BONJOUR MON COUSIN! (1)

Đặt điện thoại xuống, tôi bỗng thấy ngẩn ngơ. Lòng bồi hồi vì mới tìm ra được một “cousin” không biết thuộc hệ nào của gia tộc. Một người anh họ chưa hề gặp mặt. Giọng anh trầm buồn mang nhiều thiện cảm. Tôi cố tạo ra một khuôn mặt để được gần gũi hơn.

“Cousin” của tôi đã được nước Pháp đưa về “mẫu quốc” trong diện con lai vào những năm 1954-1960. Anh điện thoại để mời chúng tôi ăn Tết với nhóm người này.
Ngày hẹn đã đến, chuông gọi cửa vừa reo lên, đang ngồi đọc sách, tôi bật dậy như một chiếc lò xo. Nhìn nhau ngại ngùng: “ Bonjour mon cousin”- “Bonjour ma cousine”. Anh vào nhà. Vốn liếng tiếng Việt của anh rất hạn chế và giọng điệu đã lạc lõng thật nhiều. Quanh quẩn vài câu về máu mủ, gia đình mà chính tôi cũng chẳng biết phải giải thích những liên hệ đó ra làm sao! Lặng im, đứt khoảng, cuộc trao đổi trở nên rời rạc….

Trước đến Chelles, ngoại ô đông Paris, nơi được tổ chức đón Tết, chúng tôi ghé qua thăm nhà anh. Ngôi nhà được xây cất theo lối cổ điển tây phương, cách xếp đặt ngăn nắp, gọn đẹp, nhưng trang trí thì rặc toàn màu sắc Việt nam: trên lưng cặp trâu đen, đối diện nhau trên tủ chè, là hai chú mục đồng ngất ngưởng với cây sáo trên môi. Trên tường là những, bức tranh sơn mài: cành tre lã ngọn bên sông như đón đưa thuyền ghe xuôi ngược, một cụ đồ hí hoáy viết thơ xuân. Ba cô gái của ba miền đất nước bằng tranh ghép gỗ được treo ở cuối phòng, và chính giữa, trên chiếc tủ dài cao nghèo nghẹo là Chân dung Đức Phật, thấp hơn là tượng của ba ông Phước, Lộc, Thọ ngự trị nghiêm trang … Hoàn hảo. Tất cả có một cái gì vừa thiết tha vừa lỗi nhịp. Phải chăng cách trang trí này đã không cho thời gian xoá nhoà trong ký ức anh những kỷ niệm của một thời ấu thơ, và sẽ gợi cho vợ con anh một vài ý niệm khái quát về những tập tục, về phong thổ quê hương.
Đến Chelles chúng tôi hết đỗi ngạc nhiên, vì đây không phải là một cuộc họp mặt đơn giản như anh phác hoạ, mà là một cuộc lễ được tổ chức một cách qui mô. Bạn bè từ bốn phương kéo về, có cả những người Việt sống ở Đức và một vài nước Đông âu nữa, ít ra thì cũng có đến 300 người. Nghe đâu vì tình hình kinh tế khó khăn nên năm nay vắng hơn năm ngoái. Rồi lại có cả hệ thống truyền hình quốc gia A2 đến ghi hình nữa. Tôi cảm động đến lặng người vì vừa khám phá ra một cọng đồng khác, một cộng đồng có liên hệ máu mủ với dân tộc Việt – dù chỉ có 1/2 , 1/3, 1/4 hay 1/5 mà thôi. “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Để ý làm chi cái nhóm máu đang lưu hành trong huyết quản, điều quan trọng ở đây là nhóm máu ấy vẫn còn giữ được hình ảnh của một nước Việt trinh nguyên.

Qua câu chuyện tôi được biết là sau khi về Pháp, bọn họ được tập trung về Touraine(2) để đi học. Hè đến, trong sân trường chỉ còn lại bọn họ, không cha không mẹ, không bà con thân thuộc, họ quây quần bám lấy nhau để sống, và chỉ sống nhờ vào những kỷ niệm (3). Không khí hôm nay rộn ràng tình huynh đệ.

Lòng tôi rưng rưng khi nhìn vào những khuôn mặt: già có, trẻ có, phần lớn không hằn dấu một gốc gác nào: Vì khuôn mặt họ mang những nét đặc thù: Âu thì chẳng ra u, mà Á thì cũng chẳng ra Á. Sự pha trộn chủng tộc làm cho những khuôn mặt ấy có những nét đặc thù, ngây ngô, đẹp và cảm động.

Âm nhạc trỗi dậy cho cuộc vui bắt đầu. Từng cặp, từng cặp họ vừa vui đùa vừa nhảy nhót, vừa trò chuyện nhỏ to. Hầu như tất cả đều quen biết nhau. Các bà vợ đầm làm dâu ráo riết gắp tiếp cho chồng và cho khách từng miếng ngon, họ kể lại những kỷ niệm của chồng họ cho chúng tôi nghe như là những kỷ niệm của chính họ vậy. Rồi xổ số tombola, rồi bánh chưng xanh, thịt mỡ,dưa hành, rồi rượu đỏ, rượu trắng….Tối nay, không gian này mang hình ảnh các buổi giỗ tổ của các giòng tộc lớn mà ta thường thấy ở Việt-nam: con cháu bốn phương rần rật kéo về.
Tôi nghe lỏm được một vài câu chuyện thật mủi lòng. Bà gia của một chị đầm nọ, trước lúc từ trần trối lại là bà muốn nghe những khúc hát của quê hương. Tang lễ được cử hành với những bài hát mà bà cụ ưa thích, tuy lời ca chẳng ăn nhằm gì với không khí tang chế, nhưng nghe đâu họ vừa hát vừa khóc. Chỉ tưởng tượng thôi tôi đã thấy nghẹn ngào….

Một anh kỹ sư , với giọng trầm buồn đã tâm sự: “cuộc đời của chúng tôi đã dừng lại ở tuổi mười ba, mười bốn…Tuy lớn lên, học hành và lập nghiệp ở nơi này nhưng lúc nào mình cũng có cảm tưởng như bị đi đày. Và chắc chị cũng biết câu thơ của một thi sĩ nào đó mà tôi đã quên tên: “l’exilé, partout est seul” (4). Nhiều khi tôi tự hỏi: mình làm gì ở đây khi suốt đời chỉ biết lo làm, lo ăn rồi lo ngủ, sự thật ở xứ này chẳng thiếu thứ gì, chỉ thiếu thì giờ để ngủ…Có lúc gặp khó khăn với cấp trên, tôi nhắm mắt lại, thả hồn về quê xưa, mặc cho ông ta múa may, quay cuồng, không một lời nào lọt vào tai tôi, lòng tôi bỗng trầm xuống và dịu lại, như sương mai dưới ánh mặt trời và nhờ thế tôi tránh được nhiều cuộc cãi vã bất lợi.”
Một thái độ vừa cao siêu, vừa ngạo mạn.

Tụm năm, tụm ba đâu đâu cũng nghe họ kể lại dĩ vãng, những ngày tháng êm đềm xa xưa. Họ nhắc đến các món ăn, những trò chơi non trẻ như thả kiến trên lá tre vào những lúc trời đổ mưa. Một người nào đó cao hứng đọc luôn mấy câu thơ làm tôi ngạc nhiên đến giật mình:

Có hai em bé học trò
Xem con kiến gió đi đò lá tre…
(Bên sông: Nguyễn Bính 1937).

Rồi từ đó anh thao thao bất tuyệt về các loại kiến, về các trận mưa thối đất ở miền Trung, chị vợ kiên nhẫn mỉm cười nhìn anh như thầm bảo:”biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, vì hình như câu chuyện này cứ được lặp đi, lặp lại, mỗi khi anh nhắc đến Việt nam.

Chẳng thấy một ai nhắc đến vấn đề chính trị. Tôi hỏi họ về các hiệp hội, về báo chỉ có liên quan đến quê hương, họ lơ đãng lắc đầu. Hình như với họ những điều này không mấy quan trọng.

Tôi bỗng thấy hiểu biết của mình thật hạn hẹp. Cho đến bây giờ tôi chỉ biết cộng đồng người Việt được chia ra làm hai khối: Bên ni, Bên nớ. Nhưng hôm nay trong cuộc lễ cuối năm này tôi vừa khám phá ra được một ng đồng khác chẳng ở bên nào hết mà họ cũng yêu nước như ai, họ yêu theo lối của họ, một lối yêu thầm lặng, vững chãi mà không cần hô hào, cổ võ. Một lối yêu trong suốt như “như nước trong nguồn chảy ra…”. Ôi đẹp làm sao!!!!.

Tháng tư này, trong bọn họ sẽ có một đoàn gồm 40 người trở lại Việt nam lần đầu tiên. Tôi cảm thấy lo lo. Biết đâu nước Việt với “hai mươi năm nội chiến từng ngày” sẽ làm mất đi những hình ảnh trinh nguyên của tuổi Mười ba?
Đêm nay Paris dày đặc sương mù, tôi nhắm mắt lại để hình dung ra một khung trời rực rỡ của một tháng tư, nắng chói chang trên phi trường Tân sơn nhất, một con chim sắt khổng lồ vừa hạ cánh, các cầu thang được lăn đến để đón lấy những bước chân của đàn chim Việt thanh thản đặt xuống đất mẹ, sau ngót 40 năm xa cách. Xa xa như thoảng nghe đâu đây giọng hát thiết tha: “Tổ quốc ơi có bao giờ đẹp như hôm nay…”

Phan Tam-Khê
Paris ngày 20/01/92

1)Bonjour mon cousin: chào người anh họ
2)Một thành phố gần trung tâm nước Pháp
3)Hội của những người này có tên là: Association FOEFI.
4)Kẻ đi đày đâu đâu cũng thấy mình cô độc.

3 thoughts on “BONJOUR MON COUSIN! (1)”

  1. Cảm xúc của cô đẹp quá, lôi cuốn từ đầu chí cuối! Nghe thương khi biết họ nghĩ mình bị đi đày nhưng vẫn yêu nước nhớ nhà, vẫn sống lạc quan và ý nghĩa. Cảm ơn cô đã chia sẻ. Em chúc cô thầy Giáng Sinh an lành.

  2. Dạ cô ơi! Đọc bài viết của cô thật thú vị. Em biết thêm được một cộng đồng mang một phần máu mủ Việt nhưng không ở trong dòng chính. Thật cảm động khi cảm nhận được những tâm tư của họ, những nhớ thương rất Việt mà chưa chắc một người Việt gốc gác 100% nào đó có tất cả được. Cám ơn cô thật nhiều. Nghĩ đến chuyện không rành về mạng internet mà cô vẫn cố gắng tìm tòi thêm để gởi những sáng tác cho em, cho học trò Nguyễn Hiền thì quá đáng quí. Mong cô thầy đón một mùa Giáng sinh thật an lành.

  3. Cám ơn cô đã chia sẻ. Thật cảm động. Con cũng chưa bao giờ biết đến nhóm người này. Coi như đã được mở mang thêm kiến thức 🙏

Leave a Reply to Nhuhoe Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *