Về

Đà Nẵng quê nhà thân yêu, nơi tôi lưu giữ nhiều ký ức. Góc phố, ngôi trường, mái nhà… đầy ắp kỷ niệm. Song, với thời gian… dường như nó muốn đoạn tuyệt với quá khứ ít ỏi trên đà phát triển.
      Phan Tam Khê

Trời đã nhá nhem tối khi tôi đến phi trường Đà Nẵng. Không một ai đón đưa. Chiếc xe taxi đưa tôi ra khỏi phi trường. Tôi ngơ ngác nhìn, xe đụng phải một bùng binh to đùng, tôi nghĩ chắc là ngã năm. Người tài xế rẽ phải. Tôi hỏi: Có phải đây là ngã năm không? Anh gật đầu, nhưng mắt tôi chạm phải ngôi chùa nằm sau bót cảnh sát Hoàng Diệu – ngày xưa là bót Đội Cung. Tôi định được vị trí của mình, khu nghĩa địa “Mã Tây” đã được thay thế bằng một đấu trường. Ngươi tài xế thêm vào: Ngã năm Nguyễn Tri Phương. Thế ra không phải là ngã năm của tôi. Hai bên đường quán xá nối quán xá… Tôi thơ thẩn đứng trước căn nhà của tuổi thơ. Căn nhà có bao nhiêu là kỷ niệm vui buồn. Ngày  xưa, đây là căn nhà lớn nhất xóm, nay thấy nó  tội nghiệp làm sao!… Nó như bị ngộp thở trước sự chèn ép của các dãy nhà cao ốc được xây cất một cách, thiếu quy hoạch và xa rời thẩm mỹ.

Người em họ mở cửa. Khí trời nóng nực và nụ cười săn đón đầy ưu ái của em cũng không sao làm ấm nổi căn nhà thiếu bóng người nhiều năm. Mọi vật vẫn y nguyên không mảy may thay đổi. Sau một đêm chập chờn mộng mị, tôi xin được khám phá  phố của tôi. Anh bạn tôi cho xe chạy thật chậm, vì muốn tôi quan sát kỹ hơn, nhưng tôi nghĩ, nếu có muốn xe chạy nhanh cũng chẳng được, vì các nẻo đường đầy ăm ắp cả xe là xe, nào là xe đạp, xe gắn máy, taxi, ô tô và một ít… cyclo. Tôi muốn tìm ra các nẻo đường góc phố thân thương, nhưng nghe ra khó quá, tôi đã lẫn góc này với góc kia… Cũng chỉ mới có năm năm lại đây thôi mà thành phố của tôi đã có một bộ mặt hí hửng như bất cứ một thành phố chậm tiến nào một khi đã được bơm sinh khí thị trường vào… Hàng quán, à quên, shop – chữ của ngày nay – và có cả siêu thị, Metro – mọc lên như nấm sau mưa, cũng đáng mừng chứ chẳng sao!

Đà Nẵng có đến 5 chiếc cầu, nhưng tôi chỉ muốn xe lăn trên chiếc cầu De Lattre thời thực dân, chiếc xe cứ vồng lên vồng xuống như nhắc tôi nhớ đến thời hàn vi. Hoài niệm là niềm vui cho những người ở lứa tuổi tôi. Đường vào Non Nước có nhiều nẻo nhưng nẻo nào cũng rộng lớn, phẳng phiu, xe chỉ chạy một lúc là đã đến nơi, và tôi chỉ nhận ra Non Nước khi thấy những hòn núi và các xưởng bày la liệt nào tượng là tượng. Tôi buộc miệng: Nhanh thế, chả bõ ngày xưa, còng lưng đạp toát mồ hôi mới đến chân núi. Rồi còn phải trèo nữa… Kỷ niệm lại ập về.

Xe đi thêm một hồi nữa, bỗng bên vệ đường một tấm bảng ghi rõ: Địa phận Quảng Nam. Bạn tôi dừng lại, có gì ngăn anh vượt qua tấm bảng này chăng? Anh cười: Hết Đà Nẵng rồi. Tôi bảo: Thì đã sao? Anh quay xe lại. Tôi buồn! Quảng Nam-Đà Nẵng là một cụm từ gần gũi và thân quen. Tôi cố giữ lại cho mỗi một mình tôi, cụm từ thân thương này…

Xe quay lại và chạy dọc theo con đường mới song song với thành phố bên kia. Bạn tôi bảo: Đây là quận Ba. Tôi hòi: Có phải là Hà Thân không? Anh ngập ngừng: Chắc vậy. Con đường thật đẹp, thật sang, thật tốt, nhưng hai bên đường lại làm tôi nhớ đến các cảnh bụi bặm, mất trật tự nơi vùng ngoại ô của thành phố Istanbul, không hiểu sao tôi lại so sánh như thế, có lẽ ở Thổ Nhĩ Kỳ, vùng ngoại ô cũng ăm ắp người là người, và ở đó cũng có biển rộng trời xanh như quê tôi.

Xe tiếp tục lăn bánh. Bạn tôi bảo: Đây là Bãi Bụt. Tôi ậm ừ. Chạy một lúc thì nghẽn, đường làm chưa xong. Tôi thở phào nhẹ nhõm vì chỉ mong quay về để được viếng lại nghĩa địa Tây Ban Nha ở Tiên Sa, cái nghĩa địa đã có một dạo  tôi có dự định xin phép để dựng lên một tượng đài tượng trưng cho hòa hình và ý niệm xóa bỏ hận thù, dự án đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân lúc ghé thăm Đà Nẵng ủng hộ nhưng sau đó thì chẳng biết tại sao lại không thành. Vui thay, nay nghĩa địa đó đã được giới hữu trách xây dựng lại thật đẹp và khang trang, một địa điểm mà khách du lịch không nên bỏ qua khi đến Đà Nẵng!

Trở về thành phố, bạn tôi chạy vòng vèo, rạch ngang xẻ dọc để đưa tôi đi xem hết khu này đến khu khác. Thỉnh thoảng tôi phải đọc các tên đường, nhưng rất vất vả vì có nhiều đường mới và cũng có nhiều đường đã đổi tên: Đây rồi chùa Quảng Đà, chùa Phổ Thiên, nhà thương Phao Lồ, trường Thọ Nhân. Rồi đến chùa Nguyên Thủy, cảnh vật không thay đổi bao nhiêu, hai cây bồ đề được ngài Giới Nghiêm mang từ Ấn Độ về nay đã sum sê, to lớn, chứng tích một đoạn đường dài của thời gian. Góc đường mà tôi cố tìm, là chiếc quán cóc nơi trước đây thầy Xuân(*) thường họp bạn ở đó. Quán bún đã chu du đi nơi khác mà nghe đâu dạo này thầy Xuân (mà tôi chưa kịp đến thăm) không đi ra ngoài nữa… và người ta đang lo ngại cho thầy. Buồn quá!…

Xe vẫn tiếp tục chạy và tôi vẫn tiếp tục không nhận ra những góc phố mà ký ức tôi đang lục soạn. Ngay khi tôi đến cái ngã năm lớn nhất của đời tôi, mà tôi vẫn chưa nhận ra, may mà khi ngó chéo qua bên kia, tôi gặp phải cái tráp thuốc cẩm lệ nằm chờ đợi trên chiếc bàn đơn sơ, giản dị, sạch sẽ, tôi buộc miệng: Quán thuốc cẩm lệ của bà giáo Cơ đây rồi. Tôi biết mình đang quành quanh ngã năm. Ba ơi, con nhớ  ba, nơi đây đã nhiều lần ba dừng lại để mua những gói thuốc cẩm lệ xanh xanh, dẹt dẹt như những chiếc bánh nậm chưa nấu. Xe lướt qua rạp chiếu bóng Lido. Bên phải tôi là vườn hoa Diên Hồng- tháp con gà và bên kia là nhà hát Trưng Vương-thời thực dân là đồn lính khố xanh. Bên phải tôi là nhà thuốc tây-nhà sách Thái Thị Bôi vào thời điểm nước ta vừa giành độc lập. Xe quẹo quanh về bờ sông. Anh bạn tôi bảo: Phải cho chị xem chiếc cầu đẹp nhất thành phố. Trên cầu tấp nập người qua kẻ lại, các giai nhân sánh vai cùng người yêu để chụp ảnh, các công nhân trở về sau một ngày làm lụng mệt nhọc, các thanh niên trên xe honda lạng qua lạng lại trông vui mắt và giật gân. Khi xe qua khỏi cầu, tôi hỏi: Mình đang ở đâu đây? Bạn tôi bảo: Chị đang đi trên cầu vồng ấy . Ồ! Tôi gần như nghẹt thở. Người ta đã san bằng chiếc cầu vồng của tôi. Chiếc cầu vồng tuy không có bảy sắc nhưng nhiều đêm mộng mị đã làm sống lại trong tôi những phút say sưa mạnh mẽ nhất của tuổi thơ.

Ngày ấy, tôi còn nhớ rất rõ, cái ngày mà mở mắt thì thấy toàn là cờ đỏ sao vàng. Sân vận động ngập người, có một cô bé tung tăng bưng chiếc rổ đi xin vàng. Mẹ cô đã ưu ái cởi đôi khuyên trên tai em để bỏ vào rổ trước khi kết thúc. Thế rồi người ta bế và đặt em lên một chiếc bàn. Có các chú cầm micro, em đã cố hết sức mình để hát: “Về đây khi gió mùa thơm ngát…”. Trước mắt em là một biển người, trên cầu vồng cũng là một biển người, cầu vồng với em ngày ấy sao nó cao thế!… Im lặng vây quanh, em chỉ nghe thấy giọng hát của chính mình vút lên rồi từ từ hạ xuống: “Lưu luyến một trời xa…”.

Tiếng em ngân dài và tiếng vỗ tay làm em choáng váng. Em bật khóc, chẳng hiểu vì sao! Vâng, những đêm xa quê, hình ảnh ấy cứ trở lại trong sương mù ký ức để sưởi ấm lòng tôi. Và như thế đấy ư? Người ta đã san phẳng chiếc cầu vồng của tôi. Mất cầu vồng, tôi như mất hướng.

Xe quanh qua khu Đống Đa. Tôi chú ý để tìm ra khu Nguyễn Hiền-Blaise Pascal chẳng khó, vì khuôn sân Ten-nis đối diện với trường vẫn còn nguyên. Rõ thế, tennis thì lúc nào cũng là môn thể thao của giới thượng lưu, mà giới thưọng lưu thì thời nào lại chẳng có. Khu trường thân yêu đã bị những tấm tole lớn cỡ gói trọn. Sau nhũng tấm tole đó là những gì, nếu không là những hoài niệm hạnh phúc của một thời đã vượt khỏi tầm tay. Tôi muốn xin bạn tôi dừng lại, nhưng để làm gì, nếu không chỉ để những tấm tole kia ức chế…

Trời về chiều, bầu trời không “bãng lãng” mà chỉ còn là ngột ngạt. Các quán nhậu càng lúc càng đông người, thành phố sửa soạn đi vào cơn sốt đêm. Đêm nay, vật vờ khó ngủ, tiếng động cơ của mọi thứ xe ì ầm một nhịp điệu nhưng tôi cứ ngỡ là tiếng sóng vỗ rì rầm vào những đêm biển động của một thuở xa xưa…

Có một trời ký ức, bị sóng mang đi nhường lại cho một tương lai đầy hoài bão, tôi vẫn cầu mong như thế và tôi thiếp đi lúc nào chẳng biết.

Hoàng Diệu, 18/5/2006
Đêm đầu của 1 lần trở lại

(*)Tên gọi quen thuộc nhà văn Nguyễn Văn Xuân

Bài viết này là một trong những bài của cô Phan Hồng Hạnh đã đăng trên  các báo lưu hành tại Âu châu. Sau đó được cô gộp lại thành tập sách mang tựa đề “Đà nẵng- Paris một chút tình”

5 thoughts on “Về”

  1. Cám ơn cô đã có bài viết quá hay.
    Đọc xong em cảm thấy xúc động bủi ngủi nhớ về những ngày xưa cũ . Ngày ấy nay còn đâu!
    Lý T. Kim Chi

  2. Hay và thấm ghê cô ơi! Em đọc ngấu nghiến một nghỉn rồi lại từ từ đọc lại hai ba lần nữa thật chậm để kí ức tuổi thơ của chính mình được dịp ùa về thăm. Hoàng Diệu cũng là con đường gần gũi thân thương của gia đình em. Nhà em rất gần tiệm sách Song Khê Thư Quán của cô. Lúc xưa anh Thắng và em thỉnh thoảng ghé quán sách. Không còn nhớ rõ tụi em có tiền để mua sách hay không nhưng em rất mê ngửi mùi thơm của những cuốn sách mới rợi chưa được rọc. Kéo vài cuốn ra sờ cái bìa đẹp, hít vài hơi thiệt dài rồi về thì đâu có tốn tiền phải không cô 🙂

  3. Bài viết của cô thật hay , gợi nhớ những kỷ niệm đẹp, những góc đường xưa cũ tôi đã từng đi qua , tôi vẫn nhớ nhất là ngôi nhà số 11 Lý Thường Kiệt , mà ngày xưa tôi đã từng dừng lại hồi lâu để ngắm nhìn và chờ đợi một bóng hình Ai , thời gian trôi mau , vạn vật đều thay đổi, ngôi nhà ấy đã không còn , thay vào đó là một ngôi nhà mới lạ lẫm , nhưng với tôi ngôi nhà ấy vẫn còn hiện hữu trong tâm trí , mỗi lần về lại Đà Nẵng tôi vẫn đến góc đường đó để ngắm nhìn và nhớ lại ngôi nhà xưa cũ ấy dù đã không còn nữa

  4. Cô viết hay quá! Đúng là cô giáo Việt văn! Đọc mà thấy có chút ngậm ngùi. Nostalgie! Cô về Đà Nẵng vào năm 2006 mà đã thấy lạ huống chi H về Đa Nẵng lần đầu vào năm 2015 thì chẳng còn nhận ra được gì. Bến Bạch Đằng, chợ Cồn, chợ Hàn, biển Mỹ Kê, biển Tiên Sa … đều rất lạ. Nhà mình cũng chẳng còn, mà chỉ nhận ra được nhà của Khiêm ở Việt Nam Thương Tín bên kia đường. Lúc xưa đi đâu cũng thấy xa vời vợi, vây mà bây giờ đi đâu thì chỉ một cái vèo là tới nơi ngay. Cả trường mình cũng đã trở thành “trái bắp”, một cơ quan hành chánh. Thầy cô đều đã có tuổi. Kẻ còn người mất mà tình thầy trò vẫn còn thắm thiết.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *