Mùa Giáng Sinh Cuối Cùng

Khi tôi đang viết những dòng chữ này thì Giáng sinh đã cận kề. Cây thông trước tòa nhà thị chính như mọi năm đã được trang hoàng rực rỡ. Dọc theo con đường Main dẫn vào trung tâm thành phố những trụ đèn gắn giả bóng nến đã được thắp sáng lung linh khi nắng vừa tắt. Không khí đã tưng bừng mùa lễ. Những hồi chuông từ ngôi giáo đường Sacred Heart phía bên kia thành phố báo hiệu giờ lễ chiều. Tiếng chuông ngân vang giữa bầu trời đông căm rét, ngân xa qua những tàng cây trụi lá trống toát, để nó lại càng bay xa hơn nữa. Tít tận. Cuối cùng âm thanh nghe như dội lại từ một cõi xa mù nào đó. Tận hôm qua, hôm kia. Tận đâu cái mùa Giáng sinh năm ấy…

Trước Giáng sinh năm 1979, tôi từ Sài gòn đáp xe lửa trở về Đà nẵng với một tâm trạng thật hoang mang. Tôi bây giờ thuộc thành phần vô gia cư thứ thiệt, giấy tờ tùy thân không có, sổ hộ khẩu đút túi vì chẳng biết nơi đâu mà đặt xuống để “đăng ký” trú ngụ. Cả hai năm trời loay hoay đi hết chỗ này đến chỗ kia kiếm đường vượt biên, vắng mặt lâu nên trường lên danh sách được nghỉ luôn, vậy cũng tiện để mình dứt khoát hơn. Cầm tờ giấy hộ khẩu nhà trường trao lại, tôi chẳng biết tính sao, ở lại thì không được vì mình chỉ là dân tạm trú diện sinh viên ở thành phố này, về Đà nẵng thì chỉ có nước đi lao động tập thể nơi công truờng nếu may mắn thoát “nghĩa vụ quân sự”. Tôi nán lại Sài gòn để đợi những chuyến đi khác, nhưng rồi cũng chẳng tới đâu. Gia đình dì tôi lo vì tự dưng trở thành nơi chứa chấp một người sống bất hợp pháp, dì và mấy anh chị họ tuy không nói ra nhưng có vẽ e ngại. Rồi một ngày tôi nhận được tờ điện tín của ba tôi, chỉ là thăm hỏi nhưng nội dung hiểu ngầm là nên về Đà nẵng, nơi gần biển để dễ tìm một tổ chức tính chuyện ra khơi hơn.

Không mua đuợc vé xe đò vì làm gì có giấy phép đi lại, tôi ra ga Bình Triệu Thủ Đức chui hàng rào, rồi nhảy lậu tàu lửa Thống Nhất về Đà nẵng. Gian nan mấy ngày nằm lăn lóc trên sàn nhơ nhớp, mỗi lần thoáng thấy bóng nhân viên soát vé lại phải trèo ra ngoài treo mình tòn ten trốn. Rồi cuối cùng tôi cũng về đến quê nhà. Nhưng chưa hết chuyện đâu. Bấy giờ nếu tôi về thẳng nhà mình ở đuờng Ông ích Khiêm thì rất nguy hiểm, chung quanh hàng xóm sẽ đặt dấu hỏi về tình trạng cư trú của tôi. Thêm điều ngán ngẫm nữa là nhà tôi lại nằm đối diện với đồn công an phường Hải Châu 2, hằng ngày thấy mấy cặp mắt cú soi mói bên kia nhìn qua thì quá là sợ hãi. Vậy là tôi quyết định kêu xe thồ chạy thẳng về nhà ngoại tôi trong kiệt (con hẻm) đường Thống Nhất (nay là đuờng Lê Duẩn), nơi ít ai biết mặt tôi, xem như một người khách đến viếng.

Xóm nhà ngoại cũng là nơi quá quen thuộc với chị em tôi. Từ nhỏ cho đến khi lớn lên, hể có dịp là tôi chạy ra đây ngay vì ham gặp mấy cậu và những bạn hàng xóm nhà ngoại. Ra nhà ngoại tôi thuờng được mấy cậu dì cưng vì mình là vai cháu, cho dù hai cậu cuối còn nhỏ tuổi hơn cả tôi. Chơi trò gì với mấy cậu thì tôi cũng đuợc nhuờng nhịn. Bởi vậy không khoái sao được.

Nhưng tôi hôm nay đến ở nhà ngoại với một tâm trạng khác, tâm trạng của kẻ cư trú bất hợp pháp trốn tránh, luôn dè chừng với những gặp gỡ chung quanh. Xóm nhà ngoại tôi lúc đó lại có một tên công an khu vực hắc ám, tôi nhớ tên là Lê Lụa (?), khét tiếng hung thần. Tên này hay bất ngờ đến viếng nhà kiểm tra sổ hộ khẩu gia đình, nếu nó khám phá ra tôi ở đây thì sẽ có chuyện ngay. Mấy tháng trời, ban ngày tôi lang thang chỗ này chỗ nọ trong thành phố, tối về kiếm chút gì ăn rồi chui lên gác ngủ. Đời bây giờ bế tắc buồn tênh, ngoại trừ những lúc mơ mộng tuởng tuợng về một chân trời mới phuơng xa.

Biết tình trạng của tôi nên mấy cậu dì thuơng cảm, không những che giấu mà thỉnh thoảng còn dẫn đi ăn sáng uống cà phê, có hôm bao cả một tô bún bò nóng hổi. Cái thời bao cấp xã nghĩa hồi đó ly cà phê, chén chè, tô bún, vài ký gạo có giá trị lớn lắm, gia đình ngoại bao bọc tôi như vậy là cả một tình thuơng hy sinh cho đứa cháu trong lúc nguy khốn.

Gần năm tháng trời ở nhà ngoại, ngày đi chạng vạng tối về đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm khó quên. Cuối năm đó tôi đón Giáng sinh ở nhà ngoại, mùa Giáng sinh cuối cùng tôi còn ở quê nhà. Những ngày gần lễ tôi nằm trên căn gác, nghe văng vẳng tiếng chuông nhà thờ đổ, nghe râm ran tiếng đọc kinh của nhà sát bên. Tôi buồn thảm. Đêm Chúa ra đời, tôi rít hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác. Nhớ những Giáng sinh bao năm truớc, nhớ cây Noel rực sáng nhà mình, nhớ hội hè truờng lớp, nhớ Đà nẵng một thời nay xa vợi… 

Lúc đó nhà ngoại thuờng trực chỉ có cậu cả và cậu út tôi. Cậu Nhân lớn nhất đã có vợ con, cậu út tên Giáo thì vẫn còn đi học. Riêng cậu Long thì đi dạy học xa thành phố, cậu áp út Hồ thì đang đi bộ đội. Hai cậu giữa thi thoảng mới về nhà. Mỗi lần có đầy đủ mấy cậu ở nhà thật vui. Nhớ nhất những tối kiếm đâu ra ít đuờng, ít nếp thì nấu một nồi chè nhỏ. Mấy cậu cháu xúm nhau trên gác vừa xì xụp ăn chè vừa thay phiên nhau chiếu phim kiếm hiệp bằng miệng. Mấy cậu tôi mê đọc truyện chuởng lắm. Và lúc này những đuờng kiếm hư chiêu, những ngọn chuởng lồng lộng trong Lộc Đỉnh ký, Cô gái Đồ long, Anh hùng xạ điêu, Thần điêu đại hiệp… bỗng đâu phóng ào ào từ trên căn gác lưu đầy nhà ngoại. Truớc 75, tôi không thích đọc kiếm hiệp lắm. Sau cái ngày “giải phóng” miền nam tôi lại tìm đọc. Có lẽ những biến động ngoài xã hội làm mình tìm không ra một đuờng đi, một lối thoát thì đắm chìm trong những nhân vật hư ảo của Kim Dung cũng làm vơi nỗi khổ tâm, tuyệt vọng.

Cậu út Giáo.

Nhớ ông cậu út của tôi. Trong bốn nguời cậu, thì cậu út Giáo có tính ngang tàng hơn cả. Ít nói, lì lợm. Ra đuờng thấy chuyện bất bình là nhào vô binh vực nguời yếu thế ngay. Anh em, cháu chắt đi đâu về nhà mét có nguời ức hiếp là đi kiếm kẻ gây chuyện xử đẹp. Cậu út tôi lúc đó duờng như cũng không thiết tha đến chuyện học hành. Dĩ nhiên là điểm hạnh kiểm duới mái truờng kiểu XHCN thuộc loại hạng bét.

Có một lần đi học về, cậu kêu tôi tới nói nhỏ. Chuyện là cậu và mấy ông bạn thân ngang tàng, gây gỗ với đám cán bộ “đoàn” trong lớp. Vậy là thầy chủ nhiệm lớp đưa giấy mời phụ huynh lên nói chuyện. Ông ngoại mất sớm khi cậu tôi còn nhỏ xíu, hai bà ngoại thì quá già. Phụ huynh của cậu út là mấy cậu lớn hơn. Nhưng cậu út đâu dám thưa chuyện lại. Vậy là nảy ra sáng kiến, cậu nhờ tôi đại diện làm phụ huynh để dự buồi họp “đấu tố”. Cậu út nhỏ hơn tôi đến 5 tuổi nên thầy giáo tin ngay. Đâu biết phụ huynh lại là cháu ruột của anh học trò ngỗ nghịch. Trong cuộc họp tôi cũng đứng lên xin lỗi thầy chủ nhiệm, và hứa sẽ về khuyên nhủ dạy dỗ lại cậu tôi. Hôm sau cậu kiếm tiền dẫn tôi đi ăn nhậu no nê. Tiếng đồn tôi đóng vai phụ huynh tuyệt vời, vậy là có thêm vài ông bạn cùng hoàn cảnh với cậu lại nhờ tôi đóng vai anh cho những lần họp kiểm điểm lớp. Tôi lại có thêm những chầu bún bò hay cà phê sáng. Mỗi lần nhớ đến câu chuyện giả làm phụ huynh đó tôi lại muốn bật cuời thành tiếng. Đó là câu chuyện bí mật mà tôi hứa với cậu phải giấu kín. Vậy mà hôm nay tôi thất hứa kể ra đây. Nay cậu tôi cũng không còn trên duơng gian nữa. Chắc ở một nơi nào đó cậu cũng chẳng nỡ quỡ trách chi đứa cháu không giữ lời này.

Chuyện với cô bé Hà.

Lúc đó kế bên nhà ngoại có cô bé tên Hà. Rảnh rỗi, ngồi trên gác nhìn sang tôi hay thả thính ghẹo mấy câu cho vui. Cô ấy hiền nên chỉ biết cuời, lâu lâu cũng chịu khó trả lời vài ba câu vu vơ. Vậy là trong mấy tháng trời trốn chui trốn nhũi tôi vẫn còn có niềm vui nho nhỏ là thỉnh thoảng đuợc nói chuyện bông đùa với cô bé hàng xóm nhà ngoại. Cũng có chút quyến luyến. Hôm chuẩn bị rời nhà ngoại sang bãi Mỹ Khê ra khơi tôi có nói lời từ giã cô ấy. Hà buồn. Buổi chiều cô bé chuyển sang cho tôi tờ giấy nhỏ viết mấy chữ, Hà nói sẽ cầu nguyện với Chúa cho tôi đuợc ra đi thành công, đến nơi bình yên, và nhớ là đừng quên Hà. Cô bé làm tôi cảm động cho tới bây giờ. Nghe đâu, Hà bây giờ cũng đã sang Mỹ định cư.

Cậu Nhân tôi.

Trong mấy nguời cậu có lẽ mẹ tôi quí cậu cả nhất. Chắc có lẽ mẹ vẫn theo nếp gia đình quí trọng con trai lớn nhất trong nhà. Mẹ biết ông ngoại quí cậu nên sau này ngoại mất thì mẹ cũng dành nhiều tình thuơng cho cậu. Cậu Nhân tôi cao to, đẹp trai, bản tính hiền. Cậu lấy vợ sớm, năm tôi về trốn nhà ngoại thì cậu đã có vợ hai con.

Hồi trốn trên gác nhà ngoại thì cậu thỉnh thoảng mua bao thuốc lá hay ổ bánh mì cho tôi. Cách vài hôm tổ chức vuợt biển kêu đi, cậu chở tôi đến một cái quán ăn khá xa nhà. Quán chuyên bán món bánh tráng đập dập cuốn thịt heo ba chỉ. Món này duờng như chỉ có ở vùng Quàng nam Đà nẵng quê tôi. Bánh tráng nuớng dòn, phủ thêm một lớp bánh tráng uớt mềm, cuốn phía trong là thịt heo ba chỉ và vài loại rau dân giã. Cuộn bánh chấm vào chén mắm nêm đưa vào miệng thơm phứt ngon. Ngon đến bây giờ nhớ lại vẫn còn thèm. Lúc đó thiếu thốn mà đuợc ăn như vậy là quá đã, hai cậu cháu làm một bữa giã biệt no nê.

Trong bữa ăn, cậu cháu nhắc lại những kỷ niệm hồi xưa. Hồi cậu vẫn còn độc thân hay ra nhà chở mấy cháu đi chơi. Cậu buồn khi biết tôi ra đi chưa biết bao giờ gặp lại, và những hiểm nguy đang chờ đón. “Một lần đi là một lần vĩnh biệt”, nhứt chín nhì bù đánh đổi mạng sống. Cậu khuyên tôi có sang đuợc nuớc ngoài thì cố gắng học hành trở lại. Cậu hy vọng nhiều về tuơng lai của đứa cháu bao năm gần gũi. Giọng cậu buồn ruời ruợi. Nay thì cậu Nhân tôi cũng chẳng còn. Tôi nhớ cậu lắm. Chắc cậu ở một nơi nào đó cũng không nỡ trách chi đứa cháu mà cậu luôn kỳ vọng về chuyện học hành, vẫn chưa bao giờ làm được điều như cậu mong muốn.

Mấy hôm sau tôi mang theo túi đựng thêm bộ quần áo “xơ cua” xuống bến Bạch Đằng, tôi buớc xuống chuyến phà qua bờ bên kia sông Hàn. Tôi ngậm ngùi nhìn lại thành phố thân thuơng một đời của mình. Tiếng máy tàu, tiếng sóng vỗ, tiếng xe cộ trên đuờng, vài cánh chim trời bay lượn. Trong tâm hồn tôi lúc bấy giờ là cả một trạng thái phức tạp, trộn lẩn giữa những nôn nao, lo lắng, buồn bã. Biết bao giờ mình trở lại nơi đây…

Hôm nay, giữa chốn quê nguời thêm một mùa Giáng sinh nữa lại về. Trời lạnh hẳn, tuyết đầu mùa đã rơi nhẹ hôm qua. Tôi ít ra khỏi nhà hơn trừ lúc đi làm. Cuối tuần, pha một ly cà phê, mở vài bản nhạc Giáng sinh, ngồi nghe và suy nghĩ mông lung. Rồi bất chợt tự hỏi lòng, mình còn có quê hương hay không? Nếu quê hương theo nghĩa thông thường là nơi ta sinh ra, ta lớn lên và có ở nơi đó quá nhiều kỷ niệm. Một thứ quê hương theo nghĩa đen vật lý, những con đường, hàng cây, góc phố. Thì rõ ràng tôi đã đánh mất nó. Tôi biết chắc mình chẳng có lối nào quay về nữa.
Nhưng nếu quê hương là một nơi để mình thương để mình nhớ thì chắc chắn nó vẫn còn hiện hữu mãi trong tôi. Có lẽ nó càng đẹp đẽ hơn vì không bao giờ thay đổi nữa. Nếu một lần nào đó ta về bên ấy thì có còn nhận ra những con đường xưa lối cũ mà tìm ra kỷ niệm? Vậy sao không để nó nằm yên nguyên vẹn trong ký ức, trong mường tượng, có khi lại hóa hay.

Mùa Giáng sinh năm 1979 vẫn còn nằm đâu đó trong trí nhớ tôi. Ngôi nhà ngoại đường Thống Nhất, những buổi tối vui với mấy cậu trên căn gác nhỏ. Lần giã từ Đà nẵng tưởng như lần cuối. Ánh mắt buồn của ba mẹ, lời nhắn nhủ của cậu Nhân tôi, vài dòng trong lá thư chúc bình an của cô bé tên Hà. Mấy muơi năm mà mớ ký ức ấy có lúc nằm xuôi, có lúc chạy nguợc trải dài thay nhau bám víu lấy cuộc đời tôi. Làm sao quên nỗi, chúng như những ám vàng khói thuốc trên hai đầu ngón tay, thứ nhựa vàng lâu ngày bám mãi không thể nào tẩy xóa để phai đi.

Truơng Hữu Hiền
Một ngày sắp Giáng sinh, 2022

4 thoughts on “Mùa Giáng Sinh Cuối Cùng”

  1. Không tưởng được Hiền đã có những tháng ngày sống mà phải trốn chui trốn nhủi khổ cực như vậy! H đọc mà cũng thấy hồi hộp theo, cứ sợ bắt gặp dòng chữ Hiền bị công an đến xét nhà … cũng may là cuối cùng Hiền đã được vùng đất tự do. H nghĩ nếu cậu Nhân biết được con người của Hiền hôm nay thì sẽ rất hãnh diện về cháu của mình, những đóng góp của Hiền cho gia đình và xã hội 🙏 Biết ơn những đóng góp của Hiền cho bạn bè Nguyễn Hiền nói riêng 🙏

    1. Cám ơn Như Hòe đọc bài viết và có lúc hồi hộp theo câu chuyện trốn tránh công an của Hiền. Có lẽ đó là những năm tháng khó quên nhất trong cuộc đời Hiền. Đánh đổi cả mạng sống để đi tìm tự do thì làm sao quên được. Bạn bè ở lại sau 75 của tụi mình cũng có nhiều người trong tình cảnh khó khăn như vậy.
      Chúc Hòe và người thân một Giáng sinh thật an lành và nhiều may mắn.

  2. Nhiều kỷ niệm với Đà Nẵng nhiều cảm xúc, viết hoài vẫn còn lôi cuốn người đọc đó Hiền! Nhưng trốn tránh công an mà lại để cô hàng xóm nhà ngoại biết thì đúng là “dại gái”. Hì hì.

    1. Cám ơn Hân đọc một bài viết có vẻ khô khan và mang tính cách cá nhân. Dại gái là một cái tật chớ không phải bịnh thì muôn đời vẫn vậy, không khỏi nổi. Biết sao… 🙂

Leave a Reply to Nhuhoe Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *