Cái chết của những chàng Samurai

Tối qua đi làm về khá muộn, không như mọi hôm vẫn vô computer đọc tin tức trong ngày rồi đi ngủ. Vậy mà lơ luôn chuyện thường ngày ấy, đánh răng súc miệng là lên giường ngay. Ngủ đâu được 3 tiếng thì mở mắt và không tài nào dỗ giấc lại được. Trận bóng giữa Nhật bản và Croatia sáng hôm qua cứ lẩn quẩn trong đầu, tiếc mãi vì trận thua tức tưởi và buồn ghê khi nhớ đến những giọt nước mắt của những chàng Samurai xanh, những bình luận viên, những cổ động viên và hầu như cả toàn dân Nhật. Thể thao thì một trận đấu thắng thua là lẽ thường, nhưng cái cách thua hôm qua vẫn để lại những tiếc nuối để người hâm mộ buồn bả và tự đặt câu hỏi vì sao Nhật thua khi tài nghệ không thua kém gì Croatia và họ đã dẫn trước 1-0 ở hiệp đầu tiên. Chúng ta thử cùng nhau phân tích, những dòng gõ của tôi chỉ là những suy nghĩ chủ quan và cảm tính của một fan hâm mộ đội bóng xứ Phù tang.

Trong một trận tranh tài thể thao, ở đây nói riêng về bóng đá. Khi tài nghệ giữa hai đội tương đối cân bằng thì kết quả thuận lợi cho đội có sự dày dặn kinh nghiệm hơn của dàn cầu thủ và huấn luyện viên. Hay như từ bình dân mà chúng ta hay dùng là sự “già rơ” hơn.

Và nhìn lại toàn bộ trận đá chúng ta thấy rõ Croatia có vẽ già rơ hơn Nhật bản khá nhiều. Sự già rơ ấy họ học được từ bề dày của những lần tham gia World cup, bằng chiều dài lịch sử của nền bóng đá Croatia. Những cầu thủ và cả ban huấn luyện Croatia đã quá quen với những trận cầu sống mái theo kiểu kéo dài sang hiệp phụ, đội thua cuộc phải xách vali về nước ngay. Nếu so sánh với hai trận đá trước giữa Nhật và Đức, rồi Tây ban Nha thì khác, đó chỉ là hai trận tranh thứ hạng giữa những đội trong cùng bảng đấu, không có tính căng thẳng nhiều so với trận cùng Croatia. Có thề nói, trận đá chiều hôm qua ngoài tài nghệ còn có yếu tố tâm lý để phân định thắng thua.

Và kết quả la Nhật bản thua vì kinh nghiệm trận mạc không bằng đối thủ. Theo suy nghĩ chủ quan của tôi, hai yếu tố quan trọng nhất để Nhật thua Croatia đó là:

Tự đánh mất bản sắc của mình, của một đội chiếu dưới chiến đấu với đối thủ mạnh hơn. Thứ hai là đột nhiên mất đi cái quán tính (momentum) của một chiếc xe đang trên đà chạy. Thay vì càng lúc càng nhanh thì bị khựng lại khi gặp chướng ngại vật.

Cuối hiệp một, đội bóng Nhật dẫn trước 1-0. Khi thời gian trận đấu còn quá dài ở hiệp sau thì Nhật khá lúng túng ở giữa chiến thuật tấn công hay phòng thủ. Nếu Maeda làm bàn ở giữa hay cuối hiệp hai thì câu chuyện đã khác đi. Cả đội sẽ rút về cố thủ, lăn xả trước sự tấn công của đội bạn. Đằng này thì thời gian trận đấu còn quá dài, nguyên 45 phút cuối mà thủ thì có mà chết. Bởi vậy Nhật bỗng trở thành nửa công nửa thủ, chiến thuật không rõ ràng. Và sự lúng túng ấy đã lấy đi lợi thế của Nhật trước một khi Croatia tấn công ồ ạt, và dùng lợi thế chiều cao cầu thủ để đánh đầu kết thúc thành bàn. Khi tỷ số 1-1 thì kết quả ai thắng ai bại đã từ từ rõ nét. Trận đấu sẽ quyết định bằng kinh nghiệm, ai già rơ hơn ai. Rõ ràng khi Nhật bản đánh mất đi tư thế chiến đấu trước kẻ mạnh hơn, và vụt mất cái quán tính của một chiếc xe đang chạy ngon trớn thì vấp ngã là điều tất yếu.

Cái già rơ hơn của Croatia xuất hiện ở hiệp hai, họ bình tỉnh triển khai lối đá tấn công nhưng không vội vã bỏ phòng thủ vì trận đấu còn dài. Họ tận dùng chiếu cao không chiến của những cầu thủ đông âu. Và khi họ gở đều thì vẫn đá vững chắc, họ biết các cầu thủ Nhật đang bị tâm lý tiếc nuối đeo bám. Huấn luyện viên Croatia biết trận đấu kéo dài qua hiệp phụ và cuối cùng là phân định thắng thua trên chấm phạt đền định mệnh thì lợi thế thuộc về họ. Bây giờ thì cái quán tính (momentum) đang nghiêng về đà chạy của Croatia. Tâm lý thua cuộc xuất hiện rõ ràng ở những cú sút phạt đền sợ sệt của những cầu thủ Nhật bản. Họ sút với đôi chân nặng như chì và một cái đầu tiếc nuối và sợ thua.

Chúng ta phải nhìn nhận rằng đội bóng Nhật bản, một đội bóng còn quá trẻ so với Croatia, so với chiều dài lịch sử của World cup, nhưng họ đã thua theo một cách đáng cho người hâm mộ phải thán phục. Họ thua trong tư thế ngẩng đầu, họ chiến đấu sòng phẳng với một đội bóng đang là á quân của giải đấu 4 năm trước. Nhật bản đã thua theo một cách đẹp nhất, một cách lãng mạn nhất của những chàng chiến binh Samurai. Họ gục ngã khi cách cánh cổng thiên đường chỉ một bước chân. Câu chuyện chưa phải là đến gần với chiếc cúp vàng World cup, mà suýt chút nữa Nhật thắng cả 3 đội sừng sỏ của nền bóng đá Âu châu, suýt chút nữa tiễn hai chàng khổng lồ Đức và Croatia về nước. Câu chuyện hôm nay của đội bóng áo màu xanh dương sẽ còn được nhắc lại mãi trong lòng những người hâm mộ họ.

Thôi thì Samurai xanh hẹn 4 năm nữa nếu vẫn tiếp tục được vào vòng chung kết. Bây giờ thì chúng ta lại dõi mắt theo những trận banh sống mái của World cup 2022, những Ba Tây, Pháp, Hòa Lan, Tây ban Nha… sẽ làm say đắm người mộ điệu ở những trận từ vòng 1/8 của giải đấu.

12/06/2022
Trương Hữu Hiền

2 thoughts on “Cái chết của những chàng Samurai”

  1. Nếu người Mỹ say mê theo dõi World Cup bao nhiêu thì người Âu Châu điên cuồng vì FIFA gấp hai, gấp ba lần. Những ngày ở Pháp nghe toàn chuyện đá bóng, đến H cũng phải chú ý theo, nhất là năm nay có hai đội Á Châu tranh tài. Nhờ đọc bài của Hiền nên H cũng hiểu đôi chút về đá bóng lần này. Sáng nay nghe tin tức bình luận về đội Nam Hàn và đội Nhất Bản thua đội Brazil và đội Croatia, phản ứng của người dân hai nước Á Châu như thế nào, lần đầu tiên H mới cảm thấy mình hiểu phóng viên nói gì về đá bóng. Hình như chỉ có lúc coi đá bóng là người dân đồng lòng với nhau nhiều nhất, không ai nhắc đến chuyện chính trị chính em :). Thôi thì “thất bại là mẹ thành công”, “thua keo này ta bày keo khác” vậy. Đọc giọng văn của Hiền cũng cảm nhận được máu nóng của Hiền đang sôi sùng sục như thế nào 🙂

    1. Rất vui khi Như Hòe đọc hết bài viết có hơi lạc đề với chủ trương của trang web NH này. Nếu hứng thú thì tiếp tục theo dõi World cup 2022 tại Qatar nhé! 🙂 Thân.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *