Màu Xanh Hy Vọng

Bước vào hiệp hai của trận đấu, Ritsu Doan và Ao Tanaka lần lượt sút tung lưới thủ môn Simon của Tây Ban Nha để vươn lên dẫn trước 2-1. Và sau những phút bù giờ nghẹt thở thì trận đấu cũng kết thúc, phần thắng 2-1 nghiêng về cho đội bóng xứ Thái dương Thần Nữ. Dù cho trận đấu ở cùng bảng E, Đức thắng Costa Rica 4-2 nhưng cả hai đội đều phải khăn gói về nước, nhường cho Nhật bản và Tây Ban Nha bước vào vòng knock-out 16 đội của World Cup Soccer 2022 tại Qatar.

Bây giờ thì thế giới bóng đá phải ngả mũ ngưỡng mộ trước thành tích của đội tuyển bóng đá Nhật bản. Ở trong một bảng đấu gọi là tử thần, họ xem như là đội lót đường, nhưng với một lối đá đậm nét kỷ thuật, những toan tính tỉ mĩ khoa học, cộng thêm tinh thần quả cảm họ đã lần lượt hạ Đức và Tây Ban Nha, hai đội đã từng là vô địch thế giới. Phải nói chiến tích này là niềm tự hào của người Nhật, và cũng là niềm tự hào chung của nền bóng đá Châu Á, nơi từng được xem là vùng trũng của môn thể thao này. Bóng đá Á châu từ nay đã bước ra khỏi vùng tối yếu kém để trở thành một thế lực sòng phẳng cạnh tranh với các châu khác.

Hôm qua đến nay, như các bạn đang theo dõi World cup 2022 đã đọc, báo giới thể thao khắp năm châu như nổ tung vì thành tích quá bất ngờ của đội tuyển Nhật bản. Bao nhiêu bài viết đã ca tụng họ. Vì vậy qua bài này, người viết không có ý định tường thuật về những gì diễn ra ở giải đấu, mà chỉ muốn nói lên nguyên nhân từ đâu mà những chàng Samurai xanh, biệt danh của các tuyển thủ Nhật bản có những bước tiến nhảy vọt khiến thế giới phải thán phục như vậy.

Cho tôi được gọi mục tiêu mở toan cánh cửa bước ra vũ đài bóng đá thế giới là một giấc mơ lãng mạn của đất nuớc xứ mặt trời mọc. Giấc mơ chắp cánh bay xa mặc dù nó chỉ được xuất phát từ xứ sở có một thời gian rất dài ít chuộng môn thể thao này. Dù vậy, từ khi bóng đá trở nên phổ biến và được yêu thích hơn, thì bằng sức mạnh của niềm tin không ngừng cháy bỏng, họ đã biến giấc mơ ấy thành hiện thực. Để đến nay, đội tuyển của họ không những trở thành một thế lực mạnh ở Châu Á mà còn khiến cả thế giới bóng đá phải khâm phục.

Thập niên đầu những năm 90, bóng đá ở Nhật vẫn còn mang tính cách nghiệp dư, những đội bóng thuộc sở hữu của doanh nghiệp tư nhân hoặc trường đại học. Dĩ nhiên những giải đấu trong nước chỉ mang tính cách phong trào không hơn không kém. Nhưng nhận thức được tính cách đại chúng của môn thể thao vua này. Nó cũng là một phần quan trọng trong giao lưu để các quốc gia đến gần nhau hơn trong mối quan hệ thế giới phẳng ngày nay. Nó góp phần làm nên sức mạnh mềm để đưa tầm vóc của một quốc gia vươn cao hơn. Từ nhận thức đó, Nhật bản từng bước đầu tư phát triển cho giải bóng đá nhà nghề J League trong nước. Đồng thời họ còn tích cực tìm cơ hội đưa cầu thủ ra nước ngoài thi đấu và thuê cầu thủ cùng huấn luyện viên ngoại tham gia vào giải J League để học hỏi kinh nghiệm. Từng bước, Liên đoàn bóng đá Nhật bản đã thổi một luồng sinh khí mới cho phong trào bóng đá từ học đường cho đến xã hội. Những bước tiến vững chắc theo từng mốc thời gian đã đạt được, mà cột mốc quan trọng nhất là giấc mơ tham dự giải đấu lớn nhất hành tinh. World cup đầu tiên Nhật được vào vòng chung kết đó là 1998, kể từ sau giải đó họ liên tục đoạt được quyền tham dự ở các kỳ tiếp theo (2002, 2006, 2010, 2014, 2018, 2022)…

Giấc mơ dự World cup của nền bóng đá Nhật thành hiện thực thì cùng lúc giấc mơ bay theo quả bóng tròn trên sân cỏ của biết bao đứa trẻ cũng được chắp cánh. Chúng mang theo giấc mơ mỗi ngày ra sân cỏ và mong muốn trở thành những cầu thủ nhà nghề. Không như cha anh chúng chỉ mơ thành những cầu thủ bóng chày hoặc lực sĩ Sumo. Và chúng còn có ước mơ bay xa hơn nữa, mong muốn trở thành cầu thủ ở những đội banh nổi tiếng trên thế giới, hay trở thành tuyển thủ quốc gia. Cầu thủ đầu tiên của Nhật bản được thi đấu ở một giải nhà nghề là Miura Kazu, anh sang thi đấu cho Serie A của nước Ý. Sau đó nối gót là những hảo thủ khác như Nakata, Nakamura, Honda… Và ở World cup 2022 này, Nhật có đến 19 tuyển thủ đang thi đấu ở các giải mạnh nhất trên thế giới. Nhật đi từ một quốc gia chuyên nhập cảng những cầu thủ trên thế giới đến bây giờ trở thành một quốc gia xuất cảng cầu thủ. Đó là một thành công vượt bậc, một đôi hia 7 dặm tính từ khi khởi đầu của giải J League cho đến nay, vỏn vẹn chưa đến 30 năm. Thời gian ngắn nhưng với sự tính toán khoa học, một chiến thuật khôn ngoan, cộng với lòng nhiệt huyết và trí thông minh vốn có họ đã đẩy nền bóng đá xứ này đi xa hơn là cả mong đợi. Giấc mơ chỉ được tham dự World cup bây giờ biết đâu trở thành giấc mơ nâng cao cả chiếc cúp vàng trên tay. Tuy rằng nghĩ hơi xa vời nhưng biết đâu nó lại đến.

Có ai tiết kiệm một giấc mơ, nhất là một giấc mơ đẹp của những đứa bé. Nghĩ về giấc mơ trở thành cầu thủ bóng đá của những thiếu niên Nhật bản làm tôi chạnh nhớ đến cùng một giấc mơ ấy của những cậu nhóc Việt nam tận thời đâu đó. Giấc mơ có từ rất lâu nếu so với những đứa bé ở xứ mặt trời mọc bây giờ. Tận những năm 60, nếu ai đã từng đọc tác phẩm Bồn lừa của nhà văn Duyên Anh mới thấy được giấc mơ cháy bỏng của những cậu nhóc mê bóng đá xứ mình. Ta hãy cùng đọc một đoạn mà tác giả viết:

” Khán giả đang ngồi, nhất loạt đứng lên, gào la :
– Bravo Bồn lừa!
– Bồn lừa số dzách
– Bồn lừa năm bờ oăn!

Hội tuyển Ba-tây chưa hết ngạc nhiên vì tài nghệ của Bồn lừa thì trọng tài rít còi. Pelé ngẩn ngơ nhìn theo Bồn lừa. Thằng nhóc mới thôi ngậm núm vú mà sao nó cừ thế! (trang 17).

Tài nghệ của Bồn lừa làm cho giới mộ điệu phải hồi hộp ngưỡng mộ qua lời tường thuật của phái viên Huyền Vũ.

“Thưa quý vị, Bồn lừa đã cướp bóng từ đôi chân vàng của quái kiệt Pelé” (trang 24).

Trái tim giới mộ điệu trên khắp nước muốn nổ tung vì xúc cảm qua tiếng thét lớn của phái viên Huyền Vũ:

“Bồn lừa bắn bóng thủng lưới Gilmar mở tỷ số đầu tiên cho Việt-nam. Chúng tôi đang ở phút thứ 25 của hiệp nhì. Việt-nam dẫn trước tỷ số 1-0, Bồn lừa đã phá thủng lưới của Gilmar bằng cú sút lạ lùng nhất thế giới bóng tròn. ” (trang 53).

Đêm ấy Bồn lừa thao thức mãỉ theo giấc mơ chiều. Nó muốn được sống mãi với giấc chiêm bao kỳ thú. Giấc mơ hãy còn dang dở giữa phút gây cấn nhất. “Rồi Ba-tây làm sao giữ được cú sút “trồng cây chuối” của Bồn lừa? Dứt trận đấu, quang cảnh vận động trường Cộng-hòa như thế nào? Đội bóng của nó có bắt Gilmar vô lưới nhặt thêm vài trái nữa không? Quyên Tân-định đúng là thằng oắt vô tích sự. Người ta đang chiêm bao thì nó phá đám” (trang 85).”
(Hết trích)

Giấc mơ đá bại đội tuyển Ba Tây đương kiêm vô địch thế giới, giấc mơ làm cầu vương Pele khóc ròng ngả mủ chào cậu bé Bồn lừa của nhà văn Duyên Anh đã có từ hơn nửa thế kỷ trước. Vậy mà thật buồn, bóng đá xứ mình đến tận bây giờ vẫn ngoi ngóp ở vùng Đông nam Á, thi đấu thường chỉ thắng Lào, Campuchia, dạo gần đây khá hơn chút là cạnh tranh được với Thái, Mã…Những cậu bé mơ mộng ngày ấy bây giờ nếu còn sống cũng đã trở thành những ông lão già nua lẩm cẩm. Họ chắc chắn rất buồn khi giấc mơ của họ mãi vẫn chỉ là giấc mơ. Họ buồn khi thấy nền bóng đá của nước mình như bây giờ, thấy lứa tuổi thanh thiếu niên giờ đây chỉ biết đắm chìm trong những bữa tiệc say, bữa tiệc trắng làm hao mòn sinh khí dân tộc. Thế thì giấc mơ của họ biết bao giờ mới thành hiện thực? Và trách nhiệm của một giấc mơ tan vỡ ấy thuộc về ai đây. Hỏi là đã trả lời…

Nói như vậy thì bạn có thể cho rằng, xứ mình có những mặt hạn chế để bóng đá không phát triển, như chiến tranh tàn phá, rồi bị cấm vận dẫn đến nghèo nàn, vân vân và vân vân… Nhưng các bạn có biết, nước Nhật từng bị tàn phá khủng khiếp vì chiến tranh, nước Nhật là một nơi đã từng xem là chưa biết đá bóng. Có một giai thoại thú vị, thời điểm khoảng những năm 60, đội bóng đá Nhật sang Việt nam đá giao hữu. Kết quả là Nhật thua tan nát, báo giới khi đó nói vui là đội Nhật phải mang theo một cái rổ lớn để hứng banh mang về. Sau trận đấu đó, Liên đoàn bóng đá Nhật tặng cho Việt nam một đôi giày nhỏ bằng đồng. Nhiều người sau này dẩn giải, với món quà đó người Nhật muốn nhắn nhủ rằng, từ một nền bóng đá nhỏ bé một ngày nào đó Nhật bản sẽ vươn vai ra thế giới. Hôm nay thì quả thật, đôi giày tí hon dưới đôi chân của các cầu thủ Nhật bản đã trở thành đôi hia 7 dặm trong câu chuyện cổ tích. Câu chuyện đôi giày Nhật tặng cho Việt nam thời ấy, dù chỉ mang tính giai thoại nhưng cũng nói lên sự ngưỡng mộ đối với tinh thần làm việc và óc sáng suốt của người Nhật.

Những cầu thủ Nhật được ví như những chàng Samurai xanh vì trang phục chính của họ mang màu xanh dương. Tôi nhớ trước đây các đội tuyển thể thao Nhật thường mặc trang phục trắng hoặc đỏ khi thi đấu quốc tế. Nhưng khoảng 30 năm gần đây tất cả đều đổi sang màu xanh. Theo tôi nghĩ, sự chuyển đổi này cũng có nguyên do sâu xa của nó. Phải chăng sau Đệ nhị thế chiến, dưới mắt cộng đồng thế giới thì người Nhật tượng trưng cho chiến tranh, cho độc tài quân phiệt tàn ác. Bởi vậy, chuyển màu đặc trưng cho quốc gia từ trắng đỏ sang xanh cũng là một phần làm nhẹ đi cái nhìn ác ý của thế giới đối với Nhật bản. Màu xanh là màu của hòa bình, của hy vọng. Sau chiến tranh, có lẽ người Nhật là dân tộc mong muốn hòa bình hơn ai hết. Không ai muốn đất nước mình gánh tang thương thêm một lần nữa. Và màu xanh tượng trưng cho khát vọng hòa bình, là tình thương yêu trong thông điệp họ muốn gởi đến thế giới. Riêng với cá nhân, tôi thích màu xanh hơn màu đỏ hay trắng rất nhiều. Màu trắng như tang thương, và màu đỏ như màu máu là một nổi ám ảnh không nguôi mình từng trải qua trong quá khứ. Tôi yêu sắc áo xanh thương yêu và hy vọng của đội tuyển bóng đá Nhật bản hôm nay. Hãy làm nên thêm những chiến tích lẫy lừng nữa hỡi những chàng Samurai xanh dũng cảm!

Tháng mười hai, mùa World cup 2022,
Trương Hữu Hiền

**Khi tôi đang viết dở bài này thì được tin đội bóng Nam Hàn cũng vừa lách qua cửa thật hẹp để tiến vào vòng loại trực tiếp của World cup 2022. Cũng thêm một tự hào nữa cho nền bóng đá Á châu. Nhưng so với chiến tích của đội bóng xứ kim chi thì thành công của con dân nữ thần mặt trời vang dội và mang tính lịch sử hơn nhiều. Nhật bản ở trong một bảng đấu quá khó khăn, và chưa có một đội bóng Á châu nào cùng một lúc đá bại hai anh tài của làng bóng thế giới như Đức và Tây ban Nha.

4 thoughts on “Màu Xanh Hy Vọng”

  1. Hay quá Hiền, bài viết thật sâu sắc và tinh tế! Không hề ham mê thể thao nhưng Hân vẫn đọc một lèo thú vị. Hãnh diện cho người Á đông mình và vui lây với nước Nhật, với Nam Hàn!

    1. Rất vui khi Ngọc Hân đọc hết bài viết có hơi lạc đề với chủ trương của trang web NH này. Nếu hứng thú thì tiếp tục theo dõi World cup 2022 tại Qatar nhé! 🙂 Thân.

  2. Sơn đồng ý. Lần đầu tiên 1 đội tuyển Á châu đá bại 2 đội cựu vô địch. Một thành tích mà VN nằm mơ cũng không dám nghĩ đến. Có người comment online là thành tích bóng đá đi song song với sự văn minh tiến bộ của nước đó. Vậy có nghĩa là CHXHCN VN chưa …Nếu Japan đá bại Croatia, nước vào chung kết 2018, vòng tới thì Sơn không biết nói sao. Nhưng đến lúc này thì chuyện gì cũng có thể xảy ra. Go Japan.

    1. Cám ơn Sơn theo dõi câu chuyện bóng đá của anh. Nếu hứng thú thì tiếp tục theo dõi World cup 2022 tại Qatar nhé! 🙂 Thân.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *