Diễm Xưa

Buổi chiều vừa bước ra khỏi lớp tôi mới chợt nhận ra ngoài trời đang mưa lất phất. Tối qua xem dự báo thời tiết cho hôm nay có thấy giọt mưa nào đâu. Vậy mà bây giờ đường đã ươn ướt. Tôi không đem theo dù, ba lô đeo trên lưng, tay xách nách mang dụng cụ vẽ, cố gắng che chắn bức tranh đang vẽ dở, còn ướt màu từ lớp học vừa xong. Từ khi lấy lớp hội họa, tôi bây giờ quan sát quang cảnh tỉ mỉ hơn, tìm kiếm gam màu trong từng ánh nắng, sợi mưa, cây lá, mặt trời buổi sáng, buổi chiều, buổi trưa …

Trời hơi gió, thổi những giọt mưa dài, nhỏ và trong thành những đường xéo, bay bay cuốn theo những chiếc lá vàng mùa thu, và đầu óc tôi lại miên man trên nét cọ phát họa cảnh mưa bay. Tôi biết nét cọ của mình còn non nớt lắm, nhưng cái gì cũng vậy, phải có một khởi điểm tinh non, tôi tự an ủi. Suốt đời chỉ biết làm việc với những con số, công thức, luật lệ, bây giờ đổi hướng 180 độ thì trái non trên cành trong tuổi xế chiều e rằng sẽ rụng trước khi chín tới.  Thì đã sao, tôi mỉm cười một mình, ít ra mình cũng được tự do làm những gì mình thích.

Hơi lạnh, nhưng kệ, tôi không mặc áo sweatshirt vào mà chỉ cột ngang hông. Tôi cảm nhận được những hạt mưa bé tí ti ấy trên tóc, trên mặt. Tự nhiên thấy hạnh phúc lạ. Có lẽ cũng vì Cali thiếu nước nên thấy mưa là mừng. Vô thức, tôi hát nho nhỏ:

“Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ

Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao

Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ

Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu …”

Tôi gặp chị qua một buổi tiệc gia đình thân hữu. Tôi được phân công đến nhà đón chị. Tôi cũng có chút hồi hộp và tò mò. Nhân vật huyền thoại của một bài hát tôi mê từ thuở bé. Lúc tôi đến nhà thì chị đã đợi sẵn. Tôi vòng tay thưa chị, một thói quen mẹ tôi tập cho tôi từ hồi còn bé lắm, là phải vòng tay thưa khi chào người lớn. Chị trao cho tôi một giỏ thức ăn và một cái hộp nhựa trong đựng bánh bao TP. Chị tươi cười nói “bánh bao này là của em”. Tôi ngượng ngùng, chỉ biết lí nhí cám ơn. Tôi chả có gì tặng lại cho chị cả. Người lớn chu đáo thế đấy. Quá chu đáo khiến tôi cảm nhận được sự thiếu sót của mình ở cái tuổi chẳng nhỏ nhít gì. Cứ như mình chẳng biết bao giờ mới trưởng thành nổi. Tôi mở cửa xe mời chị vào, phụ chị cài dây an toàn.

Tôi vừa lái xe vừa liếc nhìn quan sát chị. Dù đã luống tuổi, tóc chị đã điểm sương, nhưng vẫn còn dày và chị vẫn còn giữ dáng thon gầy trang nhã, nói năng từ tốn với chất giọng Bắc Hà nội ngày xưa nghe sang và êm tai chi lạ. Chưa nói chuyện nhiều mà tính cách của chị đã làm dâng lên trong tôi lòng cảm mến. Nhiều người nghĩ chị là một cô gái Huế, nói giọng Huế, nhưng sự thật thì chị sinh ra ở Hà nội và gia đình chị đã di cư vào Huế vài năm trước năm 1954 nên giọng Bắc của chị nghe ngọt ngào dễ thương lắm.

Đường từ nhà chị đến điểm hẹn không xa lắm. Đường vắng, xe chạy nhanh, tôi nghe tiếng gió rì rào chung quanh mình. Thời tiết hôm ấy mát mẻ và nắng vàng trải đầy ắp trên con đường trước mặt, thỉnh thoảng vài vệt nắng phản chiếu như nhảy múa lung linh trên khuôn mặt chị…

Cô gái ngày ấy trong một tuyệt phẩm của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đây mà! Cô gái của những ngày mưa bay trên khắp xứ Huế mù sương. Một dáng dấp nàng thơ những buổi chiều người nhạc sĩ đã nhìn ngắm từ cửa sổ nhà mình. Một bóng dáng thướt tha mà ông đã mang hình tượng vào âm nhạc của mình, để nó bay từ Huế vào Sài gòn, tỏa khắp đất Việt, bay tận sang cả xứ Phù tang tam đảo Nhật bản với bản dịch “Utsukushi Mukashi”, hay “nét đẹp của ngày xưa”. Cái gì một lần đã đi vào nghệ thuật thì chẳng bao giờ mất đi, huống gì nét đẹp của một cô gái chưa đến tuổi đôi mươi, và hình ảnh đó như vẫn còn hiện hữu trước mặt tôi bây giờ. Chị trông ít nói, nhưng cử chỉ và nụ cười tỏa ra một nét gì đó rất ân cần với người tiếp xúc. Tôi cảm nhận được điều đó. Chỉ vài câu chào hỏi ban đầu, rồi chúng tôi dường như im lặng trên suốt quảng đường còn lại.

“Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động

Làm sao em nhớ những vết chim di

Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng

Để người phiêu lãng quên mình lãng du”

Buổi tiệc trưa hôm ấy khá ấm cúng. Vừa ăn uống, các anh chị vừa nói chuyện xưa, chuyện nay, rồi xoay qua chuyện cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và những ca khúc của ông, về cuốn phim “Em và Trịnh” sắp được trình làng trong nay mai.  Ăn trưa xong, mọi người rủ nhau ra biển hóng gió. Hôm đó trời có hơi gió thật. Ngồi nhìn sóng biển trắng xóa không ngừng nhấp nhô kéo dạt vào bãi rồi bọt biển tan biến vào cát mịn, bỗng dưng chị lên tiếng:

 – Bài “Sóng Về Đâu” có phải của ông Trịnh Công Sơn không nhỉ?

Tôi buột miệng:

  • Dạ của Trịnh Công Sơn đấy.
  • Ừ, chắc ông viết sau này nên chị không chắc.
  • Dạ ông lấy ý từ một câu kinh bát nhã.

Chị nhìn tôi có vẻ hơi ngạc nhiên. Có lẽ chị nghĩ con bé này biết gì về Trịnh Công Sơn chứ, nhưng chị không nói gì thêm.  Thật ra thì tối hôm trước tôi cũng tình cờ xem được một đoạn video trên YouTube, Trịnh Công Sơn hát bài “Sóng Về Đâu” ở Singapore. Ông đã chia sẻ với khán giả về nguồn cảm hứng đến từ câu kinh đã khiến ông viết nên bài ca:

“Gaté Gaté. Pagaté. Pasamgaté. Bodhi svaha”

Có nghĩa là:

“Đẩy lùi tất cả mọi khổ nạn, mọi chướng ngại vật để qua bên bờ giác ngộ”

Chẳng người nhạc sĩ nào lồng thiền vào nhạc hay hơn Trịnh Công Sơn. Những bài hát của ông sau năm 75, sau khi đã nhận định rõ hơn về tình yêu, cuộc sống, chiến tranh, người thua, kẻ thắng … để tự đúc kết cho mình một thái độ sống thích hợp. Rất nhiều người cho bài “Mỗi Ngày Tôi Chọn Một Niềm Vui” là một bài hát vui và mang đến sự lạc quan đến cho người hát và cả người nghe. Tôi cũng đồng ý như vậy, nhưng đằng sau những lời ca đó tôi vẫn cảm nhận được một sự chua chát, một sự cố gắng để sống ngay ngắn, vui vẻ dù có như thế nào đi nữa. Mà đã cố gắng thì phải có lý do. Nếu một người đã sống lạc quan một cách tự nhiên rồi thì cần gì phải đi tìm và mỗi ngày nỗ lực chọn cho mình một niềm vui.

“Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui

Chọn những bông hoa và những nụ cười

Tôi nhặt gió trời mời em giữ lấy

Để mắt em cười tựa lá bay…

Và như thế, tôi sống vui từng ngày

Và như thế, tôi đến trong cuộc đời

Đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi …”

Có lẽ lúc bấy giờ Trịnh Công Sơn đang chịu rất nhiều áp lực bao vây lấy mình. Từ đó là khởi đầu của một nếp sống thiền, một nếp sống an nhiên tự tại trước những biến động tiêu cực chung quanh, và nó đã ảnh hưởng đến những sáng tác về sau này của ông. Tôi từng nghe ông nói những bài hát của ông không có năm tháng, nhưng tôi tin giai đoạn nào trong suốt cuộc đời của ông sẽ giải mã rất nhiều về ý nghĩa của từng bài hát. Tôi tìm tòi và khám phá ra ông sáng tác bài “Mỗi Ngày Tôi Chọn Một Niềm Vui” vào năm 1978, sau một thời gian trốn tránh ở Huế vì sự hà khắc xích xiềng của chế độ mới hậu tháng tư năm 1975. Mười lăm năm sau, tư duy thiền định đã thuần hơn, tần số năng lượng đã được nâng cao hơn, không cần cố gắng, sự an bình trong tâm hồn đã hiển nhiên trong từng phút giây, và được thể hiện qua bài “Hôm Nay Tôi Nghe”.

“Hôm nay tôi nghe có con chim về gọi

Về giữa trời, về hót giữa đời tôi

Hôm nay tôi nghe, tôi cười như đứa bé

Mới lớn lên giữa đời sống kia …”

Chỉ đơn giản nghe tiếng chim hót mà cũng làm cho ông hạnh phúc, cười hồn nhiên như một đứa bé.

Từ biển về, các anh chị lại rỉ rả ăn uống tiếp và bàn tán sôi nổi về thời sự chính trị, một chủ đề khá nhạy cảm trong giai đoạn bầu cử. Tôi ngại ngùng lảng ra xa.

Buổi chiều tiệc tàn, tôi đưa chị về. Tôi tâm sự là rất thích nhạc Trịnh Công Sơn, có chút tò mò về những cảm hứng đã khiến ông sáng tác những bài ca bất hũ, như bài Diễm Xưa, nổi tiếng, được dịch và hát bởi nhiều ca sĩ quốc tế. Chị mỉm cười, vẫn với cái giọng Bắc dễ thương ấy:

  • Không như các chị nữ sinh Đồng Khánh khác có nhiều anh theo, lúc đó chẳng có anh nào theo chị cả, chỉ có mỗi ông Trịnh Công Sơn.

Tôi rất đỗi ngạc nhiên về chi tiết này! Cứ nghĩ là lúc trẻ chị đẹp quá, có nhiều người theo, và Trịnh Công Sơn chỉ là một trong số đó. Ngạc nhiên hơn nữa về tính cách bình dân của chị, thành thật, và khiêm tốn, mặc dầu tôi từng nghe các anh chị kể hồi còn trẻ chị học rất giỏi và đã từng tốt nghiệp từ trường Quốc Gia Hành Chánh. Rồi chị kể thêm vài chuyện các anh gửi thư tình cho các cô bạn thân của chị như thế nào hồi chị còn là nữ sinh Đồng Khánh, các cô phá phách làm khó các anh ra sao. Có lẽ lúc này chị cảm thấy có chút thoải mái với tôi nên đề cập thêm về vấn đề sức khỏe của người lớn tuổi, chị sắp đi mổ cườm mắt, mổ từng con một. Chị khôi hài:

  • Sau khi mổ mắt chị phải dưỡng. Haha, lúc đó chỉ còn một con mắt thôi.

Mặc dầu chị cười cười nói nói, nhưng tôi vẫn cảm nhận được sự lo âu nơi chị. Tôi trấn an chị là mổ cườm mắt khá là an toàn. Mẹ tôi, anh rể, bạn tôi đã từng mổ mắt cườm và ca phẫu thuật nào cũng thành công. Chị nhìn tôi hỏi:

  • Em biết bài “Con Mắt Còn Lại” của Trịnh Công Sơn không? Hát cho chị nghe nhé.
  • Dạ em biết. Em có hát rồi. Em sẽ gửi cho chị nghe. Đây là một bài hát dựa trên một câu trong bài thơ “Mắt Buồn” của Bùi Giáng (*)

Chị lại ngạc nhiên:

  • Em cũng biết nhiều về nhạc Trịnh Công Sơn nhỉ!
  • Dạ em thích nghiên cứu về nguồn gốc của những bài em hát. Em nghĩ mỗi bài hát của Trịnh Công Sơn đều được sáng tác bắt nguồn từ một cảm hứng nào đó… Em nghe nói lúc ấy thi sĩ Bùi Giáng thầm yêu cô hoa hậu Thu Trang. Sau khi biết mình mang thai với một người đàn ông đã có gia đình, cô Thu Trang quyết định rời Việt Nam sang Pháp. Bùi Giáng buồn và làm bài thơ “Mắt Buồn”. Trong ấy có hai câu:

“Bây giờ riêng đối diện tôi

Còn hai con mắt khóc người một con”

Để khóc cho người có một đứa con. Tuy nhiên trong cách chơi chữ của bài “Con Mắt Còn Lại”, Trịnh Công Sơn đã viết:

“Còn hai con mắt, khóc người một con

Còn hai con mắt, một con khóc người

Con mắt còn lại nhìn cuộc đời tôi

Nhìn tôi lên cao, nhìn tôi xuống thấp…”

Khiến cho người nghe cứ nghĩ là một con mắt thì khóc cho người, cho mình, con mắt kia để nhìn cuộc đời lên xuống.

Thế là nhạc Trịnh Công Sơn như một nhịp cầu nối giữa hai tâm hồn của chị và tôi. Một lần chị tâm sự là gần đến sinh nhật 80 tuổi của chị rồi, sư cô trên chùa khuyên chị nên dọn luôn vào chùa ở vì chùa gần nhà và hầu như ngày nào chị cũng đi chùa. Chị đang suy nghĩ. Có lẽ đến lúc chị phải về thu xếp lại thôi. Và chị lại yêu cầu tôi hát bài “Chiếc lá thu phai” vì trong đó có câu:

“Về thu xếp lại

Ngày trong nếp ngày

Vội vàng thêm những lúc yêu người…”

Chị chân thành góp ý, giọng em hơi yếu, em nên dùng hơi từ bụng nhiều hơn. Tôi biết chứ, nhưng khả năng ca hát của mình cũng chỉ giới hạn có vậy. Tôi nghe lời chị cố gắng luyện, nhưng cũng chẳng khá hơn là bao. Đành phải tự an ủi là hát nghiệp dư với bạn bè cho vui thôi.

Vậy mà hôm nay, từ một cơn mưa nhẹ bất chợt mà tôi buột miệng hát bài Diễm Xưa và nhớ đến chị. Hát xong mà không biết có nên gửi cho chị nghe không, ngại bi chị la “giọng yếu” nữa. Thôi thì để đó, hôm nào can đảm thì sẽ gửi qua cho chị.

Gần đây tôi được xem phim “Em và Trịnh”, một cuốn phim về cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và những bóng hồng đi qua đời ông. Trên mạng cũng không thiếu tin tức về những bóng hồng này. Tin nào được nhiều trang mạng xã hội đăng tới đăng lui nhiều lần thì được coi như là tin đúng sự thật. Tuy nhiên, phần đông những nhân vật ngoài đời đều than phiền phim sai sự thật. Chị cũng vậy. Tôi không biết nhiều về đời tư của họ, nhưng cũng có chút nản là hai nam diễn viên đóng vai Trịnh Công Sơn trẻ và già, giả giọng Huế trệu trạo hơi khó nghe. Tôi thất vọng vì đây là một lỗi, mà nếu đạo diễn và diễn viên cố gắng và tinh tế, có thể hoàn toàn khắc phục được.

Có lần tôi chuyển cho chị đọc một tin về chị trên mạng rồi dí dỏm:

  • Họ nói có đúng sự thật không chị?

Tôi hỏi cho vui thôi, vì qua những câu chuyện với chị thì tôi biết là không đúng. Chị im lặng vài ngày rồi nhắn tin trả lời:

  • Không cần biết đúng hay sai thì hay hơn. Huyền thoại mà!!!

Một thái độ bao dung và đúng đắn! Càng lên tiếng đính chính thì càng phiền phức. Chị đã chọn lựa một cuộc sống khép kín, riêng tư. Hình như chị cũng chẳng còn xem bài Diễm Xưa đã được viết cho riêng chị, mà đã được viết cho tất cả những bóng dáng diễm kiều của các cô gái Việt từ ngàn xưa. Nhân vật nàng thơ của Trịnh ngày ấy, bây giờ với chị chỉ còn là phảng phất bóng dáng chính mình qua những đường nét mờ nhạt. Hình như chị cũng đã tự xem mình như một người lãng du qua miền đất rộng, sống bình thản giữa những cơn mưa biển động của cuộc đời.

Cali, mùa Thu một ngày mưa nhỏ.
Như Hòe

(*) Mắt Buồn

Dặm khuya ngắt tạnh mù khơi

(Nguyễn Du)

Bóng mây trời cũ hao mòn
Chiêm bao náo động riêng còn hai tay
Tấm thân với mảnh hình hài
Tấm thân thể với canh dài bão giông
Cá khe nước cõng lên đồng
Ruộng hoang mang khóc đêm mồng một giêng
Tạ từ tháng chạp quay nghiêng
Âm trang sử lịch thu triền miên trôi

Bỏ trăng gió lại cho đời
Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa
Bỏ người yêu bỏ bóng ma
Bỏ hình hài của tiên nga trên trời
Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con

Nguồn: Bùi Giáng, Mưa nguồn, NXB Hội nhà văn, 1993

 

12 thoughts on “Diễm Xưa”

  1. Đúng là Hòe mê nhạc Trịnh, nhất là thiền trong nhạc của ông, nên nghiên cứu kỹ lưỡng ngọn ngành. Hòe hát DX nhẹ nhàng, cảm xúc. Nếu Hân nhớ không lầm thì có giai đoạn ở Nguyễn Hiền, mình phải tự tập và lên bục hát solo? (hay cũng có thể là khoảng lớn hơn khi Hân học ở TTGD Hồng Bàng, SG). Chọn bài DX, Hân run cầm cập, hát lí nhí, chỉ mong bục gỗ sụp cho mình được độn thổ 🙃

    1. Cám ơn Hân đã chia sẻ. Chắc lúc nớ học lớp nhạc, ai cũng phải hát một bài để thầy chấm điểm. H không hát nhiều. Hát bài gì cũng thường là inspiration từ bài viết, bài đọc, hồi ký, truyện phim, trải nghiệm …

    1. Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
      Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau

      Cám ơn cô bé của những viên sỏi huyền nhiệm 🙏

  2. Cám ơn Như Hòe về một bài viết sâu sắc và thật chi tiết về nhạc Trịnh. Cứ ngỡ cô bạn mình ra đi từ năm 75 thì khó cảm nhận được đầy đủ về tâm trạng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sau cái ngày tháng tư năm ấy. Hóa ra không phải vậy 🙂 Đọc sách báo nhiều chưa chắc đã cảm nhận hết ngoại trừ ở trong cùng thời gian, cùng hoàn cảnh với ông ấy. Chứng tỏ rằng Như Hòe phải bỏ công tìm tòi và chiêm nghiệm nhiều lắm. Cái này phải phục cô bạn thôi!
    Hiền muốn thêm một chút xíu về Trịnh Công Sơn sau tháng tư, 75. Đó là sau khi từ Huế vô lại Sài gòn thì nhạc sĩ uống rượu rất nhiều. Hầu như ngày nào cũng uống say chếch choáng. Phải chăng những bản nhạc của ông lúc này ngoài ảnh hưởng của chất thơ, chất thiền còn có cả chất men. Điều phổ biến trong xã hội ngày đó là lối sống cho qua hôm nay, mà điển hình là Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui. Lối sống chua xót…

    1. Theo H biết, từ cuốn “Thư tình gửi một người”, TCS cũng đã sớm trở thành sâu rượu từ thập niên 60 rồi. Nhưng có lẽ sau 75 thì nghe nói ông uống gần như bất cứ lúc nào trong ngày và lại ăn rất ít nên ốm nhom 🙂

  3. Mừng Hòe đã bắt đầu sống cho chính mình và được làm những việc mình yêu thích.
    Cám ơn Hòe đã siêu tầm nguồn gốc của các bài nhạc, làm cảm thấy thú vị hơn khi được thưởng thức. Mình cũng nên ráng học thêm cách cư xử của chị Diễm, dù ai có nói gì về mình không đúng với sự thật, thì bỏ qua và chẳng phải phân trần cho nhọc, biết đâu mai mốt mình cũng sẽ trở thành huyền thoại như Diễm (cái này gọi là mơ).
    Hòe viết và hát rất hay đó. Chừ là bạn tôi đã đầy đủ cầm kỳ thi họa rồi.

    1. Hihi cho nên H đã hát bài Le temps de vivre đó. Làm gì cũng tùy duyên thôi. Còn cầm kỳ thi họa thì không có đâu. Thích học vẽ từ lâu nhưng chưa có cơ hội vì phải đi kiếm cơm. Đúng vậy, bây giờ có nhiều thời giờ sống cho mình, cho gia đình người thân, bạn bè, làm việc xã hội … rất thích.

      Với H thì TCS và những ca khúc của ông bao giờ cũng như một cuốn sách hay, đọc hoài không thấy chán. Đôi lúc mình cảm thấy mình hiểu ít nhiều về tư duy chung chung của ông, nhưng chắc chắn là không bao giờ hiểu hết được, vì có những điều rất riêng tư, vào những thời khắc rất đặc biệt, để ông viết những câu gần như chỉ có ông hiểu, hoặc nếu ông không giải thích thì không ai đoán được chính xác.

      Thủy Tiên, just being yourself, bạn bè ai cũng mến, cũng đã là huyền thoại rồi. Không cần cố gắng nhiều đâu ❤️

  4. Hay lắm Hòe ơi! Giọng hát dịu dàng hòa quyện với nhạc đệm nhẹ nhàng của acoustic guitar. Cám ơn Hòe đã chia sẻ. Nhờ những sưu tầm của Hòe mà được biết thêm nhiều chi tiết thú vị về tác phẩm và cuộc đời của cố nhạc sĩ TCS.

    1. Thấy nhiều người hát bài DX, trong đó có LP, nên thôi không hát, mặc dầu rất thích bài này. Bây giờ nghĩ lại, đâu có luật không hát những bài đã được hát đâu. Thích hát bài nào thì cứ hát thôi. Cám ơn LP lúc nào cũng khuyến khích. 🙏

  5. Một đoản văn hay dẫn dắt cho bài Diễm xưa với phần đệm mộc guitar nghe quá tuyệt . Giọng hát nghe nhẹ nhàng , sâu lắng . Quá hay luôn .

    1. Cám ơn Đôn. Từ nhỏ chị đã thích bài Diễm xưa. Không ngờ nay lại có cơ hội gặp được cô gái huyền thoại ấy, lại được nghe chị kể nhiều chuyện về TCS rất vui.

Leave a Reply to Trương văn Đôn Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *