Ngồi Cà Phê Quán

Tôi bắt đầu biết “ngồi cà phê quán” lúc mình khoảng trên dưới 17 tuổi. Nói là “biết ngồi” là để phân biệt với những lần khác, lúc còn nhỏ hay theo ba tôi vô quán Cà phê Xướng trong khu chợ Cồn. Một quán nổi tiếng trong giới làm ăn chung quanh chợ thời bấy giờ. Thông thường, tôi cũng được ba kêu cho một ly cà phê đàng hoàng như ông, nhưng đó là thứ cà phê mà có đến chín phần sữa và chỉ một phần cà phê. Hay có thể gọi là ly sữa pha thêm chút cà phê. Còn bây giờ tôi nói mình đi “ngồi cà phê quán”, vì lúc này tôi đã biết thưởng thức cái hương vị của chất lỏng màu nâu sóng sánh, biết nếm cái lâng lâng sảng khoái từ chất caffeine thấm dần vào thần kinh não. Và thêm nữa là tôi đã biết cái thú của những lần cùng bạn bè ngồi tụm năm tụm bảy tán dốc. Chỉ với một ly cà phê, vài ba điếu thuốc mà tụi tôi có thể ngồi với nhau vài ba giờ không biết chán. Tuổi trẻ ham vui, chẳng lo toan chi nhiều, và cũng chả biết như vậy là đốt đi quỹ thời gian một cách hoang phí.

Đà nẵng khoảng một, hai năm sau 75, lúc thành phố chưa bị siết chặt lắm bởi cái chủ trương thực hiện lối sống văn minh “mới XHCN”, nó vẫn còn có chút sinh khí tươi vui từ thời miền Nam sót lại. Tuy nhiên, mọi người cũng đoán được những gì sắp xảy ra, những dự báo về đời sống sẽ khó khăn hơn, cả về vật chất lẫn tinh thần. Lo xa, những gia đình vẫn còn có của để dành cần phải tạo cho mình một công việc thuộc loại vô thưởng vô phạt, như một cái vỏ bọc nín thở qua ngày. Lúc đó nhiều gia đình có nhà mặt tiền rộng rãi thường chọn việc mở quán cà phê. Đường nào cũng vài ba quán, trong hẻm cũng không hẳn là trống. Kinh doanh quán cà phê như một mốt thời thượng, vừa có lợi nhuận, vừa chứng tỏ mình cũng thuộc loại lao động chân tay.

Tôi nhớ Đà nẵng ngày đó có Lộng Ngọc, Thiên Nga, Paloma, Danube, Quỳnh Châu, Ngọc Anh (quán nhà người bạn)… Đó là những quán cà phê khá sang, có máy lạnh mát mẻ vào mùa hè, có mở nhạc sập sình du dương, có cả cô caissière xinh đẹp ngồi vừa thu tiền, vừa cười nụ đưa mắt câu khách. Mấy quán này tương đối giá cả hơi đắt, lại khá trịnh trọng nên thỉnh thoảng tôi mới được theo mấy ông anh lớn hơn ghé vào. Ngoài những nơi hơi sang đó còn có những quán kiểu cà phê “cóc” bình dân như Thăng Long (hay Thanh Long?), Viên… Quán Thăng Long có từ thời trước 75, quán Viên lấy theo tên nhà may Viên kế bên. Những quán này lúc nào cũng đông khách tuy chỉ bày biện vài bộ bàn ghế gỗ thô sơ đặt ngoài sân, san sát vỉa hè. Quán kiều này tôi thích hơn vì có không khí thoải mái, nói cười to tiếng cũng không ai khó chịu. Và đặc biệt nơi đây, sau khi uống hết ly cà phê thì mình có quyền kêu thêm một bình trà “free”, có thể châm thêm vài lần, và dĩ nhiên vì vậy ngồi bao nhiêu lâu cũng được.

Vậy đó, tôi từ tuổi mới lớn bước qua tuổi vừa đủ lớn trong những ngày đàn đúm cà phê cà pháo với bạn bè nơi đây. Nơi mà tôi được nghe và nhớ đủ chuyện trên trời dưới đất. Chuyện phiếm chuyện hài, chuyện xã hội đổi thay, cả chuyện toan tính vượt biên vượt biển, và dĩ nhiên làm sao tránh khỏi chuyện thêu dệt về những mối tình của mấy thiếu nữ xinh đẹp ở cái thành phố khá nhỏ “đi dăm phút đã về chốn cũ” này. Sau khi rời khỏi nước, thì những câu chuyện bên lề chung quanh chiếc bàn gỗ thô sơ ngày đó vẫn mãi đi theo tôi, chúng định hướng phần nào làm nên tính cách trong tôi bây giờ. Cái thói quen lè phè, nhẩn nha cà phê cà pháo cứ như vậy bám theo tôi suốt. Dọn nhà đi đâu, chuyển sở làm chỗ nào, thì bao giờ và trước hết tôi cũng bỏ công tìm kiếm một quán cà phê thích hợp cho riêng mình…

Sau này sang Mỹ sống, gần nhà tôi có Peet’s Coffee, có Dunkin Donuts, Bikeeny cafe, có Negro…, nhưng tôi chỉ thích Starbucks. Vì quán này có không khí hơi giống những ngày tôi còn ở Việt nam. Quán có một không gian yên ắng, cách bài trí nhẹ nhàng, chỗ ngồi thoải mái dễ chịu. Thêm điều nữa là ở Starbucks mình ngồi bao nhiêu lâu cũng được. Bạn bè rủ nhau dăm ba người, ngồi rù rì chuyện suốt buổi cũng không có ai nhắc khéo để rời đi. Những lúc tìm không ra ông bạn nào cả, thường thường là vậy, thì cũng không sao, một mình kêu ly espresso, cái bánh croissant, mang theo cuốn sách làm bộ chăm chú đọc, và thỉnh thoảng ngước nhìn ra ngoài ông đi qua bà đi lại mà nhởn nhơ với thời gian. Đời như vậy cũng đã là quá thú vị…

Cuối tháng rồi, vợ chồng tôi bay sang thăm cô con gái bên bờ tây nước Mỹ, thành phố Portland, Oregon. Nghe tôi thích cà phê Starbucks, vậy là ông con rể nhứt định lái xe gần ba tiếng đưa vợ chồng tôi sang tận Seattle, Washington State. Nơi đây là đại bản doanh của chuỗi cà phê Starbucks, nơi khai trương quán đầu tiên năm 1971 ở số 1912 đường Pike Pl. Và cũng gần đó, địa chỉ 1124 Pike St có cả quán Starbucks kiểu mới gọi là Reserve Roastery rộng lớn nhất nhì thế giới.

Đệ nhất quán trên đường Pike Place, với một hàng dài khách đợi đến phiên được phục vụ. Biết phải rất lâu mới vô được quán nên tôi chỉ đứng phía trước chụp vài tấm hình làm kỷ niệm. Còn quán Starbucks Reserve Roastery là một khái niệm mới trong kinh doanh của giới chủ Starbucks, nó như một dạng bảo tàng lịch sử. Vào bên trong ta không khỏi choáng ngợp với vẻ đồ sộ và hào nhoáng. Starbucks Reserve Roastery giới thiệu cho khách hàng về lịch sử hình thành của chuỗi kinh doanh Starbucks, về những công đoạn từ việc thu mua hạt cà phê, vận chuyển chúng đến nơi rang, xay và cuối cùng là pha chế để thành những ly cà phê thơm lừng đến tay khách. Starbucks Reserve Roastery còn trưng bày, giới thiệu về xuất xứ của các loại cà phê mà công ty đang sử dụng. Thật thú vị và hãnh diện khi thấy có cả tên cà phê xuất xứ từ Đà lạt Việt nam ghi trên một bình pha chế thật lớn, hay những bịch cà phê xay sẵn cho khách chọn lựa mua về dùng.

Khởi điểm từ quán số một, đến nay Starbucks đã không ngừng phát triển, và hiện có hơn ba mươi ngàn quán trên khắp thế giới. Ở Việt nam, hình như ở những thành phố lớn đều có sự hiện diện của Starbucks.

Khác với những thương hiệu kinh doanh nhà hàng khác, tôn chỉ của Starbucks là muốn khách đến thưởng thức một tách cà phê nơi đây có cảm tưởng như ngồi trong chính ngôi nhà mình vậy. Được biết, chuỗi cà phê Starbucks là nơi cho mở mạng wifi internet đầu tiên để khách có thể ngồi làm việc riêng lâu hơn. Thêm điều thú vị nữa mà tôi chú ý, là nhà vệ sinh của Starbucks luôn thật sạch và mở tự do cho cả những người chỉ ghé vào khi cần giải quyết chuyện cá nhân. Starbucks không phải chỉ thuần túy cung cấp thức ăn, thức uống mà là nơi cung cấp luôn cả một thứ văn hóa “ngồi cà phê quán” thật gần gũi mà tôi đã từng biết đến. So sánh thì quá là khập khiễng. Nhưng với tôi, cái nét ngồi quán của một thời Đà nẵng năm ấy và của Starbucks bây giờ cứ từa tựa, dù cách nhau khoảng thời gian gần nửa thế kỷ và một đại dương xa thăm thẳm. Tôi thích Starbucks là vậy…

Sáng nay, trời thật ấm tôi lại lấy cớ đi bộ vận động cơ thể để lại ngồi nơi đây. Quán Starbucks trên đường Commercial đối diện nhà ga xe điện Malden Center. Nơi chỉ cách nhà tôi khoảng 15 phút đi bộ.

Thời tiết đã vào hẳn mùa thu, trời có gió nên lá vàng rụng bay ngập trời. Khung cảnh lãng mạn tuyệt cho một lần 3N, có nghĩa là “ngồi, nghĩ và ngắm”, chữ của một cô bạn tặng vì biết cái thú cà phê lẩn thẩn của tôi.

Ngồi trong quán Starbucks nhìn ra phía bên kia nhà ga, đã qua giờ cao điểm đi làm nên chỉ lác đác vài người đứng đợi. Chuyến tàu sắp đến hụ còi báo trước từ xa, dừng lại vài ba phút, lại một hồi còi nữa khi sắp chuyển bánh rời đi. Tiếng còi tàu vọng đến và đi trong một không gian yên ắng thế này dễ làm gợi nhớ đến một nơi nào đó, một lúc nào đó đã và đang lùi dần mãi trong ký ức ta. Tôi nhớ Đà nẵng, nhớ tuổi thơ mình. Nhớ những lần theo ba tôi vào khu chợ Cồn, ngồi trước chiếc quầy hình cánh cung bằng gỗ láng bóng của Cà phê Xướng, được ba kêu cho một “ly sữa pha cà phê” ngọt lịm. Tôi nhớ những người bạn từng đàn đúm một thời, vài người được gặp lại ở những lần hiếm hoi về thăm quê nhà, nhưng vài người đã đi thật xa vĩnh viễn. Đà nẵng của nửa thế kỷ trước, mới đó mà nay xa vời vợi…

Theo từ điển mạng Wikipedia thì cái tên Starbucks được lấy cảm hứng từ tập truyện Moby Dick, nội dung nói về sự lãng mạn của biển cả và truyền thống đi biển của những người buôn bán cà phê thuở ban đầu. Starbucks lãng mạn hóa một tách cà phê trên tay một vị khách. Nhưng trong cái lãng mạn đó ta phải tính cả những nhọc nhằn hiểm nguy của những con người trên hải trình vận chuyển cà phê từ bờ này sang bến nọ. Cầm một ly cà phê ngon trên tay ta cũng nên nhớ và biết ơn đến họ. Sự hy sinh cũng là một phần của danh từ lãng mạn. À, mà lễ Tạ ơn (Thanksgiving) cũng gần đến rồi. Mùa lễ này của Hoa kỳ là dịp đoàn tụ gia đình và cũng mang ý nghĩa là mùa tạ ơn những gì đã giúp chúng ta có cuộc sống no đủ và an lành trong suốt năm qua. Tạ ơn đời, tạ ơn người… Viết lan man về một tách cà phê mà cuối cùng đoạn kết lại tình cờ hợp khan với cái chủ đề về lễ Tạ ơn. Thôi thì cũng mượn cớ để chúc mừng một mùa lễ an lành, hạnh phúc đến mọi người vậy!

Boston, giữa tháng 11, 2022
Trương Hữu Hiền

12 thoughts on “Ngồi Cà Phê Quán”

  1. Nhờ Hiền mà bây giờ H biết thêm lịch sử của chuỗi cà phê Starbucks. Cám ơn Hiền nhiều. H thì không biết uống cà phê nên nếu có đi quán cà phê với ai đó thì cũng chỉ biết uống trà, nước sinh tố hoặc smoothies thôi :).

    Hiền nhắc đến tiếng còi hụ làm H nhớ thật nhiều đến cái thời cắp sách đến trường ở ĐN. Có chiếc tàu thật lớn dưới bến Bạch Đằng thường hụ một tiếng dài đúng ngọ, là giờ tan học, là giờ bắt đầu nghỉ của mọi người, trở về nhà ăn trưa. Tiếng còi hụ ấy gắn liền với tuổi thơ của H ở ĐN.

    1. Cám ơn Như Hòe đã đọc hết bài viết của Hiền, nhất là đoạn viết về chuỗi cà phê Starbucks có lẽ hơi dài và lạc đề một tí. Có dịp sẽ mời Hòe một ly trà, sinh tố hoặc smoothies tùy chọn nhé! :).
      Hồi đi học NH, Hiền cũng hay nghe tiếng còi tàu hụ khoảng giữa trưa vì trường mình ở gần sông Hàn (hồi đó cứ hay gọi là sông Bạch Đằng). Nghe nhắc lại làm ký ức chợt ùa về! Nhớ… Không biết chiếc tàu ấy tàu tên là gì há? Hy vọng ai đọc được comment này rõ thì cho biết nhé!

      1. H hỏi thì mấy chị nói là tiếng còi hụ được phát ra từ citerne gần sân vận động. Các chị lớn hơn mình chắc là biết nhiều hơn mình.

        1. Cám ơn Như Hòe. Vậy là không phải tiếng còi tàu mà là tiếng còi hụ của cái citerne giữa trưa há 🙂

  2. Nhờ Hiền lan man viết bài mà trong tưởng tượng, Hân được ngồi quán nhâm nhi tách cà phê thuở mới lớn ở Đà nẵng. Thời mười mấy đó chưa bao giờ được uống thử cà phê ngay cả ở trong nhà, huống chi được vô tiệm như mấy ông bạn con trai cùng trường lớp. Hân là dân mê uống trà nên cái thú ngồi Starbucks cũng không có luôn. Vài năm gần đây thì mỗi sáng có uống một tách nửa sữa nửa cà phê vì nghe nói cà phê có lợi cho trí nhớ. Hèn chi trí nhớ của Hiền quá tuyệt vời, bao chuyện xưa cũ vẫn còn lưu giữ được. Tiếp tục ôn tiếp những kỷ niệm của tuổi thơ Đà nẵng há Hiền, càng cũ càng quí càng muốn đọc.

    1. Cái chi mình thật thích thì mới nhớ được lâu chớ không phải cà phê đâu Hân. Mà những điều Hiền thích để nhớ lâu lại là những điều không có ích chi cho cuộc sống và sự nghiệp mình cả. Bởi vậy suốt đời lêu bêu 😉
      Sinh ra ở Đà nẵng, cả thời làm học trò ở Đà nẵng, chưa kể mon men tình đầu cũng ở đó luôn 🙂 .Thì kỷ niệm với Đà nẵng phải là đầy ắp rồi. Biết bao điều để nhớ, và sẽ nhớ đâu viết kể lại đó…

  3. Ngày xưa khi còn bé, BL không hiểu sao ai cũng mê cafe. Cho đến khi dọn qua ở Abu Dhabi, BL ở một mình. xa gd, xa bạn bè… có quá nhiều thì giờ một mình … nên bày đặc tập uống cafe rồi nhìn trời nhìn đất nhìn hoa nhìn chim nhìn biển… mê lúc nào không biết. Hee hee … đọc bài anh Hiền viết BL thấy cũng đúng tâm lý lắm. 😜

    1. Cám ơn BL chia sẻ về câu chuyện tập uống cà phê, mà lại uống một mình. Đôi khi muốn biết hay cảm nhận một điều gì, nhất là điều khó khăn thì phải cần có một hoàn cảnh bắt buộc kiểu chắng đặng đừng như vậy :). Chúc BL vả gia đình luôn an vui.

  4. Đúng là văn chương lai láng, Starbucks Boston lai mùi cà phê quán Đà Nẵng, rồi từ Reserve Roast xả láng qua lễ Turkey Roast rất tự nhiên. Kỳ tới gặp lại sẽ hẹn Châu Hiền ở Starbucks nào đó, chứ không hẹn gặp bên bờ biển nữa…
    Happy Thanksgiving Châu Hiền!
    Tuấn Vịnh

    1. Cám ơn Vịnh. Hẹn nhau Starbucks ở đâu đó và nói chuyện Đà nẵng nhé. Vẫn nhớ lần gặp Vinh&Tuấn thật vui. Happy Thanksgiving gia đình!

  5. Mới sáng sớm, ngồi nhâm nhi tách cà phê Le Monde và “thưởng thức” sáng tác văn chương của Hiền, không gì thú vị bằng. Tiệm cà phê Le Monde chỉ có ở New Orleans, LA. Không thịnh hành như Starbucks, nhưng rất nổi tiếng nhờ món beignet và cà phê ở đó có một hương vị đặc biệt. Nếu tháng 5 đến, các bạn đi họp mặt sẽ có dịp ghé qua.
    Cảm ơn Hiền.

    1. Hơn 10 năm trước có ghé New Orleans, LA đó Vi. Và dĩ nhiên không quên thưởng thức cà phê La Monde và bánh beignet tuyệt ngon. Cuối tuần thật vui!

Leave a Reply to Trương Tường Vi Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *