm ấy. Ba tôi đang đi tù “cải tạo” vì là sĩ quan trong quân đội chế độ cũ, mẹ thì phải vất vả buôn bán ngược xuôi, mấy đứa em còn nhỏ quá. Tôi là chị lớn thì đâu cho phép mình để tâm hồn lang thang theo những chuyện yêu thương không đâu.

Biết Long có cảm tình với mình nhưng tôi không có ý nghĩ nào khác ngoài xem anh ấy như một người bạn. Tâm tính tôi lúc bấy giờ như một ốc đảo thu mình trước những thay đổi ngoài xã hội, không phải là mặc cảm nhưng tôi biết mình đang đứng bên lề của sự đổi thay chung quanh. Tôi nằm bên phía thua cuộc thì làm sao vui vẻ để hòa đồng, để thích nghi với đời sống mới lúc bây giờ đang sục sôi nhảy múa được. Tôi cảm thấy mình lẻ loi, và tôi chỉ còn có gia đình, ít ỏi vài người bạn cùng cảnh ngộ để cảm thông. Vài lần tôi muốn nói cho Long biết ý nghĩ của mình, nhưng tôi vốn nhút nhát trong giao tiếp nên không làm sao dám bày tỏ. Tôi chỉ mong sao Long hiểu được mình.

Nhớ mãi một lần tan trường về, tôi và Ái đang đi trên đoạn đường Pasteur thì bỗng sực nhớ đến một chuyện. Tôi thảng thốt nói với Ái:

-Sao Hạnh nghi nghi cái chuyện hồi nãy mấy ông bàn sau hỏi mượn cuốn tập của Hạnh quá!

Rồi tôi dừng lại, lục vội trong cặp để tìm cuốn tập ghi chép trong giờ vật lý vừa rồi. Mở ra thì quả nhiên một bức thư không có phong bì bằng giấy vở, được gập đôi và dán kỹ lưỡng bằng băng keo xung quanh, hai đứa cùng mở ra và đọc. Bức thư của Long gửi cho tôi. Bức thư với nét chữ khá đẹp, lời nhẹ nhàng trong sáng, còn nội dung thì đương nhiên là một tỏ bày cảm tình. Đọc đến đoạn anh chàng tỏ tình thì mặt tôi đỏ bừng, không dám tiếp tục nữa. Nhưng làm sao tôi trốn được, Ái dằn lấy tờ thư tiếp tục đọc to hơn. Tôi vẫn còn nhớ như in cái đoạn tái bút quái ác làm Ái ôm bụng cười ngặt nghẽo, còn mình thì càng mắc cỡ hơn. Anh chàng nói rằng, nếu đồng ý cho làm quen thì ngày mai trong giờ thể dục tôi sẽ mặc chiếc áo ca-rô màu vàng. Chắc Long để ý biết tôi có chiếc áo ấy. Lúc đó quy định trong giờ thể dục thì nữ sinh phải mặc quần tây và áo thun ngắn.

Tôi nhăn nhó khổ sờ nói với Ái:
-Trời ơi! Hạnh chỉ còn chiếc áo ca-rô màu vàng ấy thôi, mấy cái khác chưa giặt. Tính sao đây?

Ái bật cười khi thấy nét mặt nhăn nhó đau khổ của tôi. Cô bạn đã không làm quân sư cho tôi mà còn lại nói vô, “Thì ngày mai có gì mặc nấy có sao đâu”. Tôi bực mình Ái lắm, suy nghĩ một hồi rồi khẳng khái nói:
– Mai Hạnh sẽ mặc áo dài! Thầy có hỏi thì nói quên đem theo đồ tây. Hi hi. Lại được trốn học một mình đi lang thang trong trường cho khỏe.

Ái lắc đầu ngao ngán cho cái bướng bỉnh của tôi.

Sáng hôm sau tôi vận áo dài trong giờ thể dục thật. Tất nhiên có một người buồn tênh thất vọng vì cái áo dài trắng quái ác ấy. Sau đó Ái nói với tôi, “Hạnh mà cũng ác ghê hỉ! Chắc có lẽ từ rày về sau Long sẽ không còn cảm thấy chiếc áo dài màu trắng nữ sinh là ngây thơ duyên dáng nữa. Mà đó là một màu trắng bực bội ám ảnh”. Lúc đó tôi cũng cảm thấy tội tội cho Long chứ. Nhưng biết sao, khi tâm hồn tôi đang héo khô vì chuyện lo toan miếng ăn cái mặc cho gia đình thì làm sao sẵn sàng để hé mở cho một bóng dáng.

Sang năm, lên lớp 12 thì Long vẫn cùng học chung lớp với tôi. Nhưng được đâu khoảng nửa niên khóa thì anh ấy bị gọi nghĩa vụ quân sự, mà nói nôm na là bị kêu đi bộ đội.

Hôm trước khi lên đường Long đến chào tôi và các bạn cùng lớp để nói lời từ giã. Trông Long buồn lắm khi từ nay phải xa trường, xa lớp. Tôi chúc Long đi bình an. Vẫn còn chút gì đó ngượng ngùng giữa chúng tôi, dù sao cái lá thư hôm nào vẫn luẩn quẩn trong trí tôi và anh ấy. Tôi bùi ngùi khi thấy dáng Long rời khỏi lớp, cảm giác như mình mất đi một thứ gì đó quý giá lắm mà biết rằng sẽ không bao giờ tìm lại được.

Những năm sau tôi vẫn hay hỏi thăm tin tức về anh ấy. Lúc cuộc chiến với Campuchia rồi Trung quốc xảy ra, tôi vẫn thầm cầu nguyện cho Long được bình an. Tôi lo lắng hơn khi được tin vài người bạn cùng niên khóa tôi bị thương hay cả mất tích trên chiến trường. Tôi bị ám ảnh bởi tin tức mọi người đang truyền miệng nhau, tin về những nấm mồ không tên tuổi lấp vội ở nơi xa xăm ấy. Sao tôi thấy tội nghiệp cho lứa tuổi tụi tôi. Một lứa tuổi chưa vào đời đã vấp phải những lo toan, những gánh vác muộn phiền. Tiếng là hòa bình thống nhất rồi mà đâu ai được yên. Tôi hay nghĩ đến Long, ám ảnh về những người bạn ra đi mãi không về….

Thời gian cứ vùn vụt trôi, 45 năm thoáng qua nhìn lại cứ như là một giấc mơ. Cái thời làm học sinh những năm ấy, dù có muộn phiền, chán nản nhưng mình vẫn chỉ là một cô nữ sinh tuổi đời vừa lớn. Vẫn vui với niềm vui bạn bè thân thiết chung quanh. Giờ đây nơi xứ người, thỉnh thoảng gặp được một đồng hương đã quý huống chi gặp được một người bạn học. Sao tôi ao ước được gặp lại những người bạn thuở ấy. Hôm qua đến nay tôi hay mở phone ngắm nghía những tấm hình hội ngộ mà Ái vừa gửi cho. Cuộc điện thoại với cô bạn thân cứ làm mình bồi hồi xao xuyến.

Theo lời Ái kể về Long, gia đình anh bạn chúng tôi hiện đang ở Sài gòn, đời sống khá giả. Mừng cho Long. Tôi cũng mong có một lần nào đó gặp lại anh ấy. Và chắc chắn rằng tôi sẽ không đắn đo mà kể lại cái cảm giác khi lần đầu nhận một bức thư tình cho anh ấy nghe. Có lẽ chúng tôi sẽ cùng vui mà cười xòa cho những ngây thơ vụng dại buổi ban đầu ấy…

Mùa thu vừa về trước ngõ, lá trên những tàng cây phong trước hiên nhà tôi đã chớm ươm vàng. Chừng nửa tháng nữa thôi là cả một rừng cây thay màu lá đỏ-vàng rực một góc trời. Tôi chợt nhớ đến câu chuyện cổ tích thú vị về sự tích lá cây đổi màu khi vào thu. Tương truyền rằng, những nàng tiên ban đêm từ các vì sao trên trời đã lén lút bay về sơn đỏ, vàng những chiếc lá. Các nàng tiên đã tô màu mùa thu cho lá như để diễn tả nỗi niềm nhớ nhung trần gian. Nơi chốn mà các nàng đã một thời trú ngụ trước khi bỏ đi. Quả vậy mùa thu là mùa của nhớ nhung, mùa của riêng dành cho quá khứ….

Trời về chiều đã khá lạnh, tôi kéo cao cổ chiếc áo len lên che gió. Một con sóc chạy ngang qua trước mặt làm tôi giật mình. Vào nhà thôi kẻo cảm lạnh mất! Lời bài hát “Em về mùa thu” vẫn còn văng vẳng bên tai tôi:

“Em về bên ấy giấc mơ phai tàn
Nhạt nhòa phấn, sắc hương võ vàng
Và ngày tháng âm thầm mãi trôi”

Vâng, giấc mơ ấy đã phai tàn. Để cho:

“Kỷ niệm giăng muôn nơi
Nhịp sầu vương khắp lối
Nghe hoang phế rã rời
Nghe mùa Thu lá rơi”

Boston mùa thu, 2022
Trương Hữu Hiền

**********

5 thoughts on “Lá Thư”

  1. Bài viết của Hiền viết rất hay. Cảm ơn Hiền nhiều. Kỷ niệm đẹp được trình bày qua ngòi bút của Hiền, thật tuyệt vời.

  2. Rất thích đọc những bài văn của bạn Hiền viết. Mỗi lần đọc là mỗi lần thổn thức… Cho dầu là chuyện thật hay là hư cấu thì lời văn của H lúc nào cũng có mang những nỗi niềm về tình cảm lãng mạn nhẹ nhàng của tuổi học trò. Tuổi mà chúng ta đã bị đánh mất đi vì hoàn cảnh của đất nước lúc bấy giờ (năm 1975)… Và bây giờ thỉnh thoảng vẫn còn gợi lại chút dư âm tiếc nuối trong lòng của chúng ta…
    Cảm ơn H đã gợi lại chút gì để nhớ để thương…
    “Em về mùa thu thành phố sương mù…” H hát nghe phê quá!

  3. Mới đọc thì hơi bị confused! Đọc một chặp thì mới chợt nhận ra là Hiền đã đổi ngôi, lại rất sáng tạo nữa. Cám ơn Hiền, thêm một câu chuyện học trò sau 75, sau Nguyễn Hiền. Câu chuyện nhẹ nhàng như lá mùa thu. Đây là một trong những ca khúc về mùa thu mà H thích nhất. Nghe hay quá, Hiền! 👍🙏🍁

  4. Viết lách vẫn luôn là thú đam mê của Hiền, càng viết càng muốn viết thêm. Không phải là học trò PCT nhưng chuyện tình tuổi hoa tím thì vẫn thích đọc, để nhớ lại tuổi mộng mơ ai cũng đã trải qua. Cảm ơn Hiền đã chia sẻ, chuyện hư cấu nhưng gần gũi.

  5. Giọng văn của Hiền khi nào cũng nhẹ nhàng, lôi cuốn. Buổi sáng bắt đầu với ly cafe và đọc đoản văn hay, thật là thú vị. Cám ơn Hiền nhiều. Tiếp tục viết cho bạn bè cùng thưởng thức nghe.

Leave a Reply to Ngọc Hân Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *