Hai tuần với anh tôi

Cuối tháng mười chị em tôi lại khăn gói về quê ngoại và nội để thăm gia đình. Quê nội và ngoại đây là thành phố Melbourne của tiểu bang Victoria, Úc Châu. Melbourne cách Chicago nơi chị em tôi sinh sống đến một đại dương, hai thái cực, vài mươi giấc ngủ gà ngủ gật trên chiếc ghế ngồi bó rọ của máy bay, hai mươi hai tiếng bay bổng trên không trung, nghìn dặm đường chim bay … Nói cho gọn là đường dài xa thăm thẳm, tầm mắt con người không dõi theo được. Tuy vậy lòng chị em tôi thì vẫn khấp khởi nôn nóng, “đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi” là đây!

Sau hơn ba năm dài ngăn cách vì đại dịch Covid, chuyến thăm Úc này hai chị em chỉ mong muốn được gặp người thân là chính, không hề ham đi đây đi đó để ngắm danh lam thắng cảnh. Nhờ vậy mà cảm thấy thì giờ chậm, chắc và có ý nghĩa hơn. Mỗi sớm mai vừa thích thú vừa khổ sở khi nghe những con chim magpie quanh nhà anh tôi kêu vang “Trời đất ơi trời đất ơi!” Dĩ nhiên không phải mấy cô cậu magpie kêu trời than đất nhưng tiếng hót líu lo của chúng nghe từa tựa như vậy. Có lẽ vì chị em tôi mất ngủ trong tuần đầu mới qua phải thay ngược giờ giấc đêm-thành-ngày-ngày-thành-đêm nên tưởng chim muông cũng muốn chia sẻ nỗi sầu thao thức của mình. Mỗi sáng ba anh em tôi được thong thả làm thức ăn sáng cho nhau, vừa nhâm nhi cà phê trà nóng vừa ôn lại những kỷ niệm đẹp của tuổi thơ trong căn nhà nhỏ ở đường Hoàng Diệu, Đà Nẵng. Anh em tôi được thả bộ quanh xóm hay các công viên gần nhà. Vừa hít thở không khí trong lành vừa rôm rả nhắc lại tuổi học trò ôm cặp táp, mài đũng quần, gò bút tre, gọt bút chì, pha mực tím mực xanh … hồn nhiên giờ ra chơi ở sân trường TTGD Nguyễn Hiền. Anh em tôi được tâm tình chia sẻ đôi ba mối tình dang dở thời Saigon trước khi chúng tôi vượt biển, bỏ tất cả lại sau lưng.

Anh tôi về hưu đã hơn mười năm nay, sống an nhiên tự tại, hài hoà với thiên nhiên. Anh tránh xa thế giới nhanh như điện xẹt và đôi khi ảo của social media như Facebook, Instagram, Tik Tok, v.v. Anh vẫn siêng năng đọc báo qua giấy thật mực thật của những tờ báo mua định kỳ, có người thả tận cổng nhà mỗi sáng. Anh vẫn cần mẫn ghi lại bằng tay những gì xảy ra trong ngày qua những cuốn nhật ký. Anh mê say săn sóc vườn tược, chăm chút cho bao nhiêu là bông hoa rau quả. Trí nhớ của anh rất tuyệt vời, chỉ sau ba tôi một chút thôi. Rành mạch lịch sử/địa lý cộng thêm khiếu kể chuyện dí dỏm nên anh là perfect tour guide, là người hướng đạo dẫn đường giỏi, thao thao bất tuyệt giới thiệu về tiểu bang, về thành phố cho khách phương xa, cho chị em tôi. Lúc nhỏ tôi đã từng cố uốn vặn khớp ngón tay cái để chúng cũng cong vòng như của anh. Tôi mê say chơi lính nhựa màu xanh lục với anh thay vì chơi đồ hàng để được điểm, được anh thương hơn. Tôi bắt chước anh mài giấy báo bằng nắp keng để thả ra đường cho xe cộ băng ngang làm những vòng giấy tròn nhỏ có răng cưa bay tứ tung vui mắt … Bây giờ anh và tôi đã trên 60 hết nhưng tôi vẫn phục anh, vẫn học được vài cách sống lành mạnh, hay hay lạ lạ của anh. Anh yêu chuộng sự giản dị, sống nhàn nhã với thú điền viên.

“Tòa đá Khương công đôi khóm trúc
Áo xuân Nghiêm tử một vai cầy
Thái bình vũ trụ càng thong thả
Chẳng lợi danh chi lại hóa hay” (*)

Ba mạ chúng tôi đã trên 90 hết nên chuyến này chị em tôi chỉ mang sang tặng vài món quà tinh thần. Tôi làm eBook cho những bài viết tự sự về tuổi thơ và thời trai trẻ của ba tôi. Sương lui hui bỏ hình bóng gia đình ở Google Photos vào tablet cho ba mạ tha hồ mở ra ngắm nhìn bất cứ lúc nào nhớ con cháu chắt bên Mỹ. Hạnh phúc nhất là cả nhà dành trọn thời giờ cho nhau, hàn huyên thăm hỏi. Một đêm anh em tôi thức thật khuya với chị Tuyền lớp 12 (**) và anh Triều lớp 11 (**) để ôn chuyện thời Đà Nẵng, thời Nguyễn Hiền. Tuy chị Tuyền anh Triều là chị và anh họ nhưng chúng tôi cùng ngang lứa tuổi, cùng lớn lên với nhau, cùng cắp sách đến trường Nguyễn Hiền nhiều năm tháng nên rất thân nhau. Mỗi người nhớ một vài chuyện, kể cho nhau nghe để cười nghiêng ngả đến chảy nước mắt, vui như chợ Tết xen lẫn chút bùi ngùi nuối tiếc. Anh tôi ôn lại niên khóa học 73-74, trước khi gia đình dọn vào Saigon. Lớp 11 của anh có bốn dãy bàn đôi, ba dãy đầu ngồi được 18 nàng con gái và một dãy cuối là dành cho sáu chàng con trai. Một lần mấy anh không chịu lắng nghe bài giảng, chỉ lo giỡn cười, viết thư tình nhăng cuội nên bị thầy Bồi đổi chỗ ngồi. Thế là mấy anh bị đẩy lên dãy bàn đầu. Lần đầu tiên trong đời bị ngồi gần sát bục giảng, anh tôi cảm thấy nhột nhạt, lông gáy cứ đứng dựng cả lên, tưởng tượng bao nhiêu cặp mắt của phe kẹp tóc đang nhìn vào ót mình tò mò chế giễu! Bốn chị học giỏi nhất lớp của anh là Thúy Loan, Kim Chi, Hương Trường Sơn, Hoàng thị Loan. Con trai thường hay ham chơi nên anh chỉ có đôi lần đứng được hạng năm. Lớp anh trai thiếu gái thừa nhưng các chị dẫn đầu xuất sắc như vậy thì tôi phục lăn, hãnh diện quá đỗi!

Bạn bè thì nhiều nhưng về già anh chị em tôi đều giữ gìn liên lạc với bạn cùng lớp của Nguyễn Hiền. Anh tôi vẫn thân với anh Đệ. Chị Tuyền đang về Việt Nam đi du lịch với các chị Thảo, Hương Võ, Hương Trần. Tháng 6 vừa rồi anh Triều qua Bắc Cali chơi, tình cờ gặp lại anh Thanh Tùng cùng lớp Nguyễn Hiền và anh Anh Tài học trò trường Phan Chu Trinh. Ba anh lên sân khấu gõ đàn guitar, đánh trống và hát um sùm bài T’as le look coco. Làm như dây mơ rễ má không dứt được, hay tại càng lớn tuổi thì càng quý cội nhớ nguồn, muốn quanh quẩn với bạn thuở thơ ấu để được thấy trẻ dại lại, để được náo nức chờ tiếng chuông reng giờ ra chơi của trường Nguyễn Hiền xa xưa thân thương ấy?

Vậy đó, hai tuần với anh tôi trôi qua nhanh như một nháy mắt. Hành lý cho chuyến bay về lại Mỹ làm như nặng tay hơn. Không phải vì chị em tôi mua sắm quà cáp mà là vì những kỷ niệm mới có được với anh được nâng niu đem về. Nếu xài tiết kiệm nhin nhín mỗi ngày thì có lẽ những kỷ niệm đó sẽ đủ cho chị em tôi đến chuyến thăm tới. Đi vào giữa Thu của Mỹ, qua đến hưởng được hai tuần giữa Xuân của Úc. Chị em tôi bị “tổn thọ” mất một ngày khi qua tới Úc nhưng chuyến về lại Mỹ thì lại “hồi xuân” lại một ngày. Hai châu cách nhau 16-17 múi giờ, ngày và đêm trái ngược ngổn ngang nhưng nhờ vậy mà lại thấy tạo hóa đất trời thú vị huyền hoặc hơn, phải không anh Thắng? Anh là thần tượng của tôi lúc nhỏ và cả bây giờ.

Chú thích:
(*) Trích từ bài thơ Thú Điền Viên của Nguyễn Công Trứ.

(**) 1975 được dùng làm mốc thời gian cho các lớp.

Cuối Thu 2022
Cao thị Ngọc Hân

**********

22 thoughts on “Hai tuần với anh tôi”

  1. Hôm nay em mới có dịp vào trang nhà đọc bài văn chị Ngọc Hân kể chuyện Chị và Sương đi thăm anh Thắng. Hay quá chị ơi. Mê lời văn chị tả, từ chi tiết nhỏ đến đề tài chính, “tổn thọ” đến “ “hồi Xuân”, so cute!
    Em vẫn nhớ anh Thắng leading us, ở những buổi chào cờ trong sân trường NH. Em thinks many of us girls had big crush on anh Thắng Trưởng Trường (?) :). Chị Hân cho em gửi lời hỏi thăm anh Thắng và tất cả đại gia đình ạ. Nhất là cô bạn lớp 6 dễ thương của em, Ngọc Sương. Kính mến, em Vũ Đoan Trinh

    1. Anh Thắng mà biết có nhiều người thích mình lúc xưa thì sẽ vui lắm đây. Được Đoan đọc và đọc kỷ, chị cảm động và “hồi xuân” thêm được vài ngày nữa đó. Hì hì. Sẽ chuyển lời thăm hỏi của Đoan sang Úc. Cảm ơn Đoan nhiều!

  2. Đọc bài viết hay và nhiều cảm suc. Mỗi lần bay xa như ri thì cũng on lắm nhưng khi gặp mọi người thân thì quên hết mệt. BL tiếc là không biết anh Thắng. Lần sau họp trường mình, rủ ảnh đi chơi nha. Chắc anh sẽ vui và kể nhiều chuyện “khi xưa ta bé”. Monh được gặp anh.

    1. Cảm ơn Bích Liên đã chịu khó ghé đọc bài. BL bay đây đó quanh năm như chim thì đâu ớn đường dài đâu 😊

    2. Ủa chị BL không biết anh Thắng? Em mà còn nhớ mà. Anh Thắng led cả trường chào cờ, rồi mỗi lần cắm trại là lúc nào anh cũng lên micro gave us instruction…. Such a handsome man….

  3. Giữa trời đông lạnh, ” Hai tuần với anh tôi” được đón nhận như một tia nắng đẹp ,ấm áp đem lại niềm vui nhẹ nhàng, vui cùng chị Hân và Sương được sum họp với hai bác, anh Thắng và gia đình. Bước theo chị vào vườn kỷ niệm thời học sinh của chị. Các kỷ niệm đẹp tựa những cành hoa muôn màu, muôn vẻ khoe sắc trong vườn xuân của tuổi trẻ.
    Cám ơn chị.
    Thu Châu

    1. Comment của Châu làm chị ấm lòng quá! Cảm ơn Châu nhiều. Tuy chưa gặp nhưng qua Sương, chị thấy gần gũi với Châu ghê.

  4. Cám ơn Hân đã chia sẻ. Hạnh phúc chẳng cần phải tìm kiếm xa xôi, chỉ cần mỗi ngày tìm được một niềm vui thôi là đủ rồi phải không Hân?

    1. Đúng ghê đó LP. Những niềm vui đơn sơ nho nhỏ luôn có quanh mình, không cần tìm chỉ cần nhận thấy thôi.

  5. Thì ra học trò N.Hiền có rất nhiều văn sĩ… Cô rất vui và hãnh diện. Cảm ơn Hân về những kỷ niệm ngày xưa.
    Ôi cái TTGDNH sao mà thân thương đến thế… Cảm ơn em, cảm ơn các em.

    1. Được cô chịu khó đọc mấy dòng tự sự của em, em thật là sung sướng và cảm động! Em cảm ơn cô thật nhiều. Lúc xưa nhà em ở đường Hoàng Diệu gần đoạn Chợ Mới, thỉnh thoảng em có ghé Song Khê Thư Quán của cô để mân mê, hít hà mùi thơm của những cuốn sách mới. Cảm giác đó vẫn còn nguyên vẹn trong em cô ơi. Em kính chúc cô thầy luôn vui khỏe bình an.

  6. Gia đình chị Hân và Sương sum vầy ấm áp quá. Hạnh phúc ở đó , không đâu xa . Chúc mừng hai Bác trường thọ . Hình ba anh em chụp đẹp lung linh 😍
    Chị Hân viết giỏi, hát hay, thật tuyệt.

    1. Cảm ơn Phương Điệp nhiều nghe, em khen kiểu ni chị tưởng thiệt lại viết bài thêm, hát hò thêm đó. Hì hì.

  7. Mỗi lần có chuyến đi chơi xa là Hân cho đọc những dòng kể lể thật thú vị. Mừng Hân, Sương gặp lại người thân sau thời gian dài vì dịch bệnh không đi thăm được. Anh Thắng thì hầu như cả trường NH đều nhớ cả. Rất thân thiện gần gũi, là một trong những gương mặt đại diện cho trường ở những sinh hoạt học đường Đà nẵng. Nhờ Hân, Sương gởi lời thăm hỏi đến hai bác và anh Thắng.

    1. Cảm ơn Hiền nhắn gửi lời thăm gia đình bên Úc của Hân Sương. Lúc xưa anh ở mọi ngõ ngách của trường rứa đó mà chừ anh sống gần như ẩn dật, chỉ lo cho cha mẹ vợ con là chính.

  8. Ba anh em “dừng chân trên chiếc cầu soi bóng” đẹp quá.
    Làm V nhớ bài “soi bóng” Hân viết kỳ trước cũng rất hay. Chúc mừng mẹ Hân mẹ Sương được gần gũi với anh Thắng sau bao ngày xa cách. Nhớ viết nhiều nữa hỉ.

    1. Bóng ngày càng ngắn lại nhưng vẫn thích soi để về sau già hơn nữa có kỷ niệm mà săm soi. Cảm ơn Vịnh nhiều. Chờ Vịnh viết thêm bài thì có, trông đó.

  9. Cảm ơn Hân và Sương chia xẻ. TV nhớ anh Thắng ngày xưa đi học thêm thầy Khâm ở nhà anh Phương. Không biết anh còn nhớ không? Thuở xa xưa, TV còn là học sinh tiểu học ở NH.

    1. Anh Thắng còn nhớ được nhiều chuyện của trường lớp Nguyễn Hiền lắm. Mỗi lần anh kể chi, nhắc tới ai là Hân Sương lật đật gõ liền vô phone note để lưu lại. Cảm ơn chị Tường Vi.

  10. Cám ơn Hân đã chia sẻ. Vui với Hân Sương đã có những giây phút vui vẻ hạnh phúc sum vầy với gia đình. Nhớ anh Thắng ngày xưa hô chào cờ cho cả trường. Giọng anh sang sảng đầy nội lực 😇

    1. Cảm ơn Hoè. Chừ thì anh rất nhỏ nhẻ với con gái của anh, chẳng thấy hét hò nhiều nội lực nội công như xưa nữa 😊

Leave a Reply to Vũ Đoan Trinh Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *